Gieo hạt thiện lành - Ảnh minh họa
Khi
con gái lớn kết hôn và sinh được
cháu trai đầu lòng, tôi đã cùng con gái bồng cháu đến chùa lễ Phật, quy y
và xin pháp danh, lúc ấy cháu bé mới được 6 tháng tuổi. Nhiều người cho
rằng những đứa bé còn quá nhỏ thì không nên xin quy y vì
cháu chưa ý thức được Phật pháp, nhưng tôi thì không nghĩ như vậy.
Khi mẹ cháu gởi cháu cho tôi để đi làm, để dỗ cháu ngủ thay vì ru những
câu hát ru quen thuộc: “Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó
đi…”, thì tôi ru cháu bằng những câu kinh nhật tụng:
“Đệ tử chúng đẳng
Tùy thuận tu tập
Phổ Hiền Bồ-tát
Thập chủng đại nguyện:
Nhất giả, lễ kính chư Phật
Nhị giả, xưng tán Như Lai
Tam giả, quảng tu cúng dường
Tứ giả, sám hối nghiệp chướng
Ngũ giả, tùy hỷ công đức
Lục giả, thỉnh chuyển pháp luân
Thất giả, thỉnh Phật trụ thế
Bát giả, thường tùy Phật học
Cửu giả, hằng thuận chúng sinh
Thập giả, phổ giai hồi hướng”.
Tạm dịch:
Nay con lại nguyện tu hành
Phổ Hiền nguyện lớn sẵn dành mười môn:
Một là, nguyện lạy Thế-Tôn
Hiện thân trước Phật hết lòng kính tin.
Hai, khen Phật đức rộng thinh
Lời hay, tiếng tốt tận tình ngợi ca.
Ba, thời sắm đủ hương hoa
Tràng phan bảo cái dưng ra cúng dường.
Bốn, vì mê chấp lầm đường
Tham sân nghiệp chướng con thường sám luôn.
Năm, suy công đức vàn muôn
Của phàm của Thánh con đồng vui ưa.
Sáu, khi Phật chứng thượng thừa
Pháp mầu con thỉnh đã vừa truyền trao.
Bảy, lòng chẳng chút lãng xao
Cầu xin chư Phật chớ vào Vô dư.
Tám, thường tu học Ðại thừa
Bao giờ bằng Phật mới vừa lòng con.
Chín, thề chẳng dám mỏi mòn
Dắt dìu muôn loại đều tròn Pháp thân.
Mười, đem tất cả công huân
Mọi loài cùng hưởng, khắp trần cùng vui.
Mười điều nguyện lớn nguyện rồi.
Nguyện về Cực lạc nguyện ngồi tòa sen.
…
Nam-mô Phổ Hiền Bồ-tát
Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát…
Nghe những lời kinh du dương trầm bổng, cháu hướng đôi mắt nhìn tôi rồi
từ từ chìm vào giấc ngủ.
Khi cháu vào lớp Một, tôi dẫn cháu đi học và dạy:
- Con phải ngoan và dễ thương, nghe lời cô giáo, không gây lộn với bạn
bè, phải siêng học vì con là Phật tử. Pháp danh của con là Hoằng Cách, nghĩa là
tư cách của một Phật tử, con học giỏi, vâng lời cha mẹ, thương em. Nếu con phạm
lỗi thì Đức Phật buồn lắm.
Cháu hỏi:
- Phật ở đâu mà biết việc con làm?
Tôi nói:
- Phật ở trên cao. Phật có ngàn mắt, ngàn tay dù con có
trốn trong góc tối, việc xấu của con làm ba mẹ không biết, cô giáo không
biết, bà ngoại không biết nhưng Phật đều thấy biết hết.
Tôi nghĩ với đứa trẻ mới bảy tuổi mà tôi nói những lời này thì hơi cao
nhưng tôi vẫn nói, mong in được dấu ấn Phật pháp vào trong tâm trí cháu.
Khi cháu học lớp Hai, mẹ cháu rước cháu đi học về ghé nhà tôi, con gái
tôi nói:
- Mẹ ơi! Hôm nay con đi rước Si-rô (tên của cháu ở nhà), cô giáo hỏi con lúc buổi trưa chị có cho bé Nhật Tân tiền không?
Con trả lời: Có, em cho cháu 5.000 đồng để cháu mua nước uống vì em quên đem bình nước
cho cháu.
Cô giáo nói:
- Lúc trưa này có một em trong lớp bị mất 5.000 đồng, em ấy nói Nhật Tân
lấy tiền của nó. Em kêu Nhật Tân lên bàn hỏi nhỏ có lấy tiền của bạn không? Chị
biết bé trả lời như thế nào không? “Thưa cô, con không có lấy tiền của bạn, đây
là tiền mẹ con cho con uống nước. Con là Phật tử nên con không ăn cắp tiền của
bạn. Con là Phật tử nên con không nói dối”.
Cô giáo giật mình vì một đứa trẻ học lớp Hai mà biết trả lời: “Con là Phật
tử”.
Khi nghe con gái mình kể về lời nói của cháu ngoại,
tôi xúc động, nước mắt rưng rưng…
Nga Ngọc