Đi lễ thì lúc nào cũng được. Nhưng sáng mồng 1 Tết
là thời khắc đặc biêt của năm mới nên đến cầu phúc cho gia đình và con
cháu sang năm mới có nhiều hạnh phúc, niềm vui.
Đêm giao thừa, nhiều dòng người đổ đi lễ chùa một
mạch từ đêm, tới sáng bảnh mới lục tục kéo nhau về. Trước lễ Phật, lễ
Thánh, sau về nhà lễ gia tiên. Những miền đất Phật, đất thánh như chùa
Hương, Yên Tử, đền Bà Chua kho ngay rạng sáng mùng 1 Tết, đã nô nức
những dòng người trảy về.
Chùa Hà – cầu duyên
|
Chùa Hà còn được biết đến với một cái tên khác – Chùa Tình yêu Ngôi chùa thiêng cho những người cầu tình duyên. |
Nếu như những ngôi chùa khác tập trung nhiều tầng
lớp trung niên, các cụ ông cụ bà, đến để giải hạn, để lễ bái, thì chùa
Hà được đông đảo học sinh, sinh viên biết đến với một cái tên khác –
Chùa Tình yêu. Họ đến đây để cầu duyên.
Đây là ngôi chùa nằm trên địa bàn phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy
được nhiều người dân Hà Nội biết và đến lễ vào những dịp Tết, ngày rằm.
Đến đây không chỉ có những người đang cô đơn, lẻ bóng, những người không
may trong chuyện gia đình, mà còn cả những đôi bạn trẻ đến cầu mong cho
chuyện tình cảm tốt đẹp hơn.
|
Các bạn trẻ trước khi ra về không quên mua cho mình một lá số |
Người đi chùa Hà cũng không sắp lễ nhiều như ở
những chùa khác, ở Bia Bà (Bắc Ninh), Chùa Hương (Hoài Đức), Phủ (Tây
Hồ)… lễ rất lớn với những hoa quả, trầu cau, bánh kẹo, rượu bia và khăn
áo ô lọng… nhưng lễ ở chùa Hà chỉ đơn giản là một ít tiền vàng, hoa,
trầu cau đựng trong một chiếc khay nhỏ và một thứ không thể thiếu là
tiền lẻ.
Những ngày đầu năm, cảnh chùa rất tấp nập. Nhiều người
đến mà không mang theo lễ, chỉ đơn giản là đến thắp hương khấn phật. Thế
nhưng, bốc quả, xem tử vi ở chùa Hà lại thu hút hơn những nơi khác. Các
cô gái trước khi ra về không quên mua cho mình một lá số, mỗi tờ có giá
5.000 đồng, với mong muốn biết được đường tình duyên của mình trong năm
tới thì cô gái, chàng trai nào cũng mua để xem.
Phủ Tây Hồ - cầu tài lộc
|
Phủ Tây Hồ được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất trong hệ thống đình chùa của Hà Nội. |
Phủ Tây Hồ được coi là một trong những chốn linh
thiêng nhất trong hệ thống đình chùa của Hà Nội. Không chỉ những người
dân Hà Nội, mà đa số du khách khắp nơi khi đến thăm Hà Nội thì đều đến
thắp hương cầu phúc ở Phủ Tây Hồ.
Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo
nhô ra giữa Hồ Tây, trước là một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở
phía đông của Hồ Tây. Ở ngay đầu làng có một ngôi đền thờ bà chúa Liễu
Hạnh, một người đàn bà tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, đức độ nên đã được
dân gian thần thánh hoá tôn làm Thánh Mẫu (Thánh Mẹ). Hàng năm cứ sau
thời khắc giao thừa, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi lễ Mẫu ban
cho điều lành và mọi sự may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây.
Hai bên đường dẫn vào Phủ là các hàng bán hoa quả,
hương, oản, bánh kẹo, những cành vàng lá ngọc lấp lánh. Nhiều ông đồ cắm
cúi viết sớ không kịp nghỉ tay trước hàng đoàn người đứng xếp hàng chờ
đến lượt. Việc chen chân vào để đặt được lễ trong phủ thật khó, và không
ít người phải đặt lễ lên đầu, hoặc phải bái vọng từ ngoài vào...
Quốc Tử Giám – xin chữ
|
Sáng mồng Một đi xin chữ thánh hiền ở Văn Miếu Quốc Tử Giám |
Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày đầu năm
khách ra vào nườm nượp. Khách chủ yếu là những học sinh, có em được cha
mẹ đưa đến cầu mong một năm mới học hành tấn tới, đỗ đạt.
Nói là
"xin chữ" nhưng chính xác ra là mua chữ, giá trung bình năm nay cho một
chữ mực tàu giấy đỏ cỡ 100.000 đồng. Bức tường bên phố Quốc Tử Giám dài
khoảng trăm mét có tới dăm chục ông đồ, già có, trẻ có ngồi cặm cụi hành
nghề. Đa số họ đều là thành viên CLB Thư pháp Hà Nội.
Sáng mồng
Một đi xin chữ thánh hiền, lòng người như phơi phới và thanh tao, cả
người cho lẫn người xin. Nhiều bậc cha mẹ cùng con cái ríu rít tới xin
chữ. Ấy vậy nên, các thầy đồ lấy bao nhiêu tiền một chữ, ai nấy đều vui
vẻ rút hầu bao, không mặc cả thêm bớt như đi mua sắm món hàng hóa thông
thường.
Đền Trần – xin ấn
|
Theo tương truyền, ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 - 24h
của ngày 14 tháng giêng. |
Cứ ngày 14 tháng riêng âm lịch hàng năm, Nam Định
tổ chức lễ khai ấn Đền Trần, nơi thờ các vị vua đời Trần. Dù chỉ đêm 14
tháng Giêng mới khai ấn đền Trần nhưng mới mùng 7, mùng 8 Tết, phủ Thiên
Trường Nam Định đã tấp nập du khách thắp hương, vãn cảnh đầu xuân. Vài
năm trở lại đây, ngày càng nhiều người đổ về khu di tích Đền Trần, Nam
Định xin ấn để cầu tài, cầu lộc, vạn sự như ý.
Đền Trần (Trần
Miếu) thuộc Tức Mặc, phường Lộc Vượng, Mỹ Lộc, Nam Định. Đền Trần là
công trình thờ tự có từ lâu đời, thờ 14 vị vua triều Trần. Khai ấn đầu
năm là một hoạt động văn hoá mang đậm dấu ấn của triều đại phong kiến
nước ta.
Thế nên, dù Đền Trần có hơn hai chục ngày lễ nhưng
Lễ khai ấn là đại lễ được mong đợi nhất trong năm. Theo tương truyền, ấn
chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 - 24h của ngày 14 tháng giêng.
Vì vậy hàng vạn, hàng triệu người khắp nơi đổ về Đền Trần chen chúc, xô
đẩy nhau cũng chỉ mong xin được ấn vào thời khắc thiêng liêng ấy.
Để xin được ấn vua ban lúc nửa đêm, người ta phải
xếp hàng, xin thẻ từ trước đó rất lâu, hoặc đến thời điểm khai ấn. Loại
này được đóng trên giấy điệp vàng là dành cho "thường dân".
Còn
có một loại ấn được đóng trên tấm lụa đỏ, loại này chỉ có rất ít, và chỉ
dành cho các quan chức cấp tỉnh, Trung ương về dự. Cứ 10 khắc trên lụa
đỏ chỉ có 1 tấm duy nhất là có giá trị vì được cắt ra từ tấm áo hoàng
bào của các đời vua. Và nếu ai may mắn được tấm lụa đó thì coi như đã
đắc lộc, đắc thọ.
Trảy hội Chùa Hương
|
Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh
lạc vào non tiên cõi Phật. |
Hàng năm, mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng
Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp 4 phương lại
nô nức trẩy hội chùa Hương. Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương
tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú
vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật.
Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn,
trong địa phận huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Xã gần sáu thôn: Tiên Mai, Phú
Yên, Hội Xá, Đục Khê, Yến Vĩ và Hạ Đoàn.
Ngày mồng sáu tháng
giêng là khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch.
Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Lễ
hội chùa Hương trong phần lễ thực hiện rất đơn giản. Trước ngày mở hội
một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút,
không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn.
Trong suốt những ngày
hội là sự nồng nhiệt của tuổi trẻ, là sự thành kính của các bậc cao
niên, là sự hoan hỷ mà nam phụ lão ai ai cũng có phần riêng của mình. Cả
ở những triền núi thấp cao, những rừng cây, rừng mơ… là những đoàn
người trẩy hội. Kẻ đi ra, người đi vào, kẻ đi lên, người đi xuống bồng
bềnh vào những đám mây nhẹ. Họ gặp nhau, quen hay không quen cũng vui vẻ
chào nhau bằng một lời chào: "Nam mô a di đà Phật" nhẹ nhàng. đằm thắm
và ấm áp…
Hành hương Yên Tử
|
"Trăm năm tích đức tu hành Chưa về Yên Tử chưa thành quả Tu" |
Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp đầu xuân, hàng vạn
người dân cả nước lại trẩy hội về với non thiêng Yên Tử- kinh đô Phật
giáo nước ta thế kỷ 13.
Sau lễ hội chùa Hương, thì lễ hội Yên Tử
đang là lễ hội hành hương lớn thứ hai vào mùa xuân ở nước ta với cả quy
mô và thời gian trẫy hội. Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng
AL hằng năm và cũng kéo dài suốt mùa Xuân.
Vẻ đẹp của Yên Tử là
sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp
cùng với đường tùng, thông, đại, trúc, mai mọc ở hai bên đường toả bóng
mát làm cho du khách thập phương quên nỗi mệt nhọc đường dốc cheo leo.
Hiện
nay hệ thống cáp treo ở Yên Tử đã đi vào hoạt động, đưa du khách tới
chùa Hoa Yên ở độ cao 534 m so với mực nước biển, nơi có hai cây đại 700
năm tuổi. Từ đây du khách tiếp tục leo núi, tới các ngôi chùa nằm rải
rác trên đường đi tới chùa Đồng. Đường lên chùa Đồng du khách có cảm
tưởng như đi trong mây.
Đền Bà Chúa Kho – xin lộc rơi lộc vãi
|
Mọi người lên lễ Bà Chúa Kho để vay tiền hoặc xin "lộc rơi lộc vãi". |
Theo dân gian truyền miệng thì, người đi lễ đầu năm đến đền Bà Chúa Kho để vay tiền làm ăn kinh doanh cho năm mới.
Các
thương gia, các nhà doanh nghiệp ai cũng cố vào được cửa Bà. Bằng mọi
giá, mọi cách, họ phải khấn vái và đặt lễ được trước… mặt Bà. Có vậy Bà
mới cho lộc, mới mở kho xuất tiền cho vay. Mọi người lên lễ Bà Chúa Kho
để vay tiền hoặc xin "lộc rơi lộc vãi". Vay thì thủ tục khá rắc rối,
phải qua nhiều ban bệ. Đa số mọi người lên xin lộc rơi lộc vãi nhưng năm
nào cũng lên tạ lễ Bà đã phù hộ cho.
Đi lễ Bà Chúa Kho đã trở
thành thói quen đối với nhiều người, đặc biệt là giới kinh doanh. Cứ vào
dịp đầu xuân năm mới hàng ngàn khách thập phương trong cả nước lại đến
chiêm bái, thắp hương và dâng phẩm vật kính lễ bà Chúa kho, cầu mong một
năm mới an lạc thịnh vượng và hạnh phúc.