Chùa Bửu Minh

Giác Ngộ - Với tôi, Nhật Bản đã ghi một dấu ấn không thể phai mờ trên bản đồ thế giới và trong trái tim tôi. Là một đảo quốc đông dân cư nhưng nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên lại thường xuyên bị thiên tai động đất.


Dù có thời gian dài chìm trong chiến tranh nhưng khi khép lại quá khứ đau thương, Nhật Bản đã từng bước, từng bước làm sống lại tinh thần thượng võ, phát huy những truyền thống, giá trị tốt đẹp của cha ông. Vươn lên từ đống đổ nát điêu tàn sau chiến tranh thế giới thứ II- 1945 bởi hai quả bom nguyên tử trút xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki của đồng minh là Mỹ, chỉ sau chưa đầy năm thập niên; Nhật Bản đã trở thành siêu cường quốc, với bộ máy kinh tế thần kỳ đầy năng động. Sự thành công đó là do ý chí kiên cường, tính tự chủ, cộng với khuynh hướng thích tìm kiếm sự thỏa hiệp, biết suy xét và tôn trọng ý kiến của người khác…của người Nhật Bản. Chính đức tính quý báu này đã khiến cho các trào lưu tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật  … đương thời khi tiếp cận với Nhật Bản đã được người dân Nhật chào đón một cách nhiệt liệt và đầy sáng tạo theo chủ kiến của mình.

nhatban 3.png

Chư Tăng Nhật Bản cầu nguyện
trước khi mai táng tập thể nạn nhân trận động đất vừa qua

Đặc biệt Phật giáo, dù không phải là hệ tư tưởng chính thống của người Nhật như Thần đạo- Shinto, nhưng khi du nhập, trải qua quá trình tồn tại, phát triển Phật giáo đã tự khẳng định được vị thế của mình trong ý thức hệ người dân Nhật. Không chỉ là đường lối luân lý, đạo đức và hệ thống học thuyết hoàn chỉnh giúp cho nhà nước Nhật trong việc an dân, trị nước những thế kỷ đầu sau Tây lịch, Phật giáo với tinh thần nhân bản, nhân văn đã bổ sung, đem đến một cách hài hòa, uyển chuyển những gì tinh mỹ nhất của mình trong nếp nghĩ, cách làm, đường lối tư duy cho người dân Nhật. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi nói đến Nhật Bản là nói đến sứ xở của Trà đạo, của cây cảnh Bon sai, của các trường phái cắm hoa nghệ thuật và tinh thần thượng võ của các kiếm khách Samurai…đã đi vào huyền thoại. Những giá trị thuộc về quá khứ luôn được người Nhật tôn trọng, gìn giữ cẩn thận như quốc bảo. Vì vậy, dù là đất nước của những Robot chuyên sản xuất xe hơi sang trọng Lexus, của sân bay Kansai trên biển… nhưng các công trình kiến trúc, các giá trị văn hóa cổ xưa, vẫn hiện tồn cùng nhịp sống đầy năng động hiện đại của người dân Nhật và họ coi đó là niềm kiêu hãnh, tự hào của chính mình.

Các công trình kiến trúc Phật giáo và các công trình nghiên cứu Phật học cũng như các nghi lễ đời sống thông thường trà, hoa, thư pháp...không chỉ là đạo lý, kim chỉ nam đem lại một đời sống tinh thần, tâm linh “ sạch”, cho đời sống xã hội Nhật Bản hiện đại, niềm tự hào về bản sắc văn hóa của người dân Nhật Bản, mà nó còn là kho tàng giá trị văn hóa vật chất, phi vật chất mang tầm vóc của thời đại, toàn cầu. Nó cho chúng ta thẩm định được chân lý vĩnh hằng rằng những vẻ đẹp thuộc về Chân – Thiện – Mỹ bao giờ cũng tồn tại trong đời sống tinh thần, tâm linh của nhân loại. Viện Bảo tàng Quốc gia hiện đang trưng bày hơn 90 ngàn hiện vật, trong đó những tác phẩm nghệ thuật phần lớn là mượn của của các chùa chiền, xem thế đủ biết văn hóa Phật giáo đã trở nên một bộ phận hữu cơ quan trọng cấu thành nên đời sống xã hội Nhật Bản hôm nay.

Có người ví hạt giống Thiền Tông được mang từ Ấn Ðộ qua Trung Hoa mọc thành cây tốt đẹp, nhưng cây đó đã nở hoa và sanh trái tại Nhật. Ảnh hưởng của Thiền trong xã hội Nhật rất là rõ rệt và sâu rộng, nó đã thăng hoa thành hội họa, thơ phú, trà đạo, võ thuật.

vuonthien23.jpg

Vườn Thiền tại Nhật Bản

 Ngày 11 tháng 03 vừa qua thảm họa kép động đất và sóng thần đã phá hủy mọi thành quả lao động, sáng tạo của người dân Nhật. Thế nhưng, ý chí vươn lên, vượt thoát, đè bẹp, nghiền nát mọi khổ đau đã khiến người dân Nhật không hề nao núng, hay chịu khuất phục trước nghịch cảnh, thách thức của vận mệnh. Cả thế giới một lần nữa lại nghiêng mình bái phục trước tính tự chủ, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết, sự bình tĩnh, văn hóa ứng xử đầy nhân bản trước thiên tai của người dân xứ sở Phù Tang. Nó làm cho tôi chợt nhớ đến bài Haiku tuyệt bút của Basho mà trước khi chết Ông để lại :

Bị đau giữa cuộc hành trình
Trong mơ tôi vẫn thấy mình phiêu du
Đi trên cái chết êm ru....

Định luật vô thường đã in dấu ấn tang thương lên xứ sở hoa anh đào. Trong đau đớn tang tóc, trong đổ nát, điêu tàn; tưởng chừng như mọi mất mát, chia ly mọi cùng quẫn sẽ bị đẩy dồn đến bế tắc, tuyệt vọng; nhưng không Thiền đã làm sống lại tinh thần kham nhẫn, khả năng chịu đựng, giúp người dân đất nước mặt trời mọc luyện tôi nghị lực và định vị được mình đang ở đâu giữa cái chết và sự sống. Trước cái chết tất cả mọi phàm nhân đều hoảng sợ cũng như đứa bé lên ba la lên hoảng sợ với cái bóng của chính mình. Nhưng với người Nhật Thiền đã có công năng khai phóng giúp họ nhận rõ được thực tướng của các pháp; nhờ sự thể nhập này trước cái chết họ thấy mình “êm ru” không hề đau đớn. Chỉ khi nào nhận thức được sự buốt đau tận cùng của sự sống ta mới thấy mình tự tại và an nhiên, thấy cái chết chỉ là sự “phiêu du” sang một hình thức khác. Cả thế giới 6 tỷ người này thử hỏi có bao nhiêu người vui vẻ đón chờ sự đến đi như một định luật bất khả kháng. Điều này chúng ta, tôi và các bạn chỉ tìm thấy ở tâm hồn, tính cách của những người dân xứ sở Phù Tang.

Năm xưa nàng Lâm Đại Ngọc [1] từng xót xa cho kiếp người như thể kiếp hoa sớm nở, tối tàn, “bi hân giao tập” buồn, vui đan xen. Nàng thường nhặt từng cánh hoa đào rơi rồi vùi chôn trong lòng đất.

Bây giờ đang là mùa hoa anh đào nở rộ trên khắp xứ sở Phù Tang, những cánh hoa mong manh màu hồng phấn rung rinh đón gió.  Cảnh nên thơ, hữu tình là thế vậy mà người dân Nhật chẳng còn lòng dạ nào cho việc thưởng ngoạn trọn vẹn một mùa hoa.

Nhưng tôi tin rằng với tính cách - Sống Thiền và hơi thở - tâm hồn Thiền như thế; một ngày nào đó không xa người dân xứ sở Phù Tang lại hưởng trọn những mùa hoa anh đào rực rỡ.

Linh Thuần

[1] Nhân vật trong tác phẩm văn học Hồng Lâu Mộng của tác giả Tào Tuyết Cần – Trung Quốc.

Nguon: http://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2011/04/15/77E441/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage