Chùa Bửu Minh

Đối với nhiều tín đồ Phật giáo, việc giữ gìn sức sống của truyền thống Đại thừa trong thế giới hiện đại là một ưu tiên cấp bách. Có nhiều cách thức khác nhau đề giữ gìn truyền thống này. Bên ngoài, việc tạo tác tượng Phật, phiên dịch, xuất bản kinh sách, truyền bá Phật pháp và xây dựng chùa tháp là những cách thức giữ gìn sự hiện diện của pháp Phật. Tất cả những nỗ lực ấy là sự thể hiện của lòng mộ đạo chân thành.


Một lần nọ, Dromtönpa, đệ tử người Tây Tạng của vị đạo sư Ấn Độ nỗi tiếng Atisha, khi bắt gặp một người đang đắm mình nơi những thực hành lễ bái khác nhau, đã nói rằng: “Đắm mình vào những thực hành lễ bái thì rất tốt, nhưng thực hành Pháp thì thật sự tốt hơn”.

Để giữ gìn truyền thống của mình, nhiều Phật tử ngày nay đã đặt quyền ưu tiên cao nhất vào việc giảng dạy và nghiên cứu kinh Phật. Khi Dromtönpa lần kế tiếp gặp cùng vị hành giả trên, ông thấy vị kia chăm chỉ nghiên tầm kinh điển, và ông nói: “Nghiên tầm kinh điển thì rất tốt, những thực hành Pháp thì còn tốt hơn”.

Để giữ gìn ý nghĩa chân thực của Phật giáo, nhiều vị hành giả chân thành ngày nay dành hàng tháng hay hàng năm trời để hành thiền, thực hành chánh niệm nhiều giờ một ngày, tham gia vào những khóa ẩn tu ba năm mà ở đó họ thực hành nhiều loại thiền của Kim cang thừa (Vajrayana). Khi Dromtönpa lần thứ ba bắt gặp vị hành giả trên, ông thấy rằng vị ấy đắm mình trong thiền định, và ông nói: “Hành thiền thì rất tốt, nhưng thực hành Pháp thì còn tốt hơn”. Khi vị thiền giả hỏi ông cách để thực hiện điều đó, ông trả lời: “Buông bỏ chấp thủ vào đời sống này và hãy để tâm của ông trở thành Pháp”.

Cách cốt tủy để tâm của mình trở thành Pháp là phải nhận chân được Bồ-đề tâm và bằng cách ấy tiến đến giai đoạn đầu tiên của con đường Đại thừa, con đường đầu trong năm con đường đưa đến giác ngộ viên mãn. Tâm Bồ-đề trở nên vững chắc khi nó được hỗ trợ với tuệ quán có được từ việc áp dụng tứ niệm xứ, và như vậy chuyển đổi “tâm Bồ-đề như đất” thành “tâm Bồ-đề như vàng”. Với nền tảng ở nơi shamatha, tâm Bồ-đề và tuệ quán, thực hành Kim cang thừa thật sự có thể đưa đến nhận chân giác ngộ viên mãn trong một đời. Còn nếu không có một nền tảng như vậy với tâm vững chãi, từ bi và trí tuệ, nói về Phật quả trong đời này hay bất kỳ đời nào khác thì không có gì khác hơn nói suông.

Để nhận chân tâm Bồ-đề chân thực và trở thành một vị Bồ-tát, nhiều học giả vĩ đại nhất trong truyền thống Phật giáo dạy rằng tâm trước hết phải chuẩn bị kỹ cho việc tu tập tâm linh bằng việc đạt được shamatha, đặc biệt đi vào thiền thứ nhất. Mặc dù chưa có sự thống nhất hoàn toàn về điểm này, tất cả đồng ý rằng một tâm thức mà nó có khuynh hướng rối loạn mất thăng bằng thì không thể nhận ra những trạng thái tinh tế của tâm Bồ-đề và thiền quán (vipashyana; thiền minh sát). Vì vậy ít nhất sự phát triển một phần shamatha là cần thiết cho sự phát triển cả hai.

Cấu trúc căn bản của thực hành Phật giáo, phổ biến đối với tất cả các tông phái Phật giáo, bao gồm ba giai đoạn tuần tự: giới, định và tuệ. Bên trong ngữ cảnh tam vô lậu học này, “những tu tập cao hơn”, thiền định (samadhi), đề cập không chỉ sự phát triển sự nhất tâm, mà cũng đề cập đến những khía cạnh phát triển tâm khác, bao gồm Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ và xả), sự xả bỏ, và trong ngữ cảnh Đại thừa, Bồ-đề tâm.

Nơi giáo pháp của Đức Phật được ghi chép trong kinh tạng Pāli, thực hành shamatha hầu như được phổ biến nhấn mạnh là quán niệm hơi thở, đặc biệt đối với những người mà tâm họ bị kích động mạnh bởi những suy nghĩ không chủ tâm. So sánh những người Ấn Độ sống vào thời Đức Phật hay những người Tây Tạng du mục sống ở ngày nay, hầu hết chúng ta có thể có được những lợi ích lớn từ sự thực hành như vậy, mà nó đặc biệt dành cho những người như chúng ta! Đức Phật nói về sự thực tập này, “Giống như vào tháng cuối của mùa nóng, khi một đám bụi cuốn xoáy lên và một cơn mưa lớn trái mùa xua tan và chế ngự nó tại chỗ, cũng như vậy sự chú tâm bằng quán niệm hơi thở, khi được phát triển và tu tập, là an lạc và vi diệu, một nơi trú ẩn tuyệt vời; nó xua tan và chế ngự tại chỗ những trạng thái tâm bất thiện bất cứ khi nào chúng khởi sinh”.[1] Chính bản chất của sự thực hành ấy không chỉ giúp mang sự yên tĩnh và an lạc đến với tâm, mà cũng giúp “hệ thống miễn dịch tâm lý” của chúng ta, khiên tâm trí ít bị tổn thương trước những xung đột tâm thần.

Nói chung, việc tu tập shamatha đưa đến giải thoát khỏi năm chướng ngại (1) hôn trầm, (2) nghi, (3) sân, (4) trạo cử và (5) tham. Đức Phật tuyên thuyết, “Chừng nào năm triền cái chưa được đoạn trừ, một người thấy mình như là kẻ mang nợ, bệnh tật, trói buộc, nô lệ và bị lạc nơi sa mạc”.[2] Những thiền giả Phật tử Ấn Độ nhận thấy rằng năm triền cái này có thể được chuyển đổi bằng năm yếu tố thiền. Cụ thể, (1) quán sát ở mức độ thô chuyển đổi hôn trầm, (2) quán sát sâu hơn chuyển đổi nghi, (3) hoan hỷ chuyển đổi sân hận, (4) an lạc chuyển đổi trạo cử, và (5) chuyên chú nhất tâm chuyển đổi tham. Thật thú vị khi nhận thấy rằng sự thực hành không suy luận có thể có tác dụng trong việc hàng phục tham và sân, theo đó đáp ứng như một cơ sở cho việc xả bỏ và lòng từ bi.

Thực hành shamatha nếu không được thúc đẩy bằng sự xả bỏ và tâm Bồ-đề có thể đưa đưa đến không gì hơn việc làm giảm tạm thời căng thẳng và lo lắng, và đôi khi có thể đưa đến sự tự mãn và tái sanh không tốt. Với một động cơ đúng đắn, shamatha thật sự có thể làm tăng trưởng sự xả bỏ và tâm Bồ-đề của ta, thúc đẩy nguồn cảm hứng lớn lao cho thực hành tâm linh. Những thực hành tập trung vào những hành vi thuộc thân và lời nói bên ngoài, bao gồm lễ bái, kinh hành, tụng đọc mantra và thực hành nghi lễ sẽ có ít phước đức nếu tâm bị loạn động. Như Tịch Thiên (Shantideva), một Tăng sĩ Ấn Độ, đã viết, “Bậc Toàn trí nói rằng tất cả việc tụng đọc và khổ hạnh, cho dù được thực hiện trong một thời gian dài, thật sự vô ích nếu tâm tán loạn hay mê mờ”.[3]

Cấu trúc của con đường Đại thừa bao gồm sáu ba-la-mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Thực hành shamatha được gộp vào trong tu tập thiền (dhyana), và được đặt cơ sở trên việc phát triển bốn ba-la-mật trước. Điều này đề cao tầm quan trọng của việc đào luyện một cơ sở đạo đức cho sự thực hành và những trạng thái tâm thiện trước khi tìm cách đạt đến sự định tâm.

Vào khoảng 1.500 năm sau thời Đức Phật (563-483 BCE), vị Đại sư người Ấn là Atisha (980-1054) đã sáng tác nên “lam-rim” đầu tiên, hay những lời dạy về các giai đoạn của đạo lộ, đặc biệt cho những người Tây Tạng. Cấu trúc này, mà nó về sau được tất cả tông phái Phật giáo Tây Tạng chấp nhận, bắt đầu với guru yoga và những tu luyện trong việc thực hành vipashyana. Đối với những người Tây Tạng truyền thống, được nuôi dưỡng nơi một nền văn hóa Phật giáo, với niềm tin thâm sâu, và sự hiểu biết Phật giáo vững vàng, guru yoga có thể được thực hành tốt vào khởi đầu của đạo lộ vì lợi ích có nhiều phước lành mà những thực hành đúng đắn ấy mang lại. Nhưng trong thế giới thế tục hiện đại, một sự tập trung ban đầu vào guru yoga, đặc biệt với sự nhấn mạnh vào những phẩm tính toàn vẹn của vị thầy (guru), có thể đưa đến nhiều vấn đề, một điều mà nó đã được Đức Dalai Lama thường xuyên thảo luận. Đối với người có ít niềm tin hay hiểu biết, hay người mới biết đến Phật giáo, có thể tốt nhất là ban đầu nên xem vị thầy của mình chỉ như một người đại diện của Đức Phật. Khi một người dõng mãnh nơi thực hành Đại thừa, vị ấy có thể xem vị thầy của mình như thể vị ấy là một vị Phật. Cuối cùng, trên nền tảng đức tin và sự hiểu biết sâu sắc về giáo pháp Phật tính và tánh Không, ta có thể tập trung vào thực hành Vajrayana xem vị thầy của mình như một vị Phật thực sự, trong khi đồng thời phát triển sự nhận thức thanh tịnh về tất cả hiện tượng giới.

Trong khi có nhiều phương pháp cho việc phát triển shamatha, mỗi phương pháp với những lợi thế đặc biệt, có hai phương pháp đặc biệt được nhấn mạnh trong truyền thống Mahamudra bởi vì những ưu thế to lớn của chúng cho việc lĩnh hội bản chất của thức. Vào thế kỷ XI, Mahasiddhi Maitripa người Ấn Độ, người đã dạy Marpa, dịch giả tiếng Tây Tạng và người sáng lập dòng truyền thừa Kagyü, mô tả phương pháp thứ nhất về việc tập trung vào suy nghĩ như sau:

 “Liên quan đến việc phát triển quá mức các khái niệm, bao gồm những phiền não chẳng hạn như năm độc hay ba độc, những suy nghĩ mà chúng xoay quanh tính lưỡng nguyên chủ thể-đối tượng, những suy nghĩ chẳng hạn như mười phẩm hạnh, sáu ba-la-mật hay mười ba-la-mật – bất kỳ suy nghĩ thiện và bất thiện nào xuất hiện – hãy quán sát bản chất của chúng thuộc là thuộc khái niệm. Bằng việc làm như vậy, chúng được làm lắng dịu nhờ vào sự không chấp thủ; sự nhận biết rõ ràng và rỗng rang xuất hiện một cách sống động; và nó xuất hiện ở nơi bản chất tự giải thoát mà ở đó nó nhận biết chính nó. Thêm nữa, hướng sự chú ý đến bất cứ khi nào suy nghĩ xuất hiện, và không chấp nhận hay chối bỏ, hãy để nó nhận biết bản chất của chính nó. Bằng cách thực hành này, những hướng dẫn thực tiễn về việc chuyển đổi ý nghĩ thành con đường”.[4]

Đây là những hướng dẫn của ông về phương pháp thứ hai mà nó tập trung vào việc làm vắng bặt suy nghĩ:

“Với thân thể sở hữu bảy thuộc tính của Đại Nhật Như Lai (Vairochana), hãy ngồi trên một tọa cụ mềm trong một căn phòng vắng lặng, mờ tối. Hướng mắt thẳng vào khoảng không trước bạn. Thấy rằng ba khái niệm quá khứ, hiện tại và tương lai, cũng như những suy nghĩ thiện, bất thiện và trung tính, cùng với tất cả các nguyên nhân, sự có mặt và biến mất của những suy nghĩ trong ba thời hoàn toàn bị đoạn trừ. Không mang suy nghĩ nào đến tâm. Hãy để tâm như một bầu trời không mây, rõ ràng, rỗng rang và không vướng mắc; và hãy để nó rỗng rang tuyệt đối. Bằng việc làm như vậy, sự vắng lặng, sáng rõ và phi khái niệm xuất hiện. Kiểm tra xem điều này có đi cùng với chấp thủ, sân hận, hôn trầm hay không, và nhận biết sự khác nhau giữa đức hạnh và tà ác”.[5]

Có hai giải pháp truyền thống đối với đạo lộ. Trước hết, ta cần có một sự hiểu biết thấu đáo về giáo pháp, bao gồm sự thấy biết về tánh Không, và trên cơ sở đó ta tận tâm cho thiền định. Theo truyền thống này, ta thực hành shamatha chỉ sau khi đã nghiên tầm bộ luận của Di Lặc (Maitreya) do Asanga khai mở, Hiện thị trang nghiêm luận (現觀莊嚴論), và một người thực hành vipashyana chỉ sau khi đã nghiên tầm thấu đáo về Nhập trung quán luận (Madhyamakāvatāra) của Chandrakirti (Nguyệt Xứng). Theo truyền thống thứ hai, ta có thể có được sự thấy biết về tính Không trên cơ sở của việc thành tựu shamatha đầu tiên. Trong tác phẩm của mình, Con đường của các Jina: Một văn bản gốc về truyền thống Geluk-Kagyü Mahamudra vi diệu (The Highway of the Jinas: A Root Text on the Precious Geluk-Kagyü Mahamudra Tradition), Panchen Lozang Chökyi Gyaltsen, vị giáo thọ của ngài Dalai Lama thứ năm, minh họa truyền thống thứ hai qua những lời dạy tinh hoa về shamatha như sau, mà ở đó ông nhấn mạnh hai phương pháp được Maitripa trích dẫn ở trên:[6]

 “Trong hai phương pháp thiền định dựa trên cơ sở quan sát và tìm kiếm cái nhìn về nền tảng của thiền, những ghi chép sau liên quan đến phương pháp thứ hai. Ở trên một tọa cụ thoải mái cho việc tọa thiền, ổn định thế ngồi và thở ra chín lần để làm sạch những năng lược tiêu cực. Cẩn thận phân biệt giữa sự thanh tịnh sáng rõ của nhận thức và những nhiễm ô của nó, và với một tâm thiện lành tinh khôi bắt đầu bằng việc nương tựa và tu tập tâm Bồ-đề. Thiền quán về con đường guru yoga thâm sâu, và sau khi phát hàng trăm lời cầu nguyện chân thành, hãy để vị thầy (guru) hòa nhập vào trong bạn.

Không làm thay đổi bản chất của những sự xuất hiện thoáng qua với những suy nghĩ chẳng hạn như những hy vọng và sợ hãi, mà hãy nghỉ ngơi một thời gian ở nơi trạng thái thiền vững chãi. Đây không phải là một trạng thái mà sự chú tâm của bạn bị che mờ đi, như thể bạn bị ngất xỉu hay ngủ say. Thay vì vậy, hãy luôn đặt chánh niệm sáng suốt và tập trung sự nội quán vào những hoạt động nhận biết. Tập trung liên tục vào bản chất của nhận thức và sự sáng rõ, quán sát nó một cách rõ ràng. Bất kỳ suy nghĩ nào sinh khởi, hãy nhận diện nó. Ngoài ra, giống như một người tham gia vào một cuộc đọ găng, hoàn toàn cắt bỏ đi bất kỳ ý nghĩ nào mà nó xuất hiện. Khi sự tĩnh lặng có mặt sau khi những suy nghĩ vắng bặt, hãy buông thư, nhưng không đánh mất chánh niệm. Như được nói, ‘Tập trung liên tục và buông thư – tức ở đó tâm được làm cho vắng lặng’. Buông thư mà không lơ đãng.

Bất kỳ khi nào những suy nghĩ xuất hiện, nếu bản chất của chúng được quán sát, chúng tự nhiên biến mất và một chân không rõ ràng xuất hiện. Tương tự như vậy, nếu tâm được quán sát khi nó tĩnh lặng, một sự rỗng lặng sinh động, sáng rõ, trong trẻo được nhận biết, và điều này được gọi là “sự hợp nhất của tĩnh lặng và chuyển động”. Bất cứ khi nào suy nghĩ xuất hiện, không ngăn chặn chúng, mà nhận biết sự chuyển động của chúng, tập trung vào bản chất của chúng – như một con chim được nuôi trên một chiếc tàu. Giữ sự nhận biết của bạn như trong lời nói, “Giống như một con quạ bay từ một chiếc tàu, vòng quanh, và lại đậu xuống tàu’.

Bản chất của thiền định không bị che đậy bởi bất cứ điều gì, mà sáng trong và rõ ràng. Không bị thiết lập như bất kỳ vật thể vật chất gì, nó rỗng rang sáng rõ như hư không. Bất cứ thứ gì xuất hiện, nó nhận biết rõ ràng. Đó là bản chất của tâm. Điều này được chứng thực với sự nhận thức trực tiếp, tuy nhiên nó không thể bị nắm bắt như là “cái này” hay chứng mình bằng lời nói. ‘Bất cứ thứ gì xuất hiện, hãy thả lỏng, không nắm bắt’. Ngày nay, phần lớn những thiền giả của Tây Tạng đều tuyên bố điều này như là lời khuyên thực tiễn cho việc đạt lấy giác ngộ.”

Những lời dạy này về shamatha cung cấp một cơ sở không chỉ cho việc tu tập bốn tâm vô lượng và tâm Bồ-đề, mà cũng cho việc đào luyện tuệ quán thông qua những thực hành cơ bản Tứ niệm xứ.

*Tiến sĩ Alan Wallace là một học giả, một tác gia và dịch giả về Phật giáo Tây Tạng. Những cuốn sách của ông thường tập trung vào mối quan hệ giữa khoa học và Phật giáo. Ông cũng là người sáng lập Viện Santa Barbara Institute for Consciousness Studies, Hoa Kỳ.

 Nguồn: fpmt.org


 

[1] Samyutta Nikāya V, 321-2.

[2] Sāmaññaphala Sutta in Dīgha Nikāya I 73.

[3] Shantideva, A Guide to the Bodhisattva Way of Life. Vesna A. Wallace & B. Alan Wallace (trans.) Ithaca, NY: Snow Lion Publications, 1997, V: 16.

[4] Karma Chagmé, A Spacious Path to Freedom: Practical Instructions on the Union of Mahamudra and Atiyoga, Commentary by Gyatrul Rinpoche, trans. B. Alan Wallace (Ithaca, NY: Snow Lion Publications, 2009), 80.

[5] Ibid.

[6] Collected Works of Paṇchen blo bzang chos kyi rgyal mtshan, New Delhi: Mongolian Lama Gurudeva, 1973, Vol. IV, 84 – 86. Translation by B. Alan Wallace.


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage