Điều đó cũng có nghĩa - hễ là con Phật thì dù tu tập bất kỳ pháp môn
nào cũng đều phải xem mục đích tối thượng trong đời mình là “hoằng pháp
lợi sinh”. Hoằng pháp, không có cách nào khác là phải len lỏi vào cuộc
đời, học theo hạnh của Ngài Quán Thế Âm Bồ-tát, khi cần hóa hiện hình
tướng này, hình tướng khác để độ sinh thì sẵn sàng hóa hiện hầu giúp cho
chúng sinh ngộ ra chơn tánh (Phật tánh sáng suốt) để tu chỉnh bản thân,
trở lại con đường sáng, đến với con đường giải thoát, giác ngộ.
1. Ngày nay, việc nhập thế của chư Tăng Ni, Phật tử được hiểu
là hội nhập với cuộc sống, học hỏi cả thế học (bên cạnh Phật học vững
vàng, căn bản đến chuyên sâu) để lấy đó làm phương tiện hóa độ chúng
sinh. Thể hiện rõ nét nhất của điều đó chính là chư Tăng Ni vẫn tham gia
thi cử các trường thế tục, tìm hiểu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử
dụng điện thoại, máy vi tính, truy cập internet… để đưa giáo pháp vào
cuộc sống.
Nhà sư hội nhập để hoằng pháp là điều cần thiết - Ảnh minh họa
Đương nhiên, đối với người tu thì bậc xuất trần hay cư sĩ tại gia đều
biết giữ gìn, cẩn mật gìn giữ thông qua việc học và ứng dụng lời Phật
dạy trong bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) cũng như trong quá trình
“lao” vào cuộc đời trước những “bão giông” rình rập, bao hàm cả những
cám dỗ ngọt ngào lẫn những sự lợi dụng để châm biếm, đả kích của ngoại
đạo, cũng như những người chưa hiểu đạo. Nhiều chỉ trích kiểu như, nhà
sư không lo ở chùa an phận đi, còn đi tham gia diễn đàn này, diễn đàn
kia, truy cập internet làm gì hoặc Phật giáo mà tổ chức văn nghệ văn
gừng làm chi, không đúng pháp… dễ dàng “thuyết phục” những tâm hồn nhạy
cảm, làm lung lay hạnh nguyện hoằng pháp của nhiều người. Lung lay vì
mình chưa có tầm nhìn hoặc kẹt giữa hình tướng biểu hiện với lời dạy của
Đức Phật.
Nhưng, lời dạy của Đức Phật không phải chết cứng (kiểu lời răn) mà
Ngài luôn luôn mở ngoặc cho hàng đệ tử hậu lai rằng, có thể tùy duyên mà
ứng biến cho phù hợp với thời đại, quốc độ khác nhau, miễn sao giáo
pháp sống động trong lòng chúng sinh, quần chúng thì có thể được. Do vậy
mà đạo Phật qua những “bức màn” văn hóa đã có sự khác biệt chút ít mà
ta có thể cảm nhận ngay trên mảnh đất Việt Nam thân thương của mình,
trong các hệ phái Phật giáo từ Bắc tới Nam. Tuy có sự khác biệt cho phù
hợp nhưng vẫn giữ cốt lõi là tu tập những giá trị thiện lành, hướng tới
đời sống giải thoát. Sự “tùy duyên” ấy của đạo Phật đã trở nên gần gũi,
hợp với lòng người hiện đại vốn ngày càng hiểu rõ khoa học và Phật học
là tương đồng, có trong nhau, không mâu thuẫn!
Nói nhiều như vậy để đi tới một kết luận, một góc nhìn là, thời đại
này, khi công nghệ thông tin, truyền thông phát triển như vũ bão, đa
dạng… thì việc nhà sư, Phật tử hòa mình vào dòng chảy ấy bằng cách
truyền đạo dựa trên công nghệ cũng là một cách nhập thế, thiết nghĩ Phật
tử đừng quá lo lắng. Lên mạng, gửi đi những bài pháp lành thực ra cũng
là bố thí pháp. Nhưng, phải có nguyên tắc, có nghĩa là không để mình sa
đà vào phương tiện, xao lãng chuyện tu hành từ thực tế, trong đời sống
hàng ngày.
Và như thế, nhà tu, Phật tử hiện đại càng cần phải vững chãi, càng
cần phải vun bồi tuệ giác để không bị “lậm” bởi những cám dỗ ngọt ngào
của phương tiện hiện đại. Chỉ khi nào người Phật tử - hoằng pháp viên
vững chãi, truyền đi những thông điệp - lời Phật dạy từ nguyên thủy kinh
điển hoặc từ chính trải nghiệm của mình một cách chân thành thì đó mới
là điều kiện thuyết phục những người trẻ cùng bước vào lộ giới an vui
của đạo Phật mà mình đã có cơ hội xúc chạm.
2. Sự nhập thế của Phật giáo trong thời buổi hiện đại này cũng
chính là việc lắng nghe những “đặt hàng” từ cuộc sống hiện đại. Đó là
gì? Là những thao thức của những ông bố, bà mẹ lo lắng cho con cái mình
bị chai sạn cảm xúc, tình cảm bởi ngồn ngộn những thông tin gây hoang
mang, kích thích hưởng thụ, cổ xúy bạo động… Thông tin ấy đến từ những
kênh truyền thông loạn xạ trên mạng, từ games online, từ chính cuộc sống
qua quá trình tương tác, tương tức đã biểu hiện đầy dẫy đó đây!
Người trẻ tới chùa ngày một nhiều vì giá trị an lạc mà họ nhặt được nơi cửa Thiền - Ảnh minh họa
Và, đó còn là cả những thao thức của chính người trẻ về xã hội mà họ
đang sống, từng bước cảm nhận quá nhiều điều bất an từ chính những hình
ảnh, thông tin mà họ tiếp cận. Từ đó, tạo ra lối sống nhanh, sống vội,
sống không cần biết ngày mai, hay nói cách khác là không cần biết nhơn
quả, không tin nhơn quả nên dễ dàng sa ngã, thiếu kiềm chế, chủ yếu thỏa
mãn bản năng (nhiều vụ phạm tội gần đây thường trẻ hóa, lứa tuổi học
sinh trở thành tội phạm, gây án làm khuynh đảo những giá trị, gây ra
những nỗi bất an lớn cho cộng đồng gia tăng…).
Cảm nhận và đồng điệu, nhiều quý thầy, cô trẻ đã dấn thân vào ngổn
ngang của “đạo đức băng hoại” (theo cách mọi người nhìn nhận, đánh giá
chung đó) để lắng nghe, hiểu và thương. Hiểu rằng, người trẻ hóa ra cũng
chỉ là “nạn nhân” của một bầu không khí bị ô nhiễm trên phạm vi toàn
cầu, lan từ Âu, Mỹ sang Á trong thời buổi chênh vênh về lý tưởng, thiếu
niềm tin vào những điều thiêng liêng (trở thành thứ bệnh gọi chung là
“hoài nghi”). Vì hiểu thế nên thương, và mới thổi vào đời sống giáo lý
giải quyết nỗi khổ niềm đau thông qua việc nhìn nhận nhơn quả, biết rõ
các khổ, tìm nguyên nhân, giải trừ nỗi khổ để đạt hạnh phúc, an lạc
(giáo lý Bốn sự thật - Tứ diệu đế)…
Có lẽ, cũng chính là nguồn cơn đó, những khóa tu dành cho người trẻ
trong dịp hè, những hội trại do Phật giáo tổ chức… trở thành “thực đơn”
thích thú, hợp lòng người, đáp ứng đúng nhu cầu của cuộc sống. Với tinh
thần và tấm lòng từ mẫn ấy của chư tôn thiền đức, từ Trung ương tới địa
phương trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ không phải
tinh thần nhập thế thì là gì?
Nhập thế, dắt dìu người trẻ bước qua
nỗi khổ niềm đau, có một lý tưởng sống cao đẹp, đạo đức, bắt nguồn từ
việc xốc dậy tình cảm gia đình, lòng hiếu thảo… quả là căn cơ và dễ chạm
vào trái tim nhất. Điều đó dễ dàng nhận thấy trong bất kỳ khóa tu, hội
trại nào, bởi ở đó đều có những khoảng lặng, mà người trẻ có dịp quay về
sám hối, nhắc mình không nên lao đi vì sẽ đánh mất mình, làm tổn thương
đến ba mẹ, người thân… Để có cơ hội dừng lại đó thì phương tiện thiền
tập (gồm có dừng lại - chỉ và nhìn sâu - quán) đã được diệu dụng thông qua những giờ pháp thoại, pháp đàm, thiền tọa, thiền hành…
Vì
vậy, với những giá trị căn bản ấy của các khóa tu, hội trại, thông qua
những thực tập căn bản như kể trên, tôi rất đồng tình với góc nhìn của
tác giả Minh Thạnh trên Giác Ngộ 650, rằng: “Khi những nhà tu
hành thu hút được đông đảo thanh thiếu niên đến chùa tu tập, thì chính
việc này đã là một hoạt động xã hội mang tính chất công tác, có tác dụng
tích cực, chủ động góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt hơn”.
Lưu Đình Long
_______
Cùng chủ đề: Chiếc áo tâm linh ll Dấu hiệu nhận diện của người tu ll Chiếc cà-sa và tấm áo bẩn ll Lên mạng gặp... quý thầy! ll Tu sĩ Phật giáo với Internet và mạng xã hội ll Facebook và những ngôi chùa công nghệ ll