Chúng tôi quen nhau trong một sự tình cờ đầy may
mắn vào một ngày đầu thu Hà Nội năm 2005. Qua tiếp xúc, sự am
hiểu của anh về đất nước, lối sống và con người Việt Nam của
anh đã đưa chúng tôi đến cái đích của tình yêu: một đám cưới
nhỏ gọn, ấm áp tình cảm của gia đình hai bên nội ngoại vào
mùa xuân năm 2008.
Tôi về London sinh sống và xây dựng cuộc sống
cùng chồng đã gần ba năm. Đến nay, mái nhà nhỏ của chúng tôi
đón thêm một thành viên nhỏ tuổi David Thành. Tuy mang quốc tịch
Anh của bố từ lúc lọt lòng nhưng cả gia đình chồng tôi, ai
cũng muốn gọi David bằng tên tiếng Việt dễ thương, dù đó chỉ
là tên đệm. Khoảng thời gian ba năm không phải là ngắn cũng
không phải là dài nhưng đủ để tôi nhớ mảnh đất hình chữ S nhỏ
xinh của Tổ Quốc. Nhất là khi không khí Tết đang tràn về trên
khắp các ngả đường ngõ xóm của Việt Nam. Từ ngày quen nhau cho
tới khi kết hôn, chồng tôi và tôi thường xuyên ăn Tết cùng gia
đình tôi ở Việt Nam.
Người Việt Nam sống ở bên này không nhiều, phần
lớn là các cô, các chú người Sài Gòn, rời Việt Nam sau năm
1975, các cửa hàng của người Việt Nam cũng rất khiêm tốn chứ
không nhiều như ở các nước Pháp, Mỹ, Canada, Australia.
Mùa xuân đầu ở London cũng là lần đầu tiên tôi
được tận mắt chứng kiến cảnh tuyết rơi trên nước Anh. Tuyết
đọng lại trên các cành cây thật đẹp mà cũng buồn thật đấy.
Những bông tuyết rơi không hiểu vì sao chợt gọi lại trong tôi
một nỗi nhớ nhung da diết. Tôi nhớ cái rét của Việt Nam, nhớ
bánh chưng xanh và nhớ hoa đào ngày Tết.
Tự sâu trong ký ức của tôi tràn về những hình
ảnh, kỷ niệm đón tết về khi tôi và chồng tôi còn ở Việt Nam
cùng bà, bố mẹ, các em, chú dì. Nhà bố mẹ tôi ở gần chợ nên
tôi nhớ như in khoảng thời gian mà Tết đến chỉ còn tính theo
từng ngày, từng giờ. Giờ đây, những hình ảnh đó đọng lại
trong tôi như những kỷ niệm đẹp lặng lẽ đi về trong tâm tưởng
như một giấc mơ. Một giấc mơ mà tôi mong nó là hiện thực ngay
tại lúc này.
Hình ảnh chợ đông ngày Tết, nhất là trước Tết
hai đến ba tuần. Chợ đông vui hơn hẳn ngày thường và càng đông
hơn khi học sinh được nghỉ học để chuẩn bị đón Tết. Ngày
thường chợ còn có chỗ trống để mọi người có thể dùng phương
tiện của mình vừa đi vừa mua sắm nhưng cứ mỗi độ Tết về, chợ
chật đông người, hoa quả và hàng hóa khác.
Tết đến gần cũng là những ngày bố mẹ tôi bận
hơn ngày thường. Đêm nào bố mẹ cũng thức tới khuya làm hàng
để ngày mai dậy sớm đi chợ Tết bán. Bố mẹ bán hàng hương –
vàng – mã, mẹ thường tự tay cắt cắt, dán dán hàng hóa như mũ
giấy, ngựa giấy, voi giấy, quần áo giấy, ủng giấy... cho ngày
tiễn ông Công, ông Táo. Đến chợ, mẹ không quên đốt nhang thơm
tại quầy hàng nhỏ cuả mẹ. Mẹ có duyên bán hàng nên mẹ bận
lắm, quầy hàng nhỏ của mẹ lúc nào cũng có khách vây thành
vòng trong vòng ngoài. Mẹ bận đến nỗi không có thời gian để ăn
lấy một chiếc bánh rán vàng cho tới khi chợ tan.
Mẹ à, con biết đã bao ngày như thế, con không
thể nhớ nổi. Ngoại tóc đã ngả màu bạc trắng nhưng thương mẹ
nên hễ ngoại dậy là tất tưởi lên chợ giúp mẹ con mình soạn
sửa hàng. Lớn lên, ba đứa chúng con hiểu nỗi vất vả, lo toan
cơm nước gạo tiền của bố mẹ vì gia đình và tương lai con cái.
Vì thế, mỗi độ Tết về, năm nào tụi con cũng chia nhau ra làm
hai, đứa thì phụ mẹ, cùng mẹ chở thêm hàng vào chợ và cùng
bà phụ giúp mẹ bán hàng từ sáng sớm tinh mơ gà gáy cho đến
khi chợ tan. Đứa thì ở nhà vừa giúp bố bán hàng vừa phụ thêm
trông xe đạp, xe máy cho khách hàng. Đứa thì làm thêm hàng do
khách hàng của gia đình gọi điện đặt và lo cơm nước.
Con còn nhớ, cứ Tết sắp về là lại có người
mang hạt tiêu ra chợ xay để bán. Mùi thơm cay của hạt tiêu – gia
vị không thể thiếu trong chiếc bánh chưng xanh truyền thống làm
con nhớ lại câu chuyện cổ tích Lang Liêu bánh chưng, bánh dày
mà mẹ và bà thường hay kể cho chúng con nghe.
Không khí Tết còn được tô điểm thêm bằng sự
xuất hiện của những cành lộc đón xuân. Hoa đào, quất Tết,
cành bồng bồng xanh rờn được các lái buôn tập trung tại một
chỗ. Những cành hoa đào phơn phớt hồng đầy nụ và hoa được mang
ra từ miền rừng núi xa cách chợ chừng 10 đến 50 cây số. Những
cây quất Tết màu sắc vàng rực cuả quả, màu xanh của lá và
màu trắng của hoa với đủ kích cỡ, giá cả cũng được mang về
chợ từ những làng hoa ở ngoại thành Hà Nội. Rồi thì hàng
bán lá dong xanh để gói bánh chưng Tết. Những ngày này, đâu đâu
cũng thấy một màu lá dong xanh. Những người lái buôn thường
dùng đến cả xe tải cỡ lớn để chở lá từ những miền xa xôi về
chợ nên họ đến chợ từ sáng sớm. Nhà mình gần chợ nên thường
hay nghe tiếng còi xe lùi vào chợ của họ đánh thức.
Những mặt hàng khác như hàng gạo nếp, gạo tẻ,
hàng đỗ xanh, hàng khô bán miến khô, nấm hương, mộc nhĩ, hạt
sen, rồi hàng bánh kẹo, mứt tết, rượu bia, nước ngọt.... cũng
tô điểm thêm cho ngày này bằng các hộp đóng gói có hình cành
đào lộc đầu xuân. Hàng hoa quả cũng nhộn nhịp hẳn lên, nhà
nào cũng mong có một nải chuối to đẹp bày biện trên ban thờ
tổ tiên cho đủ ngũ quả với nhiều ý nghĩa tâm linh, mong ước
một năm mới bình an, đầy đủ.
Tiễn ông Công, ông Táo về Trời vào ngày 23
tháng Chạp rồi cũng đến. Nhà nào cũng quét quét, dọn dọn,
dẹp dẹp tân trang nhà cửa. Sau thờ cúng, nhà nào cũng mang cá
chép ra thả sông, thả hồ mong cá đưa ông Táo, ông Công đến với
trời. Sau ngày này, người lớn thì bận rộn mua mua sắm sắm thêm
các thứ cần thiết, từ nén nhang thơm cúng tổ tiên đến đồ ăn
thức uống cho tươm tất. Trẻ con thì theo bố, theo mẹ đi chơi chợ
Tết mong muốn được bố mẹ mua cho quần áo đẹp, giày dép mới
và thầm mong Tết đến từng giây từng phút để diện đồ mới, khoe
quần áo mới khi Tết về.Còn nhà mình năm nào cũng sắm Tết
muộn hơn hàng xóm vì tụi con cũng xăm xắn vào làm hàng, bán
hàng cùng bố mẹ tới tận ngày 29 – 30 Tết.
Con vẫn nhớ, khi nhà nào nhà nấy chuẩn bị gói
bánh chưng, gói giò, chả, nhà gói giò, chả thì rộn lên những
tiếng chày giã thịt chát, chát. Con nhớ nhất vẫn là những
giây phút được tham gia gói bánh chưng cùng bà, mẹ, các cô, các
chú, các cậu, các mợ khi con mới tám hay mười tuổi. "Người
nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình", trẻ con rất thích
thú khi được giao cho công việc ngồi lau lá dong cho sạch nước
để bà, cậu, mợ, chú dì gói bánh, rồi vừa gói vừa nói
chuyện, nhắc lại chuyện năm cũ, những kinh nghiệm năm cũ và dự
kiến kế hoạch cho năm mới.
Con vẫn nhớ cảm giác được cùng các cậu, các
dì ngồi trông nồi bánh chưng xanh bên bếp lửa hồng cách đây cả
gần hai chục năm khi con còn nhỏ, khi mọi gia đình còn dùng
cành cây khô làm củi, dùng lá khô, vỏ lạc, vỏ đỗ, mùn cưa và
một chút dầu để đun nấu bánh. Vì thế, nấu bánh chưng cần rất
nhiều thời gian, có khi là hai ba đêm nấu bánh tuỳ theo số
lượng gói và kích cỡ nồi nấu bánh... Ngày ấy, con thường
trông bánh cùng các cậu, các dì, có khi con ngủ gật, mọi
người lặng lẽ để con ngủ vì con còn nhỏ tuổi. Có khi nửa đêm,
bà dậy đi xuống bếp xem bánh nấu thế nào, bà chỉ đánh thức
các cậu, các dì nhưng con cũng bật dậy vì háo hức nên thức
luôn. Rồi con lại cùng cậu, dì hì hụi thổi lửa bếp bằng
miệng: phù, phù, phù... và cứ thế cho đến khi trời sáng và
cho tới khi nồi bánh được nấu chín. Con trẻ chúng con luôn háo
hức mong đợi Tết về để được ăn bánh chưng, mặc quần áo mới
và nhận tiền mừng tuổi.
Tết lại sắp đến rồi, con nhớ những ngày này
lắm vì con giờ ở xa quê. Con không sao cầm được nước mắt, nước
mắt của sự nhớ nhung chiếc bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành.
Nhớ kỷ niệm thủa con lúc còn nhỏ cùng bà, cậu, mợ, dì gói
bánh. Nhớ hình ảnh bố mẹ thức khuya dậy sớm đi bán hàng chợ
Tết, nhớ hình ảnh chợ Tết đông vui, nhớ mùi hạt tiêu cay
mắt... Nước mắt của sự tiếc nuối vì ngày tháng trong ký ức
mơ về quê hương đó đã không là hiện thực trên đất nước Anh nơi
con đang sống.
Tết sắp đến, gia đình con bên này cũng đi chợ
Tết, nhưng chỉ là chợ Tết của người Hoa kiều. Đèn lồng đỏ
treo mọi nơi, rồi thì múa lân, múa rồng cũng nhộn nhịp đấy,
nhưng con vẫn thấy trống trải vì không tìm đâu được hình ảnh
của mẹ và bà, bố và các em bận rộn bán hàng Tết, mùi của
nén hương nhang thơm của mẹ, mùi thơm và vị cay của hạt tiêu,
càng không có cành hoa đào phơn phớt hồng đầy nụ và hoa hay
quất Tết, cũng không có màu xanh của lá dong gói bánh chưng.
Con nhớ Tết đến cồn cào.
Bố mẹ cũng biết tính con, con là đứa con gái
cứng đầu, khó bảo và không dễ dàng từ bỏ ý định. Để sống
cùng những kỷ niệm thủa ấu thơ và để đỡ nhớ không khí Tết ở
nhà mình, con đã quyết định tự tay gói bánh chưng ăn Tết ở
London. Mọi nguyên liệu để gói bánh mua ở đây thật dễ vì con
có thể tìm được gạo nếp, đỗ xanh ở cộng đồng người Hoa kiều,
còn các nguyên liệu khác để gói bánh: thịt lợn, hạt tiêu...
thì rất dễ mua.
Tuy nhiên, mua lá dong gói bánh vẫn là một trở
ngại mà tới giờ con vẫn không thể mua được. Lướt mạng Internet
một hồi, con tìm được cách gói bánh chưng bằng lá chuối tươi.
Nghe thật lạ tai đấy, nhưng có còn hơn không, con tự nhủ. Tìm
mua ở đâu đây? Chỉ khi nào tìm được lá gói thì mới mong có
bánh chưng xanh ăn cho đỡ nhớ nhà, con đành hỏi chồng con. Yêu
vợ, thương vợ vì nhớ quê và chính anh cũng từng ăn Tết ở Việt
Nam vài lần, anh cũng muốn được ăn bánh chưng xanh của quê vợ
Việt Nam. Anh hăng hái, nhiệt tình đưa con đi tìm lá chuối để
gói bánh chưng ở các cửa hàng của người hoa kiều, con hi vọng
sẽ tìm được lá chuối tươi.
Lặn lội tìm kiếm cả ngày trời trong trung tâm,
con thẫn thờ, mệt mỏi và nản chí vì không cửa hàng nào có
lá chuối. Lá để gói bánh mà họ có là lá tre khô, lá măng khô
loại to bản. Có loại bánh họ gói với nguyên liệu gần giống
với bánh chưng thì họ gói theo hình tam giác, nhân bên trong chỉ
có một ít gạo nếp, một chút đỗ xanh, một miếng thịt nhỏ
bằng hai đầu ngón tay, lại còn có vài con tôm khô nhỏ nước
ngọt được cho vào làm nhân nữa chứ. Thật chẳng giống với bánh
chưng xanh truyền thống của Việt Nam gì cả. Con thầm nhủ và
bật khóc. Chẳng lẽ một ước mơ nhỏ nhoi mà con hi vọng là được
ăn một miếng bánh chưng truyền thống trên quê chồng lại khó
thực hiện đến thế sao?
Động viên con, anh nhà con chợt nhớ ra một cửa
hàng khác của người Trung Quốc nằm tách biệt hoàn toàn với
trung tâm mua sắm của người Hoa và ở một quận khác của London,
con lại quyết chí đi và hi vọng sẽ tìm được lá chuối để gói
bánh chưng. May sao, họ còn sót lại hai tập lá chuối tươi. Cảm
giác như người đang chết khát giữa sa mạc được cho nước uống,
con mừng lắm. Vậy là giấc mơ được ăn bánh chưng xanh truyền
thống trở thành hiện thực rồi. Con nhủ thầm, từ giờ sẽ được
ăn bánh chưng rồi, Tết nào cũng sẽ gói vài cái ăn cho đã
miệng.
Biết nơi anh nhà con công tác còn có một đồng
nghiệp người Sài Gòn, chú tên Giang, nên năm đó, con gói sáu
chiếc, một chiếc tặng cho gia đình chú Giang làm quà vì gia
đình chú xa Việt Nam hơn ba mươi năm nay. Một chiếc tặng cho cơ
quan của chồng để mọi người cùng ăn Tết Việt, hai chiếc con
làm biếu mẹ chồng và anh em gia đình chồng, hai chiếc còn lại
cho con và ông xã nhà con ăn Tết đầu xuân. Biết kế hoạch thế,
anh nhà con cũng mừng ra mặt, anh hỏi con các công đoạn làm
bánh chưng, rồi cũng săm sắn bắt tay vào cùng vợ mua gạo, đong
gạo, ngâm gạo, ngâm đỗ, mua thịt, hạt tiêu.... chuẩn bị gói
bánh chưng.
Một chiếc con tặng cơ quan của chồng con làm
quà, người nào theo đạo Hồi, không ăn thịt lợn thì đành cắn
răng chịu thiệt. Người nào không theo đạo Hồi thì ai cũng khen
ngon và nói rằng "bánh chưng thật ngon mà đậm đà đầy hương
vị". Còn gia đình của chú Giang, sau Tết, chú ghé tai chồng con
cảm ơn và nói rằng đó là cái bánh chưng ngon nhất mà chú
từng được ăn kể từ ngày xa Việt Nam.
Con gọi điện về chúc Tết bố mẹ và gia đình ở
Việt Nam, mẹ hỏi con có mua được bánh chưng không? Con đã kể
cho bố mẹ và mọi người nghe chuyện con gói bánh chưng bằng lá
chuối ở London. Bố mẹ cười thật giòn, vui và tự hào. Gia đình
chồng con ai cũng có dịp ăn bánh chưng Tết. Mọi người ăn bánh
chưng ai cũng khen ngon và lạ miệng, đậm đà hương vị mà lại
vừa có ý nghĩa, mang nặng tình cảm gia đình, khi con kể cho
mọi người nghe truyền thống gói bánh chưng của người Việt Nam
vào mỗi dịp Tết về vì Tết cũng là dịp đoàn tụ gia đình của
người Việt, giống như Lễ Giáng Sinh ở Anh và các nước Châu Âu.
Hơn ai hết, các thành viên trong gia đình chồng con còn có dịp
hiểu hơn về văn hóa Tết của Việt Nam. Mọi người trong gia đình
chồng con ai cũng mong có dịp cùng vợ chồng con sang Việt Nam
thăm bố mẹ và ăn Tết Việt ở Việt Nam mình.
Tết Tân Mão năm nay sắp đến, con sẽ cùng chồng
con và bé David Thành ăn Tết với bánh chưng xanh, dưa hành... Đây
là cái Tết đầu tiên của David, con mong sao David có cơ hội
được đón Tết đầu đời ở Việt Nam cùng bà, bố mẹ, cậu dì và
họ hàng. Lớn lên, con cũng sẽ dạy cho David và các con của con
nguyên liệu, cách làm, cách gói, nấu bánh chưng Tết và văn hóa
Tết của người Việt cũng như cho chúng nhận tiền mừng tuổi
Tết vì đó sẽ là một phần văn hóa dân tộc Việt Nam mà các con
của con cần được biết, học tập, tôn trọng và giữ gìn.
Nhân dịp năm mới Tân Mão sắp đến, xin gửi tới mọi người, mọi nhà lời chúc an khang thịnh vượng.
Mai Thị Nguyệt