Từ những câu chuyện bâng quơ của người dân Huế, đến những lời
đồn đại trên các trang web, mạng xã hội của khách du lịch bốn phương,
lời nguyền như nhập sâu vào tâm thức của bao người yêu nhau.
Chuông chùa gột rửa bụi trần
Chùa Thiên Mụ hiện có 2 quả chuông. Một quả chuông được đúc vào năm
Canh Dần (1710) đặt trong một ngôi nhà bát giác phía bên trái tháp Phước
Duyên nhìn từ ngoài cổng vào. Chuông cao 2,50m, đường kính miệng
1,40m, cân nặng 3.285kg. Trên chuông có khắc bài minh của chúa Nguyễn
Phúc Chu chú nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Chuông này
hiện nay chỉ được đặt như một pháp khí của chùa mà không đánh. Còn
tiếng chuông Thiên Mụ từng được nhắc đến trong ca dao, là từ chiếc
chuông được đúc vào năm Gia Long thứ 14 (1815), đặt trên lầu chuông bên
trái cổng chùa dẫn vào điện Đại Hùng.
Chuông Thiên Mụ cấu thành từ một hàm lượng hợp kim đặc biệt, lại
mang trong mình giá trị tâm linh nên tạo nên âm sắc vang xa, bay vút lên
trời cao thấu đến lòng người, khiến tâm thanh thản, giũ sạch bụi trần.
Dù bị đồn đoán bởi lời nguyền nghiệt ngã nhưng chùa Thiên Mụ vẫn tấp nập khách tham quan
Nhà vua cũng cho xây dựng hai tiểu đình trước Nghi môn để dựng bia đá
khắc bài minh Thiên Mụ chung thanh. Bài minh có đoạn: "Bách bát hồng
thanh tiêu bách kết. Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên". Nghĩa là: "Một
trăm lẻ tám tiếng chuông tiêu tan trăm nỗi oan kết muộn phiền. Ba ngàn
thế giới tỉnh ba duyên".
Thượng tọa Thích Trí Tựu, trụ trì hiện nay của chùa cho biết: "Từ xưa
đến nay, chuông chùa vẫn đánh mỗi ngày hai lần, lúc 19h30 và 3h30
sáng. Mỗi lần đánh trong thời gian 60 phút, bằng 108 tiếng chuông để
xóa đi 108 nỗi phiền muộn trong thế gian. Khi được hỏi về con số 108,
vị hòa thượng điềm đạm cho biết: Theo giáo lý nhà phật, chúng sinh
trong tam giới (gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới) đều có chung
bát khổ (sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ, oán
tằn hội, ái biệt ly khổ và cầu bất đắc khổ). Từ căn bản của 8 điều khổ
sẽ dẫn đến 108 nỗi phiền não được chia nhỏ theo trạng thái tâm lý tình
cảm. Và trong mỗi tiếng chuông đều mang theo tâm nguyện từ bi gửi gắm
đến chúng sinh, giải tỏa những nỗi oan khiên, chán chường.
Duyên cớ lời nguyền nơi cổ tự
Chuyện kể rằng, khi chúa Nguyễn vẫn còn cai trị vùng Đàng Trong, và
tình yêu đôi lứa vẫn còn nằm trong sự sắp đặt của cha mẹ, có cô gái con
nhà quan danh giá, xinh đẹp đem lòng yêu một chàng trai mồ côi, lại
nghèo khó. Mối tình vụng trộm của họ như con thuyền trắc trở không bến
đỗ vì bị gia đình nhà gái ngăn cấm quyết liệt. Quá đau khổ, đôi trai gái
cùng nhau ra sông Hương tự vẫn, vì những tưởng sống không đến được thì
chết sẽ bên nhau mãi mãi. Nhưng trớ trêu thay, khi trái tim chàng trai
đã ngừng đập dưới đáy sông Hương sâu thẳm, cô gái lại may mắn dạt vào
bờ và được những người địa phương tốt bụng cứu sống. Gia đình cô gái
tìm về, ép nàng lấy một vị quan nhất phẩm trong triều mà họ đã nhắm từ
trước. Thời gian trôi qua, cô gái cũng dần nguôi ngoai nỗi buồn về
người yêu cũ, thuận lấy chồng và sống một cuộc đời vinh hoa. Chờ người
yêu mỏi mòn không thấy, oan hồn chàng trai uất hận cho số phận bất trắc
của mình, bèn lang bạt vào chùa Thiên Mụ ngự trước mặt sông Hương, thề
độc sẽ phá những đôi tình nhân đến đây viếng chùa. Có lẽ vì tích đó mà
người ta truyền miệng nhau rằng, những ai còn cô đơn đến đây thành tâm
cầu nguyện sẽ gặp được người thương, còn nếu có người yêu mà dắt nhau
tới chùa, ắt sẽ chia lìa tan tác.
Gặp nhóm bạn trẻ sinh viên trường Đại học sư phạm Huế cùng lên thăm
chùa, các bạn thành thực cho biết: "Chúng em nghe nhiều lắm rồi về lời
đồn đó, nó có thật hay không chẳng ai lý giải rõ ràng cả. Nhưng nếu nghe
kể đôi tình nhân nào đó yêu nhau đến chùa Thiên Mụ rồi về đứt tơ
duyên, người ta càng khẳng định lời nguyền trên ứng nghiệm(!?). Còn
những ai vẫn hạnh phúc vẹn đầy thì lời nguyền này chỉ xem như câu
chuyện đùa được thần thánh hóa, thêu dệt mà nên, tin hay không là tùy ở
mỗi người mà thôi".
Phúc - họa ở chính mình
Đức Phật có câu: "Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn"- đại ý
rằng, con người là chủ của mình, không là nô lệ của ngoại cảnh. Và, một
trong các giáo lý của phật giáo là Lý duyên sinh. Mọi sự, mọi vật đều
do nhiều duyên hợp lại mà thành, hết duyên thì mất.
Phật giáo cũng lại có câu: "Trên trời, dưới trời chỉ có ta là tối
thượng”. ý nghĩa là không có thượng đế nào sinh ra ta, không có đấng tạo
hóa nào sinh ra ta. Câu nói đó còn mang một ý nghĩa khác, ấy là cuộc
đời của ta như thế nào: Sướng hay khổ, giàu hay nghèo, hạnh phúc hay bất
hạnh tất cả đều do ta quyết định. Phật cũng muốn chỉ cho chúng sinh
thấy rằng, con người phải bắt đầu với chính mình, mọi việc trên cuộc đời
này là tự mình làm, tự mình quyết định lấy mình. Nếu không tự giác ngộ
lấy, thì những điều phù phiếm, xấu xa sẽ chi phối, dắt dẫn khiến chúng
ta trở nên ngu muội mà thôi. Vậy thì ắt hẳn, lời nguyền kia có ứng
nghiệm hay không, là bởi cái duyên của mỗi người mà thôi. Nữa, là nếu
tình yêu đôi lứa nếu đủ chân thành và sự cố gắng nỗ lực vun đắp từ hai
phía thì dù khó khăn, cách trở mấy cũng có thể vượt qua.
Từ xưa đến nay, người ta tin tưởng đạo phật là đạo từ bi, là đạo hiền
lành, đạo vị tha. Vì sự tin tưởng đó, cho nên khi đến chùa, tự nhiên
cảm thấy mình gần với đức phật. Chuyện kể, trước đây có một ông Đốc học ở
Tiền Giang dẫn một đoàn học trò của mình ra Huế. Sau khi viếng thăm
một số chùa, ông buột miệng: "Đi đến chùa rồi, tôi thấy đây là một chỗ
tắm gội linh hồn của dân thành phố. Có lẽ chính bởi nhịp sống xô bồ,
ồn ào, đầy rẫy bon chen khiến con người mỗi lần đến chùa thì tâm hồn sẽ
được gột rửa được buồn bực, chán nản. Lối kiến trúc độc đáo, mộc mạc
đã khiến cho chốn cổ tự mang lắm nét trầm mặc, tĩnh tại. Con người trần
tục đến đây, ngắm nhìn những di vật xa xưa, đắm mình trong cái không
gian thoáng đãng, xanh mát của đất trời, cỏ cây, cũng thấy lòng mình
thanh thản đến lạ thường".
Xin được mượn 4 câu thơ của nhà thơ Huyền Không để kết thúc chuỗi bài viết này:
"Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm.
Chuông hôm gió sớm trăng rằm,
Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi."
Mái chùa che chở hồn dân tộc như bao đời nay người ta vẫn nói. Thế
nên, không có nghĩa lý gì khi người ta phải tin vào những lời nguyền
không rõ gốc tích, phải vậy không?
Nguồn: Đời sống Pháp Luật