Chùa Bửu Minh

Ai đã từng trải qua nhiều khắc khoải, khổ đau trong cuộc sống mà vẫn có lòng tốt và sự nhiệt tình, là nấc thang thăng tiến của các bậc hiền Thánh trong dòng đời nghiệt ngã, là kho tàng quý báu cho người biết chịu khó, kiên trì, bền chí, và cố gắng đứng lên sau khi thất bại;


ngược lại, nó là hố sâu vực thẳm cho những kẻ hay ỷ lại, cầu cạnh vào người khác, mà không chịu cố gắng nỗ lực vươn lên làm mới lại chính mình.

Bản chất con người lúc nào cũng có hai mặt ưu điểm và khuyết điểm. Cuộc đời cũng lại như thế, tốt xấu, thành bại, giàu nghèo, khổ vui, sống chết v.v…

Trong thế giới loài người, sự hưởng thụ ngũ dục là điều ai cũng đam mê, tham muốn, ham thích như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon mặc đẹp, ngủ nhiều, và các tiện nghi vật chất khác. Đa số con người đều bị trói buộc bởi sự chấp ngã của chính mình. Chính vì vậy mà bị gió nghiệp cuốn trôi, nên cứ mãi chìm đắm trong biển khổ, sông mê không có ngày thôi dứt.

Vậy mà, có một người đã dám từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, và địa vị cao nhất trong xã hội; người ấy đã vượt thoát mọi sự trói buộc của thế gian để sống đời vô ngã vị tha; đó chính là Bồ Tát Sĩ Đạt Ta.

Từ một người nghèo khổ bần cùng, sống thiếu thốn khó khăn, để trở thành một người giàu sang phú quý thì dễ. Nhưng từ một ông hoàng thái tử chuẩn bị kế thừa ngôi vua, có quyền hành cao nhất thiên hạ, được ăn trên ngồi trước, và hưởng thụ mọi nhu cầu cần thiết, mà vẫn chấp nhận thân phận của kẻ khất sĩ ăn xin để hướng dẫn mọi người biết được chân lý cuộc đời, nhằm chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc, thì quả thật rất khó.

Như Lai Thế Tôn là bậc hy hữu và hiếm có nhất trong loài người, là một nhân cách siêu việt về đạo đức tâm linh. Ngài dấn thân phục vụ vì lợi ích tất cả chúng sinh mà không biết mệt mỏi, nhàm chán, với tình yêu thương chân thật, bằng trái tim hiểu biết vì tình người trong cuộc sống và lợi ích tha nhân.

Đi ngược lại các truyền thống từ xa xưa, một số người cho rằng, có một thần linh thượng đế ban phước giáng họa mà đấng tối cao đã sắp đặt và tạo ra. Chính hành động dấn thân vì lợi ích tha nhân, và việc làm cao thượng của Thế Tôn đã làm cho vua cha Tịnh Phạn thời gian đầu hiểu lầm vì chưa hiểu thấu được giá trị cuộc đời, nên nhà vua đã trách móc Ngài rằng:

“Tôi không ngờ có một đứa con hèn hạ và yếu đuối như ông, ông đã làm mất hết phẩm chất danh giá của dòng tộc cao quý từ ngàn xưa cho đến nay mà đấng Phạm Thiên đã ban cho. Ông đã bôi nhọ truyền thống vinh quang tốt đẹp đã có từ mấy ngàn năm nay, để trở thành một kẻ ăn xin thấp hèn mà không chịu thừa hưởng cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, thần dân thiên hạ. Ông vô tình phỉ báng sự tôn quý mà đấng Phạm Thiên đã ban cho dòng tộc Sakya của chúng ta. Tại sao ông không chịu tu tập theo truyền thống Bà La Môn để được ăn trên ngồi trước, có kẻ nô lệ phục dịch? Ông đã làm ô nhục dòng dõi vua quan Sát Đế Lợi đã có từ lâu đời”.

“Dạ thưa cha, xin người hãy mở rộng tấm lòng mà cảm thông và tha thứ cho con. Đây không phải là ăn xin của kẻ thấp hèn nghèo đói, mà là con đường sáng và cao thượng của các vị Bồ Tát. Vì thương xót chúng sinh cứ mãi chìm đắm trong biển khổ sông mê, nên các vị chịu khó, chịu khổ tu tập hành trì, làm chủ bản thân, để phá tan si mê, tối tăm, mờ mịt, giúp mọi người vượt qua cạm bẫy cuộc đời mà sống đời bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ”.

Một con người khất sĩ dù không có tài sản sở hữu riêng tư, không có quyền cao chức trọng, nhưng tự do tự tại làm chủ bản thân, đã chứng minh đời không có gì phải chiếm hữu mà con người bị bóc lột và tàn sát giết hại lẫn nhau, vì không nghe theo sự phán xét của bề trên. Như Lai Thế Tôn đã thuyết phục được vua cha có cái nhìn cảm thông và bao dung hơn, hiểu biết sâu sắc bằng trái tim yêu thương, để rồi sau này tên tuổi của dòng họ Thích không bị mai một và mất đi, mà còn vang danh khắp toàn nhân loại; vì nhân cách cao thượng của Ngài đã vượt thoát mọi sự ràng buộc, dính mắc trong cuộc đời, mà vẫn giúp cho mọi người sống có yêu thương bằng trái tim hiểu biết, mà hay làm chủ bản thân để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Thường thì con người thế gian lấy bản ngã làm tâm điểm, nhân danh đấng thần linh thượng đế, để tạo ra sự bất công và muốn chiếm hữu, nên đã gây ra nhiều tội lỗi cho muôn loài vật. Tất cả những điều này là do cái thấy biết sai lầm của một số người thế gian, họ lạm dụng sự thiếu hiểu biết của nhân sinh mà áp đặt số mệnh, để con người phải chấp nhận phục tùng một cách mù quáng như một tín đồ, mà không có quyền góp ý xây dựng trên tinh thần yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ, sẻ chia, để cùng nhau sống với trái tim hiểu biết.

Từ cái thấy thân kiến là cái thấy sai lầm về thân, tức chấp vào sự hiện hữu của cơ thể con người là tôi, là của tôi, nên từ đó bắt đầu chiếm hữu. Ai đụng đến cái tôi này thì có sự phản kháng mãnh liệt, do đó dấy khởi phiền não tham sân si, mà dẫn đến tranh đấu giành phần thắng lợi về cho riêng mình để loại trừ lẫn nhau.

Quan niệm về thân kiến này sẽ trường tồn mãi mãi và chỉ có hai con đường để ta chọn lựa, một là lên thiên đàng hưởng phước báo tối cao, hai là xuống địa ngục chịu khổ đau lâu dài. Đó là cái thấy sai lầm do không có sự thể nghiệm thực tế, không có sự trải nghiệm bản thân, mà làm cho con người mất hết quyền làm chủ chính mình trong cuộc sống hiện tại.

Biên kiến là cái thấy một bên, nghĩa là có một linh hồn bất tử sống đời không thay đổi, tức là thường còn mãi mãi và quan niệm chết là hết, tức là không còn gì nữa, chỉ có một đời sống hiện tại mà thôi. Linh hồn bất tử là cái hồn sáng không bao giờ mất, nói như vậy có phù hợp với chân lý hay không?

Và xin thưa với toàn thể chư huynh đệ pháp lữ gần xa, chúng ta sẽ khám phá ra thân phận của kiếp người qua lời Phật dạy như sau:

Thắc mắc thân phận con người

Ai đã từng làm người cũng phải suy nghĩ và thắc mắc rằng, tại sao cuộc sống này có sự sai biệt quá lớn giữa người với người, giữa người với vật. Người sống lâu, kẻ chết yểu, người khỏe mạnh, kẻ ốm đau, người nhan sắc đẹp đẽ, kẻ mặt mày xấu xí, người giàu sang, quyền cao chức trọng, kẻ nghèo khổ, bần cùng, thấp kém; cho đến phần tinh thần của mỗi người cũng khác nhau, kẻ thông minh người ngu tối, kẻ khôn ngoan người si dại v.v... và v.v...

Những thăng trầm được mất trong cuộc đời với muôn vàn sự sai khác và quá sâu kín, nhiệm mầu vượt khỏi tầm hiểu biết của con người; nên khi sống, họ không biết mình từ đâu đến, và sau khi chết không biết mình đi về đâu. Chính vì vậy, họ đành chấp nhận giao phó cuộc đời mình cho đấng tối cao quyết định. Để rồi, con người trở thành kẻ phục vụ cho đấng thần linh thượng đế, và chấp nhận an phận nơi niềm tin đó một cách si mê, mù quáng, nên thế nhân thường gọi là tín đồ.

Chỉ có chân lý và cái thấy đúng như thật do sự trải nghiệm trong tu tập bằng cách quán chiếu, soi sáng lại chính mình mới giúp ta thoát khỏi sai lầm này, mà biết cách làm chủ bản thân. Mình làm lành được hưởng phước báo tốt đẹp, mình làm ác chịu quả báo sa đọa khổ đau, chân lý đó chính là luật nhân quả nghiệp báo.

Trên đời này có hai hạng người. Một hạng cho rằng, sau khi chết là hết, chỉ có một đời sống hiện tại, làm ác hay làm thiện gì cũng đều chung một số phận như thế. Đến khi nhắm mắt xuôi tay, từ giã cõi đời, thân thể trở về cát bụi và sự thấy nghe hay biết cũng không còn gì nữa, coi như hoàn toàn mất hẳn.

Hạng người thứ hai cho rằng có một linh hồn bất tử. Sau khi chết, thân thể tan rã, bại hoại, nhưng linh hồn vẫn còn mãi theo thời gian, nên người chết sinh người, trời chết sinh trời, thú vật chết sinh thú vật, trước sau như một không thể đổi thay. Vậy chết là hết hay sao? Làm gì có chuyện đó được! Nếu không hết thì làm sao mất hẳn? Chết không phải là hết, mà chỉ là thay hình, đổi dạng, để có một đời sống mới tiếp theo, tùy sự gieo tạo nghiệp nhân tốt hay xấu ngay nơi hiện tại mà cho ra kết quả ở tương lai.

Chúng ta hãy thử xem xét, quán sát thực tế mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này, dù là một hạt cát, hạt bụi, coi có thứ gì mất hẳn hay không? Thường cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt, chúng chỉ thay hình đổi dạng tùy theo nhân duyên thuận và nghịch. Mọi hiện tượng sự vật cũng đều như vậy, huống chi con người có sự nhận thức hiểu biết nhất trong các loài chúng sinh, vậy thử hỏi làm sao chết là hết được?

Nhưng, nếu ai bảo rằng linh hồn là thường còn vĩnh viễn, thì như vậy cũng sai sự thật quá xa, có cái gì không thay đổi mà ở yên một chỗ đâu? Có người khi nhỏ nghèo khổ, khó khăn, nhưng khi lớn lên nhờ quyết chí làm ăn đã trở thành giàu sang, nhiều tiền bạc của cải, vậy có gì là cố định? Linh hồn có nghĩa là cái hồn sáng, đã sáng thì trước sau như một không bao giờ đổi thay, nhưng thực tế con người trên thế gian này có sự sai biệt với nhau quá lớn.

Chính vì quan niệm sai lầm như thế, nên ai giàu có quyền cao chức trọng sẽ ỷ lại, cứ nghĩ rằng mình là kẻ xứng đáng được thần linh thượng đế ban cho, nên họ mặc tình gây tạo tội lỗi mà chẳng biết gieo trồng phước đức. Do đó, họ lạm dụng quyền cao chức trọng, bóc lột, chèn ép, hiếp đáp mọi người, để tóm thâu tài sản, của cải vật chất về cho riêng mình mà ngang nhiên thọ hưởng. Đến khi phước hết, họa đến, họ đành cam chịu tan nhà nát cửa, mất mát đau thương, gia đình ly tán. Lúc này, mọi sự cầu khẩn, van xin đấng tối cao trở thành vô ích.

Còn người nghèo hèn nghĩ rằng số phận của mình đã được an bài như thế, nên không chịu cố gắng, siêng năng, tinh cần làm việc và hướng thượng, do đó càng ngày càng rơi vào chỗ tối tăm mờ mịt, như người tối cứ lẫn quẫn trong chỗ u ám tối tăm mà sống đời si mê dại dột. Thế thì hai quan niệm trên có còn phù hợp với chân lý cuộc đời hay không? Để biết được sự thật của kiếp người, chúng ta hãy lắng đọng tâm tư, buông xả hết mọi hiểu biết, thành kiến riêng tư để nghe đức Phật trình bày và chỉ dạy như sau.

Ngày xưa, khi Phật còn tại thế, một thanh niên vì thấy sự bất bình đẳng và những sai biệt trong xã hội nên muốn tìm ra sự thật của kiếp người. Anh đã thưa hỏi nhiều vị đạo sư nổi tiếng mà chưa một vị nào giải đáp được thỏa mãn tâm tư, nguyện vọng của anh, nghe đồn Phật là bậc xuất trần thượng sĩ, có thể giải quyết được mối nghi ngờ của nhiều người bất kể là tín đồ tôn giáo nào, anh đã tìm đến đức Phật. Sau khi đảnh lễ và vấn an đức Thế Tôn xong, anh cung kính ngồi sang một bên thưa hỏi đức Phật:

“Vì cớ sao có sự bất công và sai biệt quá lớn của tất cả chúng sinh trên thế gian này, kẻ quý phái cao thượng, người hạ liệt thấp kém, người sống lâu, kẻ chết yểu, người giàu sang, kẻ nghèo khổ, người nhiều bệnh, kẻ ít bệnh, người quyền cao chức trọng, kẻ nô lệ thấp kém, người đẹp đẽ dễ thương, kẻ xấu xí khó nhìn, người thông minh sáng suốt, kẻ  ngu dốt tối tăm?”

Đức Phật tóm gọn lại bằng một ý chính như sau:

“Này chàng thanh niên, các chúng sinh loài có tình thức là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, họ được sinh ra từ nghiệp và họ bị nghiệp trói buộc. Do đó, hiện tại có kẻ thấp hèn và cao thượng, tùy theo nghiệp nhân tốt xấu đã gieo tạo trong quá khứ. Đức Phật trả lời quá súc tích và cô đọng làm chàng thanh niên không thể hiểu rõ nghĩa lý sâu xa, nên mới yêu cầu đức Phật giải thích cụ thể từng chi tiết :    

Phật dạy: “Tất cả mọi sự sai biệt giữa con người và con người là do nghiệp của ta đã tạo ra từ thân miệng ý, tâm suy nghĩ chân chính, miệng nói lời thiện lành, thân đóng góp sẻ chia, thì được hưởng quả an vui hạnh phúc; ngược lại, gieo nhân xấu ác thì bị quả sa đọa khổ đau, không ai có quyền xen vô chỗ này để định đoạt và sắp đặt, nên có người tốt, kẻ xấu là do mình”.

“Do tạo nghiệp gì khiến con người thọ mạng lâu dài, sống khỏe mạnh, và do tạo nghiệp gì khiến cho người chết yểu, thọ mạng ngắn ngủi?”

“Người không tạo nghiệp giết hại chúng sinh thì được mạng sống lâu dài. Người tạo nghiệp sát sinh hại vật, dứt mạng sống của chúng sinh, nên bị chết bất đắc kỳ tử do tai nạn gây ra, hoặc bị người vật hại lại”.

“Do tạo nghiệp gì thân người được khoẻ mạnh, và do tạo nghiệp gì mà thân hay bệnh tật đau yếu?”

“Do nghiệp ác hay hành hạ đánh đập chúng sinh làm cho người đau khổ, nên thọ thân hay bệnh tật đau yếu. Và do nghiệp lành an ủi giúp đỡ, sẻ chia và nâng đỡ người bất hạnh khổ đau qua những tai nạn khốn khó nên được thọ thân khỏe mạnh vui tươi”.

“Do tạo nghiệp gì mà sinh ra trong gia đình giàu sang sung sướng, có nhiều tiền bạc, tài sản của cải, và do tạo nghiệp gì mà sinh ra trong gia đình nghèo khổ, thiếu thốn, khó khăn?”

“Do đời trước biết làm điều thiện lành tốt đẹp, hay bố thí cúng dường, hoặc chia sẻ giúp đỡ người nghèo khổ bệnh tật, nên đời này được sinh ra trong gia cảnh giàu sang sung sướng, có nhiều tiền bạc của cải. Người ở đời trước do nhân không biết bố thí cúng dường, không biết giúp đỡ người bất hạnh nghèo khó, lại còn hay gian tham trộm cướp, lường gạt của người, nên đời này sanh ra trong hoàn cảnh cơ cực, nghèo đói, thiếu thốn, khó khăn”.

“Do nghiệp gì người sinh ra được thông minh sáng suốt, và do nghiệp gì người sinh ra lại ngu dốt tối tăm?”

Người đời trước do siêng năng tinh cần học hỏi tìm hiểu chân lý, ưa thích giúp người được học hỏi hiểu biết, nên đời này được thông minh sáng suốt. Người ở đời trước do lười biếng học hành, không chịu tìm hiểu chân lý, lẽ thật của cuộc đời, lại hay cản ngăn sự học hỏi của người khác, nên đời này bị vô minh tối tăm mê mờ”.

Đứng về khía cạnh cuộc sống với vô vàn sự sai khác, con người cảm thấy nhỏ bé trước bầu vũ trụ bao la này, nhiều người đành cam chịu thân phận thấp hèn của mình bởi do bàn tay thần linh thượng đế đã sắp đặt.

Một số người được sống trong giàu sang sung sướng, có nhiều tiền bạc của cải và quyền thế trong xã hội, họ nghĩ rằng do đấng tối cao đã ban cho, nên họ rất trân trọng quý kính mà tôn thờ một cách cuồng tín, do đó họ mặc tình gieo tạo tội lỗi, bất chấp luân thường đạo lý. Chính vì quan niệm sai lầm trên, đến khi phước hết, họa tới, họ đành cam chịu sống đời đọa lạc tối tăm, cho dù cố gắng cầu nguyện van xin đấng tối cao cũng vô ích, giống như đá nặng thì phải chìm dưới nước.

Nhưng trên thực tế, người được hưởng an vui hạnh phúc thì ít, kẻ bất hạnh khổ đau thì lại quá nhiều. Nếu thần linh thượng đế có đủ năng lực ban vui cứu khổ, đáng lẽ phải giúp đều hết cho tất cả chúng sinh, tại sao chỉ giúp giai cấp thống trị mà không giúp giai cấp nô lệ như ở đất nước Ấn Độ hiện nay? Thật ra, trong cuộc đời này, tất cả mọi thứ sai biệt như nên hư, tốt xấu, hơn thua, phải quấy, thành bại trong cuộc sống đều do mình tạo ra từ thân miệng ý, mình làm việc thiện lành tốt đẹp thì được hưởng phước báu bình yên hạnh phúc, mình làm điều xấu xa tội lỗi thì chịu quả khổ đau không có ngày thôi dứt; nó theo ta như bóng với hình dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không mất, khi hội đủ nhân duyên thì quả báo hoàn tự hiện.

Nghiệp lực tuy không có hình tướng cụ thể, không ai có thể trông thấy được, nhưng nó có sức mạnh chi phối, cuốn hút, hấp dẫn lạ thường. Cũng như gió, tuy không thấy hình tướng ra sao mà nó có thể làm nên phong ba bão táp, cuốn trôi tất cả khi đủ nhân duyên. Nghiệp lực cũng lại như thế.

Đôi lời tâm sự chân thành xin được kết nối yêu thương cùng chư huynh đệ pháp lữ gần xa một chút tâm tình qua đề tài “Ai dẫn ta đi lang thang?”. Trong phạm vi phần hai này, chúng tôi chỉ giải thích nghiệp sát sinh hại vật, vì nó là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh, oán giận, thù hằn, vay trả không có ngày thôi dứt.

Thích Đạt Ma Phổ Giác


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage