Chùa Bửu Minh

Ngoài chuyện gọi việc đặt tên đường Trịnh Công Sơn là việc làm rất “đắc nhân tâm”, nhà thơ Võ Quê còn cho thấy những người yêu nhạc Trịnh mong muốn khu vực con đường Trịnh Công Sơn trở thành một “không gian văn hóa Trịnh”.

 Trịnh Công Sơn - con đường được mong đợi Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4/2001 - 2011) - một con người tài hoa, có nhiều tuyệt tác âm nhạc để đời, nhiều hoạt động đã được chuẩn bị tích cực tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng tại Huế, nơi sinh ra, lớn lên và thành danh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bên cạnh việc Hội Âm nhạc Thừa Thiên-Huế tổ chức cuộc thi Giọng hát hay nhạc Trịnh Công Sơn với sự ghi danh dự thi của đông đảo công chúng yêu nhạc Trịnh là sự kiện ngày 17/3/2011 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chính thức thông qua việc đặt tên cho 68 con đường ở TP Huế tại kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ khóa V (2004 - 2011), trong đó có con đường mang tên Trịnh Công Sơn.

Cuộc đời và âm nhạc Trịnh Công Sơn có nhiều gắn bó với Huế.

Con đường mang tên Trịnh mới mở ven sông Hương đã khiến người dân Thừa Thiên- Huế, các nhà hoạt động văn hóa, giáo dục, giới văn nghệ sĩ... rất đồng tình, hân hoan bày tỏ sự vui mừng trước sự kiện văn hóa này.Con đường mới mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được hình thành từ một khu dân cư bên bờ sông Hương phía vùng Gia Hội gồm bà con lao động, thợ thuyền, buôn bán nhỏ. Họ đã đồng tình với dự án của TP Huế di dời sang nơi ở mới tại phường Phú Hiệp, Phú Hậu để góp phần chỉnh trang đô thị; làm cho Huế có thêm những công trình mới xinh đẹp, khang trang hơn và dòng sông Hương cũng phong quang hơn, thông thoáng, thơ mộng, trữ tình hơn.

Tại đợt đặt tên đường lần này, cùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn có nhà thơ Trần Quang Long, người nổi tiếng với bài thơ Thưa mẹ trái tim! cũng được đặt tên cho một con đường ở phường Phú Hiệp, gần con đường mang tên nhà thơ Ngô Kha ở phường Phú Hậu - TP Huế.

Văn bản phụ lục 1 và phụ lục 2 của “Đề án đặt tên đường phố đợt 6 (năm 2010) ở thành phố Huế” đã mô tả khái quát con đường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như sau: “Điểm đầu tiếp giáp đường Chi Lăng, điểm cuối là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, vị trí thuộc phường Phú Cát. Chiều dài: 600 mét, nền đường: 11, 5 mét, mặt đường: 7, 5 mét, loại mặt đường: bê-tông nhựa” (Phụ lục 1); “Đề án lựa chọn đường bờ sông Hương vừa được xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đặt tên cho một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Con đường này nằm cạnh dòng Hương giang thơ mộng, phù hợp với tâm hồn, tính cách của người nhạc sĩ tài hoa, người con yêu dấu của xứ Huế.” ( Phụ lục 2).

“Không gian văn hóa Trịnh”

Trong những ngày này, TP Huế đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng một công viên mới, đẹp, xanh... bên cạnh con đường Trịnh Công Sơn. Khi con đường Trịnh Công Sơn và công viên này được hoàn thiện, chỉnh trang thì đây sẽ là một điểm nhấn văn hóa cần thiết trong cảnh quan chung của đô thị Huế. Đã có nhiều ý tưởng từ những người yêu nhạc Trịnh là mong muốn nơi này sẽ thành một “không gian văn hóa Trịnh”. Với các chương trình biểu diễn chuyên đề nhạc Trịnh Công Sơn mỗi tuần hay mỗi tháng, khi thì hát chỉ với cây đàn guitar như lúc sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường hát.

<

Hai bên đường sẽ thành “Không gian văn hóa Trịnh”. Ảnh: Lãng Hiễn Xuân

Những mùa festival Huế, BTC nên thiết kế một chương trình nhạc Trịnh Công Sơn thật quy mô với sự tham gia của các diễn viên chuyên hay không chuyên về dự lễ hội. Du khách đến với Huế trước hoặc sau khi tham quan chợ Đông Ba sẽ tản bộ qua cầu Gia Hội đến chụp hình lưu niệm trên con đường mang tên Trịnh Công Sơn. Các ca khúc của Trịnh Công Sơn qua băng, đĩa, phim ảnh cũng sẽ được phát hành tại một ki-ốt được thiết kế thật hài hòa, mỹ quan, văn hóa.

Những quán cà phê dọc theo con đường Trịnh Công Sơn sẽ lấy tên các ca khúc của ông để đặt tên cho quán mình bên cạnh việc mở nhạc Trịnh phục vụ theo yêu cầu của khách. Và những sinh hoạt thường nhật từ “không gian Trịnh” cũng sẽ được diễn ra một cách đằm thắm, nhẹ nhàng mà sâu lắng như cốt cách, tâm hồn Trịnh... Qua những ý tưởng, những ước muốn cụ thể như thế mới hiểu được sự trân trọng, lòng mến yêu vô hạn của người dân Huế đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Còn chuyện có thực hiện được những ý tưởng, những niềm mong mỏi đó hay không là tùy thuộc vào các yếu tố khác và quan trọng nhất là cần có “một tấm lòng” - nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với tư cách một nghệ sĩ và công dân TP Huế, tôi xin được trang trọng gửi đến gia quyến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lời chúc mừng thân ái! Và xin được biết ơn các vị đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thay mặt người dân của thành phố mình, của tỉnh mình để nâng cao những cánh tay biểu quyết về một sự kiện rất “đắc nhân tâm” này. Con đường mới mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mở - gợi nhớ con “đường phượng bay mù không lối vào” một thuở. Từ con đường này, từng cung bậc nhạc Trịnh lại ngân lên thanh thoát, người với người càng yêu thương nhau hơn bởi “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ...”.

Võ Quê

Nghe lại một ca khúc của Trịnh Công Sơn

 

Vào lúc 20h30 ngày 20/3 trong chương trình Thay lời muốn nói, khán giả sẽ có dịp nghe lại ca khúc Em ở nông trường em ra biên giới của Trịnh Công Sơn, viết năm 1981, qua sự thể hiện của Võ Hạ Trâm và Triệu Lộc. Với chủ đề Ngọc trong đá, nhằm kỷ niệm 35 năm ngày thành lập lực lượng TNXP TP.HCM, ngoài ca khúc này, khán giả sẽ có dịp nghe những ca khúc một thời như Hoàng hôn màu lá (Thanh Tùng), Hạt mưa long lanh - Đêm rừng Dakmil, Tình yêu con tàu và dòng sông (Nguyễn Đức Trung), Như khúc tình ca (Nguyễn Ngọc Thiện), Những bông hoa trên tuyến lửa (thơ: Đỗ Trung Quân, nhạc: Nguyễn Cửu Dũng), Em đi qua cầu cây (Lê Văn Lộc), Bài ca chưa viết hết lời (Bảo Chấn), Một đời người một rừng cây (Trần Long Ẩn), Ngọc trong đá (lời: Nguyễn Đông Thức, nhạc: Phú Quang)... Chương trình do Đài truyền hình TP.HCM và Lực lượng TNXP TP.HCM thực hiện, trực tiếp trên HTV9 và VTV4 với sự tham gia của Cẩm Vân, Phương Thanh, Minh Thuận, Cẩm Ly, Thùy Dương, Nguyên Lộc - Khánh Dung, Phương Vy, Thế Vỹ... và các anh chị cựu văn công TNXP.

Như Hà

http://thethaovanhoa.vn/133N20110319103359717T0/duong-trinh-cong-son-se-thanh-khong-gian-van-hoa-trinh.htm


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage