Ngày thầy Thích Tâm Mẫn rời chùa Hoằng Pháp TP.HCM, không mấy ai nghĩ
thầy đủ tinh thần, sức khoẻ để vượt qua đoạn đường dài 1800km bằng
phương pháp một lạy một bước (nhất bộ, nhất bái). Thế nhưng hôm nay
thầy đã về đến Yên Tử, nơi vua Trần Nhân Tông xuất gia trở thành thiền
sư chân đất, sáng lập thiền phái Trúc Lâm.
Bốn năm trước, khởi đi từ nhất bộ nhất bái bên lề đường đầy cát bụi,
hình ảnh thầy lẻ loi cùng người thị giả trong chiếc áo nâu sòng như
dòng sông đem chất liệu bình yên tươi mát. Dẫu nắng hạ đốt da, đông rét
buốt xương, mưa gió bão bùng, thị thành tấp nập hay sa mạc hoang vu,
thầy vẫn bình an, lặng lẽ hành trì không sao lãng.
Những ngày đầu tháng 2 năm 2009 - tại Trảng Bom Miền Nam - một thân, một mình cùng thị giả trong áo nâu sòng
Khi đi được nửa đoạn đường, chướng ngại dưới nhiều hình thức khác
nhau đã xuất hiện nhằm đẩy thầy bỏ cuộc. Hình như đám mây vô minh sợ
nhà sư trẻ trở thành biểu tượng tâm linh.
Những bịch đựng chất ô uế lén lút liệng ra, hòn sỏi nhắm vào đầu,
lạng lách nẹt phô cho văng bụi nước vào người, cho hốt hoảng giựt
mình...thầy vẫn bình tâm, bình thân hành trì cầu nguyện cho quê hương
đất nước và sám hối nghiệp chướng của mình.
Đến Khánh Hoà - chung quanh thầy vẫn còn áo tràng, áo lam Phật tử
Không thể ngăn nổi đôi tay lạy vững chãi, đôi chân bước thảnh thơi,
ma vương bày trò phá hoại hình ảnh trang nghiêm tôn kính của thầy bằng
cách trà trộn làm người hộ tống, hét mắng thô tục, thậm chí hành hung
người bên lề đường.
Càng gần non thiêng Yên Tử, ma vương càng tạo nhiều chướng ngại.
Những tháng cuối cùng thầy Tâm Mẫn đã phải chuyển sang hành trì trong
đêm khuya nhằm giảm thiểu sự cố tiêu cực ngoài tầm kiểm soát của thầy.
Vượt qua đèo cả trong mưa gió bão bùng, vẫn trang nghiêm
Nếu trong hai năm đầu tiên, hình ảnh thầy bình dị oai nghiêm hành
trình cùng thị giả trong áo lam, áo nâu sòng gây xúc động bao người con
Phật, thì nay hình ảnh trần tục thô bạo bao quanh để mọi người đồng
hoá cùng hình ảnh thầy.
Bên cạnh đó, giới vô minh rất mong thầy mất kiểm soát, sẽ phản ứng
trước hành động thô bạo để thừa dịp quay phim chụp ảnh bêu xấu.
Thầy bình an giữa quần Jean, mắt kính, hình xăm...càng gần tới đích
Thế nhưng thầy đã không để tâm xao động, vẫn không trễ nhịp đi, vẫn
dốc lòng hành trì lễ lạy cầu nguyện. Suốt 4 năm chưa một ai ghi lại
được hình ảnh hay lời nói xấu của thầy dù phải đối diện bao thách thức
tàn bạo..
Hình ảnh trần tục thô bạo bao quanh thầy có lẽ cũng làm một số người
không thấy thầy mà chỉ thấy sự tiêu cực. Cũng có nhiều ma vương
internet nhân dịp này hoà nhịp tăng tốc đồng hoá thầy cùng hình ảnh xấu
xa.
Chư tăng ni, Phật tử được thụt lùi đằng sau.....
Thế nhưng người con Phật, bậc tri thức, những người dân hiền hoà chân
chất vẫn nhìn thấy rõ được: Vị thầy ấy trước sau như một, vẫn oai
nghiêm, bình dị, vẫn bình an vững chãi hành trì dẫu bao nghịch cảnh oan
khiên. Càng phá hoại càng tăng giá trị bởi gìn giữ được thân tâm thanh
tịnh trong môi trường khắc nghiệt ấy chỉ có tâm chuyên chất kim cương
thượng thừa.
Ngày thầy đến Trúc Lâm Yên Tử, chúng ta vẫn còn thấy bóng ma vương
nghịch tử lãng vãng. Thầy Tâm Mẫn vẫn như ngày nào thành kính khi lễ
lạy, khiêm cung khi giao tiếp cùng quí sư, quí phật tử.
Đã về đến Yên Tử, nhưng quanh thầy nào có bóng áo tràng
Dẫu thế nào đi nữa, người con Phật vẫn nhận ra được hạnh nguyện thầy,
để hàng hàng, lớp lớp lên non thiêng Yên Tử thành kính chào đón thầy, dù phải đứng sau xa.
Tôi quý kính thầy không vì là người lập kỷ lục đầu tiên nhất bộ nhất
bái từ nam ra bắc. Tôi cảm kích thầy vì có được ý chí kiên định, tâm
luôn thanh tịnh trước bao nghịch cảnh và tấm lòng bao dung trước bao
chướng ngại. Nhân cách thầy là bài học lớn cho tôi và cho bao người.
Lập Đông - mùa mưa bão 2012
Huyền Lam
* Shanti = thanh tịnh (sanskrit)