Chùa Bửu Minh

Một bạn đọc có gửi đến tôi tin, ảnh về việc phục dựng tượng Bồ tát Quan Thế Âm tại Biển Hồ, Pleiku với niềm hoan hỷ, nhưng bày tỏ sự băn khoăn về việc hướng nhìn của tượng Bồ tát Quan Thế Âm, thể hiện qua phối cảnh mô hình phác thảo. Bài đối thoại dưới đây chia sẻ ý kiến của tôi về vấn đề băn khoăn nói trên.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Thưa đạo hữu Minh Thạnh, hình ảnh phác thảo mô hình tượng Bồ tát Quan Thế Âm đang được phục dựng trên Biển Hồ, Pleiku cho thấy hướng nhìn của tượng là bờ hồ. Vậy, đạo hữu bình luận gì trong tư cách người đã có nhiều ý kiến về việc vị trí xây dựng tượng Phật, trong đó có nhiều ý kiến có nhiều ý nghĩa và được tiếp thu triển khai, như hướng nhìn của tượng Bồ tát Quan Thế Âmđặt ở chùa Xá Lợi Quận 3 TPHCM?

MINH THẠNH: Tôi nghĩ rằng, tượng Bồ tát Quan Thế Âm nên nhìn ra Biển Hồ, nhìn  ra mặt nước, thay vì nhìn vào lối đi từ cổng dẫn đến hồ.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tại sao, thưa đạo hữu? Trước đây, quan điểm của đạo hữu là xây dựng tượng Phật luôn luôn phải gắn với khu dân cư.Trong trường hợp này, tượng Bồ tát Quan Thế Âm sẽ nhìn về phía thành phố Pleiku?

MINH THẠNH: Tôi có nhiều căn cứ để có ý kiến như trên.

Trước hết, đây là việc PHỤC DỰNG.Đã nói phục dựng, thì chúng ta nên khôi phục nguyên mẫu, tôn trọng sự lựa chọn của tiền nhân.

Gần nửa thế kỷ trước, liệt vị tôn đức đã tôn trí tượng Bồ tát Quan Thế Âm nhìn ra mặt hồ.

Thiết tưởng, lý do mà liệt vị tôn đức đã theo đó lựa chọn hướng nhìn của tượng Phật cũng là những lý do mà tôi sẽ bình luận đây. Trong đó, có cả vấn đề thực tiễn lẫn tâm linh.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Trong thực tế, có ý kiến cho rằng, tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm nhìn vào thành phố Pleiku là hơn. Ở đây, đạo hữu Minh Thạnh hình như có sự thay đổi quan điểm quan trọng?

MINH THẠNH: Không.Với quan điểm cụ thể lịch sử và quan điểm thực tiễn thôi, thì chúng ta phải xét từng trường hợp một.

Quan điểm nền tảng của tôi vẫn là tượng Phật phải hướng về khu dân cư và phải làm sao để số đông người hưởng được sự an lạc từ năng lượng từ bi tỏa ra từ khuôn mặt tượng Phật.

Tuy nhiên, trong trường hợp Biển Hồ, Pleiku, tượng Bồ tát Quan Thế Âm, do đặt ở vị trí thấp, cuối một con dốc, nên khi nhìn vào bờ hồ thì chính là nhìn vào con dốc, vào triền hồ, không phải nhìn vào khu dân cư. “View” của tượng đài khi đó sẽ là một không gian rất hẹp, bị giới hạn bởi triền dốc, mà đứng trên cao sẽ thấy tượng Phật là ở bên dưới.

Thấy tượng Bồ tát Quan Thế Âm ở thấp bên dưới và người đến lễ bái tượng Phật phải đi xuống thấp để đến với tượng Phật là xét điểm nhìn từ người đi lễ bái.

Tầm nhìn của tượng Bồ tát Quan Thế Âm bị giới hạn, không gian phía trước của tôn tượng bị chắn bởi triền đồi là xét điểm nhìn từ tôn tượng.

Trong hoàn cảnh cụ thể của tượng Bồ tát Quan Thế Âm ở Biển Hồ, Pleiku không thể có sự nối kết giữa bức tượng với thành phồ Pleiku với khu dân cư, với đường bộ, phố xá, quảng trường như những ý kiến của tôi trong những trường hợp đặt tượng Phật trước đây. Cho nên, trong trường hợp đặc biệt này, trong những lựa chọn, không có quan hệ giữa tôn  tượng và khu dân cư, mà chỉ có tôn tượng và khung cảnh thiên nhiên.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Phác thảo mô hình tượng Bồ tát Quan Thế Âm ở Biển Hồ, Pleiku đăng trên báo cho thấy khung cảnh cũng rất đẹp, không thấy vấn đề tôn tượng nhìn vào triền đồi hay con dốc. Ý kiến của đạo hữu ra sao?

MINH THẠNH: Mô hình phác thảo nói trên đóng khung trong không gian có chiều ngang có lẽ chỉ vài trăm mét. Trong không gian giới hạn đó, mô hình phác thảo tượng Bồ tát Quan Thế Âm đúng là đẹp.

Nhưng theo tôi, vấn đề lý luận ở đây là với tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm, Biển Hồ, đôi mắt Pleiku sẽ được tâm linh hóa. Vì vậy, nếu xét không gian của pho tượng và vai trò tâm linh hóa của pho tượng, thì phải xét không gian quan hệ của bức tượng với toàn bộ cảnh quan Biển Hồ.

Nếu mở rộng không gian ở tầm mức như vậy, thì tượng Bồ tát Quan Thế Âmđặt ở cuối một con dốc, nhìn vào triền đồi, sẽ có những nét không đẹp về mặt cảnh quan thực tế, cũng như có những vấn đề tâm linh.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Những nơi khác trong khu vực Biển Hồ hiếm có người đến và không có lối đi. Đạo hữu Minh Thạnh có cho rằng với những điều kiện như vậy, việc hướng tầm nhìn của tượng Bồ tát Quan Thế Âm ra toàn mặt hồ là có ý nghĩa?

MINH THẠNH: Với quan điểm cái nhìn vận động, thì việc xây dựng tượng đài cần tính đến sự hiện hữu hàng trăm năm.

Đúng như đạo hữu nói, cảnh quan phải là một cảnh quan chủ quan, là “view” trong mắt con người.

Nhưng hướng phát triển của Pleiku, của du lịch ngắm nhìn Biển Hồ đâu phải chỉ dừng lại như hiện nay. Những bức ảnh chụp trước 1975 cho thấy Biển Hồ, với những triền đồi trọc, là một cảnh quan khác hẳn, nay đã thay đổi nhiều.

Còn cảnh quan chủ quan “view” trong mắt con người, dù là nhiều người không thể ngắm cảnh quan đó vì giới hạn điểm nhìn chủ quan trong thực tế, nhưng đó vẫn sẽ là cảnh quan công chúng qua phim ảnh truyền thông.

Trước đây, chúng ta đã có hình ảnh nhà thủy tạ ở những góc nhìn mà trong thực tế nếu tự chúng ta đi du lịch đến, thì không có được.Đó là hình ảnh nhà thủy tạ được chụp, được ghi hình từ mặt hồ, từ trên cao.Những hình ảnh đó đã là những hình ảnh đẹp nhất của Biển Hồ, của Pleiku.

Nếu tượng Bồ tát Quan Thế Âm quay lưng ra mặt hồ và nhìn vào triền đồi, thì những bức ảnh chụp toàn cảnh từ mặt hồ, từ bờ hồ phía bên kia, từ trên cao… đối với tượng Bồ tát Quan Thế Âm chắc chắn không đẹp.

Lưng tượng Bồ tát đưa ra mặt hồ, tôi không dám nói là phản cảm, nhưng thật sự có cái gì không ổn cho cửa sổ tâm hồn của Pleiku, vì tượng Bồ tát bị cắt rời ra khỏi khung cảnh bao la hùng vĩ.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Đạo hữu nói vấn đề tâm linh phải chăng là nói đến khía cạnh phong thủy? Phong thủy có vấn đề không?

MINH THẠNH: Tôi không tin vào phong thủy mà chỉ theo giáo lý Phật giáo Nguyên thủy. Ở nơi nào, chúng ta làm việc lành, mang điều lành đến cho chúng sinh, thì đất đai sông núi ở đó sẽ tốt.

Nhưng tôi có những kinh nghiệm và cảm xúc về sự hài hòa giữa các cơ sở, biểu tượng tâm linh trong quan hệ với cảnh quan và thiên nhiên.Yêu cầu ở đó là sự hài hòa.

Trở lại vấn đề điểm nhìn cảnh quan, thì xét từ góc độ tâm linh, cảnh quan không chỉ là cho con người (dù quan điểm của tôi trong việc đặt tượng Phật, con người là ưu tiên), mà tâm linh còn là cho mọi loài chúng sinh, trong đó có những chúng sinh vô hình đối với chúng ta, mà dân gian còn gọi là “đấng khuất mày khuất mặt” và cả đối với chim trời cá nước, nếu theo quan niệm về chúng sinh của đạo Phật.

Khi tâm linh hóa cửa sổ tâm hồn Pleiku, cái hồn sơn thủy đất trời của Pleiku, thì phải hướng đến sự bao la hùng vĩ, và tìm quan hệ tâm linh trong sự bao la hùng vĩ.

Trong phần lớn trường hợp cảnh quan sơn thủy, thì mặt tiền tượng Phật, mặt tiền ngôi chùa luôn hướng đến sự bao la và sự bao la làm nên vẻ đẹp mỹ thuật và quan hệ tâm linh. Chẳng hạn, đối với chùa Trấn Quốc, Hà Nội chẳng hạn, nhìn từ mặt đường thì chùa tháp sẽ không mấy có vẻ thiêng liêng, nhưng trong quan hệ với mặt nước Hồ Tây, thì hình ảnh ngôi chùa làm cho chúng ta xao xuyến vô cùng và trong chúng ta dâng lên những dao động tâm linh mạnh mẽ.

Cũng vậy, ở Biển Hồ, Pleiku, nếu quay lưng ra mặt hồ, thì tôi dự cảm một tình huống tâm linh không thuận (ở đây không liên hệ đến phong thủy).Đưa tầm nhìn của tượng Bồ tát Quan Thế Âm vào triền đồi và bị giới hạn lại càng không thuận nữa.

An lành cho Biển Hồ, an lành cho thành phố Pleiku chính là sự quảng đại từ vị thế bao la của Bồ tát Quan Thế Âm.

Còn một vấn đề tâm linh nữa, cũng không bàn từ góc độ phong thủy, mà từ lẽ tự nhiên.

Trong tâm linh, tượng thần thánh, bất cứ thần thánh ở tín ngưỡng tôn giáo nào (dĩ nhiên là trừ Ông Địa, Thổ thần…) đều cần được tôn trí trên cao so với người đời, nhất là khi có một không gian dẫn đến bức tượng thần thánh đó.

Ở Biền Hồ, Pleiku, nếu đặt tượng Bồ tát Quan Thế Âm ở cuối con dốc là vị trí thấp so với cổng vào, thì nên tránh việc mà từ góc nhìn nào đó trên đoạn đường, người đến lễ bái nhìn thấy mặt tượng ở phía dưới mình, ở dưới chân mình và nhãn tuyến từ tượng bắt đầu tiếp xúc với người đến lễ bái từ chân lên đầu, trước tiên người lễ bái nhìn xuống pho tượng chứ không phải là tượng và người lễ bái tiếp cận trước hết từ trên đầu, theo chiều người lễ bái nhìn lên bức tượng.

Như là một tập quán tự nhiên, khi xây dựng các công trình tôn giáo, đặt các biểu tượng tôn giáo, những tượng thần, tượng thánh, người ta đều theo tập quán đó, trừ trường hợp không có sự lựa chọn.

Hơn thế nữa, xu thế chung là đưa các biểu tượng tôn giáo, tượng thánh thần lên cao bằng các ngôi tháp.

Ở đây, với tượng Bồ tát Quan Thế Âm ở Biển Hồ, Pleiku, nếu có hai lựa chọn, hoặc đưa tầm nhìn tượng Bồ tát ra mặt hồ, hoặc đưa tầm nhìn tượng Bồ tát vào triền hồ (trong khi bờ hồ có những điểm cao hơn so với tôn tượng), thì vì những lẽ tâm linh tự nhiên, chỉ nên đưa tầm nhìn bức tượng ra phía mặt hồ mà thôi.

Những tình huống, trạng thái tạo sự bất kính đối với những đấng mà con người tôn thờ, theo tôi, đều không có lợi, nếu đã ra sức kiến tạo một không gian tâm linh, tâm linh hóa một nơi không chỉ là cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình mà còn là biểu tượng cho một vùng đất, khởi đầu cho quá trình kết nối với trời đất.

Để có được những ý tưởng này, tôi phải suy nghĩ, nhưng tôi tin rằng cách nay 40-50 năm, quý liệt vị tôn đức, tuy không trình bày “lý luận” dài dòng và nặng nề như tôi, mà có những cảm nhận tâm linh trực giác rất mạnh mẽ, dứt khoát và rõ ràng khi chọn hướng đặt tượng Bồ tát Quan Thế Âm ở Biển Hồ, Pleiku. Một lần nữa, do là “phục dựng”, nên chúng ta cần tôn trọng sự lựa chọn của các vị tôn đức.

Trao đổi ý kiến với đạo hữu, tôi cũng mong kính trình những suy nghĩ như trên với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai, với sự mong mỏi nhìn thấy những cảnh quan “công chúng” từ những góc nhìn cảnh quan tuyệt mỹ nhất về Biển Hồ, Pleiku trong sự kết nối hài hòa tâm linh trọn vẹn. Để bao nhiêu người, dù không đến Pleiku, dù không ra được giữa mặt hồ nhìn ngắm, cũng thấy một Pleiku không chỉ hùng vĩ, bao la, mà còn thiêng liêng, giao hòa với Trời Phật, trong năng lượng an lành bao la, quảng đại qua những góc nhìn chụp ảnh thu hình.

MT

Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.

14202521_1122431724461755_6062606630018327336_n.jpg

Pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm trước năm 1975 mặt Phật nhìn ra mặt hồ, lưng dựa vào triền đồi bờ hồ

14225336_1122431727795088_4249418616051267043_n.jpg

Tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm trước năm 1975

BiYn_HY_Gia_Lai (1).jpg

Địa điểm nơi phục dựng tôn tượng Bồ Tát hiện nay, chụp từ trên cao

foody-mobile-khu-du-lich-bien-ho-to-nung-gia-lai.jpg

Địa điểm phục dựng tôn tượng Bồ Tát, chụp từ trên con đường triền dốc đi xuống

133634-mo-hinh-phac-thao-tuong-quan-the-am-bo-tat-tai-bien-ho.jpg

Phối cảnh được cấp phép cho công trình hiện nay

BBT. www. chuabuuminh.vn


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage