Chùa Bửu Minh

Hoằng Pháp Với Môi Trường


Tác giả: Đào văn Bình

Hội Thảo Hoằng Pháp Toàn Quốc 2011 tại Bình Dương vừa kết thúc tốt đẹp. Sau cuộc hội thảo chắc chắn chúng ta phải bắt tay vào việc. Ban Hoằng Pháp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, sau khi đúc kết mọi ý kiến qua những bài tham luận, sẽ hình thành một kế hoạch hành động.

Kế hoạch này sẽ được trình lên Hội Đồng Chứng Minh duyệt xét chấp thuận, sau đó ban hành giáo chỉ để Hội Đồng Trị Sự thi hành. Sau khi nhận được giáo chỉ hoằng pháp, Hội Đồng Trị Sự sẽ có văn thư thật chi tiết để các Ban Trị Sự Thành/Hội phối hợp với các đoàn thể liên hệ như Gia Đình Phật Tử, Câu Lạc Bộ Thanh Thiếu Niên Phật Tử, Cư Sĩ .v.v..nhất quán thi hành, trừ trên xuống dưới. Là bộ phận thi hành, các Ban Trị Sự Thành/Hội phải theo dõi từng bước việc thi hành kế hoạch hoằng pháp, ghi nhận thành quả, lượng giá ưu khuyết để làm căn bản cho kế hoạch hoằng pháp năm sau.

Trong 9 chủ điểm hoằng pháp năm nay, tôi đặc biệt chú ý tới chủ đề “Hoằng Pháp Với Môi Trường”. Sở dĩ tôi chú ý là vì môi trường sống đang trở thành vấn đề sinh tử của nhân loại. Nếu không bảo vệ và cải thiện môi trường sống ngay từ bây giờ thì thảm họa xảy đến - nó không chớp nhoáng và tan hoang như động đất, sóng thần, chiến tranh, dịch tễ - nhưng nó chết lần chết mòn, con người và thú vật tuyệt đường sinh sản, dị dạng rồi đi đến diệt chủng. Mặc dù vấn đề to lớn như thế nhưng chưa thấy một tôn giáo nào quan tâm tới, ngoại trừ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Và ngày hôm nay, Phật Giáo Việt Nam đã ý thức được vấn đề trọng đại …và như thế chúng ta đã đi đúng hơi thở của nhân loại. Thứ hai, đây là một lãnh vực vô cùng mới mẻ do thời thế nảy sinh mà hơn 2500 năm qua tu sĩ Phật Giáo không bao giờ quan tâm chứ đừng nói tới chuyện dấn thân nhập cuộc.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là “Hoằng Pháp Với Môi Trường” là gì? Theo tôi hiểu, khi đưa ra chủ trương này các nhà lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam muốn:

  1. Tất cả mọi người, đặc biệt những người con Phật hãy ý thức tới tầm mức quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
  2. Sau khi đã có ý thức rồi, dưới sự hướng dẫn của chư tăng ni, người Phật tử sẽ đi tiên phong trong việc cải thiện và bảo vệ môi trường. Từ nguồn kích thích có tính “Phật tử” đó mà cả nước dấy lên một phong trào, nói đúng ra một “nghĩa vụ” bảo vệ môi trường, không ngoài mục đích làm sao cho đất nước: Dù kỹ nghệ phát triển nhưng vẫn bảo vệ được nguồn nước, bầu không khí trong lành. Thành phố không rác rưởi hôi thối, sông, lạch, hồ, biến không bị ô nhiễm, chim chóc có nơi ẩn náu an toàn, rừng cây không bị tàn phá hay khai thác bừa bãi, ngăn ngừa nạn cháy rừng. Mới đây tại bãi biển Marina của California, hằng triệu con cá mòi (sardines) loại cá đóng hộp ngon nhất, đã ngã ra chết vì nhiễm độc, Vịnh Mễ Tây cơ cả một vùng biển không lồ cá nổi trắng xóa.
  3. Còn đối với đồng bào sắc tộc Tây Nguyên, “Hoằng Pháp Với Môi Trường” có nghĩa là khích lệ đồng bào bảo vệ rừng, không đốt rừng đốt rẫy mà từng bước từng bước du nhập phương thức định cư định canh. Ngoài ra Giáo Hội cũng phải hợp tác với chính quyền trong mục tiêu bảo vệ một khu vực sinh sống thích nghi cho đồng bào sắc tộc. Mỗi tỉnh, thành ở miềm xuôi nên kết nghĩa với các buôn làng Tây Nguyên và quyên tặng họ trâu bò, tức khuyến khích họ chăn nuôi như một số Phật tử ở vùng cao đã làm.

Để quý Phật tử có một chút ý niệm về thảm họa ô nhiễm môi trường, chúng ta hãy đọc một tài liệu nhan đề: 11 Dữ Kiện Về Ô Nhiễm Môi Trường (11 Facts About Polution ) (*):

  1. 40% sông ngòi ở Hoa Kỳ và 46% hồ ở Hoa Kỳ ô nhiễm quá độ cho việc câu cá, bơi lội hoặc cho những sinh vật sống dưới nước.
  2. Sông Mississippi nhận nước tháo ra từ 40% lục địa Hoa Kỳ, mỗi năm nó mang khoảng 1.5 triệu tấn khối nước nhiễm chất nitrogen đổ vào Vịnh Mễ Tây Cơ. Từ đó gây ra một vùng tử địa trong vịnh này có diện tích lớn bằng Tiểu Bang New Jersey. (**)
  3. 1.2 ngàn tỉ ga-lông nước cống chưa được lọc (xử lý), nước chảy tháo ra từ các cơn bão lụt, chất thải kỹ nghệ… đổ vào sông hồ của Hoa Kỳ mỗi năm.
  4. Nước uống ô nhiễm gây khốn khó cho khoảng phân nửa dân số thế giới. Mỗi năm có khoảng 250 triệu trường hợp bệnh tật gây ra bởi nước uống, trong đó từ 5 tới 10 triệu người chết.
  5. Xe cộ đóng góp khoảng 60% thán khí nhả lên trời trên quy mô toàn quốc và 95% trên quy mô đô thị.
  6. Các nông trại lớn nuôi lợn/heo nhả ra chất hydrogen sulfide- một loại khí gây ra bệnh giống như bệnh cúm ở con người, nhưng nếu nồng độ cao có thể gây tổn thương não bộ.
  7. Mỗi năm các nhà máy ở Hoa Kỳ nhả ra 3 triệu tấn hóa chất độc hại làm ô nhiễm không khí, mặt đất và sông ngòi.
  8. Tại Hoa Kỳ, 41% loại thuốc trừ sâu rầy được dùng trong kỹ nghệ trồng bắp. Với số lượng này thì 80% thuốc dùng để trị sâu rầy có thể kiểm soát được nếu thay phiên trồng loại hoa màu khác trong một năm.
  9. Mỗi năm 1 người Hoa Kỳ thải ra khoảng 3285 cân Anh (pounds) chất thải độc hại.
  10. 80% các món đổ ở bãi rác có thể tái dụng (recycle) nhưng họ không thèm làm.
  11. Người Hoa Kỳ mỗi năm quăng đi khoảng 30 tỉ chiếc ly, chén, đĩa bằng foam (bọt ny-lông sốp), 220 triệu vỏ xe cũ và 1.8 tỉ chiếc tã (cho người già và trẻ em).

Còn tại Trung Quốc, sau 15 năm hiện đại hóa, kỹ nghệ phát triển vượt bực, đã phải trả một giá rất đắt về ô nhiễm môi trường. Theo số báo ra ngày 27-3-2010 của tờ Lancet thì mỗi năm có 420,000 người chết yểu/chết non vì các bệnh viêm phổi, ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp do không khí và nước ô nhiễm độc chất gây ra.

Còn tờ Huffington Post thì liệt kê 9 thành phố dưới đây là những thành phố ô nhiễm nhất thế giới:

1)      Linfen (Trung Quốc)

2)      Los Angeles (Tiểu Bang California Hoa Kỳ)

3)      Niger Delta (Nigeria)

4)      Greater London (Anh)

5)      Dzerzhinsk (Nga)

6)      Great Phoenix (Tiểu Bang Arizona Hoa Kỳ)

7)      Bangdung ( Nam Dương)

8)      La Roya ( Peru)

9)      Lake Karachay (Nga)

Còn Việt Nam thì sao? Theo một bài báo của ký giả Thomas Fuller đăng trên tờ New York Times - Asia Pacific ngày 6/7/2007 thì “Tại Hà Nội hiện có khoảng 1.8 chiếc xe gắn máy và scooter lưu hành…Theo các chuyên viên, bầu không khí ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã nhiễm chất benzene và sulfure dioxide ở mức độ nguy hiểm, tuy nhẹ so với các thành phố Á Châu khác, nhưng sẽ tệ hại hơn nếu Việt Nam chọn cách xây dựng các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu, con số (ô nhiễm) sẽ tăng lên hai hàng số (double digit) mỗi năm. Theo Ô. Phạm Duy Hiển - chuyên gia, cố vấn cơ quan Swiss- Vietnamese Clean Air Program thì tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mức độ ô nhiễm PM10 vào khoảng 80 microgram/ mét khối, tức gấp đôi mức độ ở Bangkok và trên mức độ 20 quy định bởi Cơ Quan Sức Khỏe Thế Giới (World Health Organization)…Nguyên do chính của nạn ô nhiễm là vì Việt Nam đang xử dụng loại nhiên liệu lọc cẩu thả (phẩm chất kém). Việt Nam xuất cảng dầu thô rất tốt, nhưng vì không có nhà máy lọc dầu cho nên lại phải nhập cảng loại dầu phẩm chất kém, nhưng lại được ưa chuộng vì giá rẻ…Về thực trạng xe cộ lưu hành, theo Ô. Đỗ Văn Hòa trưởng trạm kiểm soát ô nhiễm xe cộ tại Pháp Văn thuộc Hà Nội thì 30% số xe lưu hành đã vượt quá mức độ thải thán khí quy định

Theo cuộc khảo cứu của Cornell University tại New York thì 40% số tử vong trên toàn thế giới gây ra bởi ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm mặt đất (do rác rưởi và hóa chất).

Từ những con số nói trên chúng ta thấy thảm họa gây ra bởi ô nhiễm môi trường thật kinh hoàng mà mức độ mỗi ngày mỗi gia tăng do chính con người gây ra. Do đó cất lên tiếng nói bảo vệ và cải thiện môi trường là tiếng nói của lương tri nhân loại, vừa bảo vệ mạng sống của chính mình, tương lai của con cháu và bảo vệ trái đất – cho tới giờ phút này- là một hành tinh duy nhất mà con người có thể sinh sống được.

Nhưng với phương tiện tài chánh yếu kém so với các tôn giáo khác, tổ chức lại non trẻ vì vừa mới hình thành trong gian nan, liệu với tâm “Đại Hùng, Đại Lực” Phật Giáo Việt Nam có thể làm gì cho mục tiêu to lớn này?

Bởi vì vấn đề ô nhiễm môi trường tùy thuộc vào 3 yếu tố: Chính quyền, cơ sở kỹ nghệ và người dân.

  1. Nếu chính quyền không ban hành một đạo luật bảo vệ môi sinh, không nghiêm túc thi hành luật lệ, không giám sát chặt chẽ hoạt động của các nhà máy, không thường xuyên theo dõi và thử nghiệm các chất phế thải từ các nhà máy, không quản trị rừng, biển, hồ, sông, lạch, đầm lầy…một cách đúng mức …thì nạn ô nhiễm môi trường được tự do tung hoành, giống như chúng ta xây hàng rào nhưng lại để một lỗ hổng lớn.
  2. Các trung tâm công nghiệp, các nhà máy lớn là thủ phạm ghê gớm của nạn ô nhiễm môi trường. Các nhà máy mọc lên đem lại công ăn việc làm và phồn thịnh cho một thành phố nhưng nó cũng lấy đi sức khỏe, sinh mạng và cuộc sống an vui của con người. Cứ nhìn vào hình ảnh Thành Phố Linfeng của Trung Quốc hầu như không bao giờ có trời xanh, mây trắng. Người dân 24/24 giờ miệng đeo khẩu trang, thành phố chìm ngập trong khói sương mù…giống như địa ngục. Vậy thì công nghệ phát triển để làm gì? Nếu các nhà máy không ý thức rằng chính mình đang gây thảm họa cho đồng loại của mình…thì nạn ô nhiễm môi trường vô phương cứu chữa.
  3. Chính người dân cũng là một thành tố gây ô nhiễm môi trường. Đổ rác bừa bãi làm hôi thối và xấu đi vẻ đẹp của thành phố khiến người qua lại phải quay lưng bịt mũi, bệnh tật lan tràn. Lén lút đổ dầu, quăng bừa rác rến trên sông hồ làm chết đi một con sông, mặt hồ tươi đẹp. Mặt nước trong xanh phản chiếu ánh trăng lung linh về đêm nay đen ngòm, không thấy trăng đâu mà chỉ thấy rác, xác thú vật trôi lều bều. Rồi thì một thành phố 8 triệu dân với khoảng 3 triệu chiếc xe hơi, xe gắn máy ung dung nhả khói lên trời mỗi ngày.  Nếu không nghiêm túc thi hành luật lệ về lưu thông, buộc các xe hơi, xe gắn máy đang lưu hành phải Smog Check(**) mỗi năm như Hoa Kỳ thì người dân sẽ tự gây thảm họa cho chính mình và cho con cháu của mình qua những bệnh như hen suyễn, ung thư phổi, viêm phổi, xáo trộn bộ máy hô hấp và tử vong.

Có thể nói trong ba yếu tố nói trên, nhà máy và người dân giống như hai giòng thác chảy cuồn cuộn về nẻo ô nhiễm, còn chính quyền đôi khi chỉ đứng trên bờ chỉ chỏ, la hét. Các nhà hoạt động về môi sinh như ở tại Hoa Kỳ chẳng, đa số họ thuộc tầng lớp trí thức, có khả năng gây quỹ, rất nhiều ảnh hưởng với Quốc Hội, nhưng cũng không thể ngăn ngừa nổi nạn ô nhiễm môi trường. Do đó tôi nghĩ rằng mục tiêu chúng ta đề ra phải thiết thực và khiêm tốn. Trong tinh thần “Đạo Phật Đồng Hành Với Dân Tộc” và cũng đồng hành với nhân loại tôi xin đóng góp một vài ý nghĩ thô thiển:

  1. Qua những buổi thuyết pháp, bài viết, sinh hoạt tôn giáo, chúng ta dấy lên một phong trào bảo vệ môi sinh, cải thiện môi sinh trên quy mô toàn quốc.
  2. Qua các đoàn sinh Gia Đình Phật Tử, Câu Lạc Bộ Thanh Thiếu Niên Phật Tử chúng ta phát động những đợt làm đẹp thành phố, dọn rác, đổ rác, thông cống rãnh, trồng cây v.v..với sự hỗ trợ phương tiện của chính quyền để gây ý thức trong quần chúng. Hãy khơi dậy trong lòng mọi người tinh thần “ Yêu đường phố như yêu nhà mình”, “Yêu đất nước như yêu thân mình”, “Ô nhiễm môi trường ngày hôm nay (Nhân), bệnh chết ngày mai (Quả).”
  3. Chúng ta đề nghị với Bộ Giáo Dục là chúng ta sẽ cấp giấy chứng nhận phục vụ thiện nguyện cho các em tham gia các chiến dịch này. Tại Hoa Kỳ, trong các cuộc thi tuyển vào đại học hoặc hậu đại học, người ta thường cho thêm điểm các sinh viên, học sinh nào có giấy chứng nhận phục vụ thiện nguyện cho chính phủ hoặc các cơ quan từ thiện v.v.. Các nhà giáo dục Hoa Kỳ đánh giá cao và nâng đỡ những em có tinh thần phục vụ nhân quần xã hội.
  4. Ban Hoằng Pháp cần phối hợp với các câu lạc bộ thể thao để tổ chức các cuộc: đua xe đạp, đi bộ, chạy marathon, hoặc những buổi trình diễn ca nhạc ngoài trời với chủ đề “ Bảo Vệ Môi Trường Sống”. Những sinh hoạt như thế sẽ tạo một ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người.
  5. Ban Hoằng Pháp thường xuyên tổ chức những buổi hội luận trên truyền hình, đài phát thanh về chủ đề môi trường. Tham luận viên có thể là các học giả, các trường đại học, các nhà nghiên cứu về môi sinh, giám đốc các nhà máy hoặc nạn nhân của những vụ ô nhiễm môi trường v.v..
  6. Ban Hoằng Pháp cần thiết kế một phù hiệu (logo) thống nhất cổ vũ cho việc bảo vệ môi trường thật đơn giản thật đẹp, thật ý nghĩa, không nặng màu sắc Phật Giáo quá nhưng nhìn vào ai cũng thấy đây là Phật Giáo. Muốn gây chú ý trong quần chúng, Ban Hoằng Pháp cần tổ chức một cuộc thi vẽ trên quy mô toàn quốc và lựa chọn mẫu vẽ đẹp nhất. Phù hiệu này sẽ đem chế thành các insigne (huy hiệu) gắn ở trước ngực và in thật đẹp trên các áo thun (T-shirt) cho các đoàn sinh Gia Đình Phật Tử hoặc Câu Lạc Bộ Thanh Thiếu Niên Phật Tử bán để gây quỹ. Tại Hoa Kỳ, khi bạn tới thăm viện bảo tàng, thắng cảnh hoặc di tích lịch sử nào, du khách đều ghé Cafeteria (Câu Lạc Bộ) để nghỉ ngơi, uống nước và mua đồ lưu niệm trong đó có áo thung T-shirt, bưu thiếp (post card), ly tách có in huy hiệu, hình vẽ của thắng cảnh đó. Người Mỹ rất thực dụng, lúc nào cũng nghĩ đến việc kiếm tiền để duy trì cơ sở vì  Có thực mới vực được đạo”.
  7. Tạp chí, sách báo của các chùa, tự viện mỗi năm nên thực hiện một số đặc biệt về môi sinh với sự đóng góp bài vở của tất cả mọi người không phân biệt Phật tử hay không Phật tử. Số đặc biệt này cần rất nhiều hình ảnh về nạn ô nhiễm môi trường trên thế giới và ngay tại Việt Nam. Các tài liệu đó có rất nhiều trên Internet. Cần nhất là phải nói về nạn ô nhiễm môi sinh ngay tại nơi mình đang sinh sống.
  8. Để các học tăng/học ni sớm có hiểu biết về tầm mức quan trọng của môi sinh mà trong tương lai khi tốt nghiệp trở thành các sư cô, đại đức họ sẽ phải gánh vác thêm một trách nhiệm nặng nề là “Hoằng Pháp Với Môi Trường” do Giáo Hội đã đề ra, chương trình giảng dậy phải có thêm môn Môi Trường Học, Sinh Thái Học và nếu là Cao Đẳng Phật Học thì phải là một tín chỉ (credit) bắt buộc.
  9. Thế hệ già của chúng ta có thể đã hư hỏng và không ý thức gì đến chuyện bảo vệ môi trường, nhưng chúng ta không thể để thế hệ trẻ thiếu hiểu biết về vấn đề này. Do đó cần có kế hoạch “trồng người”. Tại Hoa Kỳ, để học sinh, trẻ nhỏ ý thức việc bảo vệ rừng, người ta đã cho in hằng vạn tấm bích chương (poster) thật đẹp khổ lớn như tấm bản đồ, trên giấy láng bốn màu, có hình chú gấu con đội mũ, mặt mày cháy xém, ngơ ngác, rất đáng thương tên gọi Smokey Bear như là một biểu tượng ngăn ngừa nạn cháy rừng và cho treo ở từng lớp học, thư viện của các trường trung-tiểu học. Chúng ta cũng bắt chước họ làm thế bằng cách cho in cả chục ngàn tấm bích chương thật đẹp với hình ảnh kinh hoàng của nạn ô nhiễm môi sinh, rồi cho phát không để treo ở các trường trung-tiểu học, thư viện. Dĩ nhiên muốn làm thế chúng ta phải có sự đồng ý của bộ giáo dục. Để chia xẻ gánh nặng tài chính, chúng ta cần sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Chúng ta cũng lại phải bắt chước người Mỹ bằng cách cho in tên tuổi của các nhà hảo tâm ở dưới tấm bích chương khi họ đóng góp một số tiền tối thiểu nào đó. Hàng chữ phải thật nhỏ, không được lấn át tấm bích chương và có thể như sau: “ Bích chương  được thực hiện với sự bảo trợ của Ban Hoằng Pháp Giáo Hội PGVN, Công Ty Du Lịch A, Xí Nghiệp Xây Cất B, Ngân Hàng C, Ô. Bà Nguyễn Văn Đ v.v..” Vì bích chương được treo ở các trường học cho nên sẽ không có bất cứ một biểu tượng nào của Phật Giáo, ngoại trừ hàng chữ cảm tạ nói trên.

Kính thưa Phật tử,

Thảm họa ô nhiễm môi trường thì to lớn và nguy cấp, trong khi sức người có hạn. Tuy nhiên khi đề ra kế hoạch “Hoằng Pháp Với Môi Trường”, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã gieo nhân lành, đã gióng lên một tiếng chuông tỉnh thức và đã dấn thân thêm trong sự nghiệp hoằng pháp độ sinh. Là người con Phật, chúng ta bác bỏ sự hiện hữu của một thần linh (God) chỉ ngồi ở chốn vô hình, tưởng tượng và quyết định vận mệnh của hành tinh này. Chúng ta không mơ một thiên đường ảo ảnh trong khi thế giới mà chúng đa đang sống thì nát bét và có nguy cơ trở thành địa ngục. Với chủ trương xây dựng một “Tịnh Độ Tại Thế” chúng ta không phải chỉ làm cho thế giới này không có tội ác, thân tâm thanh tịnh mà bầu không khí, sông ngòi, mảnh đất chúng ta đang sống cũng phải thanh tịnh. Chắc chắn chư tăng ni không thể ngồi đó hành thiền, tụng kinh niệm Phật, con cháu chúng ta không thể tung tăng cắp sách đến trường, con người không thể sống an lành trong khi lá phổi của chúng ta đen ngòm vì khói độc, nghẹt thở vì hen suyễn, nước uống bị ô nhiễm, thành phố đầy rác rưởi hối thối, sông ngòi tắc nghẽn vì rác rến, tôm cá và chim muông chết dần vì không còn nơi sinh sống. Hằng thuận lợi ích của chúng sinh còn có nghĩa là chúng ta chia vai gánh vác những gánh nặng của dân tộc do chính cuộc sống này, do vô minh, do tham vọng, do thiếu hiểu biết của chính chúng ta gây ra. Đó cũng là tinh thần Phật Giáo đồng hành với dân tộc và đồng hành với nhân loại trong thời đại và cho cả mai sau.

Với trách nhiệm nặng nề như vậy, kỷ nguyên toàn cầu hóa cũng là khởi đầu kỷ nguyên đầy gian nan của tăng-già. Bắt đầu từ đây, tăng ni không thể chỉ thảnh thơi ngồi Thiền, uống trà, tụng kinh niệm Phật, mưu cầu giải thoát cho bản thân mình mà phải dấn thân vào đời, phải cực khổ gấp trăm, ngàn lần so với thời Đức Phật còn tại thế, không ngoài mục đích xiển dương chính pháp, giữ gìn tín đồ, giữ gìn bản sắc lẫn tâm linh dân tộc. Nếu hiểu được như thế thì những gian nan ngày hôm nay chính là công đức tu hành để cúng dường chư Phật như Kinh Hoa Nghiệm đã chỉ dạy “ Hằng thuận lợi ích của chúng sinh là cúng dường chư Phật.” Có như thế mới xứng đáng với câu nói “Đạo Pháp Hộ Trì Dân Tộc” để rồi từ đó “Dân Tộc Hộ Trì Đạo Pháp.”

Đào Văn Bình

(Tháng Ba năm 2555 PL tức năm 2011 TL) 

Cước chú:

(*) Website: http://www.dosomething.org

(**) Vùng tử địa có nghĩa là lượng oxygen quá thấp khiến không sinh vật nào có thể sống nổi.

(***) Hầu như mỗi năm ở Hoa Kỳ các xe hơi /ô tô đang lưu hành phải tới các địa điểm quy định để giám định lượng thán khí do xe thải ra gọi là Smog Check. Nếu số lượng quá cao xe sẽ không được cấp chứng chỉ lưu hành.

 

 

 

 



 

 


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage