xô đẩy bởi ngọn gió vô thưởng về chốn vô định
nơi cõi thiên thu. Nên chăng hiểu biết về khoa học hiện
đại, về công nghệ cao về thị trường chứng khoán, về kinh tế toàn cầu.v.v.
Tất cả đều tốt, đều giúp cho con người có thêm uy lực, quyền năng đối với thế
giới vật chất, tô điểm thêm sắc màu lấp lánh chốn phù hoa, hoặc ru ngủ bằng
những cảm xúc phù vân - nhưng chắc chắn không khác vị ngọt của giọt mật dính
trên đầu ngọn dáo và càng không thể soi sáng cái thân phận làm người, về kiếp
sống nhân sinh và đem lại bình an cho tâm hồn.
Đôi khi trong những khoảnh khắc lắng đọng
của trạng thái trầm tư, ta có cảm giác rằng dòng chảy ý thức không khác mấy so
với cảm giác trong dòng chảy vận động của vật chất - vậy liệu bản thân tư duy có
thể không phải là một bộ phận của thực tại chăng? hay nội
dung của tư duy phải chăng cho chúng ta một phóng ảnh trừu tượng và đơn giản hoá
của thực tại. Bởi vì
từ rất lâu với
tập quán tin tưởng có một thế giới khách quan
hiện hữu bên ngoài ta dẫu ta có nhìn nó hay không.
Rồi cái cảm giác hiện hữu khách quan đó được mở rộng ra cho phẩm tính sự vật.
Từ đó ta luôn luôn cho rằng cái gì ta kinh nghiệm qua giác quan hay tưởng đã
kinh nghiệm trong quá khứ đều
là thật, dẫn đến hành xử khi muốn biết rõ sự vật thì cứ tìm phẩm tính hay
thể tính của nó mà ta cứ tưởng ở bên ngoài. Và làm thế nào ta
có thể nắm bắt được sự vận động của thực tại trong ý nghĩa toàn thể của nó.v.v.
đó là câu hỏi thật sâu sắc của kiếp nhân sinh.
Một ý niệm hầu như phổ biến ở phương Tây và cũng quan điểm như thế tràn ngập
trong thực tế cuộc sống hàng ngày mỗi khi con người nhận thức hay khi cái "tôi
tư duy" về nguyên tắc là tách rời và độc lập với thực tại, đã thấm sâu vào
truyền thống từ vô thuỷ của chúng ta. Sự nhạy cảm của tri giác
và tư duy đòi hỏi ý thức về kinh nghiệm được hình thành như thế nào trong chúng
ta về thực tại, thực tại này ẩn tàng hay hiển lộ trong những cách thức suy nghĩ
tổng quát của chung ta. Chúng ta gọi quá trình này là tri thức - kinh nghiệm.
Dưới góc độ thế giới hiện tượng, lý
thuyết tổng quát của vật lý học đóng vai trò quan trọng hơn cả vì chính nó đề
cập đến bản chất phổ quát của vật chất tạo nên vũ trụ vạn vật, của không thời gian và
thế giới quanh ta. Để có thể quan sát một cách như thật, phải chọn một chỗ đứng
thích hợp và đứng để nhìn từ đâu? Thực tại trình hiện dưới mắt con người như là
hai thế giới khác biệt từ hai vị trí nhận thức khác nhau: tương đối và tuyệt
đối.
*
*
*
· Trong vị trí tương đối, mỗi sự hữu tồn tại trong quan hệ với cái
khác nó, hàm chứa mâu thuẩn chính nó và những gì không phải của nó.
Con mắt chỉ nhận thức những gì là sắc, năm thức chỉ phát huy trong không gian
hình học và thời gian tuyến tính trôi theo chiều nhân
quả. Trí não con người được xem là ranh giới cuối cùng có ảnh hưởng rất lớn đến
nhận thức và cách thức suy nghĩ của chúng ta ảnh hưởng đến thế giới xung quanh
hay một nơi xa xăm nào đó.
Suy nghĩ của chúng ta không dừng ở thể
hiện mà còn tạo ra được vật chất. Chúng ta càng hiểu rõ về trí não - phần
vật chất của trí tuệ bao nhiêu thì trí tuệ càng có khả năng hoạt động như một cứ
điểm truyền đi và tiếp nhận tự nhiên, đọc và mã hoá thông tin giữa cơ thể và thế
giới bên ngoài.
Trong quá khứ phạm vi giải thích khoa học đã dựa vào
thông tin cung cấp những gì mà năm giác quan thực sự nhìn thấy và nắm bắt được.
Bản thân vũ trụ và cuộc sống được nghiên cứu tỉ mỉ thông qua
luật tắc vật chất hữu hình và chi phối bởi nguyên lý nhân quả của Newton.
Nhưng dù nền vật lý Newton tỏ ra rất hữu ích trong nhiều loại kinh nghiệm của
khoa học, khoa học cũng chỉ là một phần nào đó của nhận thức.
Cách đây không lâu, trường Y khoa thuộc
Đại học Harvard đã thực hiện một thí nghiệm: chia 2 nhóm mèo mới sinh ra sống
trong 2 khu vực, một khu vực sơn bằng các vạch kẻ ngang để làm tác nhân kích
thích thị giác trong một môi trường của chúng đều nằm ngang, nhóm còn lại sống
trong khu vực gồm các vạch gạch thẳng đứng. Khi những con mèo lớn lên già cỗi đã
trở nên khôn ngoan, nhưng lúc đó những con mèo trong thí nghiệm cứ đi lại vướng
víu trong bước dịch chuyển vì chỉ thấy thế giới nằm ngang hoặc thằng đứng. Sau
đó người ta nghiên cứu trí não của chúng thì phát hiện rằng không có sự liên kết
não giữa thần kinh của chúng với thế giới nằm ngang hay thế giới thẳng đứng.
Vậy các nhà khoa học đã nói gì? Họ gọi hiện tượng đó là "sự cam kết nhận thức sớm"
có nghĩa là sự trải nghiệm giác quan ban đầu và cách thức mà chúng nhận thức
ngay từ những ngày mới sinh ra khi thị lực đang phát triển đã thật sự hình thành
sự phân tích hệ thần kinh của chúng. Rốt cuộc chúng chỉ nhận biết những gì người ta đã tạo ra chúng.
Đối với con người cũng vậy, các nhà khoa học cho rằng, chúng ta đang hiện hữu
với hệ thần kinh đang sử dụng sẽ tiếp nhận dưới một phần tỷ của các tác nhân
kích thước hiện hữu, các tác nhân kích thích này là tác nhân tăng cường sự vận
động ý tưởng, cách hiểu của chúng ta về những gì mà chúng ta cho là tồn tại bên
ngoài. Hệ thần kinh mà chúng ta đang sử dụng chính tạo ra sự quan sát. Hệ thần
kinh con người chỉ tiếp nhận bước sóng ánh sáng trong khoảng 400 đến 750 nanomet
và như vậy sự lý giải cho những quan sát hạn chế này đã tạo nên một khuôn khổ
hạn định mà chúng ta đồng thuận. Nói đúng ra, nó là phương
pháp khám phá trong khung khái niệm hiện tại của chúng ta về những gì chúng ta
cho là thực tại.
Thực tại mà ta khám phá rõ ràng có chức năng như là đồ thị mà con người vẽ ra
trong quá trình nhận thức và tất yếu khi khung khái niệm đó, đồ thị đó thay đổi
thì mọi sự đối với chủng ta cũng thay đổi, theo một ý nghĩa tích cực.
Vậy thì hình dạng thực sự của thế giới là gì?
Cấu tạo thực sự của thế giới là gì?
Nhà khoa học về thần kinh nổi tiếng John Eccles đã nói: "Tôi
muốn các bạn biết không có màu sắc trong thế giới thực, không có mùi hương trong
thế giới thực, không có sắc đẹp và cũng không có sự xấu xí.
Vượt ra khỏi những hệ thống cảm giác là sự mơ hồ thất thường về dòng lượng tử
trôi chảy liên tục.
Chúng giống như thầy phù thuỷ trong mỗi hành vi của sự nhận thức, chúng ta nắm lấy dòng lượng tử đó và
biến nó thành trải nghiệm thực tế vật chất trong trạng thái, nhận thức tỉnh táo
thường ngày của chúng ta".
Rốt cuộc lại, các giác quan của chúng ta
được xem là mang lại cho chúng ta một bức tranh đứng đắn về thế giới mà chúng ta
xây dựng nên khoa học dựa trên sự giải thích duy vật về thực tế - nhưng chúng ta
biết không phải như thế. Giác
quan nói với chúng ta rằng trái đất là bằng phẳng, mặt đất dưới chân chúng ta là
không chuyển động, đâu phải thế.
Nhà vật lý lý thuyết Hawking nổi tiếng thế giới thuộc Đại học Cambridge, có đề
cập đến một câu chuyện tại thành phố Monza nước Ý, chuyển kể rằng
"Hội đồng thành phố đã lệnh cấm các chủ
vật nuôi, không được nuôi cá vàng trong các bình cong". Lệnh cấm đó giải thích
rằng: Sẽ là tàn nhẫn nếu giữ cá vàng trong bình có thành cong thì cá sẽ có cái
nhìn méo mó về thực tại khi nhìn ra bên ngoài". Nhưng làm thế nào chúng ta
biết là bản thân chúng ta có một hình ảnh chân thực không bị biến dạng về thực
tại?.
Lịch sử phát triển khoa học, đúng hơn là
khoa học vật lý đã tự nói lên nội dung hàm ẩn "bức tranh con cá vàng".
Từ rất lâu, người ta có niềm tin vào mô hình vũ trụ của Ptolemy: trái đất đứng
yên ở giữa, các hành tinh và các vì sao chuyển động xung quanh theo quỹ đạo phức tạp. Mô hình này được Nhà thờ Cơ đốc giáo chấp nhận như là một học thuyết
cho đến tận những năm 1400. Mãi đến năm 1954 một mô hình mới của
Copernicus được công bố mô tả vũ trụ trong đó Mặt trời là đứng yên và các hành
tinh chuyển động theo
các quỹ đạo tròn quanh nó. Mô hình được Galileo cỗ vũ mạnh mẽ, đương nhiên là
trái với Kinh Thánh và kết quả là ông bị buộc tội, mãi đến năm 1992, nhà thờ Cơ
đốc giáo La Mã thừa nhận họ kết án Galileo là sai.
Theo Hawking, chúng ta chấp nhận một quan niệm
gọi là thực tại, thực tại đó phụ thuộc mô hình (có thể lý thuyết vật lý, một bức
tranh thế giới), nói chung có bản chất toán học và một số các qui tắc liên kết
các yếu tố của mô hình đối với quan sát. Mô hình này cung cấp
được một khuôn khổ nhờ nó ta diễn giải khoa học hiện đại.
Như vậy sẽ không có một lý thuyết, một quan niệm độc lập về thực tại.
Theo cách nhìn đó, trong khoảng gần 19
thế kỷ của tư tưởng khoa học thì kinh nghiệm thông thường và trực giác là nền
tảng cho việc giải thích và kiểm nghiệm lý thuyết.
Các lý thuyết cổ điển như lý thuyết Newton được xây dựng dựa
trên khuôn mẫu phản ánh kinh nghiệm thường ngày. Khi hoàn thiện thêm công
nghệ và đối tượng quan sát được mở rộng thêm, con người đã phát hiện thêm cái bí
ẩn, và tự nhiên đã hành xử theo các thức ngày càng xa
lạ đối với kinh nghiệm hàng ngày. Và các nhà khoa học nhận ra rằng lý thuyết
Newton không còn thích hợp để mô tả thế giới tự nhiên ở mức độ
vi mô. Vật lý lượng
tử khi ra
đời đã đưa ra một khuôn mẫu để tìm hiểu tự nhiên vận hành ở thang nguyên tử và
dưới nguyên tử. Rõ ràng khuôn khổ này rất xa lạ với trải nghiệm hằng ngày
của chúng ta, liệu có thích hợp với
việc giải thích theo kinh nghiệm thông thường như vật lý cổ điển đã làm hay
không?
Theo Hawking thì vẫn
tốt, bởi vì chúng ta và vũ trụ được cấu trúc bởi vô lượng nguyên tử như nhau. Dù
các nguyên tử thành phần trong cấu trúc vẫn phải tuân theo các định luật trong
vật lý lượng tử, nhưng tập hợp lớn các nguyên tử trong các vật thường ngày dường
như hành xử khác với thành phần đơn lẻ, và tập hợp lớn cấu thành nên thế giới
hàng ngày vẫn tuân theo định luật Newton.
Mô hình lượng tử về thế giới tự nhiên
chứa đựng một số nguyên lý xem ra trái với kinh nghiệm hàng ngày qua giác quan,
kể cả quan niệm trực giác về thực tại của chúng ta. Phải chăng nó là sản
phẩm kỳ lạ xuất sinh từ trí óc những người ưu tú. Nhà vật lý Mỹ kiệt xuất
sau Einstein là Richard Feynman đã phát biểu "Tôi nghĩ tôi có thể nói không sai rằng chẳng
có ai hiểu được cơ học lượng tử cả" . Tuy vậy, vật
lý lượng tử đã tỏ ra phù hợp với quan sát và chưa một lần thất bại trước một lần
kiểm chứng nào (theo Hawking), Feynman nói vậy chứ thật ra ông đã hiểu sâu sắc
đến độ kinh ngạc (từ dùng của Hawking) về sự khác nhau giữa mô hình lượng tử và
khuôn khổ vật lý Newton.
Ta thử hình dung một thí dụ đơn giản để
hiểu quan niệm về thực tại lượng tử của Feynman: một hạt phát xuất từ A, chuyển
động một cách tự do: trong vật lý Newton, hạt sẽ chuyển động theo một đường
thẳng và sau một thời gian trôi qua tìm thấy nó ở vị trí B. Trong mô hình lượng
tử Feynman, hạt sẽ đi theo mọi quỹ đạo nối A và B, mỗi quỹ đạo mang một dấu ấn
pha, cái pha gắn với quỹ đạo phụ thuộc hằng số Planck, biểu thị vị trí trong chu
kỳ sóng: tức sóng đang ở hình trạng đỉnh hay hỏm hoặc tại một vị trí trung gian
- theo Feynman lúc lấy tổng các sóng từ các quỹ đạo khác nhau thì nhận được biên
độ xác suất cho hạt đi từ A đến B và bình phương biên độ cho biết xác suất hạt
đến B. Feynman khẳng định chính điều này làm nên sự khác nhau giữa mô hình lượng
tử và mô hình Newton. Phương pháp lấy tổng các sóng gọi là "lấy tổng theo
các lịch sử khả dỉ".
Trong những thập niên 30 - 40 thế kỷ 20,
các nhà vật lý ưu tú Paul Dirac, Wolfgang Pauli.v.v.
kể cả Feynman đã nỗ lực miệt mài để tìm ra một bức tranh đầy đủ và một hình thức
luận để mô tả thế giới vi mô, họ phát hiện một yếu tố cơ bản của vật lý mà
Schrodinger đã bỏ qua trong hình luận cơ học lượng tử của ông là thuyết tương
đối hẹp mà theo các nhà vật lý nó phải đóng một vai trò trung tâm.
Vì bỏ qua thuyết tương đối hẹp mà Schrodinger đã bỏ qua khả năng biến đổi qua
lại giữa năng lượng, vật chất và chuyển động. Từ những ý tưởng đó đã thấy
xuất hiện nhiều thành quả đầy cảm hứng, các nhà vật lý ưu tú đã tiếp cận đến một
khám phá mới, họ đã cho ra đời lý thuyết "điện động học lượng tử" sáp nhập đầy
đủ các nguyên lý lượng tử với khái niệm vật lý cổ điển trường điện từ Maxwell
cùng với nền tảng lý thuyết tương đối hẹp bao hàm trong nó. Sau đó các nhà vật
lý xây dựng thành công lý thuyết "động lực học lượng tử của tương tác mạnh" và
lý thuyết "điện - yếu lượng tử". Cả 3 lý thuyết gọi
chung là "lý thuyết trường lượng tử".
Như vậy, trong thập niên 70 của thế kỷ 20 lý thuyết đã mô tả lượng tử thoả đáng
3 trong 4 lực chi phối tự nhiên là mạnh, yếu, điện từ và trong suốt 2 thập kỷ
qua rất nhiều thực nghiệm đã tiến hành kiểm tra và chứng minh được rằng lý
thuyết này đã vượt qua một cách vẻ vang.
Vẫn còn đó, lý thuyết lượng tử của lực
trong tự nhiên, đó là lực hấp dẫn thì vẫn còn
độc hành trong sâu thẳm tri thức nhân loại.
Cho đến hiện nay có thể nói là chưa có ai thành công? ý
kiến chung của nhà vật lý về vấn đề này đại thể là: phạm vi áp dụng của lý
thuyết tương đối rộng ở thang khoảng cách thiên văn - theo Einstein, ở những
khoảng cách xa như vậy khi không có khối lượng thì không gian là phẳng, vì
trường hấp được phản ánh bởi độ cong của không - thời gian.
Theo ý kiến của những nhà khoa học, thì ở cấp độ vi mô của không gian, mọi thứ
kể cả trường hấp dẫn đều phải chịu những thăng giáng lượng tử cố hữu do nguyên
lý bất định và sự thăng giáng này càng lớn của trường hấp dẫn khi vùng không
gian càng nhỏ, và làm cho không gian uốn cong ghê gớm đến nỗi không còn giống
một chút nào với một đối tượng hình học. Chính ở khoảng cách cực ngắn này đã xảy ra sự không tương thích giữa
thuyết tương đối rộng và cơ học lượng tử.
Khái niệm hình học trơn tru - nguyên lý trung tâm của thuyết
tương đối rộng đã bị sự thăng giáng lượng tử ở những thang khoảng cách cực ngắn
phá huỷ.
Như vậy sự hiểu biết về lý thuyết vũ trụ
của chúng ta lại qui về sự chắp vá không phù hợp với nhau về mặt toán học của
hai lý thuyết rất có sức mạnh lại tỏ ra xung đột, điều này diễn ra cho đến khi
ra đời lý thuyết dây.
Theo lý thuyết dây, các thành phần của vũ trụ không phải là các hạt điểm mà
chúng là các sợi dây rất nhỏ, là những thành phần siêu vi mô tạo nên các hạt cấu
thành của nguyên tử, có nghĩa là những thành tố cơ bản của vạn vật.
Lý thuyết dây đã giải quyết được sự xung đột giữa thuyết tương đối rộng và cơ
học lượng tử.
Hơn nữa toàn bộ vật chất và tất cả các
lực được xem là nảy sinh từ thành tố cơ bản, đó là các dây dao động.
Tuy nhiên theo lý thuyết dây, nó lại đòi hỏi số chiều không gian là 9 và một
chiều thời gian, trong đó có 3 chiều không gian (và một chiều thời gian) lại lớn
có quảng tính rộng, các chiều khác rất nhỏ và cuộn lại hay uốn cong ở qui mô ta
không nhìn thấy được.
Hawking đặt tên cho các chiều đó là chiều dư tạo nên một không
gian nội tại trái ngược với không gian 3 chiều trong cuộc sống thường ngày.
Để hình dung chiều nhỏ và uốn cong, ta quan sát một con kiến bò bên thành trong
một ống nước, nó chỉ đi lại theo bề dọc ống và một
chiều theo chu vi. Chiều theo
chu vi thì ngắn "bị cuộn lại" khó nhận thấy và nó trở nên quá nhỏ nếu ống nước
có đường quá nhỏ. Đó là ý tưởng của nhà Toán học Balan tên
Kaluza và sau đó được hoàn thiện bởi nhà Toán học Thuỵ Điển là O-Klein vào năm
1926.
Càng rối răm hơn nữa có ít nhất 5 lý thuyết khác nhau và hàng vạn cách cuộn lại
của chiều dư.
Các nhà lý thuyết dây tin rằng các lý thuyết đó chỉ là những
lý thuyết gần đúng của một lý thuyết cơ bản hơn, gọi là "Lý thuyết - M" có khả
năng bao quát tất cả và có thể là một lý thuyết về tất cả mà con người đã tìm
kiếm từ rất lâu. Lý thuyết - M có 2 đặc điểm cơ bản: gồm có 11 chiều (10
chiều không gian và 1 thời gian); kể đến ngoài sự dao động của dây, nó còn bao
hàm những đối tượng khác như màng 2 chiều dao động, màng 3 chiều dao động và
nhiều đối tượng khác nữa. Bản chất thực của lý thuyết - M vẫn
còn là điều bí ẩn, và các nhà vật lý trên khắp thế giới đang làm việc hăng say
để có một sự hiểu biết đầy đủ.
Ai có thể biết được điều gì ở phía trước, như Einstein đã nói: "Điều khó hiểu nhất về vũ trụ là khả năng hiểu được nó của chúng ta".
Các nhà khoa học cho rằng ngay khi có được hiểu biết chính xác về lý thuyết dây
- tiền thân lý thuyết - M dựa trên một khuôn mẫu tiến bộ, sáng sủa hơn so với lý
thuyết lượng tử thì họ cũng phải nhờ đến phép đo thực nghiệm các khối lượng hạt
và cường độ các lực chứ không tính được bằng lý thuyết.
Chúng ta đáng vấp phải giới hạn tuyệt đối của sự giải thích
khoa học.
Ai có thể ngờ được rằng quan điểm quá ư trực giác, cơ học và chính xác của lý
thuyết Newton lại hoá ra chỉ có ý nghĩa rất "địa phương" và rằng còn có cả một
thế giới mới mẻ nằm sâu dưới bề mặt của những thứ mà chúng ta giao tiếp và trải
nghiệm hàng ngày?
Nhờ vào những nghiên cứu về lý thuyết - M, con người biết được một ý niệm đại
thể về một cảnh giới mới lạ và rất lạ, ẩn dưới chiều dài Planck (chiều dài cực
ngắn 10 luỹ thừa (-33)cm), một cảnh giới trong đó không có các khái niệm không
gian và thời gian và vũ trụ của chúng ta đang sống chỉ là một trong vô số những
bọt sóng trên bề mặt cũng đại dương vũ trụ bao la và sôi động có tên là đa vũ
trụ. Hiện nay, ý tưởng này chỉ thuần tuý là tư biện, vấn đề
còn ở phía trước của các nhà khoa học ưu tú.
*
*
*
Theo các luận sư Phật học, 2 trụ cột chống đỡ ngôi lâu đài đồ sộ tư tưởng của
Phật giáo là giáo lý vô ngã và giáo lý duyên khởi, vì vậy tư tưởng vô ngã cùng
với tư tưởng về duyên khởi rất không dễ hiểu.
- Thành trì ngã chấp (tin vào cái ta
có thật và trường cửu) được tập trung vào 4 phạm trù ý tưởng chính về cái ta, đó
là Ngã, Nhân, Thọ giả và chúng sinh: Ngã có thể xem là chủ thể đối đãi với thế
giới bên ngoài và tâm lý bên trong - Nhân là cái ta cá thể bất biến trường tồn
và tái sinh liên tục - Thọ giả có thể hiểu là cái ta theo nghĩa đoạn diệt theo
dòng chảy thời gian - Chúng sinh là cái ta có đời sống, có tình cảm đối diện với
thế giới bên ngoài ta.
Các quan niệm sai lầm nầy Phật giáo gọi
là vọng tưởng, và nó là thủ phạm trói chặt con người vào luân hồi của kiếp
người. Vì vậy, Phật giáo chủ
trương vô ngã
như là một cơ sở nhận thức quan trọng để tháo gỡ con người ra khỏi vòng luân
hồi.
Vô ngã không phủ định cái ta đang hiện hữu, nhưng xác định
không phải là một chủ thể thường hằng mà do sự kết tập của vô số các nhân duyên
biến chuyển không ngừng.
· Nhân là cái ta có thể nhìn từ bên ngoài, cũng còn gọi là cá nhân.
Cá nhân này giả hữu vì nó chỉ tồn tại nếu không có các yếu tố, các điều kiện
"phi nhân" cùng tồn tại.
· Thọ giả có ý nghĩa rằng ta có sinh ra và có chết đi.
Thời gian này là sống, thời gian sau là chết. Khoảng
thời gian sống là thọ mạng. Phật học thì cho rằng sinh
diệt là một. Có diệt vì có sinh, nhưng chưa từng sinh
thì có gì để diệt.
Khoa học y đã xác nhận, các tế bào trong người sinh diệt liên
tục và luôn luôn tái sinh trong từng hơi thở.
·
Chúng sinh còn gọi là hữu tình do ngũ
ấm kết hợp lại. Thực ra nó chỉ là một dạng khác của ngã nên
không thể tồn tại độc lập ngoài thế giới vô tình. Quan niệm này, nêu lên rằng sự sống là cả một thế giới cọng sinh của
tất cả thế giới hữu tình lẫn vô tình.
- Theo tư tưởng duyên khởi thì tất cả các pháp (mọi sự vật và tư tưởng) hiện hữu
là do mương tựa vào nhau mà có. Bản chất của vạn vật đều mang
ý nghĩa Không, đây là lý luận của giáo lý Tính Không.
Không ở đây, không có nghĩa là không hiện hữu mà là không có tự tính.
Nói một cách đại thể, Phật giáo quan niệm
thực tại không ngừng biến chuyển một cách tương tục bất đoạn trên dòng chảy thời
gian. Như
vậy thực tại là quá trình thể nghiệm, cái đang là chính là quá trình để trở
thành chính nó. Quá trình được mô phỏng với dòng chảy trôi chảy mà trên bề mặt nó
nổi lên những mẩu hình xoáy nước, những gợn sóng luôn luôn thay hình đổi dạng.
Theo các luận sư Phật học, mục đích của
vũ trụ học là tìm hiểu nguyên lý chân không vô ngại và nguyên lý hữu hoá duyên
sinh của vạn pháp. Luận đại thừa khởi tín được xem là
tiêu biểu trong quá trình triển khai Như Lai tạng, phô diễn tư tưởng chủ đạo
niềm tin về một thực tại cứu cánh châu biến hàm dung bao trùm cả pháp thế gian,
lẫn xuất thế gian. Theo ngôn ngữ thế gian đó là "Tâm chúng sinh" hay
"Nhất tâm", Khế Kinh có viết: "Không có một pháp chẳng từ Tâm này mà lưu xuất và
không có một pháp nào chẳng trở về Tâm này",
Tâm chúng sinh có 2 tướng: một là thể tính chân tâm thanh tịnh hay tướng Chân
như - hai là tướng nhân duyên sinh diệt đặc trưng chung cho thể - tướng - dụng
của chân vọng hoà hợp. Cho nên có 2 cách nhìn: nhìn từ phía Chân như thì tuy
thanh tịnh bất biến mà vẫn sanh diệt tuỳ duyên, nhìn từ phía sinh diệt thì tuỳ
duyên sai biệt mà vẫn như bất biến.
Chân như là tổng thể của Nhất tâm (Tâm
chúng sinh) là tính không sinh diệt và bao trùm tất cả thánh, phàm, nhân quả,
chánh báo và y báo.v.v.
Chân như là nhân, là giống, là bản năng của tất cả các pháp nên còn gọi là "Nhất
pháp giới" và nhất pháp giới là toàn tính của vũ trụ, là pháp thân thường trụ,
là sở y thường hằng bất biến làm nơi nương tựa cho chúng sinh, là nguyên lý xuất
sinh mọi hiện tượng. Như vậy, thực tại được nhìn nhận là phần giao diện của 2
mặt: mặt trật tự tuyệt đối tức Chân như, mặt kia là
trật tự hiện tượng có nhân duyên sinh diệt. Trật tự tuyệt đối
có phẩm tính siêu việt nhưng không ở ngoài trật tự hiện tượng - và trật tự hiện
tượng tuy ở mặt thế tục nhưng không ở ngoài trật tự tuyệt đối. Thế cho
nên, con người hiện hữu trên giao diện này, mang 2 phẩm tính: phẩm tính của Chân
như và bị chi phối bởi phẩm tính hiện tượng, hữu hạn và phàm tục.
Có thể gọi trạng thái tồn tại đó là Như Lai tạng.
Ngài Pháp Tạng định nghĩa Nhứt tâm là Như Lai tạng.
Theo Hoa nghiêm thì có 4 cách nhìn pháp giới:
- Sự pháp giới: Đó là thế giới hiện thực, bao gồm mọi sự vật trong vũ trụ trải
qua trong không thời gian vô tận.
- Lý pháp giới: là thế giới của các trật tự, các nguyên lý trừu tượng, các đỉnh
luật chi phối sự xuất sinh và vận hành của sự vật hiện tượng và biến cố.
Lý cùng pháp tính, là thể tính chân thật của tất cả các pháp, là Tính Không.
- Lý sự vô ngại pháp giới: là Sư và Lý hợp nhất, hổ nhập, hổ tức, hoàn toàn đồng
nhất. Cũng có nghĩa mọi hiện hữu các pháp đều do duyên sinh tương ứng với nguyên
lý Tính Không của vạn hữu.
- Sự sự vô ngại pháp giới là thế giới trong đó mỗi vật thể cá biệt này đồng nhất
với vật thể cá biệt khác, chúng tương giao vô ngại với nhau. Đây là mọi sự trực
cảm qua kinh nghiệm tâm linh chứ không thể thông qua sự suy tưởng của trí năng
con người sống trong thế giới hiện thực đa thù, đa sai biệt này. Phải thay đổi cách đứng, cách nhìn, đứng từ bờ của Tính không và
nhìn bằng vô phân biệt trí thì mới có nhãn quan Viên dung.
Có thể mô phỏng tóm tắt một ví dụ trong kinh khi Đức Phật giảng giải cho Ngài A
nan để có thể hiểu được viên dung. Khi đào giếng để lấy
nước, đào đất đến đâu thì hư không hiện ra đến đó. Hư không đó do nhân
đất mà ra, do nhân đào mà có, hay không do nhân gì cả
mà tự sinh?
Nếu mà tự sinh thì trước
khi đào tại sao nơi đó không trống rỗng chỉ thấy đất liền.
Nếu do nhân đất mà ra thì khi đất ra phải thấy đất ra, hư không vào.
Còn nếu không thấy ra, không thấy vào thì hư không với đất không khác tức là
đồng - nếu đồng thì khi đất ra, sao hư không lại không ra?
Nếu do nhân đào mà ra, thì đào phải ra hư không, chứ không đào ra đất: đào là
thật sự, hư không thì trống rỗng, không có tác dụng gì với nhau, không hoà cũng
không hợp, không lẽ hư không, không do đâu mà tự ra. Như vậy hiện tiền của hư không và đất có tính viên dung.
Trong Kinh Thủ lăng Nghiêm, ngài Lê Đình Thám có tóm
tắt kết luận: "Tóm lại, tất cả sự sự vật vật đều là pháp giới tính trùng trùng
duyên khởi. Trong pháp giới đó, một sự vật đối đãi hiện ra các sự vật, các sự
vật đối đãi hiện ra một sự vật, khi chúng ta đem thân người mà đối đãi với hoàn
cảnh thì hoàn cảnh đều hiện ra những đối đãi với thân người, cả thân và cảnh đều
theo nghiệp của người mà phát hiện...".
*
*
*
Trong thế giới hiện thực, mọi thứ đều nhìn nhận do phân biệt mà ra. Suy nghiệm
lại, trong đời sống hiện nay, cũng chỉ vì phân biệt mà con người tàn sát, tranh
giành, cướp bóc, tham nhũng... tự trói mình bằng các thói quen do lầm tưởng trí
năng trực tiếp được tương ứng với thực tại khách quan, lầm tưởng rằng những dị
biệt đó có thật và hầu như mục tiêu tối thượng của đời sống là sử dụng trí năng
phân biệt để kiểm soát thiên nhiên, sản xuất đến tối đa sản phẩm tiêu thụ thoả
mãn thị hiếu cá nhân, làm cho tam độc tham lam, sân hận, si mê có nhiều cơ hội
phát triển, rốt cuộc đưa đẩy thân phận con người đến cùng cực, TCS đau đớn viết:
"Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi / Tin buồn từ ngày
mẹ cho mang nặng kiếp người".
Thật ra mối quan hệ giữa suy tư của trí năng và thực tại không đơn giản là một
sự tương ứng - nhà khoa học mô tả mối quan hệ đó bằng lý thuyết hay mô hình
thông qua toán học - với mục đích không phải phô diễn kiến thức về thế giới, về
vũ trụ, mà nó thể hiện phương cách quan sát, một phép quản chiếu.
Tóm lại đó là một hình thái nhận thức, một lối suy tư về thế giới, về vũ trụ.
Vì vậy không có vấn đề lý thuyết nầy đúng, lý thuyết kia
sai, mà chỉ nói rằng lý thuyết này phù hợp với cảnh giới này mà không phù hợp
với cảnh giới kia. Nói rõ hơn, mỗi cách quán chiếu đều phơi bày những dị biệt và
phân biệt cùng thu nhiếp trong cảnh giới riêng của nó.
Thực ra, về mặt nhận thức luận, ta luôn luôn gắn các chủ quan vào mỗi hành
vi nhận thức, khi đó cái thế giới mà ta nói là khách quan chẳng qua chỉ
là sự tái tạo cái tâm tưởng giả hữu của ta. Trong thế giới thường nghiệm, tâm thức và thế giới vật lý không
ngừng câu khởi, không ngừng quan hệ với nhau trong không thời gian. Bởi
vì tâm thức là cái gì đó để hiểu biết thế giới nên khi không có tâm thức thì
không có thế giới thường nghiệm này, còn gọi là thực tại tương đối, hay tục đế
và thực tại tuyệt đối hay chân đế chính là Tính Không của thế giới thường nghiệm
đó.
Khi quán chiếu thành thói quen, thấy được Tính Không là thực tại tuyệt đối, thực
tại tối hậu của vạn pháp thì sự bám víu ý tưởng cho rằng chúng thực có sẽ tan
biến. Khi hai cực biên có và không , không còn vọng khởi trong Tâm thì không còn
gì khác có thể khởi lên được nữa, Tâm sẽ hoàn toàn vắng lặng với một trạng thái
an lạc và chứng ngộ rằng những hoạt cảnh của giấc mộng trong đó được mất, vui
buồn chỉ là giả dối hư ảo.
*
*
*
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Bản thiết kế vĩ đại: Hawking - NXB trẻ 2012
2/ Luận giải trung luận: Nguyễn Văn Hai - NXB Tu thư Phật học 2003
3/ Kinh Thủ lăng Nghiêm: Tâm Minh Lê Đình Thám biên
dịch - NXB Tôn giáo 2009
4/ Giai điệu dây: Brian Greene - Phạm Văn Thiều dịch - NXB trẻ 2004