Chùa Bửu Minh

HOẰNG PHÁP VỚI NGHI LỄ PHẬT GIÁO


Đại Đức Thích Quảng Dũng Ủy viên Ban Hoằng Pháp Phật Giáo tỉnh Bình Định.

DẪN NHẬP
Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam chúng ta trên hai nghìn năm lịch sử, mặc dù có lúc thịnh suy, nhưng với vai trò quan trọng đồng hành cùng dân tộc, Đạo Phật  luôn giữ được vị trí độc tôn, được tôn vinh là “đạo của ông bà” cũng có nghĩa là đạo của dân tộc Việt Nam.


 Đạo Phật  ngoài triết lý cao siêu vi diệu ra, còn có cả một kho tàng vô giá về mặt nghệ thuật, văn hóa và đời sống tâm linh, trong đó Nghi lễ Phật  giáo đóng một vai trò rất quan trọng.

Tuy khác nhau về ngôn ngữ, hình thức nhưng mỗi dân tộc mỗi quốc gia đều phải học và hiểu như nhau về mặt triết lý cao siêu của Đức Phật . Vì để tạo nên một nét rất riêng biệt, một tính cách không thể lẫn vào đâu của văn hóa Phật  giáo mỗi nước, chính là nhờ vào nền văn hóa nghệ thuật của quốc gia đó. Điều này cũng khẳng định rằng, văn hóa luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc phát triển tôn giáo nói chung và Phật  giáo nói riêng.

Phật Giáo Việt Nam suốt quá trình hội nhập với văn hóa Việt Nam cũng đã khẳng định được điều đó thông qua các tác phẩm nghệ thuật bao gồm các công trình mang tính tâm linh Phật  giáo, như chùa, tháp, điêu khắc, nghi lễ và âm nhạc Phật  giáo. Hôm nay và mai sau cũng vẫn với bản sắc như vậy, nhưng Nghi lễ Phật  giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hoằng truyền chánh pháp.

 

HOẰNG PHÁP VỚI NGHI LỄ PHẬT GIÁO

Từ rất xưa chư vị Tổ Sư đã dùng Nghi lễ vào việc hoằng pháp lợi sanh, mang triết lý vi diệu đến với con người và kết nối dân tộc Việt Nam chúng ta thành một khối đại đoàn kết, thông qua việc làm các pháp sự đạo tràng, lập đàn giải oan bạt độ, lễ cầu an, cầu siêu, chẩn tế v.v. trên tông chỉ “nhạc dĩ tải đạo” các Ngài đã biết sử dụng âm nhạc để truyền tải chân lý của Đức Phật  đến với mọi người, nhằm hướng họ quay về với chánh pháp. Ngày xưa những pháp hội đều có nghi tiết thuyết pháp, và thường thì thính chúng rất đông, hình thức như vậy trong dân gian gọi là “Lễ hội”

                          “Thanh minh trong tiết tháng ba

                            Lễ là tảo mộ, hội là Đạp thanh”

       Trích truyện Kiều

 Với Đạo Phật  thì Lễ là “Nghi Lễ” hội là “Pháp Hội”. Nghi lễ Phật  giáo hay nói cách khác là lễ nhạc Phật  giáo, nó vừa mang tính nghệ thuật gợi lên cảm xúc và mang tính tâm linh. Hoằng pháp bằng nghi lễ là một sự tiếp cận Phật  pháp tuyệt vời. Trong bộ môn Nghi Lễ bao hàm cả một hệ thống triết lý rất thâm uyên, gồm thâu cả Thiền -Tịnh, tánh tướng thì dung thông quyền, thật, đốn, tiệm, hiển, mật.

Lễ nhạc từ xưa đã được con người đón nhận bằng sự trân trọng và thành kính, được phổ biến rộng rãi trong dân gian và mọi lĩnh vực của nhân loại, vì thế nghi lễ Phật  giáo là một thứ ngôn ngữ chung của thế giới hữu tình.

Nghi lễ trong đạo Phật  là một trong sáu món cúng dường dùng để dâng lên Chư Phật, với làn điệu thiền vị du dương, thinh âm ấy có một sức mạnh chuyển hóa nhân tâm, và năng lượng hùng hậu làm cho cuộc sống được bình an vững chãi.

Khởi nguyên của Nghi lễ Phật giáo được phát xuất từ Vệ Đà (veda). Một trong những âm nhạc cổ đại dựa trên nền văn hóa Ấn Độ, Đức Phật  của chúng ta cũng thường dùng Dà Đà (kệ tụng) để làm phương tiện truyền đạo, đồng thời Ngài cũng khuyến khích các vị đệ tử chuyên chú vào việc đọc tụng kinh (thanh bái). Trong bộ luật Thập Tụng có đoạn: Thế Tôn khen ngợi thầy Bạt Đề rằng: “ Cho phép ông được trì tụng kinh văn theo cách Dà Đà” như vậy thì từ thuở sơ khai Đức Phật  đã sử dụng âm nhạc để chuyển tải giáo pháp, đó là một hình thức hoằng pháp rất thiết thực mà thời đại nào hay quốc gia nào thông qua đó cũng điều tiếp nhận được.

Phật Giáo Việt Nam vào buổi sơ khai, được các vị tổ như: Khương Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi .v.v. dung hòa những bài giáo điển của đức Phật  thể hiện qua các làn điệu được gọi chung là “Hát Kể Hạnh” để truyền tải phạm âm đến với mọi người, như vậy chúng ta biết rằng, quí Ngài đã dùng nghi lễ làm phương tiện truyền đạo, để rồi trên hai ngàn năm, cũng bằng phương tiện ấy chúng ta truyền giáo pháp của đức Phật  đi khắp năm châu, mang lại lợi ích cho nhân loại.

 Lời pháp của Đức Phật khi được nghi lễ hóa bằng những làn điệu nhịp nhàng, tự nó sẽ có một sự truyền tải rất lớn trực tiếp đến người nghe, du dương như nước chảy,  nhẹ nhàng hòa quyện như làn khói hương, thanh thoát như tràng phan, trầm hùng như tuyết sơn Phật  tích, hằng chấn như pháp cổ, thấu triệt như đại hồng chung. Bởi vậy giá trị của nghi lễ Phật Giáo không chỉ dừng lại ở nơi tuyệt tác văn chương bác học, mà còn thể hiện được định lực của người tu hành, sự thanh tịnh hòa hợp của tứ chúng.

 

NGHI LỄ PHẬT GIÁO ĐI VÀO ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI

Hiện nay đời sống được nâng cao, tâm linh, văn hóa, giáo dục cũng được các quốc gia đưa lên hàng đầu. Bởi vậy việc hoằng pháp bằng con đường Nghi Lễ Phật  giáo là hết sức cần thiết và kết quả rất khả quan.

 Tuy nhiên nói như vậy cũng không phải là không có mặt hạn chế của nó, hiện nay một bộ phận người đến chùa chỉ lo việc cúng bái mà quên đi việc học hỏi giáo lý để tu tập. Nghi lễ là đưa con người đến với đạo Phật , là phổ tế quần sanh, nhưng để được giải thoát khỏi sinh tử thì chúng ta cần phải tu tập.

Nghi lễ Phật  giáo là linh hồn và là sức sống của đạo Phật, là văn hóa phi vật thể. Xã hội hiện đại hôm nay và thế kỷ 21 là thế kỷ của Tâm Linh, thì việc đem bộ môn Nghi lễ Phật  giáo ứng dụng vào việc hoằng pháp, rất khế cơ, khế lý và khế thời. Tuy nhiên dù ở bất cứ lĩnh vực nào thì bản  thân của những vị làm công tác hoằng pháp cũng phải an trụ vào nơi chánh pháp, hình ảnh như vậy chúng ta mới loại trừ được các tệ nạn hiện nay của một bộ phận “ Hành nghề cúng bái”.

Nói đến Nghi Lễ là nói đến sự tướng trang nghiêm, hòa âm thiền vị, pháp hội trang nghiêm, nghi tiết chuẩn mực, ấy mới là đáp ứng được các tiêu chuẩn và giới thiệu hình ảnh của Đức Phật cùng Chúng Trung tôn đến với mọi người. Chúng ta cần chế tác giáo lý của đức Phật  thành những điều phù hợp với căn cơ và nhận thức của đại đa số quần chúng thông qua Nghi lễ Phật  giáo. Rồi từ đó mang đạo Phật  vào khắp các nẻo đường. Thời đại Đức Phật và hiện nay, lúc nào công tác hoằng dương chánh pháp là vô cùng quan trọng mà người con Phật  phải luôn hoàn thành một cách tận tâm và xuất sắc.

Người hoằng pháp bằng nghi lễ Phật giáo có thể gồm những người thực hành nghi lễ, người truyền bá nghi lễ, cần nên hội tụ ba tố chất như sau:

1.         Thanh văn tướng hảo trang nghiêm.

2.         Có chiều sâu về định lực và giới luật và tu tập tâm linh.

3.         Có chiều sâu về nghi lễ Phật  giáo.

Trong “Khoa Du Già diệm khẩu” có nói rằng; “Chí tâm tín lễ tăng già da, chúng trung tôn, ngũ đức sư, lục hòa lữ, lợi sanh vi sự nghiệp, hoằng pháp thị gia vụ” Nhiệm vụ ấy nói lên khí phách của bậc xuất trần thượng sĩ, hình ảnh của chánh pháp giữa cuộc đời hôm nay và mãi mái về sau.

Trong thời đại mới, nghi lễ nên đưa vào giảng dạy tại các trường Phật học, những gì cần việt hóa thì nên việt hóa, cần tính truyền thống thì nên giữ lại, các nghi tiết, làn điệu tùy theo vùng miền cần được phát huy và giữ nguyên giá trị, tránh sự pha tạp làm mất đi bản chất vốn có xưa nay của nghi Lễ Phật Giáo.

KẾT LUẬN:

Nghi Lễ Phật giáo chính là một chương tuyệt tác trong kho tàng giáo lý thậm thâm, mà Đức Thế Tôn đã chứng và thể nghiệm, chư vị Tổ Sư tiếp nối. Hôm nay dùng phương tiện ấy đưa chúng sanh trở về với chánh pháp, xa rời ngũ trược thế gian, mãi nở đóa hoa sen tuệ giác. Góp một phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Việt Việt nam của chúng ta ngày một tươi đẹp, làm tròn trách nhiệm hộ quốc an dân của người con Phật đối với Tổ quốc.

                             Lời Kinh chánh niệm ngân vang

                          Chánh tín Tam Bảo thoát đàng tử sanh.

Người học Phật cần phải biết tùy duyên nhưng bất biến, ứng dụng nghi Lễ vào cuộc đời nhằm mục đích xương minh Phật pháp, lợi lạc quần sanh. Ấy chính là tiếp dẫn hậu lai, báo Phật  ân đức.

 Kính chúc Pháp hội vô lượng an lạc trong hào quang Chư Phật .

Nguồn: http://phatgiaobinhdinh.com


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage