Chùa Bửu Minh

Liệu những nhức nhối trong lễ hội vừa nêu trên đã trở thành xu hướng phổ biến chưa? Nếu không, chắc chắn xã hội đang trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần sâu sắc, hậu quả của sự mất niềm tin, tha hóa phẩm chất đạo đức và lúng túng, bế tắc trong tư duy phát triển.


Sao phải bỏ lễ khai ấn đền Trần?
Thảm hại lễ hội và giấc mộng Tâm hương

Nhìn lễ hội, biết đời sống

Trong đời sống dân gian, các ngày lễ Tết được phân bố theo thời gian trong năm, xen vào những khoảng trống của lịch thời vụ (chữ Tết là biến âm từ chữ "tiết" mà ra). Lễ tết gồm hai phần: Cúng tổ tiên (lễ) và ăn uống bù cho lúc làm lụng đầu tắt mặt tối (ăn Tết).

Người Việt Nam ta ăn Tết Nguyên đán, Tết Rằm tháng giêng (Tết Thượng nguyên), Tết Trung nguyên (rằm tháng Bảy), Tết Trung thu ( rằm tháng Tám)...

Bên cạnh lễ Tết còn có một hệ thống các lễ hội được phân bố theo trục không gian rải rác khắp các vùng lãnh thổ. Mỗi địa phương lại có lễ hội riêng của mình. Chẳng thế mà vùng Kinh Bắc có câu: "Mồng 7 hội Khám, mồng 8 hội Dâu, mồng 9 đâu đâu nhớ về hội Gióng". Lễ hội có phần lễ và phần hội.

Phần lễ mang ý nghĩa tạ ơn và cầu xin thần linh bảo trợ cho cuộc sống của mình. Căn cứ vào mục đích này có thể phân biệt 3 loại lễ hội:

1) Lễ hội liên quan đến cuộc sống trong quan hệ với môi trường tự nhiên (lễ hội cầu mưa, hội xuống đồng, hội cơm mới, hội đua ghe...). 2) Lễ hội liên quan đến cuộc sống trong quan hệ với môi trường xã hội (kỷ niệm các anh hùng dựng nước, giữ nước- hội Đền Gióng, hội Đền Hùng, hội đền Hai Bà Trưng, hội Tây Sơn, hội Đống Đa...). 3) Lễ hội liên quan đến đời sống cộng đồng ( các lễ hội tôn giáo và văn hóa (hội chùa Hương, hội chùa Thày, hội Phủ Giày, hội núi Bà Đen, lễ hội La Vang, Phục sinh ...).

Thay vì niềm tin thiêng liêng vào những giá trị văn hóa- tinh thần phổ quát của nhân loại và dân tộc, thì ngày càng có nhiều biểu hiện nở rộ các hủ tục mê tín dị đoan. Phải chăng khoa học và lẽ phải đã lùi bước và người dân chỉ còn cách đặt trọn đức tin vào những điều mê lú?

Phần hội gồm các trò vui chơi giải trí hết sức phong phú. Xét về nguồn gốc, phần lớn các hoạt động này đều xuất phát từ những ước vọng thiêng liêng của con người muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn [1].

Lễ Tết phân bố theo thời gian, lễ hội phân bố theo không gian. Hai trục này, một dọc một ngang- kết hợp với nhau như trục tung và trục hoành trên đồ thị, phản ánh một cách khách quan cuộc sống thực của một dân tộc, một đất nước.

Do vậy chỉ cần có con mắt quan sát và biết liên hệ chúng ta có thể nghiệm ra nhiều điều qua một lễ hội.

Nếu lễ hội thiên về phô trương hình thức, tiêu phí tốn kém nhưng nghèo nàn về nội dung, thì chắc chắn trong xã hội căn bệnh chạy theo thành tích, làm giả - ăn thật đang có chiều hướng gia tăng.

Nếu trong lễ hội người ta ngang nhiên mua thần, bán thánh thì trong xã hội nạn tham nhũng, hối lộ, mua bán chức quyền, bằng cấp... hẳn đang công khai nở rộ.

Cảnh rác tràn ngập trong Lễ hội Chùa Hương. Ảnh: Tin247

Nếu các lễ hội nhuốm màu sắc thương mại thì chắc tư duy kinh tế thị trường "hoang dã" đã thâm nhập một bộ phận dân cư và do vậy, đạo đức xã hội đang bị xuống cấp bởi tính thực dụng, thậm chí là chụp giật và lối sống trọng vật chất hơn tinh thần đang là phổ biến.

Người đi trảy hội chen lấn xô bồ, giẫm đạp, xả rác, bẻ hoa để lại những bãi rác khổng lồ là minh chứng thuyết phục nhất cho tình trạng dân trí lạc hậu và sự bất cập trong quản lý, điều hành xã hội của những người có trách nhiệm.

Không thể giải quyết bằng "thả nổi" lễ hội

Giờ đây ở những lễ hội người ta treo rất nhiều đèn lồng và dựng những đôi nghê - biểu tượng văn hóa phương Bắc mà gần như quên mất lá cờ Phướn và con chó đá canh đền của dân tộc Việt từ ngàn đời nay.

Trên các sạp hàng quà tặng phục vụ khách thập phương tràn ngập các biểu tượng văn hóa nước ngoài: con Tỳ Hưu thu hút tài, lộc; tượng Quan Vân Trường múa trượng, Khổng Tử đọc sách, Gia Cát Lượng phe phẩy quạt nghĩ mưu... hay các đồ phong thủy ...Vì lý do gì mà chúng ta chưa làm quà lưu niệm trên hình mẫu Hai Bà Trưng, Đức Thánh Trần, Lý Thường Kiệt... hay những biểu tượng văn hóa Việt Nam phong phú khác ?

Phải chăng các nhà đầu tư của chúng ta có xu hướng làm những việc lớn hơn như xây chùa lớn nhất, ngọc Phật lớn nhất mà bỏ qua việc nhỏ như đồ lưu niệm?

Sự nô dịch văn hóa thường bắt đầu từ cuộc xâm lăng của những tên lính tiền trạm- đó là các biểu tượng văn hóa, rất cụ thể và đời thường, nó lan tỏa từ từ, không rầm rộ nhưng bền bỉ và quyết liệt.

Thay vì niềm tin thiêng liêng vào những giá trị văn hóa- tinh thần phổ quát của nhân loại và dân tộc, thì ngày càng có nhiều biểu hiện nở rộ các hủ tục mê tín dị đoan. Phải chăng khoa học và lẽ phải đã lùi bước và người dân chỉ còn cách đặt trọn đức tin vào những điều mê lú?

Liệu những nhức nhối trong lễ hội vừa nêu trên đã trở thành xu hướng phổ biến chưa? Nếu không, chắc chắn xã hội đang trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần sâu sắc, hậu quả của sự mất niềm tin, tha hóa phẩm chất đạo đức và lúng túng, bế tắc trong tư duy phát triển.

Tình trạng khủng hoảng đó không thể giải quyết bằng việc "thả nổi" cho lễ hội tràn lan nhằm giải tỏa tâm lý bức xúc của một bộ phận quần chúng. Điều này thậm chí sẽ tạo ra một xã hội "vô chính phủ" và rong chơi nên ngày một tụt hậu về mọi mặt.

Quyết sách lâu dài và triệt để là phải nhìn vào tận gốc của vấn đề nhằm từng bước xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh phù hợp với đặc điểm Việt Nam và đưa tư duy khoa học mạnh mẽ hơn vào mọi mặt đời sống xã hội.

----

[1] Trần Ngọc Thêm - Cơ sở văn hóa Việt nam. NXB Giáo dục. 1998

Nguon: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-02-23-le-hoi-thoi-nay-dang-duoc-tha-noi-


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage