Trước
thềm sự kiện Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2011, TT.Thích Huệ Thông -
Phó ban Hoằng pháp T.Ư, Phó ban Thường trực BTS Tỉnh hội Phật giáo tỉnh
Bình Dương - đơn vị đăng cai cho biết:
Nhìn nhận dưới góc độ của địa phương - đơn vị đăng cai tổ chức, chúng
tôi có thể tự tin để khẳng định rằng, đến giờ phút này, còn chưa đầy
một tuần nữa hội thảo sẽ diễn ra thì Phật giáo Bình Dương đã hoàn tất
được 80% các khâu chuẩn bị. Trong đó, nơi lưu trú, phương tiện đi lại và
ẩm thực, công tác chuẩn bị đón tiếp và hướng dẫn đại biểu đã được phân
công và chuẩn bị khá chu đáo. Các phương án khánh tiết, trang trí và
chương trình chi tiết được cụ thể hóa bằng các kịch bản rất thuận lợi
cho việc thực hiện và theo dõi, điều chỉnh.
TT. Thích Huệ Thông
Song song đó, chúng tôi cũng khá yên tâm với công tác chuẩn bị các
hoạt động liên quan như: Diễu hành “Phật giáo với môi trường”, Hội trại
Gia đình Phật tử khu vực Đông Nam Bộ, đêm Đại nhạc hội Phật giáo chào
mừng Hội thảo, Đại lễ cầu siêu và thắp 5.400 ngọn nến tri ân tại Nghĩa
trang Liệt sĩ tỉnh Bình Dương, chương trình tặng 100 nhà tình thương, 1
nhà tình nghĩa, 700 chiếc xe đạp, mổ tim, mổ mắt từ thiện nhân hội thảo…
Tất cả đều trong tư thế sẵn sàng và chào đón đại biểu từ phương xa.
Có gặp khó khăn gì không, thưa Thượng tọa?
- Bất cứ sự chuẩn bị cho một chương trình lớn nào cũng gặp phải thuận
lợi và khó khăn nhất định. Hội thảo sắp tới của chúng ta cũng không
ngoại lệ khi đến giờ phút này vẫn chưa gút được danh sách đại biểu đến
từ các tỉnh, thành và số lượng bài tham luận. Đây là hai nội dung quan
trọng để đảm bảo cho hội thảo được diễn ra thành công cả về chất lẫn về
lượng. Tuy nhiên chúng tôi cũng thông cảm vì đây chỉ là sự khó khăn
khách quan khi hội thảo lần này được tổ chức khá sớm về mặt thời gian so
với mọi năm và chúng ta lại vừa kết thúc kỳ nghỉ Tết khá dài. Hy vọng,
sự chậm trễ này sẽ được khắc phục trong vài ngày sắp đến và mọi thứ sẽ
diễn ra như dự kiến của Ban tổ chức.
Về mặt tổ chức, tôi có thể khẳng định rằng Bình Dương đã toàn tâm,
toàn ý chuẩn bị cho Hội thảo bằng cả trí tuệ, tình cảm và lòng tự hào.
Qua đó chúng tôi nhận thấy rằng, chưa bao giờ trong các công tác Phật sự
tại Bình Dương mà chúng tôi lại nhận sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo
tỉnh, chư tôn đức Trung ương Giáo hội. Sự quan tâm đó đã tạo nên động
lực to lớn để mỗi cá nhân được phân công trong thời gian qua dốc toàn bộ
sức lực để cống hiến và phục vụ.
Thượng tọa có cảm thấy áp lực không khi năm 2010, Kiên
Giang lần đầu đăng cai đã tạo nên một hội thảo khá hoành tráng và thành
công?
- Trong tâm niệm, chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ đến việc sẽ làm cho
bằng được như Kiên Giang về mặt hình thức. Tuy nhiên, những kinh nghiệm
và bài học từ Kiên Giang trong khâu tổ chức Hội thảo Hoằng pháp 2010,
chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức một hội thảo thành công trọn vẹn xứng với
tiềm năng của mình.
“Phật giáo với dân tộc” là chủ đề chính của Hội thảo lần
này, vậy những vấn đề chính sẽ được thảo luận là gì và có ý nghĩa như
thế nào cho hướng đi của công cuộc truyền bá Chánh pháp trong giai đoạn
hiện nay?
- Từ chủ đề chính của Hội thảo lần này sẽ có 9 đề tài thảo luận nhóm
được đưa ra bàn thảo bởi chư tôn đức đến từ khắp các tỉnh, thành bao
gồm: Hoằng pháp trong phương châm “Đạo pháp, dân tộc, CNXH”; Hoằng pháp
với đồng bào dân tộc; Hoằng pháp với thanh thiếu niên; Hoằng pháp với
công tác từ thiện xã hội; Hoằng pháp với thời hội nhập; Hoằng pháp với
Phật giáo hải ngoại; Hoằng pháp với môi trường và thay đổi khí hậu;
Hoằng pháp với việc xây dựng chùa văn hóa và du lịch tâm linh; Hoằng
pháp với nghi lễ Phật giáo…
Lãnh đạo Phật giáo tỉnh Bình Dương cùng Ban Tôn giáo tỉnh
bàn bạc thống nhất một số phương án trang trí, khánh tiết
chuẩn bị cho Hội thảo Hoằng pháp 2011 - Ảnh: Bảo Toàn
Đó là những nội dung có ý nghĩa giải quyết các vấn đề bức thiết mà
Phật giáo phải đối mặt để khẳng định mình cùng sự phát triển đi lên với
đất nước trong thời hội nhập, xứng tầm với một tôn giáo gắn liền với vận
mệnh dân tộc Việt Nam trên 2.000 năm lịch sử.
Những ý kiến tại Hội thảo sẽ là tiếng nói có giá trị của giới Phật
giáo cả nước gửi đến quý vị lãnh đạo các cấp trong việc tô bồi mối quan
hệ biện chứng Phật giáo - Dân tộc.
Hội thảo cũng sẽ nêu bật được những đóng góp thiết thực của Phật giáo
Việt Nam nói chung và Phật giáo Bình Dương nói riêng cho quê hương
trong những bước thăng trầm của lịch sử từ những ngày đầu có mặt cho đến
nay, đã hòa quyện trong niềm vui và nỗi buồn trong suốt chiều dài lịch
sử. Đồng thời cũng nêu lên trách nhiệm của Phật giáo khi đứng trước
những cơ hội và thách thức mà dân tộc Việt Nam đang phải đối mặt, như tệ
nạn xã hội gia tăng, đạo đức xuống cấp, đất nước phải tiếp nhận những
nền văn hóa bên ngoài với vàng thau lẫn lộn…
Với nội dung như thế, chúng ta có cầu
toàn và tham lam không khi trong một thời gian ngắn mà phải giải quyết
khá nhiều vấn đề quá lớn?
- Những nội dung được đưa ra thảo luận không chỉ là ưu tư tại Hội
thảo mà chính là những trăn trở của chư tôn đức tôn túc tiền bối xuyên
suốt quá trình đồng hành dân tộc của Phật giáo Việt Nam cho đến ngày nay. Chư
tôn túc từ lâu đã suy nghĩ và đây chính là lúc chúng ta cùng ngồi lại
cùng suy nghĩ thêm, góp ý và chia sẻ mà thôi. Chính vì lẽ đó mà tôi cho
rằng các nội dung của Hội thảo lần này đáng được quan tâm và giải quyết
một cách thấu đáo.
Vấn đề cải đạo đang rất được Tăng Ni, Phật tử quan tâm
hiện nay và ngành hoằng pháp cũng phải vạch ra một hướng đi trước thực
trạng này, Hội thảo lần này có bàn về điều đó?
- Bất cứ nhà hoằng pháp nào cũng thể hiện sự quan tâm khi người con
tinh thần của mình bị các tôn giáo khác dụ dỗ bằng nhiều phương thức
phong phú, đa dạng. Nếu trong hội thảo, các đại biểu quan tâm vấn đề này
thì có thể biểu hiện sự quan tâm đó trên các bài tham luận. Dù là nội
dung không được đưa ra từ đầu nhưng tôi nghĩ chư tôn đức lãnh đạo Ban
Hoằng pháp T.Ư sẽ cân nhắc nên thảo luận hay không nếu có sự đồng thuận
từ đông đảo đại biểu tham dự. Tuy nhiên, theo tôi, đây thật sự là một
nội dung khá lớn và tế nhị, đòi hỏi phải có những quyết sách mang tính
đồng bộ, nhất quán và cẩn trọng nên Giáo hội cần tổ chức một hội thảo
chuyên đề riêng hơn là bàn luận thiếu sự chuẩn bị nhân hội thảo lần này.
Nghi thức khai mạc Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2010
tại Kiên Giang - Ảnh: Bảo Toàn
Ngành hoằng pháp trong những năm qua đã tổ chức nhiều
hội thảo cả nước cũng như khu vực, Thượng tọa có nghĩ rằng đây chính là
lúc chúng ta cần nhìn lại tác động, ảnh hưởng và hiệu quả của các lần tổ
chức đó?
Phải thừa nhận rằng, hoằng pháp là một ngành có nhiều sáng kiến và
phương thức hoạt động phong phú, sinh động trong hệ thống tổ chức của
các cấp Giáo hội. Đặc biệt, thời gian gần đây chúng ta thực hiện nhiều
Phật sự của ngành mang tầm vóc quốc gia và khu vực, thu hút sự quan tâm
của Tăng Ni, Phật tử cả nước. Đó là những nỗ lực rất đáng ghi nhận và
trân trọng. Nhưng sẽ thành công hơn và tính thực tiễn cao hơn nếu có sự
đánh giá và kiểm chứng lại những công việc đã làm. Đây cũng chính là một
trong những khâu quan trọng theo nguyên tắc vận hành chung của bất kỳ
sự vật, hiện tượng nào.
Có nhiều ý kiến cho rằng, Phật giáo chúng ta tổ
chức nhiều hội thảo chuyên ngành nhưng chưa chú trọng về chất lượng mà
chỉ thiên về hình thức và số lượng, có hội mà không có thảo luận, còn
quan điểm của Thượng tọa thì sao?
- Phải công nhận rằng, Phật giáo chúng ta ngày càng tổ chức các hội
thảo, hội nghị khá quy mô và hoành tráng. Xét trên phương diện hình thức
thì chúng ta dần dần trở nên thuần thục. Riêng về chất lượng thì không
phải lúc nào cũng đạt được như mong đợi. Đây là một thực tế mà chúng ta
cần nhìn lại một cách nghiêm túc để tránh đi lại vết xe đổ.
"Tăng Ni, Phật tử Bình Dương rất
hân hoan và vui mừng khi tỉnh nhà nhận đăng cai Hội thảo. Đây là dịp để
Phật giáo Bình Dương đóng góp và cống hiến cho Giáo hội trong khả năng,
điều kiện của mình về các Phật sự quan trọng. Và trong giờ phút này, với
tất cả tâm thành hướng về Hội thảo, chúng tôi chỉ mong rằng toàn thể
chư tôn đức đại biểu có mặt tại Bình Dương sẽ dốc toàn tâm, toàn ý đóng
góp cho sự nghiệp hoằng pháp của Phật giáo nước nhà. Mỗi nhà hoằng pháp
tự tô bồi để là tấm gương điển hình về thực hành lời dạy của Đức Phật,
là người mô phạm cho bốn chúng quy ngưỡng.", TT. Thích Huệ Thông |