Chùa Bửu Minh

Ngày 20/11 là ngày hội nhà giáo của thế gian. Chúng ta phải luôn tự ý thức rõ rằng chúng ta là những người đi theo con đường xuất thế gian. Chúng tôi không phải là nhà giáo, chúng tôi trước sau chỉ là người tu hành. Và người thầy vĩ đại của chúng ta là Đức Bản sư. Kính mong chư vị luôn tâm tâm niệm niệm những điều bản hoài khi thụ giới xuất gia đã phát nguyện. Hãy đem công quả của sự tu tập xuất gia mà cống hiến cho đời, chứ đừng để thói đời quấy nhiễu, làm hoen ố đời sống phạm hạnh của chúng ta.



 

Như đã đưa tin, sáng 25/05/2012, tại trụ sở BTS THPG HN Ban Giáo dục Tăng Ni HN đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác GDTN khóa VI (2007 - 2012) và bàn phương hướng hoạt động khóa VII (2012 - 2017).
 
Theo báo cáo tổng kết được trình bày và thảo luận, trong 5 năm qua, công tác GDTN của Thủ đô đã đạt được những thành quả cụ thể:
 
- GDTN tại tự viện, sơn môn hệ phái đã quan tâm ở mức tốt nhất, bước đầu tạo nên nhân cách, đạo đức của người tu hành. Trong nhiệm kì qua đã có 337 vị được xuất gia. Đến nay, PGHN có 1810 vị Tăng Ni, trong đó có 1082 vị có trình độ từ TCPH đến Tiến sĩ PH.
 
- Trường TCPH HN 5 năm qua, đã hoàn thành chương trình đào tạo khóa V, có 166 Tăng Ni sinh tốt nghiệp, sau đó có 108 vị đã trúng tuyển khóa VI của HVPG VN tại HN. Khóa VI của trường TCPH đang theo học có 182 vị.
 
Phương hướng hoạt động cho nhiệm kì VII được đề cập: Hoàn thiện công tác nhân sự của ban GDTN, của trường TCPH; hoàn thiện chương trình đào tạo của trường TCPH. Đẩy mạnh công tác GDTN tại các tự viện, sơn môn; sẽ mở thêm các lớp học tại chức về sư phạm, Hán Nôm cho Tăng Ni, mở những lớp sơ cấp Phật học tại các quận, huyện; đào tạo các khóa chuyên tu về Luật, Kinh, Thiền, hướng đến quốc tế hóa giáo dục PGHN.
 
Trong phần thảo luận, hội nghị đã được nghe các tham luận và phát biểu của ĐĐ Thích Đức Thường, GS Nguyễn Tá Nhí, TS Trần Anh Tuấn, TT Thích Minh Trí, TS Nguyễn Tuyết Mai, cư sĩ Huệ Minh ... và đạo từ Tổng kết hội nghị của TT Thích Tiến Đạt - Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư kí THPG HN.
 
Có lẽ đã từ lâu lắm rồi, chúng tôi mới được chứng kiến và tham gia một hội nghị sôi nổi, tâm huyết, thực tế và trách nhiệm như Hội nghị này.
 
Nói vậy, bởi lẽ, rất nhiều đại hội, hội nghị, lễ hội bây giờ đã bị hình thức hóa, phô trương, lãng phí, tốn kém về thời gian, tiền bạc và nhân lực, na ná giống nhau. Trong khi nội dung, thực chất và hiệu quả, hàm lượng trí tuệ và tâm huyết thì quá hạn hẹp.
 
Tại Hội nghị về công tác GDTN của PGHN, bên cạnh sự ghi nhận những thành tựu của 5 năm qua, được nghe, được cảm nhận các tham luận và bài phát biểu, chúng tôi có một số nỗi niềm xin được chia sẻ:
 
Về thực trạng của công tác GDTN:
 
Bên cạnh những thành tựu mà trong thời gian qua, công tác GDTN đã đạt được như: số lượng hành giả được thụ đại giới, các học viện và các trường CĐPH, TCPH được mở với số lượng Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp hoặc đang theo học, số lượng chư vị có bằng cấp, học vị cao, v,v, thì công tác GDTN còn một số hạn chế, bất cập, xa sút và có nguy cơ lệch hướng:
 
Việc GDTN ở các cơ sở tự viện hiện nay, phần nhiều bị thả lỏng về chất lượng. Đáng lẽ trước khi làm thủ tục xuất gia (thụ Sa di giới) 2 - 3 năm, các vị phát tâm xuất gia phải được thầy nghiệp sư nuôi dạy những uy nghi phép tắc cơ bản của Thiền môn như: cảnh sách, niệm Phật, khóa tụng, khóa niệm, 24 uy nghi, kệ chú, chữ Hán, v,v, để khi vào học TCPH các Tăng Ni sinh đã có nền tảng căn bản theo được chương trình. Vậy nhưng, điều này ít được chú trọng nên khi nhập học, trình độ rất không đồng đều. Khó cho cả thầy và trò.
 
Hơn nữa, thực tế là, ở VN ta kinh điển đáng tin cậy nhất có Hán tạng, Pa li tạng và Phạn tạng. Do vậy, để thâm nhập kinh điển, hành giả phải tinh thông ít nhất 1 trong 3 ngoại ngữ đó. Nếu không thì chỉ là đứng ngoài kinh điển. Ngày nay, ở HN và miền Bắc, kinh điển lưu hành thông dụng nhất là Hán tạng, vậy mà thử hỏi, có bao nhiêu phần Tăng Ni đọc thông, hiểu kỹ, viết thạo Hán tự? - kể cả khi đã tốt nghiệp HVPGVN.
 
Mặt khác, có tình trạng phổ biến, nhiều thầy nghiệp sư, không tự lượng hết sức mình, trong khi mình không có đủ điều kiện, nhất là tuổi đạo, trí tuệ và đạo hạnh mà vẫn thu nhận, độ nhiều đệ tử xuất gia. Nuôi tiểu mà không dạy được thì thật là nguy hiểm, hại người, hại mình, hại Đạo. Rồi lại cho các đệ tử không đủ tiêu chuẩn, không đủ tuổi đạo, đi đảm nhiệm trụ trì - trông chùa cho mình, trở thành thầy của cả 1 vùng. Vậy là "cái sẩy nảy cái ung" - Thầy kém cỏi mà mong có đệ tử trí tuệ, đạo hạnh là dường như không thể. Có tình trạng nuôi tiểu, độ đệ tử theo phong trào, dường như để đông đàn dài lũ, kéo bè cánh, chiếm giữ nhiều chùa chiền!
 
Chất lượng Tăng Ni đầu vào của trường TCPH và cả HVPG rất không đồng đều, nhìn chung thì rất thấp. Dường như tuyển sinh cho đủ số lượng, và không loại trừ khả năng có tiêu cực trong khâu tuyển sinh. Thật là khổ cho cả thầy dạy và trò học. Thầy giảng cấp học viện, miệng nói mà mắt nhìn thấy nhiều trò mặt cứ nghệt ra, ngây ngô, chẳng hiểu chút gì. Bực mình mà cũng thấy tội nghiệp. Đọc cho mà chép bài cũng không nổi. Và tất yếu là khi thi cử thì phải quay cóp, chạy vạy, xin xỏ. Thầy thương cũng đành nhắm mắt cho qua. Cứ vậy rồi cũng ra trường.
 
Rồi nữa, phần nhiều các Tăng Ni sinh của HVPGVN và 1 phần ở trường TCPH đã thọ Tỷ khiêu và đã trụ trì trông coi chùa cảnh, nên rất bận bịu, thời gian dành cho nghiên cứu bị hạn chế. Rồi còn đi cúng để lo kinh phí...
 
Học đã vậy thì tu hành sẽ như thế nào? Hiện tại có tình trạng một bộ phận lớn Tăng Ni không biết tu cái gì. Giáo, Thiền, Luật, Mật, Tịnh là đường hướng tu hành, không phải là kiến thức tri kiến. Không hạ thủ công phu, không chế thân, nhiếp tâm, không an tĩnh và làm chủ thân khẩu ý, thì rút cuộc cả đời chỉ là làm Phật sự.
 
Đội ngũ giảng sư hiện nay, cả về Đạo học và thế học cũng không khỏi không lo lắng. Quý thầy giảng kinh điển cũng còn hạn chế về phần tu học, cho nên không tránh khỏi "ức đoán" lấy "tri kiến lập tri kiến". Mỗi một cuốn kinh là một phương pháp tu, vậy nhưng học xong, trò có khi không nhớ nổi tên kinh. Trước khi giảng 1 bộ kinh, quý thầy giảng sư không có điều kiện hội giảng để thống nhất nhận thức. Còn các môn thế học thì hiện nay giảng viên chủ yếu là thỉnh giảng mà không xây dựng được một đội ngũ cơ hữu.
 
Hiện nay, chương trình đào tạo ở các trường TCPH và cả ở HVPGVN là còn rất có vấn đề. Việc thiết kế, xây dựng chương trình và điều hành đào tạo ở HVPGVN tại HN là do nhân viên VP làm, không do phòng đào tạo. Số tiết và số đơn vị học trình dường như quá lớn, song quá manh mún và chưa làm rõ được giá trị cốt lõi của nội dung đào tạo. Đó là chưa nói đến tu học.
 
Đương nhiên, PGVN hiện nay nói chung, công tác GDTN nói riêng cũng còn có những mảng sáng, những dòng chảy thuần hậu và những xu hướng tốt. Có được điều đó là nhờ sức mạnh hộ trì, gia trì, giữ gìn và điều chỉnh của Tam bảo, của giới luật mà Phật và các bậc Tổ sư đã di giáo; là nhờ công hạnh tu hành, nghiêm trì giới luật của các bậc chân tu, thực học. Tuy nhiên trong trào lưu hiện nay thì các vị này ngày càng hiếm. Đức Thích Phổ Tuệ đã nghiêm khắc cảnh tỉnh Tăng chúng học đồ: "Nếu cứ chạy theo danh lợi và hành pháp thế gian thì rồi đây sẽ có tình trạng Hòa thượng thì rất nhiều mà Cao tăng thì rất hiếm!".
 
Về quan điểm và mục tiêu của công tác GDTN:
 
Đây là vấn đề rất xưa, rất cũ, nhưng cũng là vấn đề thường trực và đặc biệt quan hệ đến sự giữ gìn bản chất và phát triển của đạo Phật. GDTN là đặc biệt quan trọng, "Đạo tại nhân hoằng". Đây là khâu đào tạo gốc, đào tạo máy cái. Khâu này mà thành công thì Phật pháp trường tồn, xương minh; khâu này mà sai, mà hỏng thì hậu quả khôn lường, đạo sẽ bị tha hóa, bị xa đọa.
 
"Thương hiệu" của Đạo phật, của PGVN ngày nay, đối với lịch sử và quốc tế, không phải chỉ là ở cái danh, tên tuổi, hình ảnh và sự đánh bóng, không phải chỉ dựa vào hào quang, dư âm của quá khứ huy hoàng, mà phải là ở các yếu tố, các giá trị cốt lõi - khả năng lớn lao của sự chuyển phàm thành thánh và thể hiện tập trung ở các "nhân hiệu" - các nhà tu hành đắc đạo, phúc đức, tài năng, trí huệ, chân tu, giới hạnh siêu việt - các bậc Thánh giữa thế gian.
 
Lúc này đây, các giá trị cốt lõi cần phải có và cần phải được định hướng theo chúng, phải chăng đang bị đánh tráo và thay vào đó là một sự thế tục hóa thành các giá trị thế tục.
 
Xuất gia, đi tu, đi học, từ một người thế tục để trở thành các nhà sư - các bậc thầy là để trở thành ai? Với câu hỏi này, trả lời theo kinh điển và theo di huấn của chư Tổ thì không quá khó. Nhưng trong thực tế, các hành giả đang nghĩ và làm theo hướng nào? - Phải chăng là theo hướng: Chúng con sẽ cố gắng hầu Thầy, Thầy cho con di học, con sẽ tốt nghiệp TCPH, sẽ tốt nghiệp HVPG, con sẽ theo học các chỗ khác nữa, con sẽ có bằng cấp cao, có học vị danh giá, rồi con sẽ trụ trì các chùa lớn, sẽ có đông đệ tử ngưỡng mộ, sẽ có nhiều nhà tài chủ cúng dàng nhiều tiền, con sẽ có chùa to cảnh lớn, sẽ có ô tô đời mới, sẽ đi thăm thú nhiều cảnh đẹp... Con sẽ tham gia và từng bước giữ nhiều trọng trách của bộ máy Giáo hội, tham gia các tổ chức chính trị xã hội. Bây giờ con là Sa di, rồi con sẽ là Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng, thậm chí chưa cần đủ tiêu chuẩn, v,v.
 
Và rồi chúng con sẽ định hướng cho các đệ tử, tín đồ và xã hội nghĩ rằng đó mới là và chính là tiêu chuẩn để xác lập và đánh giá về sự "đắc đạo" của một nhà tu hành theo Phật...
Còn nếu, xuất gia mà phải/ được "xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo", coi "danh và lợi là kẻ thù" ... thì con có thể tán thán, nhưng con không có theo (!)
 
Như trên đã nói, hiện tại có tình trạng một bộ phận lớn Tăng Ni không biết tu cái gì, tu theo pháp môn nào? Nói như vậy tức là họ chẳng có tu gì cả, chỉ có làm việc đời, Phật sự và việc riêng tư mà thôi.
 
Ở miền Bắc và ở HN, ba pháp môn Thiền, Tịnh, Mật đang được lưu hành trong tu tập, trong đó Tịnh Độ tông được coi là phổ biến nhất. Tuy nhiên, sự thật là, phần đông Tăng Ni chỉ coi phương pháp này là nghi lễ thường nhật, chứ để hạ thủ tu tập mẫn cán, miên mật, tín hạnh nguyện niệm Phật, quán tưởng thì là điều xa lạ.
 
Do không tu tập mà không an định, chuyển hóa được bản chất của tâm, không an được tâm. Tâm nhà tu hành không an, không minh thì làm sao có thể an tâm và minh tâm cho đại chúng được?
 
Trước tình hình đó, để cứu vãn thực trạng đó, một trong những công việc đầu tiên của công tác GDTN đó là, phải xác định được mục tiêu rõ ràng từ đó xây dựng chương trình và phương pháp giáo dục cho phù hợp.
 
GDPG là để đào tạo ra các Hành giả chứ không phải và cũng không thể là các Học giả, là để cải tạo con người "từ phàm thành thánh" chứ không phải để trang bị các kiến thức tri kiến.
 
Xã hội chủ yếu cần Tăng Ni cung cấp khả năng tu tập để hóa giải những vấn đề bức xúc trong tâm của con người chứ không hẳn là Tăng Ni phải chạy theo tri thức học giả và trang bị các bằng cấp thế tục. GDPG chạy theo "tri kiến lập tri" là rất nguy hiểm đến Đạo pháp và tương lai của PGVN. Đây là một vấn nạn đang đặt ra với công tác GDTN nói chung.
 
Có thể có những vị Tăng Ni chỉ có bằng TCPH, nhưng nhất tâm hạ thủ công phu tu tập, an lạc được tâm mình; có tâm, có tính của người tu hành xuất gia, từ đó làm gương, hướng dẫn cho đệ tử và tín đồ tu tập, thực hành, "dĩ thân vi giáo" - đem thân mình ra mà dạy, mà làm gương, thì dứt khoát có ích cho đời, cho đạo hơn là những vị có đủ bằng cấp nọ kia, bằng mọi cách để có, có danh, có lợi mà không dẹp được bản ngã, sống đầy tham sân si, bon chen với đời về chức tước, địa vị, ...
 
Có nhiều vị lý luận, tôi cũng chẳng ham hố gì bằng cấp, địa vị xã hội làm gì, chẳng qua có được những cái đó thì dễ dàng hành đạo, dễ dàng phục vụ chúng sinh hơn. - Thật là ngụy biện: cách làm cong vạy mà đưa đến mục tiêu chân chính thì là có, thì là tốt, nhưng đó là đối với ma đạo mà xa lạ với giáo pháp chân thật của Như Lai.
 
Ngay cả đối với tổ chức GHPGVN, hiện nay chư Tôn đức cũng đang có những sự trăn trở và lo lắng nhất định. Hành chính hóa tổ chức và hoạt động của GH theo con đường thế tục chăng? Khi đó đội ngũ Tăng Ni chức sự có còn là các nhà tu hành hay là công chức, quan chức? Nếu chạy theo con đường thế tục hóa đó thì tương lai của PGVN, của Tăng già sẽ ra sao? Và GH sẽ phải ứng xử ra sao với các tệ đoan tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, ... và thế đứng, vị trí và vai trò của Phật giáo trong lòng dân tộc sẽ như thế nào? Và rõ ràng là nếu theo hướng đó thì ngày tàn của PGVN là có thể định đoán được.
 
Từ sự xác định rõ quan điểm và mục tiêu của công tác GDTN, có thể thiết kế nội dung và phương pháp đào tạo, giáo dục ở tự viện và các nhà trường.
 
Để kết thúc phần chia sẻ mấy nỗi niềm trên, chúng tôi xin kể lại một câu chuyện. Ngày 18/11/2006, đại diện giảng sư và Tăng Ni sinh HVPGVN tại HN có về chùa Ráng chúc mừng Đức Thích Phổ Tuệ nhân ngày nhà giáo VN 20 - 11. Sau khi nhận lời tác bạch và lễ bái cúng dàng, Đức Thích Phổ Tuệ nghiêm khắc răn dạy Tăng chúng học đồ:
 
"Xin cảm ơn quý vị đã về chúc mừng. Nhưng xin lỗi quý vị, hôm nay chư vị về đây là nhầm địa chỉ, nhầm người. Ngày 20/11 là ngày hội nhà giáo của thế gian. Chúng ta phải luôn tự ý thức rõ rằng chúng ta là những người đi theo con đường xuất thế gian. Chúng tôi không phải là nhà giáo, chúng tôi trước sau chỉ là người tu hành. Và người thầy vĩ đại của chúng ta là Đức Bản sư. Kính mong chư vị luôn tâm tâm niệm niệm những điều bản hoài khi thụ giới xuất gia đã phát nguyện. Hãy đem công quả của sự tu tập xuất gia mà cống hiến cho đời, chứ đừng để thói đời quấy nhiễu, làm hoen ố đời sống phạm hạnh của chúng ta."

 

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/diendan/chanhung/19245.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage