Ảnh minh họa
Con đường từ hang Ông Hổ dẫn lên tu viện Chân Không, hai bên là cốc thất,
chủ nhân đều là những người già thích tu với núi rừng, thích chia sẻ sự hiu
quạnh của rừng cây nội cỏ. Cốc của Sư cô tôi nằm gần các cốc nhỏ kia, bên nay
tụng kinh bên kia nghe, bên nay có làm một món bánh đơn giản nào đó, ới một
tiếng cho bên kia đưa dĩa qua hàng rào nhận phần. Vui vẻ, dễ thương, thân tình
như trong đại gia đình. Ngoài giờ thính pháp văn kinh, mỗi bà già một cây gậy
lọc cọc theo đường núi, về cốc mình để chiêm nghiệm suy nghĩ lời dạy của Hòa
thượng. Những hình ảnh của cuộc đời quá khứ đủ mặn, lạt, ngọt, cay... hòa quyện
với gió biển, với lá tràm reo vi vút, khi tan vào trời không, khi cuộn lại nằm
yên đâu đó trong góc ký ức.
Tôi thường về thăm Lão mẫu vào
dịp bãi trường, ra hạ hay bãi trường Tết. Có khi rủ theo vài huynh đệ đồng
liêu, khi thì rủ theo cô bạn thân thời trung học. Hằng mất mẹ sớm, thương Sư cô
như mẹ, Sư cô cũng thương Hằng như tôi, vì là bạn cắp sách đến trường suốt bảy
năm. Sư cô thương hình ảnh mấy cô học trò nhỏ, nói cười vô tư, chưa biết gì về
ghềnh thác cuộc đời. Nghe tin Sư cô cất cốc ở trên núi, Hằng rủ tôi vào thư
viện, lục tìm những mẫu cốc thất tranh tre lý tưởng có vườn cỏ xanh, có một
chút khe núi, cây cầu nhỏ bắc ngang vừa một bước chân chim. Thực tế, cốc của Sư
cô chỉ có mái tôn lợp trên mấy cây trụ sắt, chung quanh là đá núi, nằm gọn một
bên đường dốc lên Chân Không.
Với tôi, đó là nơi an trú đẹp
nhất, bình yên nhất không đâu bằng. Cho tới sau này rời xa, thỉnh thoảng tôi
vẫn thấy mình về đó, nằm võng đọc sách, bày ra bộ đồ trà trên tảng đá trước
sân, rủ đám hoa mắc cỡ, giàn đậu rồng trên hàng rào hay mấy chùm nhãn lồng
hoang dại vào ngồi chơi.
Chiêm bao hay mộng mị là biểu
hiện của một phần nào tâm thức giấu kín. Bình thường tôi không thấy mình nhớ
thương Lão mẫu lắm. Tôi đọc sách Phật, thuyết giảng đạo lý nghe như giải thoát,
tôi làm tất cả việc rộn ràng. Nhưng trong góc khuất của tâm, y nhiên còn một
nỗi nhớ. Thường nhiều nhất là tháng Bảy mùa Vu lan. Nơi chốn quê nhà, nơi chốn
trở về bao giờ cũng có Lão mẫu. Cũng như người hay kể cho tôi nghe về quê
ngoại, về bà ngoại đã sống ra sao, thương yêu đùm bọc con gái thế nào... Quê
nhà của Lão mẫu luôn có bà ngoại, quê nhà của tôi luôn có Lão mẫu. Vào những
ngày mưa tháng Bảy, những mùa thu mây giăng và lá chuyển, chốn quê xưa cứ tự
nhiên ra đi vào những giấc chiêm bao.
Tô Đông Pha viết về tình tự của
mình đối với quê nhà.
“Thập niên sanh tử lưỡng mang
mang
Bất tư lương
Tự nan vong”.
Mười năm sanh tử đôi đường
Dù không nghĩ đến vẫn thường
chẳng quên.
Đó là điều không thể dùng bất cứ phương cách gì, dù
không nghĩ vẫn khó có thể quên. Vì là hình ảnh của mẹ.