Chùa Phật Tích còn gọi là Vạn Phúc tự, khởi dựng năm
1057 – 1066 dưới thời vua Lý Thánh Tông, cách thành Luy Lâu xưa chừng
10km, từng là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta. Các nhà sư Khâu
Đà La, Chuyết Chuyết… từng tu hành tại đây.
Vào những năm 1937 – 1940, trong quá trình trùng tu
chùa, nhà khảo cổ học Pháp Louis Bezacier đã phát hiện chân móng tháp
Phật cùng với những tác phẩm điêu khắc và trang trí bằng sa thạch. Năm
1944 ông công bố Những tiểu luận về nghệ thuật An Nam, tiếp đó vào năm
1954 là cuốn Nghệ thuật Việt Nam, cho rằng tượng Phật còn tại chùa và
tất cả những tác phẩm điêu khắc và trang trí bằng sa thạch thuộc phong
cách Đại La thế kỷ 9. Năm 1940 trên báo Thanh Nghị, hoạ sĩ – nhà nghiên
cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đỗ Cung phản bác ý kiến trên và cho rằng đó là mỹ
thuật thời Lý. Kể từ đó cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử mỹ
thuật Việt Nam như Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Tống Trung Tín… cũng
sắp xếp những tác phẩm trên vào mỹ thuật thời Lý. Quá trình trùng tu
chùa năm 2008 – 2009 đã tái phát hiện chân tháp Phật cùng hàng trăm tác
phẩm điêu khắc bằng đá và đất nung, càng khẳng định sự thống nhất về
phong cách mỹ thuật thời Lý của chùa.
Tuấn Anh