Điệu Sanh nãy giờ đứng ngoài vườn, ngó mấy mụt hoa thược dược
vươn lên khỏi đất. Có mụt dài chừng ngón tay của
điệu ấy rồi, thế mà vẫn chưa chịu trổ ngọn lá. Sư thầy bước tới chỗ điệu, nói:
- Tại trời lạnh quá đó con. Cứ rét thế này sợ chết mầm luôn ấy
chứ.
Điệu Sanh nghe thế, tỏ vẻ lo lắng, hỏi thầy có cách nào không,
chứ chẳng lẽ tết năm nay lại không có hoa. Năm ngoái thời tiết lúc đầu tốt, mầm cây lên khỏe khoắn.
Nhưng đến khi lá cành đủ đầy thì gặp bão số bốn, một đêm thôi đã quật gẫy hết
năm chòm cây. Tết năm ngoái không có hoa trong vườn,
hai thầy trò tiếc lắm.
Thế nên năm nay cả thầy cả điệu quyết tâm phải chăm sóc, giữ
gìn cây thật tốt. Vườn chùa đất rộng mà ngày tết không
có hoa nở, bà con đạo hữu đến viếng chùa cũng quở mồm vài câu.
Thầy sợ mang tiếng là làm biếng lắm. Người nhà chùa, có
khi được gọi là người làm vườn cơ mà. Cả năm người ta
có được ba ngày xuân để khoe tài chăm tỉa tưới tẩm hoa cành, mà mình lại trống
huơ sao. Nghĩ thế nên thầy nhủ điệu Sanh cùng đi về
phía sau bếp. Hai thầy trò đốt một đống rạ sưởi ấm.
Thầy nói lát nữa chờ tro nguội gom lấy đem ra phủ quanh mấy gốc thược dược.
Làm thế cho ấm đất, may ra cũng đỡ đôi chút.
Chị bán vải tới chùa. Nửa tháng rồi chị mới lại lên đây. Thấy
phía sau bếp có khói bay lên, chị đoán có lẽ sư thầy và chú Sanh đang ở sau đó.
Chị đi khẽ, muốn làm cho hai thầy trò bất ngờ. Khi đã đứng ở thềm cửa bếp,
chị mới cất tiếng:
- A Di Đà Phật. Hai thầy trò đang nấu chi đó, cho con ăn
với.
Điệu Sanh vừa đưa tay
phải dụi mắt vì khói, vừa quay đầu nhìn. Thầy cũng dừng que cời lửa. Bất ngờ quá. Ở đời cái buồn thường đến tình
cờ, cái vui thì bất ngờ.
- Chị về rồi à? - Thầy hỏi, thay cho lời chào. Rồi chợt thấy
ngượng vì câu nói vừa phát ra của mình. Nó giống như hỏi một người thân
thích trong gia đình, em về đấy à, bà đã về đấy à. Với lại đây là chùa, có phải
nhà chị ấy đâu mà bảo chị về với chả đi.
Chị đáp:
- Con mới về hôm qua. Lát con thưa chuyện với thầy. Giờ con xin phép lên lạy
Phật đã.
Chị đưa túi quà cho điệu Sanh, trong đó có cả quà của sư thầy
nữa. Hộp bánh với gói trà hoa nhài. Xong chị đi lên chánh điện, bầy trái cây lên đĩa quả.
Thắp nén nhang, vái ba vái.
Thầy mở hộp trà hoa nhài chị mới biếu, đem pha một ấm
đặt ở bàn nước đầu hiên.
- Tới đây ngồi uống nước chị. Trà thơm quá. Cảm ơn chị.
- Con đi mấy hôm về mà thấy vườn chùa có khác - Chị vừa nói vừa nhìn ra chỗ góc
vườn thầy ươm củ.
Thầy nâng chén trà lên.
- Chị uống nước. Ươm mấy củ thược dược đón tết đó mà.
Trời rét quá chẳng biết nó có lên nổi không nữa.
Chị kể chuyện. Mấy hôm vừa rồi con đi làm thiện nguyện
theo
đoàn của nhóm từ thiện - xã hội. Đi vào các vùng khó khăn trong
kia. Chương trình có tên “Mang hơi ấm đến với các em”.
Đi một chuyến học được nhiều điều thầy ạ. Hôm bữa con định báo với thầy chuyện
này rồi mới đi. Nhưng nghĩ lại, sợ nói trước bước không qua. Cũng may lần này
chuyến đi tốt đẹp, giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh thương tâm lắm.
Sư thầy gật đầu. Vậy là chị đã biết tham gia vào những công tác cộng đồng.
Trước giờ thầy vẫn khuyên chị nên có mặt trong những việc thiện như thế, thứ
nhất là để giúp đỡ thêm nhiều người, sau nữa, đi cho khuây khỏa.
Nhưng mấy lần trước chị ngại. Sợ mang tiếng làm từ thiện là khoe khoang
xưng danh, như mấy cô diễn viên ca sĩ từng làm để báo chí ca ngợi, giật tít kiểu
đẹp người đẹp nết, hoa thơm từ sắc đến lòng.
Rồi có nhiều người mượn công việc thiện nguyện để kiếm chác nữa, cũng là chuyện
đang xẩy ra thường ngày đó thôi. Giả danh tổ chức này
nọ đi vận động tiền những tấm lòng hảo tâm rồi gom cả vào túi mình. Làm
con dấu giả hội người mù viết thư giới thiệu để xin
tiền các doanh nghiệp. Đời, càng ngày cái thật càng lụi đi,
cái giả trăm hoa đua nở. Có cô diễn viên đi làm từ thiện,
tay phát quà cho trẻ, mắt cố rơm rớm vài giọt long lanh, diễn xuất là
nghề của nàng mà. Mặt cứ đăm đăm nhìn vào ống kính máy ảnh của
phóng viên. Máy bấm bụp, được rồi cô ơi, thì cô diễn
viên mới cười toe toét.
Thầy nói, ở đời người ta có lợi thì muốn danh, có danh rồi ham
vọng. Nhưng làm từ thiện đúng nghĩa thì không phô diễn.
Một hạt muối tâm thành đậm hơn bao la nước biển. Có người đi nhiều nơi, phát lắm quà mà không bằng một chút chia sẻ
của người thực tâm. Thế mới có chuyện bà già cúng đèn,
chỉ một cây thôi đã chứng quả Bồ Tát, hơn ngàn cây đèn khác của bậc đế vương.
Trong bố thí cúng dường không phân biệt địa vị sang hèn của người phát lòng bố
thí, người nổi tiếng hay người sống lặng lẽ, một khi đã khởi tâm làm từ thiện
thì chỉ có một điều, đó là mang đến được gì cho người thọ nhận.
Sư thầy kể thêm cho chị nghe các câu chuyện bố thí.
Rồi giảng về các hạnh bố thí trong sách nhân quả ba đời. Kiếp trước cúng
dường cơm áo, kiếp này được ấm no an
vui. Kiếp này cúng dường hoa quả, kiếp sau được phước sang giàu. Và cũng chẳng
cần đến ba đời, ngay chính trong một đời người ta, luật nhân quả cũng rõ ràng
lắm. Khi trẻ ham chơi bời ỉ lại vào bố mẹ, lớn lên ắt phải đói
nghèo. Thế nên Tam Tự Kinh viết “ấu bất học lão hà vi”
là vậy.
Bữa đó nghe thầy giảng xong, chị thấy sợ. Có khi vì
mình từng làm nhiều việc xấu nên mới chuộc quả nhãn tiền hôm nay: không sanh
được con, vợ chồng đôi ngả chia ly. Chị bộc bạch với thầy tất
cả những việc làm hồi trước.
- Lúc mở quầy vải, con bán được khấm khá thầy ạ. Nhờ thế mới xây được cái nhà.
Nhưng xây nhà xong còn nợ tiền người ta nên nghĩ cách kiếm lời nhiều hơn để trả.
Nhiều khi phải cắt thiếu vải của người ta ít phân. Rồi
nhập hàng vải xấu bán với giá vải tốt. Hồi đó cả chợ
chỉ có lèo tèo vài ba quán vải, quầy của con hàng nhiều hơn cả nên khách khứa
đông. Vẫn biết bán buôn cần chữ tín. Nhưng nếu
làm ngay ăn đứng thì chẳng thể phát lên được.
Sư thầy chăm chú lắng nghe, thi thoảng gật nhẹ đầu để người
đối thoại được tự nhiên nói tiếp.
Lắng nghe cũng là một nghệ thuật, và đối với người tu hành thì
nó là công lực.
Chị nói tiếp:
- Sau rồi vợ chồng đôi ngả. Con cái thì không. Làm nhiều cũng chả để cho ai,
nghĩ thế nên con không bon chen nữa. Mấy chị dưới chợ
khuyên con thử lên chùa xem có an nhiên hơn không. Lên đây con mới tỉnh ra nhiều điều. Thì
đã muộn…
Chị bỏ lửng ngang đó và dừng lại, buồn buồn. Sư thầy
góp thêm mấy lời:
- Kể ra được như thế cũng nhẹ lòng, đúng không chị? Vẫn còn may là mình sớm nhận
ra được việc đã làm. Đời có nhiều người cứ sống vô tư, cái sai
này nối tiếp cái sai khác. Thức tỉnh không bao giờ là
muộn cả. Chị không nên quá nặng nề việc đã qua.
Như thế là u uẩn, bi lụy. Hãy xả bỏ hết, làm lại. Đi làm từ thiện là cách gây phước hay nhất, chị cũng nên tham gia.
Sau chuyến đi từ thiện về, chị thấy lạc quan hẳn.
Chị biết còn nhiều hoàn cảnh cần sự giúp đỡ, nhiều người còn cần mình, vậy nên
khát khao sống. Một lẽ giản đơn như thế mà bấy lâu nay chị không nhận ra. Đã bao lần chị cứ uẩn u nghĩ, chồng không con không thì chết quách
cho xong.
Sư thầy nhận ra sự thanh thản nơi gương mặt chị ngay khi mới
gặp.
Và cảm thấy vui vui trong lòng. Từ ngày về trụ trì ở đây, thầy đã giúp được rất nhiều người thoát
khỏi bế tắc. Riêng trường hợp chị, thầy biết đấy là một
ca khó.
Thầy dùng phương pháp tụng kinh, nhưng vốn chị ít học nên chưa
thấu được nhiều. Giảng pháp với chị thì cũng chỉ là một cách
an ủi.
Thầy biết đàn bà ở tuổi ấy, với lại đứt gánh giữa đường,
thường bó mình trong một khuôn khổ, ngại tiếp xúc rộng.
Cuối cùng thầy khuyên chị cởi mở với đời bằng những chuyến đi.
Đấy là nguyên lý trả mình về với thiên nhiên để nhận chân niềm vui cuộc sống.
Nếu chị cứ mải mê với kinh kệ, với ngôi chùa này, và cứ níu vào thầy thì e xảy
ra nhiều chuyện không hay. Nhất là tiếng đời người ta
dị nghị.
Nói chuyện một hồi, thầy đứng dậy, mời chị cùng đi ra vườn dạo.
Chị lặng lẽ bước theo. Hai người đi tới vườn ươm ngắm mấy
mụt thược dược. Thầy nói, người như cây đời, bão giông
dồn dập quá thành ra khó vươn mình lên. Vậy nên cần tự
tại sống, đấy là thực hành vô úy thí.
Chị nhìn xem, một chút xanh trên đầu mầm kia, cũng là nhờ cái củ phía dưới gắng gỏi làm nên.
Tu nhân tích đức, tạo nghiệp lành, ấy là nhân để hái về hoa tươi.
Ươm cây giữa vườn đời vậy thôi.