Nhưng điều đáng buồn hơn, sự vô cảm này dường như
không dừng lại trước ngưỡng cửa mỗi gia đình Việt mà nó đã len lỏi vào
tận bên trong. Chuyện buồn tôi kể với các bạn sau đây là chuyện hoàn
toàn có thật tôi vô tình một lần chứng kiến nhưng vẫn chưa định nghĩa
được nó là gì - vô cảm hay vô ơn?
Một lần tôi ghé chơi nhà ông người quen, thấy ông nằm còng queo như
một xác chết dưới sàn lạnh đang nghiến răng ôm cẳng chân. Thì ra ông vừa
ngã và chân lại đau nên vẫn chưa dậy được. Ông đang bị viêm khớp chân
nhưng không muốn phiền người nhà giúp chuyện vệ sinh cá nhân nên ông cố
gắng lết vào nhà vệ sinh. Không may va đúng chỗ đau, ông ngã xuống bậc
thang nhưng may chỗ đó chỉ 2 bậc và nằm đó. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì
thấy lúc đó bà vợ ông vô tư ngồi xem TV đang chiếu một bộ phim Hàn Quốc.
Điều trớ trêu là bộ phim bà đang xem lại là bộ phim về quan hệ gia đình
hay tình yêu tình ghét gì đó. Bà vợ vẫn thản nhiên đi qua đi lại chỗ
ông nằm trên sàn như không có chuyện gì xảy ra rồi lại chú mục vào bộ
phim. Tôi hỏi ông ngã từ lúc nào, bà cho biết cách đó 30 phút. Tôi giúp
ông dậy thì bà vợ bảo để ông ấy nằm thế cho ... mát và nói ý như là ông
ấy giả vờ.
Thế mà xưa kia, tôi biết khi bà vợ ốm đau mà con còn bé, ông chính là
người chăm sóc cho bà gần tháng trời. Tôi không biết bà vợ ông có học
được điều gì qua bộ phim này hay không? Tôi nghĩ thầm: "Nước đổ đầu vịt
thôi!" Hóa ra con người thật của bà khác hẳn với vẻ bên ngoài.
Khi chưa về nghỉ hưu, cũng như nhiều đàn ông khác thời đó, ông
cố gắng có được căn nhà và cùng vợ mình lo cho mấy đứa con ăn học tử tế.
Thời trước thế cũng là cố gắng lắm rồi. Đúng là 'của chồng, công vợ',
nhưng tôi biết gia đình này được như ngày nay chủ yếu là do ông. Mỗi khi
ai nhắc đến chuyện đó, ông thường cười một cách tội nghiệp: "Thôi thế
là mình cũng hoàn thành 'nhiệm vụ chính trị' rồi."
|
Ông bố Nga bị con gái xích vào cây để được "dạy cho một bài học".
Ảnh: Website của Công tố viên Trưởng Nga
|
Nay khi đã về hưu, trợ cấp hưu trí hàng tháng ông đưa nguyên vẹn hoặc
gần như nguyên vẹn cho vợ. Tất cả những chi phí cho cá nhân như chuyện
hiếu, hỷ, thi thoảng uống tách cà-phê hay cốc bia với bạn bè, thậm chí
thuốc bệnh đều từ tiền ông làm thêm. May là nơi này nơi kia vẫn tín
nhiệm và sử dụng chuyên môn vốn có của ông nên ông có nhiều việc và vẫn
có đồng ra đồng vào. Có lẽ ông tìm cách giấu nỗi buồn vào trong công
việc làm thêm theo đúng nghĩa cho vui. Gặp ông những lúc đó, ai cũng
thấy ông cười tươi và "hào hoa phong độ", nhưng họ đâu biết rằng ẩn
trong con người ông là một nỗi buồn miên man. Duy có một lần ông kể với
vẻ buồn buồn: "Khi còn khỏe, đi làm thêm có thu nhập khá tiền đưa cho bà
ấy thì bà ấy rất vui vẻ và chẳng thấy bao giờ ghi chép gì nhưng nay khi
có ít thì bà ấy lại ghi chép thu chi từng ngày rồi đôi khi cố ý trưng
ra trong tầm mắt tôi."
Là người quen, tôi chợt băn khoăn cho ông sau bao năm lao động nếu
ông bị bệnh nặng thì cần có khoản tiết kiệm nào đó. Ông hạ giọng đáp vẻ
bí mật: "Một con số với dãy số không khá dài đằng sau." Tôi nghĩ mừng
cho ông tiết kiệm được nhiều triệu thì cũng tạm yên tâm. Ông hài hước
tiếp: "Giá như đứng đầu dãy số không ấy là một số ... khác không."
Trước kia, khi ông còn đi làm thêm và thu nhập được cao hơn, tôi thấy
ông được chăm sóc khá chu đáo. Ông nói một cách hài hước: "Tôi là bò
kéo xe. Không kéo được xe nữa thì mang mổ thịt."
Dạo này ông thỉnh thoảng sưu tầm những câu chuyện viết về lòng trung thành của loài chó để đọc. Tôi giới thiệu với ông bài Diễn văn hay nhất thiên niên kỷ [1]
được khá nhiều báo đăng tải. Mỗi khi đọc bài này, mắt ông trĩu xuống
hoặc nhìn xa xôi. Thấy vậy, tôi mua tặng ông đĩa DVD phim nói về chú chó
Hachiko[2] mà từ đó ông cứ xem đi xem lại rồi thỉnh thoảng gật gù: "Chó đúng là bạn tốt nhất của con người".
Có lẽ ông muốn tự khuyên mình rằng cuộc đời xưa nay vẫn thế để khỏi
thất vọng? Nhưng tôi không thấy bao giờ ông phàn nàn về chuyện buồn
riêng đó. Có lần ông bảo: "Người Á đông hay tin vào số, cái số mình nó thế thì phải chịu thôi."
Thời hôn nhân do xếp đặt của cha mẹ đã qua lâu rồi. Các đôi vợ chồng
ngày nay đến với nhau ban đầu đều bằng tình yêu. Đôi khi họ đến với nhau
bằng cả tình yêu mù quáng. Nhưng chính sự vô cảm chứ không phải cái gì
khác đã cắm cái bia mộ lên tình yêu giữa hai người. Thật xót xa cho tất
cả những ai có hoàn cảnh như ông.
Rồi môt hôm ông vu vơ hỏi tôi thông tin về các trung tâm chăm sóc người già. Tôi hiểu ông đang nghĩ gì.
Với cha mẹ thì sao? Ngoài đời cũng nhiều chuyện thương tâm lắm. Gần
đây, ông bố 87 tuổi bị các con chối bỏ trách nhiệm chăm sóc và bị bỏ
ngoài vỉa hè phố Núi Trúc (Hà Nội), con trai đánh đập mẹ đẻ ... chỉ là
vài ví dụ thêm vào câu chuyện vô cảm, vô ơn ... đang gặm nhấm dần xã hội
Việt Nam hiện đại.[3]
Chuyện đau lòng như thế không chỉ xảy ra ở xã hội việt Nam. Trang Nước Nga Ngày nay
(RT) mô tả trường hơp ông bố bị con đẻ của mình xích ở ngoài sân như
sau "Người con gái đem Mikhail ra sân rồi xích ông cụ vào một cái cây
bốn ngày liền dưới sức nóng mặt trời lên đến 40oC. Để 'làm
dịu' sự đau đớn của người cha, người con gái mang cho ông cái đệm cũ để
nằm. ... Khi bị cảnh sát đến, ông cụ đang trong cơn co giật. Người con
bị bắt nhưng dường như không hiểu vì sao mình bị bắt. Con gái của
Mikhail nói xích cha để 'dạy cho ông một bài học'"[4]
Không biết có bao nhiêu gia đình ở Việt Nam hiện nay thấy phảng phất
hình bóng mình trong những câu chuyện trên đây. Tôi mong chuyện buồn đó
chỉ là chuyện muôn một.
Ngạn ngữ Anh có một câu "Tình thương bắt đầu từ trong nhà". Đúng,
tình thương phải bắt đầu từ trong gia đình. Trong nhà đã không còn tình
thương thì làm sao có tình thương với xã hội!
-------------
1 http://quocteviet.com.vn/?Tab=9&catn_id=4&subn_id=0&n_id=57
2 Hachiko: A dog's story
3 http://laodong.com.vn/Xa-hoi/Sao-no-danh-dap-me-gia-hoi-ong-can-bo/84304.bld
4 http://rt.com/news/old-man-chained-heat/; http://www.bbc.co.uk/news/world-europe-14394562