Chùa Bửu Minh

Một thời kỳ vàng son của đế chế VIJAYA- Vương quốc Champa kéo dài gần 500 năm từ thế kỷ XI đến nửa sau thế kỷ XV đã để lại vùng đất Bình Định ngày nay những di sản điêu khắc vô giá.

Trong số 150 tác phẩm điêu khắc cổ Champa hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, phần lớn được tìm thấy ở gò Tháp Mẫm (xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định). Các nghệ sĩ điêu khắc Champa bằng bàn tay tài hoa, điêu luyện đã biến những khối đá và đất nung vô hồn thành những hình tượng thần, người, thú phù hợp với tâm thức của người Chăm bản địa. Các tác phẩm nói chung thấm đẫm ảnh hưởng phong cách văn hóa Ấn Độ giáo với hệ thống tam vị nhất thể (Brahma - Vishnu - Shiva) cùng vô vàn thần linh, tu sĩ, vũ nữ…

 

Một góc trưng bày các tác phẩm điêu khắc cổ Champa của Bảo tàng Tổng hợp Bình Định. Ảnh: Lê Minh 

Cụm tháp Dương Long, tháp cao nhất trong các tháp Chăm còn lại ở Việt Nam, đặc trưng cho các loại tháp Chăm 
mang phong cách kiến trúc Champa (niên đại từ giữa TK XII đến đầu TK XIV). Ảnh: Lê Minh 

TS. Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, giới thiệu về phong cách điêu khắc cổ Champa. 
Ảnh: Quang Minh

Thần Mahisamardini - niên đại TK XII. Ảnh: Lê Minh
 
Phù điêu Sư tử - niên đại cuối TK XII đầu TK XIII. Ảnh: Lê Minh 

Thần Tài Lộc - Kubera Yakshini, niên đại TK IX - X. Ảnh: Quang Minh

Thần Sarasvati - niên đại TK XII. Ảnh: Lê Minh
 
Sư tử - niên đại TK XII. Ảnh: Quang Minh

Phù điêu Tu sĩ. Ảnh: Lê Minh 

Naga 3 đầu - phù điêu trang trí, niên đại cuối TK XII đầu TK XIII. Ảnh: Lê Minh 

Phù điêu Voi được làm từ đất nung - niên đại TK XII.. Ảnh: Quang Minh

Trước Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, cột linga - biểu tượng của thần Shiva (một vị thần quyền uy của người Chăm) được đặt trang trọng ở chính giữa. Bên cạnh đó, các tượng người đều mang những đặc trưng rất riêng. Tượng tu sĩ thì ngồi trầm tư, bất động, mắt nhìn thẳng, nét mặt thanh thản như đang hướng vào nội tâm, tay cầm tràng hạt. Nữ thần Sarasvati múa thì ngược lại, sôi động tràn đầy sức sống với bộ ngực căng tròn, bụng nở, bắp đùi thon thả, hai chân khuỳnh ngang, một chân trụ vững trên thân Makara, chân kia nhón gót như đang quay tròn theo nhịp của thân và tay. Với các tượng động vật như voi, sư tử, bò trần thế hay thần thoại đều được đeo đồ trang sức đầy mình, được trang trí tỉa tót từ đầu đến đuôi. Những bức tượng thú này trông có lúc hiền lành, đôn hậu, có lúc đầy vẻ tinh nghịch, có lúc làm ra bộ dữ dằn như muốn đe dọa hay biểu lộ quyền uy.
Những tác phẩm điêu khắc trong Bảo tàng Tổng hợp Bình Định thể hiện khá rõ nét ba giai đoạn của nghệ thuật Champa kéo dài từ thế kỷ XI - XV: Giai đoạn thế kỷ XI - XII với Linga, Garuda ở chùa Thiên Trúc, với thành Chà Bàn, phù điêu nữ thần múa Bình Nghi; giai đoạn thế kỷ XII - XIII với sư tử thành Chà Bàn, Tháp Mẫm, Khánh Vân, Dvarapala ở Nhạn Sơn - Nhơn Hậu; giai đoạn thế kỷ XIV - XV với sư tử Nhơn Khánh, nữ thần Sarasvati Phú Lốc. Giai đoạn đầu là sự tiếp nối và kế thừa phong cách Trà Kiệu trước đó, còn giai đoạn cuối thì mở màn cho phong cách Yang Mum với những kiến trúc điêu khắc điển hình ở Po Klaung Garai, Yang Prong.
Ngoài số tác phẩm điêu khắc hiện có, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đang tiếp tục phân loại, thống kê và lập lý lịch hiện vật nhập kho hàng trăm tác phẩm điêu khắc có giá trị vừa được khai quật tại tháp Dương Long (huyện Tây Sơn).
Theo Giáo sư Cao Xuân Phổ - một chuyên gia về văn hóa Champa, trong gần năm thế kỷ (XI - XV), Bình Định thời bấy giờ gọi là Vijaya, đã có những tiếp xúc với Đại Việt, Ăng Co (Campuchia). Vì vậy, phong cách kiến trúc cũng có sự ảnh hưởng. Ví dụ như hình tượng Maykana ở tháp Đôi phảng phất hình ảnh con rồng thời Lý, hay như những Gaurda, Dvarapala ở Nhạn Sơn (Nhơn Hậu) và nhất là đầu rắn Naga ba đầu, năm đầu ở Dương Long, rắn vươn bảy đầu ở chùa Hàm Long (Nhơn Bình - Quy Nhơn) làm tán che cho đức Phật chống sự tấn công của Mara... trông rất gần gũi hình tượng đức Phật dưới tán Naga ở Ăng Co (Campuchia)./.
 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Quang Minh, Lê Minh

Nguon: http://vietnam.vnanet.vn/VNP/vi-VN/13/5/5/21833/Default.aspx


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage