Sự
nghiệp của Bùi Giáng tỏa rộng qua nhiều lĩnh vực, từ thơ, nghiên cứu
phê bình, bình giảng, làm báo và dịch thuật. Nhưng có thể khẳng định thơ
đã "can thiệp", xuyên suốt và xuyên thấu qua hết mọi địa hạt của ông.
Nói cách khác, cái lõi của vấn đề Bùi Giáng là "lõi thơ". Không những
Bùi Giáng dịch hay như làm thơ (tiêu biểu là các cuốn Ngộ nhận, Hòa âm
của điền dã, Hoàng tử bé)... mà ông viết nghiên cứu cũng dào dạt mê
cuồng như làm thơ (Tư tưởng hiện đại)... Ông lấy "thi tưởng" để "quán"
hết mọi lẽ trong hành động. Vì thế mới có những nhận định về Bùi Giáng
theo kiểu như của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, đó là "ngủ ra thơ, thở ra
thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ".
Điều tôi quan tâm ở thơ Bùi Giáng cũng
là thái độ về lẽ biến hóa, vô thường đó. Ông là người kết hợp được
những lý lẽ uyên áo, trầm mặc của tinh thần phương Đông với triết lý
thực nghiệm, thực dụng của phương Tây nên càng về cuối đời, thơ Bùi
Giáng càng có những cuộc đảo lộn dữ dội về ngôn ngữ, lật nhào cả những
hệ thống quan điểm thơ mà gần như cả một đời ông xây dựng. Từ cái thuở
tinh khôi và căn nguyên như trong Mưa nguồn:
"Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?
Ta đi còn gởi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù."
cho đến khi xóa sổ, tung hê hết:
"Sài Gòn chợ Lớn rong chơi
Đi lên đi xuống đã đời du côn."
Triết
lý trong cuộc chơi và kiếm tìm ngôn từ của Bùi tiên sinh cuối cùng chỉ
còn lại mấy chữ "vui thôi mà!" cứ ngỡ rằng ai hiểu thế nào cũng được.
Nhưng theo ý tôi, "vui thôi mà" đó chính là khát vọng và bi kịch của một
thi sĩ đã "tuẫn nạn trên lộ trình của chữ". Dường như mỗi thi sĩ đích
thực không thể lý giải hết khát vọng và sự có mặt của mình. Bùi Giáng
viết:
"Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau".
Nhiều
bài viết của các học giả cho rằng, ở văn học miền Nam một giai đoạn,
nếu Phạm Công Thiện là đỉnh cao của trí tuệ thì Bùi Giáng chính là tinh
hoa của trời đất.
Vì thế Bùi Giáng là kẻ hát rong giữa chợ đời hay
kẻ vì yêu đời quá mà hóa điên, trở thành một gã cuồng khấu vô vọng?
Không ai hiểu hết những con đường nào mà thi sĩ đã đi. Đường trần, đường
thơ, đường định mệnh. Khi tôi biết Bùi Giáng và đến chơi với ông thì
ông không còn đi rong nữa. Có lẽ ông đã thuộc lòng mỗi con đường, mỗi
ngõ phố Sài Gòn. Ông dường như chỉ còn ngồi một chỗ trong căn nhà của
một người cháu tên là Hoài trên đường Lưu Quang Định, quận Gò Vấp. Trên
trán ông, lớp băng trắng vẫn còn thấm máu bởi những vết thương đời do
những kẻ ít hiểu thi sĩ gây ra. Chỉ riêng hai con mắt vẫn sáng bừng như
muốn nhìn thấu, muốn ôm trọn hết mọi cõi. Đến lúc ấy tôi mới hiểu hai
câu thơ:
"Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con".
Tất
nhiên, ý thơ này là của Bùi Giáng chứ không phải của Trịnh Công Sơn.
Cũng cần phải nói thêm, Trịnh Công Sơn đã từng sử dụng rất nhiều ý tưởng
của Bùi Giáng cho nhạc của mình nhưng ít khi ông chính danh về điều đó.
Ví như ý câu thơ "Từ khi trăng là nguyệt" vậy. Nhưng Bùi Giáng, theo
chỗ tôi biết, chưa một lần có phản ứng về điều này. Đến khi Bùi Giáng
mất, Trịnh Công Sơn là người đã khóc trên báo Thanh Niên số tưởng niệm
Bùi Giáng. Trịnh Công Sơn viết đại ý, ngày còn sống Bùi tiên sinh đã có
thơ tặng ông. Thơ viết rằng:
"Công Sơn trịnh trọng phiêu bồng
Thưa rằng thơ nhạc có ngần ấy thôi!".
Tôi
có nhiều lần được tiếp xúc và gặp gỡ với Bùi Giáng nhưng không có một
buổi trò chuyện nào ông chịu hết mình với tôi. Bùi Giáng rất hay nổi
điên khi có một người nào truy bức ông đến cùng. Cho dù đó là thi ca hay
học thuật. Tôi cho rằng ông tránh các cuộc va chạm nảy lửa và tàn khốc
ấy với hai lý do: Một, cuộc đời ông quá đủ đầy như một minh chứng; và
hai, ông không muốn tái lặp lại bất cứ một đặt đề, một định đề nào cho
Nghệ thuật. Đi vào nó thì giống như đi vào "Sa mạc phát tiến". Ước mơ
của ông là tung hê hết chữ nghĩa để nhảy múa và hát ca. Mang tinh thần
Lão tử, hòng diễn giữa chợ đời hiện đại. Vì thế ở một góc chợ Bà Chiểu,
hay giữa cầu Trương Minh Giảng, người ta đã từng thấy thi sĩ múa may
quay cuồng hay "nhập đồng" phóng ào từ trên xích lô xuống diễn kịch, múa
gậy vây giữa đám đông hồ hởi và cuồng nhiệt. Những hình ảnh thơ như thế
sẽ không bao giờ còn nữa. Ông chính là "người thơ" cuối cùng của một
thế kỷ và đã ra đi giữa một thời đại đang ngày càng xa vắng những tâm
hồn và những tâm tình thơ.
Nguyễn Hữu Hồng Minh