Chùa Bửu Minh

Giảng ngày 27-03-2011 tại Chùa Xá Lợi Đề tài này, chúng tôi trình bày nhằm hưởng ứng đại lễ cầu an, cầu siêu cho đông đảo nạn nhân động đất và sóng thần miền Đông Bắc Nhật Bản vào ngày 11 tháng 3 vừa qua. 

Sáng nay tại hội trường chùa Phổ Quang, quý hòa thượng lãnh đạo Phật giáo cấp Trung Ương và ban trị sự Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, các ban đại diện Phật giáo hai mươi bốn tỉnh, hai mươi bốn quận huyện và khoảng 1500 Phật tử đã làm lễ và thông qua đó vận động việc phát tâm ủng hộ nạn nhân tại đất nước hoa anh đào. Hội thu buổi sáng nay khoảng gần hai tỷ đồng, con số dù không lớn so với mất mát của hai ba vạn người Nhật Bản nhưng cũng thể hiện tấm lòng từ bi, tinh thần tương thân tương ái giữa con người Việt Nam và đất nước Nhật Bản.

Chia sẻ nỗi đau thuộc về mối quan tâm của con người. Tái thiết cuộc sống thuộc về trách nhiệm của nạn nhân. Sự phối hợp giữa chia sẻ và tái thiết sẽ sớm làm vơi được nỗi đau, và cuộc sống bắt đầu đâm chồi nảy lộc như bản thân nó trước khi những sự cố bất hạnh xảy ra.

Đối với các quốc gia khác khi lâm vào cảnh thiên tai, ngoài cái nghèo và tổn thất còn là nỗi đau canh cánh về sự sợ hãi vốn có thể hủy diệt đời sống hạnh phúc của con người trong vài tháng thậm chí vài năm. Đất nước hoa anh đào như số phận, các công trình của họ trở nên mong manh mặc dù được xây dựng rất kiên cố, vì họ lập nghiệp trên những khu đất, quần đảo và biển có nhiều động đất và sóng thần. Giống như hoa anh đào rất đẹp nhưng tuổi thọ lại không bao nhiêu, hoa nở chóng tàn, cái đẹp đó nhanh chóng trở thành tiêu điểm của vô thường. Có lẽ không nơi nào trên hành tinh này có số lượng động đất và sóng thần nhiều như Nhật Bản. Do đó trong giáo dục quốc dân vốn ảnh hưởng rất nhiều từ giáo dục Phật giáo, người dân xứ Nhật trở nên bình tĩnh trước sự cố thiên tai bằng sự chuẩn bị tương đối chu đáo. Tuy nhiên lần này, nước Nhật Bản với sự phát triển khoa học hàng đầu thế giới cũng không tiên liệu trước được sự cố về động đất và sóng thần dẫn đến tình trạng làm hư hại các lò phản ứng hạt nhân. Cho nên sự tổn thất về nhân mạng khá lớn, có thể nói đó là một thảm họa lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản mấy nghìn năm.

14 giờ 46 phút (giờ địa phương), vụ động đất 8,9 độ richter đã gây chấn động mạnh các thành phố miền Đông Bắc nước này. Ba thành phố lớn Minami-sanriku, Kesen-numa, Rikuzen-takata gần như đổ nát hoàn toàn. Sau đó là cơn sóng thần từ 10-23m một lần nữa đổ ập lên các vùng Duyên Hải ở tại vùng Đông Bắc, kết quả cướp đi trên mười ngàn mạng sống. Thống kê đến hôm nay cho biết khoảng mười tám nghìn người mất tích, đẩy trên 450 nghìn người dân lâm vào cảnh sống vật vờ tại các khu trú tạm do chính phủ thiết lập trong mười sáu ngày qua. Nỗi đau quốc gia, nỗi đau miền Đông Bắc đã ảnh hưởng đến nỗi đau của toàn nhân loại.

Ngày 12 tháng 3, lò phản ứng hạt nhân số một tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đã bị nổ. Chính phủ lập tức di tản trên 170 nghìn người đến nơi trú ẩn an toàn. Ngày 14 tháng 3, núi lửa Shinmo-edake ở miền Nam nước Nhật lại bùng nổ dẫn đến tình trạng trên 215 nghìn người dân phải di tản, xáo trộn đời sống sinh hoạt thường nhật. Cùng ngày này, vào lúc 11 giờ 5 phút, lò phản ứng hạt nhân số ba bị nổ, bảy người mất tích, ba người bị thương.

Ngày 15 tháng 3, lúc 6 giờ 10 phút, lò phản ứng hạt nhân số hai bị nổ, 15 người bị thương, 190 người bị phơi nhiễm phóng xạ nặng. Cũng trong ngày này, lò phản ứng hạt nhân số bốn tiếp tục bốc cháy từ sáng sớm, đồng thời làm thủng lò phản ứng hạt nhân số hai. Sự phóng xạ từ lò hạt nhân đã gây một cảnh báo về khủng hoảng hạt nhân tại đất nước Nhật Bản. Nhật Bản là một trong ít quốc gia có số lượng lò phản ứng hạt nhân nhiều nhất thế giới, tổng cộng năm mươi lăm lò. Ấn Độ chỉ có hai mươi hai lò. Việt Nam đang trong giai đoạn triển khai công nghệ và xúc tiến xây dựng lò phản ứng hạt nhân để tạo ra nguồn điện hạt nhân.

Bên cạnh những đóng góp tích cực cho đời sống công nghiệp một quốc gia phát triển và làm lớn mạnh nền kinh tế, lò phản ứng hạt nhân và điện hạt nhân thỉnh thoảng trở thành mối đe dọa khi có động đất, sóng thần, vì nó ảnh hưởng trực tiếp hoặc từ những dư chấn diễn ra sau đó. Công nghệ Nhật Bản phải nói là một trong những thế hệ công nghệ có tầm vóc trên hành tinh. Nhưng đối trước thiên tai thì bàn tay, khối óc thông minh của con người đành thúc thủ, đầu hàng vô điều kiện. Giả sử các máy thiên văn có thể đo và biết trước những cơn địa chấn hay sóng thần, điều mà con người có thể tránh được ở các quốc gia tiến bộ về công nghệ và khoa học, thì mạng sống của con người có thể không bị tổn hại, nhưng các công trình xây dựng và sự tổn thất của nó khó có thể được đảm bảo.

Ý thức từ một quốc gia có nhiều động đất và sóng thần đã làm cho chính phủ Nhật Bản có những quy định rất khắt khe về vấn đề xây cất nhà cửa. Phần lớn cất bằng vật liệu gỗ và thép để đảm bảo an toàn tính mạng của cư dân trong các đợt động đất, sóng thần. Thế nhưng chuyện gì phải xảy ra cũng đã xảy ra, cái chết đây đó khắp nơi, nỗi bất hạnh dâng trào. Rất nhiều mối quan tâm, đồng cảm của các dân tộc trên hành tinh bắt đầu trỗi dậy.

Ngày 17 tháng 3, lượng phóng xạ ở hai nhà máy hạt nhân bị nổ ngày càng cao, mang mây phóng xạ đến những quốc gia lân cận, suýt nữa vào đến Cà Mau ở Việt Nam . Lượng nước bị nhiễm phóng xạ, các rau củ quả trồng xung quanh khu vực miền Đông Bắc cũng bị nhiễm phóng xạ dẫn đến sự lo ngại to lớn từ các quốc gia phương Tây, đi đến quyết định cấm nhập rau củ quả từ những thành phố này. Nhân dân Việt Nam thường có câu “Họa vô đơn chí”, nỗi khổ niềm đau thường kéo theo những bất hạnh khác. Đạo Phật đã cho chúng ta thấy từ hai mươi sáu thế kỷ trước, qua học thuyết duyên khởi, tức là tính tương tác, cái này hủy diệt dẫn đến sự hủy diệt của cái khác; cái này tổn thất dẫn đến sự tổn thất của những cái còn lại; cái hồi sinh tạo ra điều kiện hồi sinh ở những cái khác; và sự hiện hữu của cái này mở tiền đề cho sự có mặt của cái kia. Quy luật duyên khởi đa chiều đó buộc chúng ta ở cấp quốc tế, quốc gia, cộng đồng và các liên minh cũng như với tư cách người dân cần hết sức cẩn trọng để tránh một cách tối đa các tai nạn do chính con người và thiên nhiên tạo ra.

Sự khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, thử các loại bom nguyên tử và hạt nhân dưới lòng biển và lòng đất đã để lại rất nhiều tiềm năng hủy diệt đời sống trên hành tinh. Càng chế tạo nhiều bom nguyên tử hạt nhân thì mức độ địa chấn và sóng thần lại càng tăng theo chiều hướng tỷ lệ thuận. Cho nên học thuyết chuẩn bị chiến tranh để bảo vệ hòa bình vốn có thể làm cho một số nước háo danh trở thành cường quốc về vũ khí quân sự đi theo, nhằm chứng tỏ mình là nước mạnh, lại không ngờ rằng việc chế tạo vũ khí gián tiếp ảnh hưởng đến sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến động đất và sóng thần. Việc chế tạo bom ở các quốc gia cũng dẫn đến sự tổn hại về kinh tế rất lớn.

Bảy ngày cuộc chiến ở nước Libya diễn ra đã làm cho quân đội đồng minh, đặc biệt là khối NATO tốn gần 500 triệu đô la. Và nếu cuộc chiến tiếp tục diễn ra thì sự tổn thất về kinh tế ở các quốc gia tham chiến và quốc gia nạn nhân cũng không thua kém. Tái thiết lại công trình vĩ đại do bom đạn của con người chế tạo để chứng minh sức mạnh nhân danh công bằng xã hội và công lý không phải là chuyện giản đơn, mà có thể kéo dài đến vài chục năm. Việt Nam là quốc gia nhỏ, nằm ở vùng Duyên Hải, thế chính trị và kinh tế được xem là quan trọng nên trở thành đối tượng bị ngấm nghé từ các quốc gia lớn như Trung Quốc, Pháp, Nhật, Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Chiến tranh đã diễn ra trong lịch sử Việt Nam gần hai nghìn năm. Tổn thất từ những trận động đất từ Nhật Bản theo đánh giá còn tệ hại hơn một cuộc chiến. Do đó, tái thiết lại cuộc sống đòi hỏi đến sự nỗ lực tập thể.

Lãnh đạo ngân hàng thế giới vừa đánh giá vào hôm qua, nước Nhật mất ít nhất năm năm với tốc độ khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển vũ tốc thì mới có thể tái thiết lại các thành phố đã bị động đất, sóng thần nhấn chìm và hủy diệt. Sự tổn thất kinh tế theo dự đoán là khoảng 250 tỷ đô la. Trong giai đoạn hiện nay thì chính phủ Nhật đang nợ quốc tế là 5000 tỷ đô la, giờ lại vác thêm mối nợ mới để tái thiết đất nước. Quả thực đó là một thách đố lớn cho các nhà chính trị tại đất nước này. Người dân phải làm việc cật lực hơn để đóng thuế nhiều hơn, giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh trong thiên tai, nhờ đó mới có thể vượt qua được những nỗi khổ niềm đau xảy ra vào hai tuần lễ vừa qua.

Trong bối cảnh đó, chúng tôi xin phân tích, thứ nhất là cách chia sẻ nỗi đau từ cái nhìn của Phật giáo và thứ hai là cách tái thiết cuộc sống, đối mặt với những bất hạnh mà con người có thể gặp phải trong cuộc đời.

Sáng nay, tại chùa Phổ Quang, ngoài chương trình còn có những biểu ngữ chia buồn. Chúng tôi được hòa thượng Thích Trí Quảng yêu cầu soạn mười lăm câu tiếng Anh thể hiện mối đồng cảm và sự chia sẻ sâu sắc từ đất nước và con người Việt Nam đối với Nhật Bản, nhằm góp phần làm vơi đi nỗi đau mà đất nước và dân tộc này đang gánh chịu. Mười mấy câu chia buồn đó được chúng tôi tóm tắt lại thành tám ý chính. Thông qua đó, chúng ta có thể ứng dụng trong những tình huống thiết thực để góp phần khi đối diện trước nỗi đau của người thân thương hay những người xung quanh. Lúc đó chúng ta có thể nhanh chóng chung tay mang lại cuộc sống và tái dựng lại cuộc sống vốn đã bị quá nhiều thách đố đe dọa.

 

1.     “Chúng ta là thế giới”, “ Japan , we are the world”

Chúng tôi mượn ca khúc của Michael Jackson, “We are the world”, để nói lên triết lý của đạo Phật rằng trong vũ trụ bao la, không ai có thể sống một mình. Không quốc gia nào không cần đến sự hỗ trợ hợp tác trực tiếp hay gián tiếp từ các quốc gia khác. Mọi cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia, các liên minh cũng đều nhờ vào những mối liên hệ đa chiều đó. Đang lúc mình hạnh phúc, bình an, phát triển bền vững thì nên nhớ đến những cảnh huống khổ đau mà người khác, quốc gia khác, liên minh khác đang gánh chịu, để trong lúc chúng ta hưởng phước, chúng ta có cơ hội tiếp tục gieo trồng phước. Chia sẻ tình thân dưới góc độ nhân đạo giúp xóa mờ đi tất cả ranh giới về khoảng cách quốc gia, tôn giáo, ý thức hệ chính trị và đặc biệt là những căng thẳng trong quá khứ mà ta có thể có với Nhật Bản hay giữa các quốc gia với nhau. Khi xác định chúng ta là thế giới thì việc góp phần chia sẻ nỗi đau không chỉ đơn thuần là những ý niệm hay những thiện chí mà phải được thể hiện qua các hành động tương thân một cách cụ thể.

Một nước nghèo như Việt Nam, đã từng nhận khá nhiều viện trợ từ Nhật Bản trong mấy năm trở lại đây, lại ủng hộ một quốc gia tiên tiến nhất nhì thế giới là chuyện không có gì lạ đời, vì họ đang trong tình huống của bất hạnh thiên tai. Những trợ giúp từ nhỏ đến lớn đều có giá trị sẽ sớm làm vơi đi nỗi bất hạnh. Khắp nơi trên đất nước Việt Nam , trong các chương trình, việc đưa từ thiện vào để vận động là một nghĩa cử rất cao đẹp mà không cần thông qua chính sách của chính phủ. Tất cả các tổ chức dân sự đã tình nguyện làm việc này. Đó là điều đáng tán dương và học hỏi.

Trước khi đón nhận thái độ và tinh thần sống “chúng ta là thế giới” thì Nhật Bản đã thể hiện tinh thần quốc gia. Thủ tướng của nước này, ông Naoto Kan đã phát biểu trên đài truyền hình rằng: “Trong lịch sử của chúng tôi, quốc gia trên hòn đảo nhỏ bé này đã có sự phát triển kinh tế kỳ diệu nhờ vào nỗ lực của tất cả công dân ở Nhật và các nước khác. Đó là cách mà đất nước này đã được tạo dựng nên”. Lời phát biểu của thủ tướng Nhật Bản ngầm xác định rằng “Quốc gia là thế giới”, thế giới trong một quốc gia. Như vậy, những bất đồng về chính trị vốn căng thẳng trong năm năm qua tại đất nước này đã được thu hẹp. Các đảng phái cùng bắt tay nhau để giải quyết những vấn nạn chung.

Nền giáo dục của Nhật Bản sau thế chiến thứ hai rất gần và phù hợp với nền giáo dục giải quyết vấn đề của đức Phật qua kinh Tứ Diệu Đế. Tại các trường tiểu học, các giáo viên Nhật thường dạy học trò của mình phải ý thức rõ chúng ta đang sống trên mảnh đất có nhiều bất hạnh của thiên tai, sóng thần, động đất có thể đảo lộn đời sống hàng ngày. Do đó mỗi người trẻ phải có trách nhiệm to lớn với chính mình, gia đình, xã hội và đất nước. Đó là cách thức nhìn vào bản chất của khổ đau và truy tìm nguyên nhân của nó thay vì đổ lỗi cho thượng đế hay thần linh đã dành thiên tai như một quy luật của cuộc đời.

Bên cạnh lối giáo dục như thế, người Nhật còn nhấn mạnh đến cách giải quyết vấn đề trên nền tảng những nỗ lực chân chính để tái thiết lại đất nước sau các cuộc thiên tai. Chúng ta thấy mười lăm năm trước, cụ thể năm 1995, thành phố Kobe, Nhật Bản xảy ra động đất và sóng thần không thua kém lần này. Nhưng chỉ sau ba năm nỗ lực tái thiết, một thành phố hoàn toàn mới ngoài sức tưởng tượng của thế giới ra đời. Ý thức lìa khỏi nỗi khổ niềm đau, tránh tình trạng cường điệu hóa khổ đau bằng cảm xúc đã làm cho người Nhật Bản có được bản lĩnh chịu đựng và vượt qua thử thách do thiên tai gây ra.

Trận động đất và sóng thần vào ngày 17 tháng 1 năm 1995 đã làm cho Nhật Bản tổn thất khoảng 100 tỷ đô la, so với đợt này thì chưa được một nửa. Đó là lý do mà lãnh đạo ngân hàng thế giới đánh giá phải mất năm năm để tái thiết lại đất nước. Con đường cao tốc của Nhật đi ngang qua các thành phố động đất bị nứt nhiều quãng, có quãng nứt rộng đến một mét, độ lún sâu đến mấy mét. Nhưng chỉ trong sáu ngày, họ lại tái thiết hoàn toàn mới, mặc dù chưa có những tiên đoán chuẩn xác về sóng thần và động đất trong tương lai. Ấy thế mà họ đã có những nỗ lực rất khẩn thiết và hiệu quả để tái thiết và xây dựng. Tinh thần dân tộc cộng với nỗ lực của người Nhật được đánh giá là rất hiếm. Khó có dân tộc nào có được kỳ tích về sự quyết tâm và nỗ lực như người dân Nhật.

Trường Đại Học Quốc Gia, cụ thể là Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ở Hà Nội đã kêu gọi tất cả sinh viên, giáo viên của trường gấp mười nghìn con hạc giấy nhằm chia sẻ nỗi đau và thể hiện sự quan tâm. Hầu như các tổ chức giáo dục, dân sự, tôn giáo, chính phủ, các cơ quan truyền thông, bằng những phương tiện và uy tín của mình đều nỗ lực làm để thể hiện tinh thần “Chúng ta là thế giới”.

 

            2. Cầu Phật gia hộ, “We love you Japan , Buddha bless you all”

            Thông thường một quốc gia chia sẻ nỗi đau với một quốc gia khác, hay một cộng đồng tỉnh thành này chia sẻ bất hạnh với cộng đồng ở tỉnh thành khác thì ngoài số vật chất mà chúng ta quyên góp được còn là những thể hiện bằng mối quan tâm tôn giáo. Là người Phật tử có sự tu học và được huấn luyện trong truyền thống của thiền từ bi, việc hướng tâm về Tam Bảo trong giai đoạn này sẽ giúp chúng ta tập hợp được năng lượng tình thương tập thể. Và để năng lượng tình thương tập thể đó làm giảm đi phần nào nỗi đau với những bất hạnh, cách mà chúng ta phải làm là truyền thông cho nước bạn biết rằng chúng tôi sẽ làm công việc đó trong ngày… giờ… tháng… năm… Rất nhiều người trong chúng ta không để ý đến việc truyền thông, cho nên mức độ cảm nhận để xóa nỗi đau gần như khó thực hiện được.

Nhiều gia đình, khi có một người bị bệnh nặng hay đối diện trước cái chết, họ photo cả xấp trang giấy ghi rõ tên tuổi bệnh nhân, rồi nhờ xe honda ôm gửi đi các chùa. Việc đó chẳng có lợi lạc gì. Công việc mà người thân phải làm là tổ chức khóa lễ cầu an để bệnh nhân được dự phần trực tiếp. Khi được dự phần trực tiếp, họ mới cảm nhận giá trị tâm linh đang được truyền thông và lan tỏa để ảnh hưởng trực tiếp trên thân và tâm. Từ đó nỗi đau đang hiện hữu giảm xuống bằng những nghệ thuật quán tưởng thay thế. Là người thân, ta tổ chức buổi lễ cầu an cho một người đang lâm nạn mà không hề thông tin cho người đó về thời điểm và địa điểm đang làm thì rõ ràng mức cảm nhận nó hầu như không đáng kể, nếu không muốn nói là không có tác dụng.

            Hòa thượng Thích Trí Quảng đã mời hòa thượng Yoshimizu, một người bạn rất quý của Phật giáo Việt Nam . Trong những năm 1963, khi cuộc chiến bất công của chính quyền Ngô Đình Diệm muốn xóa bỏ đạo Phật khỏi bản đồ chính trị Việt Nam, hòa thượng Yoshimizu đã vận động những người bạn Nhật Bản biểu tình tại Đại sứ quán Việt Nam Cộng Hòa ở nước Nhật để kêu gọi hòa bình cho người dân Việt Nam. Từ dạo đó, suốt năm mươi năm qua, mối quan hệ tốt đẹp chưa từng bị gián đoạn. Hầu như năm nào hòa thượng cũng sang Việt Nam thuyết giảng, làm từ thiện thể hiện sự quan tâm dưới góc độ này hay góc độ khác. Thời gian mười sáu ngày qua, hòa thượng đã sử dụng ngôi chùa của mình ở Tokyo, cách nơi diễn ra động đất khoảng vài trăm cây số, làm nơi trú ẩn miễn phí và an toàn cho khoảng hai trăm sinh viên, học sinh Việt Nam đang học tập, tu nghiệp hoặc nghiên cứu tại những thành phố ảnh hưởng bởi động đất. Việc truyền thông đã giúp cho phía Nhật Bản biết được, và sáng hôm nay cũng có sự tham dự của đại diện Tổng lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh, một số công ty Nhật Bản và những người dân Nhật. Chương trình được diễn ra bằng song ngữ Việt Nhật.

            Khi chúng ta thể hiện mối quan tâm và mong Phật lực gia hộ thì điều tốt nhất là chúng ta quán tưởng năng lượng từ bi. Trong bài kinh Từ Bi, đức Phật dạy mỗi con người đều có trường sinh học tỏa ra xung quanh. Khi chúng ta quan tâm, quán chiếu đến năng lượng từ bi đang lan tỏa từ cơ thể mình, từ trái tim và mối quan tâm của mình, chúng ta liên tưởng đến những nơi bất hạnh, những nạn nhân bất hạnh để chúng ta mong họ sớm vượt qua nỗi đau. Bản thân những nạn nhân hay bệnh nhân trong tình huống đó, cùng thời điểm đó dù cách xa nửa vòng trái đất cũng cùng phải quán tưởng rằng mình đang tiếp nhận nguồn năng lượng từ bi, thì giao thoa hai chiều giữa quán tưởng để truyền đi và quán tưởng để tiếp nhận sẽ làm cho nỗi đau được thay thế bằng niềm vui.

            Chia sẻ nỗi đau bằng mối quan tâm tôn giáo là con đường ngắn nhất để giúp con người đang trong cơn hoảng loạn được trấn an phần nào.

 

            3. “Cầu mong sự bình an đến các bạn trong giai đoạn bất hạnh”, “ Japan , may peace will be with you in your time of hardship”

            Cầu Phật gia hộ để có được sự bình an. Là người theo các tôn giáo khác thì cầu bình an có thể được liên tưởng đến những đối tượng tâm linh mà họ có niềm tin vững chãi. Điểm tựa tâm linh này sẽ giúp họ tập trung cao nhằm đạt mối quan tâm và tình thân ái. Đối với người có cơ hội trực tiếp đến thăm nạn nhân ở những địa điểm xảy ra bất hạnh, hoặc thăm bệnh nhân trên giường bệnh thì sự cầu bình an không chỉ đơn thuần là một ước nguyện, mà cần phải thể hiện bằng một số hành động cụ thể. Chẳng hạn như một sự hỏi han có nghệ thuật.

Nhiều người vào bệnh viện thăm bệnh nhân. Trong khi bệnh nhân đang khổ với những nỗi lo thì người đi thăm chỉ toàn than với thở rằng ở nhà cũng có ông bà nằm viện, mình phải làm hết việc này việc nọ, bị chủ nợ đòi, bị quấy nhiễu đủ điều.v.v… Bản thân người bệnh đã không đủ sức tự vượt qua cơn khốn khó của mình mà còn bị nhồi vào tai, bị tác động một cách trực tiếp đến cảm xúc bất hạnh thì làm sao bệnh chóng thuyên giảm được. Dù bệnh viện có hay, bác sĩ có giỏi, dịch vụ y tế có đầy đủ đi nữa, sự thuyên giảm trong tình huống này cũng là một thách đố. Cho nên cầu mong bình an phải có nghệ thuật, tức là quan tâm đến cái bệnh, cố gắng làm sao để giúp người bệnh và những nạn nhân được một phần trấn an bởi sự quan tâm an ủi thật lòng.

            Khi cư sĩ Cấp Cô Độc bị bệnh ở giai đoạn cuối cuộc đời, ngài Xá Lợi Phất và A Nan đến chia sẻ. Câu hỏi đầu tiên mà hai tôn giả đặt ra là: “Thưa cư sĩ, trong thời gian qua, bệnh tình của cư sĩ thế nào? Những nỗi đau có giảm trên thân hay không? Cư sĩ có cảm thấy khó chịu hay không?”. Hầu như ngoài mối quan tâm về sức khỏe và sự trấn an bằng việc có mặt thì không có bất cứ câu hỏi nào khác khiến người bệnh bận lòng. Ta có thể mong cầu sự bình an bằng quà tặng, tiền bạc, cử chỉ chăm sóc, giúp đỡ, hun đúc tinh thần cho kẻ bất hạnh. Những nghĩa cử tuy đơn giản như vừa nêu lại có giá trị trị liệu rất lớn.

 

            4. “Các bạn không bao giờ đơn độc”, “ Japan , you are never alone”

            Trong nỗi bất hạnh, sự đơn độc sẽ tạo thêm nhiều cảm giác bất hạnh. Ít nhất là 250 nghìn người còn sống đã phải di tản và tách ly khỏi mái ấm thường nhật mà họ có mặt, đến một nơi tạm trú thiếu thốn mọi bề. Nỗi cô đơn trỗi dậy rất lớn. Có nhiều người sau vài chục giây địa chấn, một vài phút của sóng thần nhìn lại chẳng còn thấy người thân nữa, chỉ một mình mình đối diện giữa cuộc đời với nhiều bất hạnh và khổ đau. Sự đơn độc trỗi dậy và làm cho nỗi bất hạnh dâng trào gấp nhiều lần. Cho nên trong các khóa lễ cầu an, hoặc đi thăm các nạn nhân, bệnh nhân, chúng ta phải làm thế nào giúp họ cảm nhận rằng họ không hề đơn độc. Ta có thể chia sẻ bằng những câu nói khác: “Chúng tôi đứng về phía các bạn”, “Japan, we stand with you at your side”. Là những người thân, thì ta phải đến bên giường bệnh để người bệnh không có cảm giác mình bị bỏ rơi. Đối với nạn nhân thiên tai thì người làm công tác từ thiện phải trực tiếp đến những chỗ đó. Đi vào vùng càng sâu, tổn thất càng nhiều thì giá trị trị liệu và giúp đỡ càng tăng lớn.

            Năm 2001 khi Bhuj, một thành phố ở Gujarat bị động đất, khoảng 20.000 người chết, 167.000 người bị thương, 300.000 gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, 600.000 trở thành vô gia cư, 3 triệu trẻ em dưới 14 bị ảnh hưởng, 90% các công trình xây dựng bị phá huỷ. Bhachau, một huyện thị của Bhuj chỉ còn là một dãy gạch vụn khổng lồ. Chúng tôi có cơ hội được phái đoàn Phật giáo Việt Nam tại Úc nhờ dẫn đi làm từ thiện. Khi đi chúng tôi đặt một điều kiện, đó là phải đi vào vùng sâu, những vùng xe không vào được nữa. Phái đoàn gồm các thành viên đều thấp bé, có cả ba đứa trẻ mà đứa lớn nhất chỉ mới mười tám tuổi. Tất cả đều lặn lội vào tận vùng sâu nhờ những người dân địa phương giúp đỡ. Khi vào đó, chúng tôi được biết sau mười ngày trôi qua, xác nhiều nạn nhân vẫn còn nằm trong đống đổ nát. Các đoàn từ thiện thường chỉ tập trung ở khu vực dễ tiếp trợ. Càng sâu trong khu vực bất hạnh chừng nào thì mối quan tâm lại càng bị thưa dần. Gia đình mạnh thường quân đi với chúng tôi bị nôn ói dữ dội vì nhìn thấy cảnh tượng thê thảm và ngửi mùi xú uế nồng nặc chưa từng thấy.

            Chúng ta phải thấy rõ trong làn ranh giữa vô thường và cuộc sống, mối quan tâm của con người làm cho chúng ta quên đi tất cả, và nghĩ những người bất hạnh Ấn Độ hay bất cứ nước nào cũng chính là người thân ruột thịt của mình, có như vậy, sự nhờm gớm mới bắt đầu tan biến. Nó không còn là mối đe dọa và do đó chúng ta sẽ không còn bị nôn ói, bị ám ảnh hay sợ hãi.

            Đứng về phía nạn nhân bằng cách có mặt bên cạnh họ ở nơi bất hạnh diễn ra. Đó là cách cứu trợ hiệu quả nhất. Chúng ta có thể nói: “Trái tim và nước mắt của chúng tôi đang hướng về các bạn”, “Our heart and tears are with you”, tức là thể hiện sự quan tâm bằng trái tim chứ không bằng sự ngoại giao chính trị, tương quan kinh tế. Đặc biệt những người Phật tử có thực tập về hạnh từ bi và sự chia sẻ thì mối quan tâm đó và sự thể hiện tình thương đó không khó khăn gì khi thực hiện.

 

            5. “Hãy mạnh mẽ hơn, chúng tôi luôn bên bạn”, “Be strong Japan , we are with you”

            Mệnh lệnh cách này như một sự chia sẻ cũng là lời động viên. Trong nỗi khổ niềm đau, điều mà kẻ bất hạnh cần nhiều nhất là được mạnh mẽ, can đảm hơn. Đừng đến thăm với vẻ mặt buồn bã rồi than vắn thở dài trước hoàn cảnh tội nghiệp của họ. Làm như thế là ta đang đổ dầu vào lửa, khiến nỗi đau của họ càng gia tăng. Người thể hiện sự quan tâm khéo léo ở chỗ, phải đánh lùi nỗi đau, tách nỗi đau khỏi tâm và ý niệm mà nạn nhân đang vướng vào. Ví dụ trước một bệnh nhân đang mang chứng bệnh nặng, thậm chí chỉ còn cơ hội sống sót trong vài ba ngày nữa, người chia sẻ cần phải nói: “Hãy an tâm, mọi việc rồi sẽ qua, tất cả đâu sẽ vào đấy…”, để họ sống những ngày tháng cuối cuộc đời trong sự bình an, không hoảng loạn. Phần lớn bệnh nhân đều sợ hãi khi tin rằng cuộc sống của mình đang rút ngắn bằng tích tắc của thời gian. Chính sự hoảng loạn đó đẩy họ chết sớm hơn và toàn bộ hệ thống kháng thể trở nên bất lực hơn trước cơn bệnh. Do đó phải dùng ngôn ngữ, ngữ điệu làm sao thể hiện sự quan tâm giúp họ quên đi nỗi đau, bất hạnh vốn là mối đe dọa rất lớn. Quên không có nghĩa là liều, mà để cho ý niệm về nỗi đau không tiếp tục hành hạ cảm xúc khi tình huống bất hạnh đã diễn ra. 

Giúp người khác mạnh mẽ thì người hỗ trợ phải mạnh mẽ. Đó là lý do căn bản mà từ năm nghìn năm qua, người Ấn Độ mỗi khi đối diện trước sanh ly tử biệt, việc đưa tiễn người thân hoàn toàn không có chị em phụ nữ, dù là mẹ, vợ, hay các con gái. Họ quan niệm rất rõ từ ngàn xưa rằng người nữ thường yếu về cảm xúc. Trẻ em cũng dễ dàng bị méo mó cảm xúc và khóc toáng lên. Do đó trong lễ tống táng chỉ có những người nam. Dịch vụ mai táng hoàn toàn không cần sử dụng đến. Họ quấn thi thể bằng vài lớp vải thông thường rồi đặt trên hai thanh tre. Giữa hai thanh tre có một lớp vải rất đơn giản và rẻ tiền. Thi thể được đưa đến bên cạnh bờ sông gần nhà. Họ dìm thi thể xuống dòng sông khoảng từ ba đến bảy giây như một động tác tẩy tịnh lần cuối, mong cho tội lỗi của người đó được trút bỏ. Sau đó họ đặt thi thể lên thềm cho rũ nước xuống. Họ tẩm lên thi thể một ít tinh dầu từ sữa bò để sự phát hỏa nhanh chóng hơn. Dưới thi thể là một lớp gỗ dày khoảng bốn tấc. Trong vòng hai tiếng, thi thể người quá cố được cháy thành xương tro. Sau đó những người nam mang xương tro thả xuống ngay dòng sông rồi đi về.

Không hề có phúng điếu, cúng thất; không hề khóc lóc, muộn phiền và thở than. Trong khoảng mười ngày, tùy từng gia đình, họ sẽ đăng cáo phó trên nhật báo, xác định một thời điểm thuận tiện nào đó, mọi người có thể đến làm lễ tưởng niệm. Trong lễ tưởng niệm, tất cả mọi người lắng nghe về tiểu sử của người quá cố, được mặc niệm để tưởng nhớ. Không ai cười, nói, tâm sự, sau đó tất cả lặng lẽ ra về. Cuộc sống ở đất nước này vốn giản đơn. Cái chết lại càng đơn giản hơn nhiều, cho nên người quá cố rất dễ dàng tái sinh. Sau vài giây trong phần lớn các tình huống vừa tắt hơi thở đã có một cảnh giới sống tương thích với nghiệp. Hiếm khi có trường hợp người Ấn Độ chết trong tư thế mắt mở trừng trừng.

Như vậy khi chúng ta đề nghị nạn nhân phải mạnh mẽ thì bản thân chúng ta phải tạo các phương tiện và điều kiện bằng thái độ, ánh mắt, cách biểu đạt bằng ngôn ngữ của cơ thể chứng tỏ chúng ta, những người quan tâm, đang cứng rắn thì nạn nhân mới có thể cứng rắn theo. Phim Titanic, cảnh vị mục sư đọc bài kinh thánh, mắt mở to nhìn vào kinh thánh nhưng miệng méo xệch vì biết rằng lát nữa ông sẽ chết, Chúa không cứu được ông. Trong khi đó những giáo dân thuần thành thì bám víu vào vị mục sư này để mong được sự cứu rỗi. Rồi tất cả dần dần chìm xuống nước và chết. Tức là bản thân người làm lễ để trấn an cho những người bất hạnh, đang đối diện với từng tíc tắc của cái chết còn không mạnh mẽ thì làm sao người được mình trợ giúp có thể mạnh mẽ. Cho nên khi làm lễ hộ niệm thì người yếu bóng vía, dễ buồn, dễ sầu không nên đi. Chỉ những người có bản lĩnh, có sự tập trung mạnh mà sự có mặt của họ trong buổi lễ hộ niệm có thể truyền năng lượng từ bi bằng niệm Phật, tụng kinh, trì chú mới giúp được người thân bớt khổ đau.

 

7. “Các bạn sẽ vượt qua khổ đau”, “Japan, we believe you will be alright”

Niềm tin nạn nhân sẽ sớm trở lại đời sống thường nhật hoặc phục hồi sức khỏe là mối quan tâm rất có ý nghĩa trong giai đoạn khó khăn tang tóc diễn ra. Phải đến với người bất hạnh với mong mỏi duy nhất là mong cho họ được phục hồi. Dĩ nhiên các tổn thất phải mất đến vài ba năm, nhưng truyền niềm tin về sự phục hồi sẽ vực họ đứng dậy một cách mạnh dạn. Đừng khóc cùng với người đang khóc, đau với người đang đau vì như thế nạn nhân sẽ khổ đau nhiều hơn. Thể hiện sự đồng cảm phải có nghệ thuật nâng giá trị trị liệu tích cực lên tầm cao mới. Bằng mọi giá, sự có mặt thăm viếng của chúng ta với sự chia sẻ cụ thể, giúp đỡ thiết thực, người đang tiếp nhận có cảm giác rằng bằng sự giúp đỡ này họ có khả năng tái thiết cuộc sống một cách thành công.

Có ai ngờ sau ba năm, thành phố Kobe trở thành một thành phố hoàn toàn mới. Nếu dân tộc tích cực là một cộng nghiệp thì tinh thần kiên nhẫn, chịu khó, quyết tâm là một trong những đặc tính quan trọng của dân tộc nước Nhật, giúp họ trở nên rất mạnh trong thời chiến lẫn thời bình hoặc trong hoạn nạn. Sau thế chiến thứ hai, Nhật mắc nợ toàn cầu, phải trả nợ chiến tranh các quốc gia mà họ xâm lăng. Họ phải thúc thủ, chịu sự quản lý của đất nước Hoa Kỳ về mọi phương diện. Họ lại thầm lặng học hỏi những kinh nghiệm khoa học kỹ thuật của quốc gia này. Chỉ sau hai mươi năm, họ trở thành cường quốc, đứng thứ hai về kinh tế thế giới.

Trong khi đó, Việt Nam sau thế chiến thứ hai, cũng là một nước nghèo, là nạn nhân của chiến tranh và là những anh hùng bất khuất trong chiến tranh vệ quốc, mấy chục năm trôi qua chúng ta vẫn tiếp tục là một nước nghèo. Niềm tin “Chúng ta sẽ vượt qua” dường như quá ít, hoặc chúng ta gặp quá nhiều đà cản của khó khăn khách quan lẫn chủ quan. Tinh thần yêu nước đúng nghĩa để đất nước đi lên của người Việt Nam chưa nhiều so với đất nước Nhật Bản trong cùng một bối cảnh sau năm 1945. Hai người cùng bệnh với mức độ bệnh giống nhau, nhưng người có bản lĩnh lớn và một người có sức chịu đựng yếu thì người có bản lĩnh sẽ hồi phục sức khỏe nhanh. Tâm lý tác động trên cơ thể là một quy luật hai chiều không thể phủ định. Ai có tự tin sẽ chiến thắng những người có cùng một năng lực nhưng thiếu tự tin. Tu học Phật, chúng ta có niềm tin về sự chuyển nghiệp, niềm tin vào việc không có số phận, niềm tin vào sự vươn lên, niềm tin vào phước báu trên nền tảng của nhân quả, và niềm tin vào những hạt giống đạo đức mà chúng ta đã có cơ hội gieo trồng sẽ giúp chúng ta vững mạnh để tiến thân.

 

8. “Tình thương và sự yên bình vĩnh viễn”, “Love and Peace for Japan forever”

Chỉ tình thương thôi thì chưa đủ, vì biểu hiện tình thương thông thường là vật chất và mối quan tâm. Điều quan trọng phải góp phần làm sao cho sự yên bình tái xuất hiện trên đời sống, do đó cần nỗ lực theo tinh thần “Chúng ta là thế giới” thì nỗi khổ niềm đau sẽ chóng được vượt qua.

 

Tinh thần Nhật Bản- tinh thần Phật giáo

1.     Tinh thần không sợ hãi

Lo sợ trong thiên tai, tai nạn, bệnh tật và cái chết sẽ làm cho tâm chúng ta nặng trĩu mỏi mệt. Khi một quốc gia bị thiên tai hủy hoại thì nỗi sợ hãi sẽ làm cho đất nước và xã hội tê liệt hoàn toàn. Ta phải trỗi dậy nguồn năng lực hùng dũng mà theo đức Phật, nó là một trong những đức tính rất quan trọng mà tất cả con người cần phải có. Đó là bản lĩnh, là năng lực vượt qua, là tiềm năng vươn lên, và khuynh hướng đi tới bằng những hành động thiết thực, gấp nhiều lần so với những hành động và nỗ lực bình thường. Muốn như thế thì ta cần phải có niềm hy vọng trên nền tảng của tự tin và nỗ lực nhân quả. Hy vọng mà không có nỗ lực nhân quả thì lại càng thất vọng hơn. Điều đó đã được đức Phật cảnh báo chúng ta, “Cầu bất đắc khổ”. Chúng ta phải tự tin, sự tự tin phải được thiết lập bằng những bước đi nhanh, duyên để có được quả, mà duyên là yếu tố quyết định.

Các nạn nhân sóng thần và động đất ở Nhật hoàn toàn không sợ bị hôi của. Hầu như không có bất kỳ báo cáo hôi của nào diễn ra trong mười sáu ngày qua tại nước này. Cũng có thể một phần họ là những người giàu có, nhưng không có nghĩa trên một quốc gia tiên tiến và phát triển thứ nhì về kinh tế thế giới lại không có người nghèo. Nạn tự tử ở tuổi già Nhật Bản hiện đứng đầu toàn cầu vì khi họ về hưu, đối diện với những nỗi cô đơn, bị con cái bỏ rơi, không đủ tiền trả cho các dịch vụ y tế và những căng thẳng trong đời sống xã hội làm cho họ phải đối diện với rất nhiều thách đố. Cái nghèo vẫn tồn tại khắp mọi nơi.

San Francisco của Hoa Kỳ là một trong những thành phố giàu nhất thế giới. Nhưng thành phố này cũng là nơi có nhiều kẻ ăn xin nhất thế giới. Chỗ nào huy hoàng nhất cũng có những phương diện tiêu cực, cảnh khốn khó vẫn luôn bám theo như bóng không rời hình. Khoảng cách giàu nghèo trên các quốc gia đang phát triển là rất lớn. Trung Quốc và Ấn Độ là một điển hình. Đến Ấn Độ, bên cạnh những tòa cao ốc tại Bombay , thủ phủ kinh tế lớn, là một làng ổ chuột cực kỳ lớn. Hãy xem bộ phim “Tỷ phú ổ chuột” sẽ thấy rõ đời sống ổ chuột của người nghèo và những kẻ cùng đinh chiếm 50% dân số, đến nay vẫn còn y nguyên. Đó không phải là cảnh dựng mới mà là đời sống thật trong lòng thủ đô Bombay .

Trong nỗi khổ niềm đau, người Việt Nam có câu: “Bần cùng sinh đạo tặc”, quá nghèo khiến con người dễ sinh lòng tham gom góp về phía mình. Người Nhật Bản với dân tộc tính của họ hầu như không hề có sự kiện hôi của, cho nên nỗi sợ mất tài sản trong cơn nguy biến không có mặt. Bù vào đó, toàn dân Nhật Bản đang nỗ lực chung vai gánh vác, góp phần tạo sự phục hồi cho những người bất hạnh. Chỉ bốn năm ngày sau khi các lò phản ứng hạt nhân rò rỉ, nổ, vài chục công nhân cho đến vài trăm công nhân đã quay lại nơi làm việc của mình bất chấp tính mạng. Họ góp phần làm cho mức độ rò rỉ đó không lan rộng. Nhờ nghĩa cử không sợ hãi, hay còn gọi là vô úy, vốn được xem như một đức tính của các bậc giác ngộ, đã giúp sự rò rỉ hạt nhân không ảnh hưởng đến phần đông mạng sống. Cũng từ những nỗ lực này mà người dân Nhật Bản có thể tuyên bố với thế giới rằng, khủng hoảng hạt nhân ảnh hưởng từ cơn động đất và sóng thần được xem như gần đến hồi kết thúc.

 

2.     Tinh thần trách nhiệm

Để tái thiết một quốc gia từ thiên tai thì trách nhiệm của những người cầm cân nảy mực đóng vao trò chủ chốt. Trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, các đoàn thể xã hội, tôn giáo, dân sự cũng không kém phần, quan trọng hơn nữa là trách nhiệm của các phương tiện truyền thông đưa tin, công bố, kêu gọi, tán dương nghĩa cử cao thượng, hỗ trợ một cách trực tiếp hay gián tiếp cho đất nước, cộng đồng và các nạn nhân nói chung.

Hơn hai tuần qua, trên chính trường Nhật Bản không hề xuất hiện sự đổ lỗi, truy cứu trách nhiệm cho nhau. Các đảng phái bị rạn nứt trong năm năm qua với sự lên ngôi giáng chức của năm vị lãnh tụ, đẩy nền chính trị nước này rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Ấy thế mà trong thiên tai lại không có sự kết tội nhau; hoặc tình trạng “Thừa nước đục thả câu”, nhân cơ hội để tấn công lật đổ chính phủ và phe phái mà mình không có thiện cảm. Chính phủ của họ và tất cả những người tham chính đều thừa nhận nước Nhật Bản vì thiếu sự tiên liệu và kế hoạch phòng chống nên dẫn đến thảm họa thiên tai lớn nhất trong lịch sử nước này. Ngoài ra họ còn thừa nhận cơ chế quản lý thiên tai của họ chưa có hiệu quả như mong đợi.

Nếu thiên tai đó diễn ra ở những nước nghèo thì mức độ tổn hại ảnh hưởng đến mạng sống của người dân có lẽ còn nhiều hơn thế. Một nước có trình độ khoa học kỹ thuật công nghệ cao khắc phục được hậu quả một cách nhanh chóng, chẳng hạn con đường cao tốc được phục hồi trong vòng sáu ngày, tái thiết Kobe trong ba năm, và nỗ lực tái thiết các thành phố thuộc vùng Đông Bắc trong vòng năm năm là những việc mà hiếm quốc gia nào làm được. Ấy thế mà họ vẫn thừa nhận do vì thiếu sự tiên liệu và quản lý tài tình về thiên tai.

Thừa nhận yếu kém và sai lầm là một trong những phương pháp giải quyết vấn đề được đức Phật nêu ra trong kinh Tứ Diệu Đế. Nếu không nhìn thấy được mặt mũi của bế tắc thì ta không thể nào tìm ra được giải pháp. Trong tương lai gần thì cả chính phủ nước Nhật sẽ phải ngồi lại để tìm ra những giải pháp mang tính cơ cấu, giảm thiếu tối đa các lỗi hệ thống về thiên văn, quản lý thiên tai và về cơ chế quản lý đất nước; để làm cho mối nợ quốc tế khoảng 5000 tỷ đô la không đến mức đe dọa sự phục hồi tại các thành phố bị thiên tai này. Ít nhất mất khoảng 300 tỷ đô la cần thiết sử dụng trong thời gian đầu tái thiết đất nước. Chúng ta tin chắc họ sẽ vượt qua vì tính trách nhiệm của họ rất cao.

 

3.     Tinh thần quyết tâm tái thiết đất nước

Người Nhật khi mới đi học đã nhận được sự giáo dục phải có tinh thần quyết tâm. Vì sống trên mảnh đất nhiều thiên tai nên lòng quyết tâm là chìa khóa quan trọng để tái thiết sau những lần bị hủy hoại. Nếu chúng ta thiếu bản lĩnh thì lần đầu khó khăn ta có thể vượt qua, lần hai ta có thể gượng gạo, lần thứ ba bắt đầu thoái chí, lần thứ tư nản lòng, lần thứ năm bỏ cuộc, lần thứ sáu “đào tẩu vi thượng sách”. Cứ mỗi lần bất hạnh thì tinh thần đối diện với cái khó và nỗ lực vượt khó gần như giảm đáng kể. Người Nhật Bản đã quen với tinh thần gian khó và khắc phục. Chúng tôi đoán, chính phủ Nhật sẽ dùng những thảm họa để định hình lại chính mình và xã hội.

Sáng nay tại chùa Phổ Quang, hòa thượng Yoshimizu khi phát biểu báo cáo tình hình sau động đất đã nhấn mạnh: “Nhật Bản là số phận của chúng tôi, thiên tai là số phận của chúng tôi, chúng tôi được giáo dục để làm quen, để vượt qua và vươn lên chính mình. Các bạn Việt Nam hãy an tâm”. Động cơ và sự quyết tâm như thế sẽ giúp chúng ta vượt qua những thảm họa. Nếu có nghệ thuật và có tầm nhìn xa rộng, trong những đống hoang tàn và đổ nát, ta có thể tái thiết một thành phố mới thân thiện với môi trường mà trong cơ chế cũ, quy hoạch cũ gần như nó bị rối loạn. Điều chỉnh quy hoạch để làm mới tốn kém rất nhiều tiền. Quy hoạch mới thân thiện với môi trường sẽ giúp cho tình trạng tổn thất đến mạng sống con người và tài sản được giảm thiểu hơn. Họ sẽ xây dựng bằng những chất liệu và công nghệ mới có thể kháng cự các cơn động đất mạnh.

Bồ tát Long Thọ phát biểu trong Trung Quán Luận “Dĩ hữu không nghĩa cố. Nhất thiết pháp đắc hành”. Do vì có tính chất không thực thể trong mọi sự vật hiện tượng mà các sự vật hiện tượng được thành tựu và phát triển. Đó là nguyên lý tích cực của vô thường và hủy diệt. Phần lớn chúng ta chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của vô thường, tang tóc, tổn thất, hư hao, hoại diệt. Nếu không có mùa thu rụng lá, mùa đông lạnh lẽo thì không có mùa xuân đâm chồi nảy lộc. Phải nhìn thấy phương diện tích cực từ những đổ nát theo quy trình sanh lão bệnh tử, thành trụ hoại không, hay sanh trụ dị diệt. Đạo Phật dạy chúng ta có cái nhìn rất tích cực từ những bất hạnh và sử dụng dữ liệu bất hạnh này để vươn lên làm mới. Nhân dân Việt Nam có lẽ ảnh hưởng từ Phật giáo nên có những câu khích lệ rất hay “Có tật có tài”, dùng cái tài để khắc phục cái tật.

Nhà bác học vật lý Stephen Hawking khi làm luận án tiến sĩ đã trở thành bại sụi, mất khả năng nói, phải di chuyển trên chiếc xe lăn. Tự ông tìm tòi cách thức truyền đạt kiến thức bằng máy nói do chính mình khám phá. Ông cũng là người lật lại rất nhiều định lý, định luật cũ của các khoa học gia trước đây, điều chỉnh lại định luật “Bảo toàn năng lượng” cùng nhiều định lý và thiên văn. Đó là những đóng góp cực kỳ to lớn từ nhà bác học thiên tài. Hiếm có một nhân cách vĩ đại thứ hai như ông. Phần lớn chúng ta gặp hoàn cảnh tai nạn bất hạnh như ông thường kêu khóc thậm chí đòi tự tử chết. Hawking vẫn giữ lập trường ý chí, học đến nơi đến chốn và trở thành nhà khoa học lỗi lạc của thế giới.

Nhật Bản đang trong quá trình thúc đẩy các sáng tạo, phát minh về khoa học và công nghệ để đất nước họ sớm được phục hồi. Sau thế chiến thứ hai, họ đã làm được việc ấy.

 

4.     Tinh thần đoàn kết mọi giới

Người Nhật, chính trị Nhật và mọi thành phần Nhật trong giai đoạn này đang xóa đi những bất đồng để đối mặt và giải quyết các thách thức do thiên tai tạo ra. Trong năm năm qua, Nhật Bản đã thay đổi năm nhà lãnh đạo chính trị. Hiếm có quốc gia nào trong thời gian ngắn lại bị khủng hoảng chính trị nhiều như thế, trong khi Thái Lan chỉ đổi ba bốn vị là nhiều. Mấy ngày qua, thủ tướng Nhật cũng đã thành công trong việc thuyết phục các đảng đối lập thông qua luật cải cách, vốn đã bị trì hoãn vài năm để có thể khắc phục những hậu quả tổn thất về kinh tế và thiên tai. Đó là dấu hiệu đáng mừng đem đến niềm hy vọng đất nước này sẽ được phục hồi. Trên cơ sở đó, họ sẽ phải nỗ lực giải quyết số nợ 5000 tỷ đô la, gấp hai lần tổng sản phẩm quốc nội, bên cạnh phải đầu tư tối thiểu gần 300 tỷ đô la cho việc tái thiết các thành phố bị phá hủy. Dĩ nhiên không còn cách nào khác là chính phủ Nhật phải vận động các thành phần kinh tế trong xã hội hoan hỷ đóng thuế cao hơn, chia sẻ tài sản cho những kẻ bất hạnh hơn. Do đó họ cần thông qua một ngân sách vài trăm tỷ đô. Đóng thuế cao trong giai đoạn thiên tai là điều rất cần thiết, tuy nhiên tất cả nạn nhân của thiên tai đều được miễn thuế.

Trong thời gian qua, nếu theo dõi báo đài, chúng ta thấy người Nhật rất có ý thức giảm tối đa việc đi du lịch toàn cầu. Báo chí Việt Nam mới đưa tin sáng qua rằng du lịch từ Nhật giảm đáng kể, khoảng 90%. Rất nhiều công ty Nhật đã tình nguyện cắt đi những khoản chi tiêu. Bên cạnh đó, chính quyền vận động họ cắt những khoản quỹ công, đầu tư công, hỗ trợ công ở nhiều thành phố thanh bình để đầu tư cho việc tái thiết các khu vực thiên tai. Đó là sự cân bằng giúp cho xã hội sớm trở lại bình thường.

Nếu không có cái nhìn duyên khởi, cắt chỗ này, giảm chỗ kia để tăng chỗ quá hụt thì ta khó khắc phục hậu quả ở nơi diễn ra bất hạnh. Đó là một bài toán mà chỉ cần đầu tư suy nghĩ, chúng ta sẽ có đáp án rất xứng đáng. Cho nên trong hoàn cảnh đất nước khó khăn mà tăng thuế thì ai cũng méo mặt, nhưng nếu nghĩ đó là cơ hội làm từ thiện cho người khác thông qua chế độ an sinh của một quốc gia thì chúng ta sẽ sẵn sàng hoan hỷ và phát tâm. Chính sách thuế của các quốc gia tiên tiến đều rất công bằng, minh bạch. Ai sống độc thân có thể chịu thuế từ 45-60% lợi tức đạt được, còn người có gia đình chịu thuế ít hơn. Nếu không có những cân bằng như thế thì xã hội sẽ không phát triển được. Mỗi công dân ở những nước tiên tiến, dù không ai trong họ tộc mình đi học nhưng vẫn phải đóng thuế cho giáo dục, cụ thể cho các trường học nằm trong khu vực của mình, nhằm đề cao dân trí và đầu tư dân trí, trên cơ sở đó phát triển trình độ khoa học kỹ thuật. Đó là mối quan tâm hàng đầu của những nước tiến bộ.

 

5.     Tinh thần không mặc cảm, không tự ái

Trong thời gian qua thì thị trưởng của những thành phố bị động đất và sóng thần đã kêu gọi trên các phương tiện truyền thông đến thế giới rằng họ đang cần các bàn tay từ thiện cùng tấm lòng nhân ái thể hiện qua tịnh tài, tịnh vật của bạn bè khắp năm châu bốn bể. Họ hoan hỷ tiếp nhận thông qua con đường của đại sứ quán, tổng lãnh sự, các đại diện cao cấp của chính phủ họ trên các quốc gia khác nhau.

Nếu so sánh Nhật Bản và Ấn Độ thì người dân Ấn Độ rất đáng tội nghiệp. Trải qua cơn sóng thần Nam Á và Đông Nam Á mấy năm trước, Ấn Độ lại là nước nghèo hơn Nhật Bản nhưng bất hạnh lại lớn hơn, cái chết nhiều hơn, ấy thế mà Ấn Độ lại tuyên bố với thế giới rằng “Chúng tôi không cần viện trợ, chúng tôi đủ sức lo cho người dân của mình”, tuy nhiên trên thực tế họ làm không nổi vì nợ nần chồng chất, kinh tế ì ạch. Chỉ vì tự ái dân tộc mà họ không muốn tiếp nhận của ai. Trong khi đó Nhật Bản khác hoàn toàn.

Giữa Nhật Bản và Trung Quốc có chiến tranh lạnh, Nhật Bản và Liên Xô cũng có chiến tranh lạnh từ chiến tranh trong quá khứ. Họ đã từng căng thẳng với nhau trong nhiều năm qua vì tranh chấp các đảo và biên giới. Ấy thế mà, Nhật Bản cũng đã cám ơn Trung Quốc và Nga, còn kêu gọi Trung Quốc và Nga hỗ trợ giúp đỡ trong giai đoạn cần thiết này.

Cơn bão Katrina của Hoa Kỳ cách đây vài năm không đến nỗi. Sự tổn thất kinh tế của cư dân Luzianna không quá nhiều, ấy thế mà chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố bang Luzianna đang trong tình trạng khẩn cấp và rất cần viện trợ của toàn cầu. Hai quốc gia tiên tiến nhất thế giới đã không hề mặc cảm trước số phận và những nỗi bất hạnh mà cư dân của họ đang gánh chịu. Họ cũng đã vô cùng xúc động trước lòng tốt của quốc tế dành cho đất nước và dân tộc họ.

Sáng nay, sau khi xong buổi lễ, báo Pháp Luật nhờ chúng tôi sắp xếp một cuộc phỏng vấn với hòa thượngYoshimizu. Hòa thượng chia sẻ: “Tôi muốn khóc trong lòng khi nhìn thấy thanh niên, Phật tử, những người ở những quốc gia rất nghèo như Việt Nam cầm trên tay với sự trân trọng các tấm bảng thể hiện mối quan tâm bằng tịnh tài cho đất nước của chúng tôi. Không gì xúc động hơn, tôi muốn nói cảm ơn các bạn. Chúng tôi sẽ nỗ lực để đưa đất nước của chúng tôi sớm vượt qua cơn bất hạnh này”. Phần lớn người Nhật đều sẵn sàng tiếp nhận viện trợ dù bất kỳ của ai trong lúc họ đang gặp hoạn nạn. Tự ái sai lầm là một sự tự sát. Đang lúc chúng ta khổ, chúng ta cần sự trợ giúp để vượt qua. Thuận duyên là một nghệ thuật để vượt lên, để tạo phước báu và sống hạnh phúc. Khi chúng ta bình an hạnh phúc thì chúng ta lại giúp cho những thành phần cơ nhỡ hơn. Đó là quy luật bù trừ thể hiện tình người.

Nước Nhật Bản hoàn toàn là một xã hội khép kín. Tinh thần dân tộc của họ rất cao, tự ái rất lớn, nhưng trong bất hạnh, họ mở cửa xã hội khép kín từ nhiều năm để đón nhận tấm lòng của thế giới dành cho họ. Đó là cách thức điều chỉnh hành động mới để đưa đất nước từ cơn đổ nát đi lên. Trong tương lai có thể họ sẽ khích lệ lao động nhập cư để góp phần phục hồi nền kinh tế bị khủng hoảng. Chắc chắn Nhật Bản sẽ phải nhờ Hoa Kỳ, thông qua đó nhờ nhóm G7 hỗ trợ kinh tế giúp họ khắc phục hậu quả. Họ sẽ tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị quốc tế thông qua G7 nhằm đưa đất nước sớm được phục hồi. Tự ái cá nhân của các nhà lãnh đạo sẽ càng làm cho đất nước chìm sâu trong khổ đau. Bế quan tỏa cảng là một sai lầm về chính sách, “ngăn sông cấm chợ” cũng là một sai lầm rất nghiêm trọng. Bất cứ quốc gia nào làm như thế đồng nghĩa với việc đẩy đất nước vào ngõ lạc hậu và bất hạnh.

Tóm lại, năm tinh thần Nhật Bản vừa nêu bên cạnh những cách thức góp phần làm vơi đi nỗi đau sẽ là các cộng nghiệp và cũng hình thành nên dân tộc tính của người dân xứ anh đào. Nếu tất cả chúng ta có tinh thần tương tự hoặc hơn thế thì nỗi bất hạnh dù lớn như Tu Di cũng được chúng ta vượt qua như một hạt cát. Những nỗi khổ niềm đau dài đăng đẳng như dãy Trường Thành, chúng ta vẫn có thể khắc phục thành công và xem nó chỉ như một khoảng cách nhỏ. Vấn đề là thái độ để tạo ra các khái niệm và từ đó ta có được lối sống thích hợp. Người năng động, tích cực, có chánh kiến, có nỗ lực, có kiên nhẫn, có trí tuệ, có lòng từ bi chia sẻ theo lời Phật dạy có thể tự giúp mình và góp phần mang lại hạnh phúc cho cuộc đời.

 

Đánh máy: Giác Minh Duyên

Nguon: http://www.daophatngaynay.com/vn/cuoc-song/7461-Chia-Se-Noi-Dau-va-Tai-Thiet-Cuoc-Song.html


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage