Chùa Bửu Minh

Khi vợ chồng không thể chung sống với nhau được nữa, khi tình yêu giống như một tảng băng tan chảy chỉ còn sót lại một ít hơi lạnh thì chia tay là một giải pháp tốt nhất. Nhưng vấn đề là có người xem việc ly hôn giống như liều mạng với kẻ thù, đã không ngại dùng vô số thủ đoạn làm thương tổn đối phương; có người xem việc ly hôn như bước vào một giai đoạn chết, đầu óc trống rỗng.

Cho dù vẫn còn đó câu nói “vợ chồng một ngày, ân tình trăm năm” thì khi chia tay họ cũng ít nhiều làm tổn thương nhau.

Quê hương tôi là một vùng quê nghèo khó nhưng trọng lễ nghĩa ở phía Tây tỉnh Vân Nam, người dân nơi đây trãi qua bao thế hệ gắn bó với tình làng nghĩa đất. Tại mảnh đất đỏ này, họ đã yêu thương nhau, kết hôn và sinh con đẻ cái, đùm bọc nhau đi qua những tháng ngày thanh đạm. Và chính trong những tháng ngày cực khổ đó, nếu như không khéo xử sự với nhau thì rất có khả năng dẫn đến việc ly hôn.

Vạn bất đắc dĩ khi phải đối diện với tình huống hôn nhân tan vỡ, người dân quê không ít kỷ như người thành phố. Tuy họ không có nhiều văn hóa học thức mấy, nhưng một khi con thuyền tình ái thực sự gác chèo trên bãi cạn, họ chẳng những không lớn tiếng gây gổ với nhau, không dại dột quyên sinh, càng không hề có chuyện mở miệng gây thương tổn người khác; họ chọn một ngày tốt lành, dùng phương thức uống trà để giải quyết vấn đề tình cảm cá nhân, và cũng rất tự nhiên mỗi người đi về một hướng theo lý tưởng sống của mình.

Uống trà trong dịp như thế gọi là “trà ly hôn”, còn gọi là “trà chia tay tốt lành”. Cách thức uống trà như thế rất khó tìm thấy trong văn hóa trà Trung Quốc, nhưng nó đang thực sự diễn ra ở phía Tây tỉnh Vân Nam, đượm nhuần những tháng ngày thanh bình yên ả.

Chọn một ngày tốt lành, cặp vợ chồng muốn ly hôn ngồi xuống trước mặt các bậc trưởng bối trong làng, trong hai người ai nêu ra vấn đề ly hôn thì người đó có trách nhiệm bày tiệc trà và chịu mọi phí tổn mời bạn bè thân thích đến dự. Chính vị bô lão chủ trì buổi tiệc tự tay pha một bình trà ‘xuân tiêm” đưa cho cặp vợ chồng sắp ly hôn, yêu cầu họ uống trước mặt mọi người. Nếu như ly trà đầu tiên cả hai đều không uống hết thì chỉ có ý nghĩa thưởng thức vị trà, chứng tỏ cuộc sống gia đình còn có cơ hội cứu vãn, và dưới sự khuyên giải của các bậc trưởng bối cặp vợ chồng này có thể hòa hợp trở lại. Còn như cả hai đều uống cạn, điều đó nói rõ khả năng tiếp tục chung sống rất mong manh. Ly thứ hai cả hai đều uống nếu như vẫn còn ý định muốn ly hôn, ly thứ hai này vị ngọt hơn ly trước do được pha từ một loại trà ngọt hoa gạo. Nghe nói ly trà thứ hai này được các bậc trưởng bối niệm vào 72 biến chú chúc phúc, có thể khiến cho người ta hồi tâm chuyển ý nếu như cả hai chỉ nghĩ đến những tánh tốt mà không để tâm đến những tật xấu của nhau. Lại còn nghe nói ly trà thứ hai này đã từng khiến cho vô số cặp vợ chồng sắp tan đàn rẻ nghé hòa hợp trở lại, không còn nghĩ đến lỗi lầm trước kia của nhau. Nhưng nếu ly trà thứ hai này cũng bị cặp vợ chồng uống một hơi hết cạn thì chỉ còn tiếp tục đến ly thứ ba. Ly thứ ba này là trà chúc phúc, cùng uống chung với bạn bè thân thích đến dự, vị trà không đắng cũng không ngọt lại còn rất nhạt, uống vào vị tương tự như nước lã. Ngụ ý của ly trà này rất rõ ràng: từ đây về sau, cặp vợ chồng ly hôn ai đi đường nấy, không ai đoán trước được quãng đường sau này là khổ hay vui. Vì trong ly hôn không có người chiến thắng, người yêu cầu ly hôn không nhất định sẽ luôn gặp vận tốt, người bị ruồng bỏ nói không chừng nhờ đây mà tìm được một người bạn tri kỷ thực sự.

Uống cạn ly trà thứ ba này, vị bô lão chủ trì buổi tiệc sẽ hát lên một bài trà ca cổ xưa, âm vận thật làm cho người ta thương tâm. Đại ý của bài hát như vầy: họp hôn muôn màu rạng rỡ, ly hôn đất thảm trời sầu, hai chú chim nhỏ trên cây trà từ đây chia cách, một cặp vợ chồng đường đời hai ngả phân ly.” Bài ca cất lên khiến cho mọi người dự tiệc đều đong đầy nước mắt, cặp vợ chồng sắp hai ngả chia phôi cũng không cầm đặng lòng gạt lệ. Nếu như lúc này hai người hối hận thì vẫn còn kịp để nắm tay nói lại lời yêu thương, chỉ là nếu như quyết định quay trở lại thì mỗi người vẫn phải uống tiếp 3 ly trà. 3 ly trà này được chia ra như sau: ly đầu tiên là trà ngọt, còn gọi là trà hồi ức, hoặc là trà hồi vị, nghĩa là mặc dù đi đến bước ly hôn, nhưng mỗi cặp vợ chồng đều đã được nếm qua mật ngọt của tình yêu, tình ân ái kia theo thời gian dần phai lạt, cả hai đều cảm thấy mệt mỏi, cho dù đời sống lứa đôi có ngọt ngào đến đâu rồi cũng sẽ phôi pha theo năm tháng, nên khi uống ly trà ngọt này vào sẽ giúp hai người nhớ lại quãng thời gian tươi đẹp ngày xưa. Ly thứ hai là trà đắng, đắng đến nổi không nuốt được, nghĩa là đã có tâm muốn hợp trở lại mà không chịu nổi đắng thì e không xong, hành trình đời người lắm nổi truân chuyên, không có chuyện đường bằng phi ngựa, chỉ có khổ ải vô biên, muốn sống bạc đầu với nhau mà không chuẩn bị nếm chút khổ thì quả là không xong. Ly thứ ba tuy gọi là trà nhưng thực ra chỉ là nước trắng đựng trong bình trà, ý muốn nhắc nhở cặp vợ chồng vừa tái hợp cuộc sống kỳ thực không khổ không vui giống như ly nước lã, nhưng nếu như hai người biết thương yêu kính trọng lẫn nhau thì nước lã cũng trở thành ngọt.

Xã hội vật chất hiện đại đã làm cho tình cảm con người trở nên vô cùng thô thiển, đừng nói đến chuyện uống trà ly hôn, ngay cả chỉ nói vài câu dễ nghe họ cũng dè xẻn, tiếc rẻ với nhau. Tiệc trà ly hôn chất phác giản dị ở quê tôi tuy đã đưa tiễn một cách tốt đẹp biết bao nhiêu cặp nam nữ muốn chia tay, nhưng cũng đã hàn gắn không ít những vết rạn trong hôn nhân. Trà đã ngon, lại còn hàm chứa vô tận ý thơ, nhưng tốt hơn hết vẫn là đừng để các bạn gặp phải.


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage