Chùa Bửu Minh

“Chữ nghĩa không phải là than vậy mà cũng làm nóng người”…  Bùi Văn Nam Sơn dẫn một câu trong cuốn Chuyện Trò (CT) của Cao Huy Thuần (CHT) để giới thiệu ở bià sách. Tôi thì tôi không thấy nóng mà thấy lạnh, rồi ấm. Chưa có ở đâu CHT đặt ra một loạt những vấn đề luân lý đạo đức một cách rốt ráo, sâu thẳm đến vậy dưới dạng những câu chuyện vô cùng hấp dẫn: nói dối, hổ thẹn, đam mê, tình yêu, chung thủy, chiếm hữu, mặc cảm, tự tin, bổn phận, nguyên tắc… Cho nên không phải vô cớ mà CHT “dàn dựng” CT bắt đầu với “nói dối”, để rồi kết thúc với “hổ thẹn”.



Cuốn sách có một cấu trúc làm ta nhìn ra CHT : 4 thứ chuyện trên đời mà anh không chạy đâu thoát, đó là: Tình Yêu, Văn hóa, Giáo dục và Phật giáo.

* Sợi tóc, một chuyện tình, Love Story, hấp dẫn như một chuyện phim trinh thám, hai người đàn ông, một người đàn bà, một ông sư, một tiếng súng nổ, hai cái chết, mấy sợi tóc… Nhà sư vì muốn cứu một người đàn bà đẹp, Pretty Woman, mà phải nói dối và dằn vặt mãi về sự nói dối đó. Dằn vặt là phải vì xưa nay “nói dối cũng có ba bảy đường” nhưng với nhà sư thì khác. Thế nhưng, “sợi tóc vương chân người” rồi! Ánh mắt nhà sư hôm đó làm sao giấu được, cho nên nhà sư “xuống núi” là phải thôi. « Nói dối với người ngoài, ta trở thành kẻ đáng khinh trước mắt của họ. Nói dối với chính ta lại còn tệ hại hơn vì ta trở thành đáng khinh trước mắt của chính ta…  (tr 34).

* Yêu nhau là thứ tình đam mê, đắm đuối: “như chim liền cánh như cây liền cành”, làm nhớ Trịnh Công Sơn: « đường phượng bay mù không lối vào/ hàng cây lá xanh gần với nhau »...  ! Chuyện nhắc Đường Minh Hoàng, nhắc Guy de Maupassant : “Tình yêu không có cái chết. Dù thân xác có chết, tình yêu vẫn sống…” (tr 44).

*  Lá sầu riêng và hoa nghĩa địa... ta lại được đọc một chuyện… tình, làm nhớ Tình Già của Phan Khôi: « hai mái đầu đều bạc/ nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được…. ».

Hai người biết mà chưa quen nhau, mến nhau vì tài, kẻ văn chương người kịch nghệ. Vậy mà họ nhìn ra nhau, giữa Paris tháng sáu: trời không mưa tôi cũng lạy trời mưa (Nguyên Sa) . Mưa để che dù chạy lúp xúp. Mưa để chui vào một quán nước. Mưa để ngồi nói chuyện ngàn năm… “Anh nhà giáo đang ngồi làm việc thì chuông điện thoại reo. Ủa, giọng ai như giọng KC. – Gọi từ Sàigon hả ? – Không, từ Paris. – Qua hồi nào vậy ? Hiện hồn như ma! – Mới qua được hai bữa. – Ờ, thì phải đến thăm chị chớ ! Chị đang ở đâu ? – Ở trong nghĩa địa. – Ở trong nghĩa địa ? Trên đất hay dưới đất ? – Còn ở trên. Đang kiếm mộ để thăm…”. Ai bảo họ đã qua cái tuổi cổ lai hi? KC đi thăm một ngôi mộ trong nghĩa địa. Ngôi mộ lạ lùng, không chôn người chết mà chôn một nhân vật tiểu thuyết của Alexandre Dumas con, Marguerite  Gautier trong vở kịch La Dame aux camélias mà cô đã chuyển thành Trà Hoa Nữ vang tiếng một thời. CHT viết : “Qua đây, làm sao mà không đến thăm Trà Hoa Nữ ! KC mà ! Tình yêu mà ! ».

Với tôi, KC vào nghĩa địa thăm Trà Hoa Nữ còn có một lý do khác : gặp Đa Bảo Như Lai của mình.

Về Phật học, CHT chỉ nói đến Phổ Hiền, vị bồ tát cưỡi voi 6 ngà và cầm búp hoa sen. Lục độ. Vạn hạnh. Đến chùa lạy Phổ Hiền cũng là lạy chính mình. Người thầy giáo, người cầm bút cũng chính là người đang làm chuyện của Phổ Hiền đó thôi.

Về giáo dục, CHT chủ trương phải đưa cái học vào cái hành, đưa cái biết vào cái làm, cái knowledge thành cái know-how. Kiến thức thì cần, nhưng « kiến thức suông là một kiến thức cô đơn, chuyên biệt, chôn chân trong một lãnh vực cố định… gặp hoàn cảnh thay đổi, gặp bất ngờ thì chuệnh choạng, mất phương hướng…(Đi một ngày đàng, tr 257). CHT dẫn Dewey : «… và điều quan trọng nhất, là sự việc con người hấp thụ được thói quen học. Nó học được chuyện học ! ». Đúng quá chớ gì nữa. Với phương tiện truyền thông hôm nay, học kiến thức suông có mà tẩu hoả nhập ma ! Cái quan trọng của học là biết cách học. Cho nên dạy là dạy cách học. « Thế nhưng, để có thể tự dạy, tự học, ta phải được mở mang hiểu biết từ nhà trường » (tr 268). Nhà trường đã được đặt đúng vị trí quan trọng của nó. Ta nhớ vì sao bà mẹ Mạnh Tử đã phải ba lần dời nhà !

* Cái nhìn ở cuối sách, qua lời kể của một ông giáo già, ta nghe thêm một chuyện tình…(lại tình) : « có những chuyện vặt cứ nằm hoài trong lòng, nhúc nhích , cựa quậy, gặm nhắm, soi mói »… ( Cái nhìn, tr 294). Với những « chuyện vặt » đó, ta được học về sự hổ thẹn.  Ta gặp Freud hồi nhỏ « đái dầm » mà đào sâu xuống tiềm thức, gặp Sartre « nói dóc » khi còn bé mà thấy mình qua cái nhìn của người khác, gặp Camus « nói dối » khi còn thơ mà thấy nhân loại qua cái nhìn về mình… Tôi hiểu CHT còn muốn nói thêm : hãy quay về nương tựa chính mình , bởi nương tựa chính mình thì sẽ thấy « cả và thiên hạ »  !…

Nhưng, « Con người cần cái khác hơn là triết lý » (tr 320) để có thể hạnh phúc.  Nếu không, người ta không thể tự giải thoát. Cái khác đó là Wisdom, Sagesse, Minh triết gì cũng được nhưng đó là thứ triết lý sống, để sống. Thông điệp ở cuối câu chuyện.

Với tôi, Chuyện Trò là một cuốn Quốc văn giáo khoa thư của thời đại, và cả Luân lý giáo khoa thư nữa. Cho nên khi đọc thấy quen quen, thấy ấm lòng.  Mỗi câu chuyện là một bài học, nhiều bài học, đa tầng đa nghiã. Trong Chuyện Trò, CHT có một bài về Sơn Nam, với truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư của ông. Cái truyện ngắn đó, nói thiệt, mỗi lần đọc tôi đều thấy rưng rưng. Tôi tin CHT cũng có cảm xúc giống vậy. Bỗng dưng tôi thấy mình cũng có « tình nghĩa » gì đó với anh, nên viết mấy dòng này để cảm ơn anh./.

(ĐHN)

http://sgtt.vn/Van-hoa/172763/Doc-Chuyen-tro-cua-Cao-Huy-Thuan.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage