Với kinh nghiệm 20 năm đứng lớp, từng trải qua lứa tuổi học trò, hơn
ai hết cô hiểu những gì lớp tôi đang bày ra. Vì vậy, chúng tôi luôn bị
cô bắt thóp và khéo léo từ chối tất cả mọi câu hỏi liên quan đến cá
nhân. Cô đến lớp đúng giờ, rời khỏi lớp khi tiếng chuông báo hiệu hết
tiết.
Có một lần, cả lớp thảo luận về chính sử và dã sử
một cách quyết liệt, đúng đúng sai sai vô cùng sôi nổi, cuối cùng tình
hình đi đến bất ổn, vì quan điểm về ưu và khuyết của hai cách ghi chép
sử này, thảo luận động chạm đến phần nhạy cảm, vì vậy cô muốn giữ không
khí hài hòa nên cô kể chuyện.
Trước đây, cô rất thích nghiên cứu lịch sử, học đọc
các bộ sử lớn của nhân loại, phân tích so sánh đối chiếu, các trận
đánh, bên thắng bên thua, số tử vong, số thương tật, thiệt hại, lợi ích
v.v… Nhưng cuối cùng, ngày phụ thân cô qua đời, cô mới cảm nhận ra và
hiểu các nhà nghiên cứu xưa từng nhận xét: “Nhân loại cứ trung bình 3
ngày, thì có 1 ngày sống trong binh đao loạn lạc, 1 ngày khắc phục hậu
quả của chiến tranh và một ngày an bình”.
Những bộ sách đọc lên toàn là mùi của xác thịt và đao kiếm, sự hận
thù tham lam v.v… Nhưng cuối cùng đã đi vào đâu, khi tất cả những nguyên
nhân mỹ lệ để phát động chiến tranh đó, cũng chính là cách miêu tả nấm
mồ vĩ đại nhất để chôn vùi đồng loại.
Khi đó một sự đấu tranh nội tâm xảy ra trong lòng
cô, và cô đọc các sách Phật học, cô nghiên cứu lịch sử Phật giáo, và tìm
ra đáp án: “Lịch sử sự kiện chỉ ghi chép lại sự tranh giành quyền lực,
đấu tranh cho địa vị, nhuộm máu đào cho giai cấp, đem thân mạng của
người khác củng cố cái tôi cá nhân v.v… Còn lịch sử Phật giáo là ghi lại
quy trình phát triển của hệ tư tưởng nhân loại, con đường thăng hoa tâm
hồn, nối tiếp ánh sáng của trí tuệ và các câu chuyện cảm động về lòng
thương người cứu vật…”
Thế là cô từ bỏ tất cả để chuyên tâm trên con đường này, và phát hiện niềm vui trong đó.
Nhưng có một hôm, cô đi đổi giấy chứng minh nhân dân, đến nơi làm việc, nhân viên thấy lạ hỏi cô: “Chị có biết chữ không?”
Cô giáo hóm hỉnh trả lời: “Em đoán thử tôi biết chữ không?”
Nhân viên trả lời: “Nhìn chị thì có lẽ chị biết đọc
biết viết, nhưng thường thì mấy người nhà chùa đâu có được học nhiều,
chỉ “gõ mõ hô chuông tụng Kinh niệm Phật”, nên em nghĩ, em sẽ giúp chị
điền tên tuổi vào đơn”.
Cô giáo mỉm cười im lặng, lấy sơ yếu lý lịch đưa
cho nhân viên điền giúp, nhân viên nhận được và ngạc nhiên hỏi: “Ba năm
trước chị tốt nghiệp tiến sĩ sử học tại Nhật Bản, chị thành đạt cao như
thế sao lại xuất gia, chị cho em xin lỗi vì lỡ lời nha…”
Cô giáo kể chuyện xong và dừng hồi lâu, cô nói:
Đây là buổi học cuối cùng, nên cô chỉ nhắn nhủ vài
lời: “quý vị nên nhớ, lịch sử tư tưởng là chủ đạo cho lịch sử sự kiện,
nên đặc biệt thận trọng ý nghĩ của mình, khi “cái tâm” đi hoang đang
trên đà đi vào cám dỗ, thì nên nhớ kéo nó quay về, nếu quay về chưa kịp,
thì trong lúc đợi chờ, đừng đưa ra ý kiến hay quyết định gì, vì tất cả
quyết định đó sẽ không có lợi cho cá nhân mà còn ảnh hưởng đến xã hội,
trong hiện tại và tương lai.”
Cô dạy tiếp: “Người học Phật, dù có xuất gia hay
không, là người làm chủ tư tưởng và từ đó điều khiển ngôn ngữ hành vi,
giả sử có một lúc nào đó, lỡ quên mục đích này thì nên ghi nhớ lại. Và
hiện tại rất ít người hiểu về lời dạy quý giá của đức Phật, nên quý vị
cố gắng phát huy truyền bá giảng dạy cho mọi người.
Đừng để người ngoài có quan niệm “người đi tu chỉ
là người khoát chiếc áo nâu sòng, loay hoay bên cây đa chùa cũ, và không
có cống hiến gì cho lịch sử phát triển của nhân loại”. Hơn thế nữa quý
vị nên lấy lời dạy của đức Phật, làm cơ sở để xây dựng hạnh phúc an lạc
cho chính mình và mọi người.”
Theo Quán Như
Phật tử Việt Nam