Các tour du lịch tâm linh có đặc thù riêng, vừa tâm linh vừa du lịch.
Đây là 2 phần không thể thiếu trong bất cứ chương trình nào. Đến với các
chương trình du lịch tâm linh, những người tham gia thường cảm thấy rất
gần gũi, dễ thông cảm và sẵn sàng sẻ chia, cởi mở với nhau. Họ có thể
coi nhau là những thành viên cùng gia đình ngay khi chuyến đi bắt đầu.
Tham gia những chương trình này, khách hành hương không chỉ được quay về
với cội nguồn tâm linh của mình, được khám phá những thánh tích hay
không gian tâm linh quý giá mà trong suốt hành trình của chuyến đi được
bên nhau hòa quyện trong một môi trường tinh khiết, bình an, yêu thương
và kết nối.
Là người đã tham gia hàng chục chuyến du lịch tâm linh tôi nhận thấy, có
lẽ ít ở nơi nào câu nói “không có con đường đi đến hạnh phúc, hạnh phúc
chính là con đường” được hiểu và triển khai triệt để như trong các
chuyến đi này.
Bản chất của du lịch tâm linh là hướng thiện. Tham gia du lịch tâm linh
là để có cơ hội thực hành và sống trong môi trường của cầu nguyện và
chiêm bái, thực tập việc tu tập và thư giãn, chăm sóc thân và tâm, tạo
niềm tin và tìm nơi nương tựa, hành trì các lễ nghi và nạp năng lượng
cho chính mình cho chuyến hành trình dài trong cả cuộc đời này. Những
chuyến đi nhiều khi mang lại những kết quả kỳ diệu cho khách hành hương
mà không ai tin được.
Anh Doãn Tần của công ty du lịch Ngọc Việt Travel, người đã trực tiếp
đưa hàng trăm đoàn đi hành hương suốt cả chục năm nay kể rằng có một
phật tử bị bệnh nặng nên mặc dù đã mua tour tham gia chương trình hành
hương về đất Phật mà phải hủy. Sau khi nghe phân tích về sự nhiệm màu
của năng lượng tâm linh chị lại quyết định đi. Những người trong đoàn ái
ngại khi thấy tình trạng sức khỏe của chị khi đoàn xuất phát. Tuy nhiên
khi chuyến đi kết thúc bệnh của chị cũng tan biến luôn!
Trong chuyến hành hương gần đây nhất của tôi cũng vậy, có một thành viên
bị bệnh. Chị quyết theo tour. Chị tham gia các chương trình lễ phật,
tụng kinh, nhiễu tượng Phật, niệm Phật rất thành kính và nghiêm túc. Kết
quả của chuyến đi làm bất ngờ biết bao thành viên trong gia đình chị.
Bây giờ chị rất khỏe, rất vui và thường xuyên hướng dẫn các bạn trẻ sống
tốt, sống thiện. Chị tham gia rất tích cực trong các chương trình giúp
đỡ người nghèo, cô đơn, bệnh tật. Chị rất hạnh phúc với những việc có
ích mà chị đang làm.
Các chương trình du lịch tâm linh đi nước ngoài thường là tứ động tâm (4
thánh tích tại Ấn Độ và Nepal), hành trình về “vũ trụ tâm linh” Tây
Tạng, Tứ đại danh sơn (đạo tràng của 4 đại Bồ Tát là Văn Thù, Phổ Hiền,
Quán Thế Âm, Địa Tạng), Trung Đài Thiền tự (Đài Loan). Rồi các tour đi
Miến Điện, Lào, Thái Lan, Bu Tan, có kết hợp với thiền định.
Trên thực tế những chuyến du lịch tâm linh làm cho các thành viên trong
đoàn gắn bó với nhau rất tốt, giúp nhau tu tập sau này, giúp đỡ lẫn nhau
trong cả vật chất lẫn tinh thần trong những năm tiếp theo của cuộc đời.
Đây là những chuyến đi dài ngày. Những chuyến đi Ấn Độ thì khá vất vả,
điều kiện cơ sở vật chất thì không thật sự tốt.
Đây cũng chính là 1 lý do để các thành viên trong đoàn gắn bó với nhau
hơn, thật sự trở thành những người con của Phật. Sau mỗi chuyến đi các
thành viên thường sống tốt hơn, thâm tâm được thanh lọc hơn, sự an lạc
thường hiện rõ nơi mỗi người.
Các chương trình trong nước thường được tổ chức về những nơi nổi tiếng.
Phía bắc thì chúng ta hành hương về Yên Tử, chùa Dâu, chùa Phật Tích,
chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Bái Đính, thiền viện trúc lâm
Tây Thiên… Du khách đến miền trung nhất định đến thăm các ngôi chùa của
cố đô Huế, đến với chùa và hang động tại Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng),…
Khách hành hương cũng không thể không đến với thiền viện trúc lâm Đà
Lạt, về với các ngôi chùa và thiền viện ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Từ Sài Gòn
người hành hương có thể đến với các thiền viện và chùa tại Bà Rịa – Vũng
Tàu, Đồng Nai, hay Bình Dương, Hà Tiên, Tây Ninh,… Những chuyến đi với
bao khám phá và trải nghiệm thú vị. Những chuyến đi ngắn ngày và thường
được tổ chức trong 2 ngày nghỉ cuối tuần giúp chúng ta có thêm năng
lượng cho 1 tuần làm việc mới.
Ngày nay, ngoài việc tham gia các tour được tổ chức, nhiều khách du lịch
tự mua vé, tự lo tour và tự trải nghiệm trong cả chuyến đi. Rất nhiều
nhóm bạn cũng tự tổ chức những chuyến hành hương cho chính mình.
Ví dụ như CLB yêu sách Thái Hà tại thành phố HCM tháng trước tự tổ chức
chuyến đi cho 30 bạn chuyến đi 2 ngày về thiền Viện Bảo Sơn, Chùa Tổ Núi
Thị Vải kết hợp tắm biển Vũng Tàu và thăm thiền viện Đại Tùng Lâm và
tháng này là hành trình về nguồn tham dự lễ Vu lan thiền thất Trúc Lâm
Bảo Sơn có cả lễ hoa Bông hồng cài áo. Nhóm Vẻ Đẹp Phật Pháp thì tổ chức
cho người thân đi chùa Phước Huệ, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Nhóm Quả Đấm Thép
thì tham gia chương trình Hương Sen Đại Bi tại chùa Hưng Khánh, huyện Mỹ
Đức, Hà Nội…
Các chương trình du lịch cũng giúp chúng ta đi về với thiên nhiên, được
sống trong không khí bình yên, xanh của cây và đất trời. Du lịch tâm
linh cũng là để cho khách hiểu về lịch sử và văn hóa của các ngôi chùa
và thiền viện cũng như các địa phương, được chiêm ngưỡng những công
trình nghệ thuật, kiến trúc quý giá.
Thông qua các bài pháp thoại, những buổi giao lưu các thành viên cũng có
cơ hội học tập rất tốt. Cái mà tôi thấy rõ nhất là nhiều người đã tạo
ra cho chính mình những thói quen mới, cách nhìn mới, mang lại lợi ích
thiết thực cho chính mình và xã hội.
Thượng tọa Thích Thái Hòa – chùa Phước Duyên, TP Huế nói với tôi nghe
rằng du lịch tâm linh cho ta cả 2: du lịch lẫn tâm linh. Tác giả của
cuốn sách nổi tiếng “Tay buông ráng hồng” khuyên mỗi người nên đầu tư
thời gian vào loại hình du lịch này.
Khi gõ những dòng chữ này tôi cũng đang chuẩn bị cho chuyến du lịch tâm
linh của mình, một chuyến đi gần nhưng không kém phần thú vị. Tôi sẽ đến
1 ngôi chùa và thả hồn mình vào đó. Thư giãn và thảnh thơi. Ngày cuối
tuần thật ý nghĩa khi ta có thời gian dành cho thân và tâm của mình.
Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty sách Thái Hà/Tâm Nhìn)
Nguon : Tamnhin.net