Trong hàng trăm vấn đề về lịch sử - văn
hóa - xã hội được phản ánh tại khối tài liệu đồ sộ Mộc bản triều Nguyễn
đang được lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt (Lâm Đồng),
chúng tôi xin được đề cập về việc vua Minh Mạng phái đội quân do Phạm
Hữu Nhật ra quần đảo Hoàng Sa để cắm mốc chủ quyền.
|
Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV - nơi đang lưu trữ 34.618 tấm Mộc bản triều Nguyễn (Ảnh: - Khắc Lịch) |
Thời kỳ nhà Nguyễn trị vì đất nước, quần
đảo Hoàng Sa đã được vương triều Nguyễn rất quan tâm. Các chúa Nguyễn
đã cho lập hải đội Hoàng Sa để bảo vệ vùng lãnh hải, đặc biệt là hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Vua Minh Mạng là người rất quan tâm đến
quần đảo Hoàng Sa. Trong thời gian trị vì đất nước, nhà vua đã có nhiều
việc làm thiết thực để khẳng định chủ quyền đối với quần này như: cho
lập đền thờ ở Hoàng Sa, cho trồng cây trên đảo…
Những việc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa lúc đó không phải là việc
riêng của cá nhân hay bộ phận nào, mà là việc chung của cả vương triều.
Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển
165 phản ánh trong một buổi đại thiết triều vào tháng giêng năm 1836 như
sau: Bộ Công tâu nói : “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa
rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng,
mới chỉ được 1 nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm, nên phái người đi dò
xét cho khắp để thuộc đường biển.
Xin từ năm nay trở về sau, mỗi khi
đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái biền binh thuỷ quân và vệ Giám thành
đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi,
yêu cầu 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng
dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa.
|
Bản dập Mộc bản phản ánh nội dung vua Minh Mạng phái suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa: Ảnh - Khắc Niên |
Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi
cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang,
chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay
sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào,
phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ.
Lại, xét ngày khởi hành, từ cửa biển
nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi,
tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng
vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào,
phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ,
đem về, dâng trình”
Vua y lời tâu, sai suất đội Thuỷ
quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 cái bài
gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày
1 tấc, mặt bài khắc những chữ: “Minh Mệnh thứ 17 (1836), năm Bính thân,
Thuỷ quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng
Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.
Có thể thấy, ý thức giữ gìn biển đảo
thiêng liêng của tổ quốc đã được các triều đại Việt Nam hết sức đề cao,
coi trọng. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua Mộc bản triều Nguyễn, kho
tư liệu vẫn còn nguyên vẹn giá trị, đang được bảo quản tại Trung tâm lưu
trữ Quốc gia IV.