1) giới truyền thông Phật giáo thường xem việc đưa nhiều ảnh về một
sự kiện như là một kiểu đưa tin.
Trong các sách giáo
khoa truyền thông thị giác, chẳng hạn quyển “Ảnh báo chí” của Brian Horton, nhà xuất bản Thông tấn, Hà Nội, xuất
bản năm 2008, thì: “Tin ảnh là một bức
tranh duy nhất chụp một sự kiện vừa diễn ra với lời chú thích ảnh nêu rõ ai, việc
gì, ở đâu, khi nào, ra sao và tại sao theo đúng yêu cầu của một bản tin vắn
nhưng ở đây hình ảnh lại chính là thông tin chủ yếu”. Định nghĩa trên được
viết vào thời internet chưa phổ biến, và việc phổ biến ảnh trên báo chủ yếu là
bằng báo giấy.
Cùng với tin ảnh được
quan niệm như thế, việc đưa hàng loạt ảnh được coi là đã làm một phóng sự ảnh,
một “photo story”, một thuật ngữ truyền thông tiếng Anh thông dụng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh
internet với các trang mạng đã rất phát triển, cho phép gần như là không hạn chế
số ảnh được đăng tải, thì làm “photo story” bây giờ cũng chính là làm tin ảnh.
Bài viết này cung cấp
cho bạn đọc những chỉ dẫn tối thiểu để có thể làm photo story cho các trang mạng
Phật giáo, với những photo story có chất lượng giàu tính báo chí, tạo được hiệu
quả tốt ở bạn đọc.
Với các trang mạng Phật
giáo, photo story ngày càng được sử dụng nhiều và rất được bạn đọc ưa chuộng,
vì:
-
Kỷ thuật ảnh số cho phép giảm triệt để chi phí chụp ảnh
và đăng ảnh.
-
Việc đăng ảnh trên mạng hầu như không bị
giới hạn số lượng.
-
Người xem qua ảnh có thể nắm được nội
dung tin, tiết kiệm thời gian.
-
Ảnh đăng trên mạng internet xem trên màn
hình máy tính đẹp hơn in ảnh trên báo giấy và có thể phóng lớn hình ảnh bằng
các màn hình công nghệ số kích thước lớn, có thể lên đến 50 inch hay hơn nữa.
-
Có thể tạo thành những slide show, hoặc
chọn xem kỹ từng ảnh, tùy trang và tùy theo lựa chọn của bạn đọc.
-
Máy ảnh kỹ thuật số đã trở nên rẻ tiền,
phổ biến, dễ sử dụng và thực tế đã rất nhiều người sử dụng.
-
Nhờ chi phí không đáng kể, sử dụng phổ
biến, nên đã có nhiều người chụp ảnh thành thạo…
-
Chụp một photo story với mức phẩm chất
trung bình dễ hơn viết một bản tin hay một phóng sự bằng ngôn từ.
Vì vậy, đối với truyền
thông Phật giáo, việc có nhiều photo story có chất lượng sẽ có tác dụng thúc đẩy
sự phát triển của trang mạng Phật giáo.
2)
Những chỉ dẫn
Photo story, như thuật
ngữ cho thấy, là kể lại một câu chuyện bằng hình ảnh tĩnh. Vì vậy, khi chụp,
chúng ta cần ý thức rằng mình đang kể lại một câu chuyện. Như thế, câu chuyện
được kể bằng hình ảnh chụp sẽ rõ ràng, mạch lạc ấn tượng hơn.
Như đã nói ở trên,
photo story trên các trang mạng Phật giáo hiện nay có thể coi là tin ảnh, nên cần
có giới thiệu rõ:
-
Ai?
-
Việc gì?
-
Ở đâu?
-
Khi nào?
-
Ra sao?
-
Tại sao?
Việc này chỉ là ứng dụng
nguyên tắc các “WH” (What?, When, Where?, Who?...) Thứ tự các yếu tố trên có thể
thay đổi để tạo sự khác biệt sinh động cho mỗi bản tin.
Việc chụp ảnh cần phải
bám sát các câu hỏi nêu trên. Vì là một photo story, nên nguyên tắc chủ đề,
không gian, thời gian cần được chú ý.
Chú ý chủ đề để không lạc
đề, nhấn được ý mà photo story muốn nhấn. Thí dụ, chụp lễ lạc thành một ngôi
chùa thì phải cho thấy hình ảnh ngôi chùa và các hạng mục mới xây dựng, tránh
việc chỉ thấy người làm lễ, không thấy kiến trúc chùa đâu cả.
Chú ý thời gian là việc
gì xảy ra trước chụp trước, đăng trước, việc gì xảy ra sau, chụp sau, đăng sau.
Photo story chứa đựng trong nó yêu cầu về thời gian trần thuật, trừ những trường
hợp phá cách đặc biệt với dụng ý nghệ thuật.
Thời gian có thể thể hiện
bằng hình ảnh, như giới thiệu buổi sáng bằng hình ảnh các tia nắng sớm chiếu
qua, cổng tam quan có băng rôn, cờ phướn, cờ hoa của ngày lễ lạc thành (những
hình ảnh đó chỉ có trong thời gian diễn ra câu chuyện được kể).
Chú ý không gian là cố
gắng giới thiệu bằng hình địa điểm nơi diễn ra sự kiện, nhìn không gian trong
thời gian trần thuật: từ xa tới gần, từ tổng quát đến chi tiết, từ ngoài vào
trong…
Chẳng hạn, chụp photo
story một cuộc lễ lạc thành chùa, thì cần có ảnh giới thiệu khách đến dự lễ
trên đường đến chùa, toàn cảnh chùa, tam quan, kiến trúc chùa, tiền sảnh hội
trường trước giờ lễ. Một nhược điểm lớn của các photo story trên các trang mạng
Phật giáo là chỉ chụp nội dung khi đã diễn ra sự kiện, mà không giới thiệu toàn
cảnh địa điểm (nên xem ảnh lễ lạc thành mà không thấy kiến trúc chùa).
Chú ý các diễn tiến
chính của sự kiện theo nguyên tắc kể lại câu chuyện, tránh nhảy cóc, hay chỉ sa
đà vào một chi tiết. Nhiều góc chụp khuôn hình (đại cảnh, toàn cảnh, trung cảnh,
cận cảnh, có thể đặc tả) sẽ tạo sự phong phú cho photo story.
Đối với các nhân vật
thì chú ý đến trạng thái động, mắt không nhìn xuống. Có thể chụp nhiều kiểu để
chỉ chọn lấy một kiểu.
Tránh đưa cùng lúc những
ảnh na ná giống nhau, không vì đặc điểm không giới hạn ảnh đăng của trang mạng
mà đăng quá nhiều ảnh. Có những photo story chỉ cần ba bốn tấm ảnh (như chụp một
buổi tiếp khách). Trung bình mười mấy tấm đã hơi nhiều. Mà nhiều ảnh quá thì
làm bạn đọc ngại xem, hay xem lướt, xem nhanh, mất tác dụng.Với máy ảnh kỹ thuật
số, nên chụp tối đa rồi chọn lọc thật kỹ. Không nên tham lam ôm đồm quá nhiều ảnh.
Tùy trường hợp, có thể
thể hiện sâu vào một số nội dung, thậm chí không có người, như ảnh tài liệu cho
một cuộc họp được chuẩn bị công phu, chu đáo, nội dung được viết trên bảng… Tất
nhiên là chỉ hạn chế.
Tuy nhiên, trong photo
story, sự hiện diện của con người là quan trọng, tạo sinh động cho bức ảnh.
Hình ảnh đẹp nhưng không có người rất buồn tẻ. Thậm chí, có sách giáo khoa truyền
thông khuyên cần phải có hình ảnh phái nữ nếu có thể được, cố gắng hạn chế hình
ảnh toàn nam giới.
Cố gắng cắt cúp ảnh để
có bố cục đẹp nhất, chuẩn nhất.
Không nên đưa những tấm
hình có tính chất kỷ niệm riêng tư không liên hệ trình tự sự kiện vào cuối
photo story. Những tấm ảnh như vậy làm mất sự toàn vẹn của một photo story.
2)
Ảnh bộ:
Từ này dùng dịch thuật ngữ “photo porfolio” (theo tài liệu đã dẫn) cũng chỉ một
loạt ảnh, có quan hệ với nhau, nhưng không hẳn là kể một câu chuyện.
Photo porfolio thường
được sử dụng riêng, nhưng đôi khi trong trường hợp đặc biệt có thể kết hợp vào
photo story.
Chẳng hạn, chụp lễ lạc
thành một ngôi chùa thì có thể đưa photo porfolio những hạn mục công trình mới
xây dựng.
Một số photo porfolio gắn
với thời điểm có thể mang dáng dấp một photo story. Thí dụ, bộ ảnh chủ đề “Chùa
Trấn Quốc đầu xuân” có thể được chụp như photo story kể lại một chuyến lễ chùa
đầu năm.
Với sự rộng rãi trong
khả năng đăng ảnh trên trang mạng, photo porfolio là một sân chơi thú vị. Thí dụ,
thấy một cảnh chùa đẹp, một bức tượng Phật giá trị nghệ thuật, chúng ta có thể
chụp một photo porfolio với nhiều góc ảnh, khung hình khác nhau, với những ánh
sáng khác nhau, trong quan hệ với những người khác nhau (ảnh chụp người quỳ lạy,
ảnh khác chụp người dâng hương).
3)
Ký sự ảnh:
Đây là cụm từ dùng dịch thuật ngữ “photo essay”, nhưng có lẽ chưa đạt. Photo
essay là một loạt ảnh mà tác giả muốn đặt vấn đề nào đó, có thể dùng kèm với một
bài báo, có thể độc lập. Photo essay không phải là quá khó chụp. Bạn đọc vẫn có
thể chụp và gởi đăng photo essay trên các trang mạng Phật giáo.
Cùng một không gian thời
gian, có thể chụp một photo story, một photo porfolio hay một photo essay. Thí
dụ, ngày mồng một tết tại chùa Trấn Quốc.
Nếu đi sát thời gian, với
một gia đình thăm chùa sớm chẳng hạn thì có thể chụp một photo story. Chẳng hạn:
đến chùa khi tờ mờ sáng, cổng tam quan đón những người khách đầu tiên, sắp lễ
ngoài sân chùa, cung kính thỉnh lễ vào chính điện, lễ bái Phật bảo…
Một photo porfolio thể
hiện những góc nhìn khác nhau về ngôi chùa, trong những thời khắc khác nhau
trong ngày mùng 1, với những đối tượng khác nhau như đôi bạn trai gái lễ chùa,
cụ ông dẫn cháu mang hoa cúng Phật…
Một photo essay đặt vấn
đề không nên đốt quá nhiều hương với những bức ảnh chính điện mờ mịt khói hương
không còn trông rõ mặt nhau, khách thập phương đốt những bó hương to, lửa bốc
thành ngọn trên lư hương trước cửa chùa, khách lễ chùa đầu năm cháy thủng áo…
Cộng tác với các trang
mạng Phật giáo bằng bài viết thì hơi khó, nhưng cộng tác bằng series ảnh thì dễ
hơn nhiều. Mong rằng bài này giúp bạn đọc mạnh dạn hơn để chụp những loạt ảnh
theo thể loại mình lựa chọn cộng tác với các trang mạng Phật giáo.
MT