Chùa Bửu Minh

GN - Tối 21-8 ÂL, tại hội trường tòa soạn Báo Giác Ngộ diễn ra chương trình văn nghệ Phật pháp: Kinh Ngọc - Qua suối mây hồng, thi hóa kinh Kim cang của thi sĩ Phạm Thiên Thư.



Chương trình có sự hiện diện của HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ và các nghệ sĩ, người yêu thơ Phạm Thiên Thư, có người đến từ Long Xuyên đã đội mưa đến tham dự.

BTN_0023.JPG

HT.Thích Giác Toàn giao lưu cùng thi sĩ Phạm Thiên Thư và ông Lê Phước Vũ - Ảnh: Bảo Toàn

Sân khấu do họa sĩ Triệu Sơn thiết kế lung linh ánh trăng Kim cang. MC Lệ Thu bắt đầu chương trình bằng tiết mục Ngợi kinh do nhóm nghệ sĩ của Công ty Bảo Tường diễn ngâm: “Thân như sương đầu cỏ, tụ mười cõi trăng sao, nhập dòng thơ thâm diệu, mộng thức dưới hoa đào…”. Bằng một ngôn ngữ đơn sơ nhưng lấp lánh ánh sáng trí tuệ, thi sĩ họ Phạm đã diễn đạt tư tưởng Kim cang trong Kinh Ngọc qua lăng kính khác, lăng kính của cỏ hoa sương khói, không cố chấp vào những nghi lễ tôn giáo mà người chấp bút thi hóa kinh Kim cang đã áp đặt vào.

BTN_0002.JPG

MC Lệ Thu giới thiệu chương trình - Ảnh: Bảo Toàn

Chính vì thế mà tư tưởng Kim cang đã đem đến những cảm xúc thăng hoa dễ dàng trong Kinh Ngọc. Như một đoạn trong nguyên bản Kim cang:“Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Nên không có chỗ trụ ma sanh tâm) đã được thi hóa: “Bồ-tát khởi sinh tâm, thanh tịnh như hư không, vô nguyện, vô sở trụ, viên mãn một tâm đồng, như mưa khắp phương cõi, riêng gì chốn tây đông”.

BTN_0010.JPG

Tiết mục "Ngợi kinh" - Ảnh: Bảo Toàn

Việc thi hóa Kim cang đã được xem là việc làm mạo hiểm như nhận xét của HT.Thích Minh Châu khi ngài là Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh: “Tôi nói can đảm vì chỉ có tuổi trẻ mới can đảm làm những chuyện phi thường và thật là phi thường khi cả gan thi hóa bản kinh “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. 

GS.Nguyễn Đăng Thục, nguyên Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn đã đưa ra nhận xét về việc thi hóa Kim cang:Không có ý mà làm, với cái tâm không tâm! Thật khó lắm thay! Cao siêu thay!”.

BTN_0034.JPG

Thi sĩ Phạm Thiên Thư chia sẻ - Ảnh: Bảo Toàn

Đêm Kinh Ngọc khép lại, nhưng cơn mưa đêm Sài Gòn chưa khép. Khán giả chờ mưa, vây quanh nhà thơ họ Phạm như muốn nghe ông nói một điều gì đó về Kim cang Bát-nhã trong cảm xúc của thi sĩ. Nhưng ông không nói, chỉ cười. Có ai hỏi gặng lắm thì ông mới nói được câu duy nhất: “Tôi là người mất khả năng ngôn ngữ”.

Vâng, đó là câu nói hay nhất trong đêm nay, vì chỉ có mất khả năng ngôn ngữ mới chính là ngôn ngữ tột cùng của Kim cang vậy.
Phan Cát Tường

http://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2012/10/15/3FC61A/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage