Chùa Bửu Minh

(GLO)- Vào khoảng đầu thế kỷ XX, lưu dân ở một số tỉnh miền Trung đổ lên Gia Lai làm phu đồn điền chè Biển Hồ (nay thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) cho người Pháp. Để nâng đỡ về tinh thần cho quần chúng lao động những lúc khốn khó, năm 1936, chùa Bửu Minh được xây dựng.


Đã 8 thập niên trôi qua... Nếu ví chùa Bửu Minh là ngôi nhà để trở về của những người con ly hương xa xứ thì khung cảnh bao quanh ngôi chùa là một quê hương thu nhỏ. Cảnh tượng ấy có núi xanh, hồ biếc, có đồi chè thênh thang bao phủ và bên trong chùa có thiền thất cổ kính… luôn hấp dẫn những kẻ bộ hành.
 

Chùa Bửu Minh.                                                                         Ảnh: K.N.B
Chùa Bửu Minh. Ảnh: K.N.B

Nằm cách trung tâm TP. Pleiku chừng 15 cây số về phía rìa ngoại ô theo hướng Bắc, chùa Bửu Minh là một trong những ngôi chùa có địa thế đẹp nhất Tây Nguyên: mặt hướng ra hồ, lưng tựa vào núi, lại tọa lạc nơi tĩnh mịch với tứ bề hoa cỏ. Có cảm giác như đây là chốn thiền tự tách biệt hoàn toàn với cuộc sống lao xao ngoài kia, dù thực tế nhà chùa vẫn duy trì lối tu hành nhập thế. Mùa hè này, nếu lựa chọn một địa điểm để trốn đi cái nắng thành phố và có thời gian để lắng nghe chính mình thì việc viếng cảnh chùa, dạo chơi xung quanh và lưu lại đôi ngày làm công quả nên là lựa chọn hàng đầu…

Hãy tưởng tượng một buổi sáng được thức dậy ở khu thiền thất dành cho phật tử lưu lại làm công quả tại chùa. Sau khi nghe vẳng một hồi chuông sớm, nhìn ra ngoài kia, chim chóc hót vang trời. Mặt trời non vừa hé, ánh sáng không rực rỡ nhưng đủ tràn vào thành những vũng lớn. Con người ta lúc ấy ngỡ ngàng thấy mình bé nhỏ, không say mê, lo sợ; không hứa hẹn, vọng tưởng. Chỉ là một thực thể hồn nhiên, tĩnh mặc. Trong chùa, đẹp nhất vẫn là chánh điện, sau đó đến nhà thờ Tổ và các khu thiền thất khác… Mọi thứ đều tạo cảm giác ấm cúng và trang nghiêm. Bên cạnh những nét độc đáo làm nên ấn tượng đẹp cho du khách lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây như việc lưu giữ nhiều cây cổ thụ (chè, sứ) hàng trăm tuổi, di tích Sơn Hải miếu từ buổi đầu sơ khai… thì chùa Bửu Minh còn có một điều lý thú. Nếu ai đã từng đam mê khám phá kiến trúc Phật giáoViệt Nam thì hẳn sẽ thấy: hầu hết các khuôn viên chùa ở Phố núi nói riêng và trên cả nước nói chung buổi đầu đều tôn thờ tượng Bồ tát Quan Thế Âm lộ thiên nhiều hơn là tôn thờ tượng Phật Tổ. Nhưng ở đây, như để quân bình tính âm dương, chùa Bửu Minh là nơi đầu tiên trong tỉnh tôn thờ tượng Phật Tổ lộ thiên.

Những sáng sương sớm, trên con đường dẫn vào chùa, ta có cảm giác như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh với hoa thơm cỏ mướt. Sương mù dày đặc, trắng xóa, giăng mắc khắp nơi, càng gần lại sương mới dần loãng ra. Cảnh tượng quanh chùa đẹp một cách hư ảo. Tiếng chim hót lảnh lót không hề phá vỡ đi mạch tĩnh lặng đó. Ta tưởng như không thể trông thấy, nghe thấy bất cứ gì; nhưng chốc chốc, lại như nhìn thấu, nghe thấu được tứ bề. Xa xa, một vài em bé đạp xe đến trường, tiếng cười nói song song. Bóng các em nhỏ quá, khuất cả vào trong sương sớm. Nhìn cảnh ấy, lại tưởng đến câu thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử năm xưa: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”…

Sương còn phủ lên cả thảm chè non xanh ngắt một màu bao quanh ngôi chùa. Chè là nguồn mưu sinh của đại đa số người dân ở đây. Trước kia nơi đây chỉ có dăm ba thôn nhỏ, nay có rất nhiều gia đình chuyển về sinh sống. Ngôi chùa Bửu Minh cũng nhờ thế mà bớt đi vẻ cô tịch, nhất là vào những Rằm lớn, khi phật tử sắm sửa hương hoa phẩm vật, vân tập về chùa, cùng sư thầy thành tâm lạy Phật. Cảnh tượng ấy đẹp vô cùng. Đúng như Sư trụ trì Thích Giác Tâm đã từng viết trong cuốn Tạp văn “Con về còn trọn niềm tin” (Nhà Xuất bản Phương Đông): “Ngôi chùa là văn hóa gốc, ngôi chùa còn là văn hóa còn, văn hóa còn là góp phần làm cho đất nước phồn vinh, vững bền mãi mãi”.

Mái chùa cong trầm mặc còn đó. Nét đẹp văn hóa còn đó. Đợi những người lữ thứ chưa về…

Lữ Hồng

http://baogialai.com.vn/channel/12399/201706/chua-tren-nui-5537565/index.htm


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage