Trà
thất cũng đơn giản một am tranh, nhỏ vừa bằng nơi trú của một ẩn sĩ.
Khách bước đến trước một bể nước, nước từ ống tre chảy xuống. Khách rửa
tay, súc miệng, làm một cử chỉ tượng trưng, như rửa sạch thân ý trước
khi bước vào nhà.
Cửa nhà chỉ một liếp, mở ra dọc theo vách.
Khách phải cúi xuống tận nền để bước vào. Vào nhà, trước mặt là một gian
phòng nhỏ trang hoàng độc nhất bằng một bức thư pháp, trên đó thảo một
bài thơ. Thêm một bình hoa, giản dị, hoa chọn theo mùa, lúc đó là hoa
xuân. Ánh sáng lọc qua khe cửa, mờ ảo, vừa đủ để làm ấm thêm màu vách
vốn đã ấm. Khách ngồi xuống chiếu, nghe nước reo sôi từ ấm thiếc và chim
ríu rít bên ngoài. Cảnh lặng yên, khách cũng lặng yên.
Chủ nhân
hiện ra. Quỳ gối, ông che quạt trước mặt, cúi xuống tận đất, chào
khách. Khách chào trả. Chủ quay chân bước ra khỏi phòng rồi đi vào với
dụng cụ pha trà. Tay trái cầm chéo khăn lụa, ông vuốt một đường khăn
bằng tay phải, gọn gàng xếp khăn thành ba. Lần theo cuối khăn, ông kéo
các góc lại với nhau, xếp thành ba lần nữa. Với khăn xếp như thế, ông
lau từng dụng cụ, lau một cách tượng trưng vì đồ vật đều đã sạch nhẵn.
Tỉ mỉ, nghi thức, ông tráng các chén trà bằng nước nóng trong ấm thiếc,
nhúng một thẻ tre vào nước, quan sát, rồi đặt xuống bên cạnh. Xong, ông
rót nước nóng vào bình trà trước khi lau bình với một chiếc khăn ướt.
|
Tôi được giải thích rằng chén trà trong trà thất diễn tả wabi và sabi trong nghệ thuật thiền của Nhật. Wabi là một cảm giác cô đơn, buồn vời vợi, lặng lẽ như một bông tuyết rơi. Ảnh: khungtroisaomai.com |
Quay
lại khách, ông mời một viên kẹo ngọt. Khách nhắm kẹo trong lúc chủ nhân
sửa soạn ấm trà. Long trọng, ông mở hộp trà, đong trà bằng một cái thìa
tre, cho trà vào ấm. Nhúng một cái muỗng có cán thật dài vào ấm thiếc,
ông chế nước nóng vào trà. Xong, với một thẻ tre, ông khuấy trà cho
hết bọt. Quay lại, ông đặt một chén trà trước mặt khách, xoay phần đẹp
nhất của chén về phía khách. Khách nâng chén, đưa chén đến gần, cầm chén
trong lòng bàn tay, cúi chào chén trà. nhấm vài ngụm nhỏ, rồi uống thật
to phần trà cuối chén mà người Nhật cho là phần ngon nhất.
Cạn
chén trà, khách xoay chén vào đúng vị trí cũ, đặt chén xuống nền nhà,
trước mặt, cúi chào chén. Chủ nhân cầm chén, rửa chén bằng nước nóng,
trả chén về lại cho khách để khách quan sát, ngắm nghía chén trà gia
bảo, không đâu khác có.
Ngắm nghía như vậy là một phần lễ nghi
quan trọng trong buổi uống trà. Mỗi dụng cụ đều được chủ nhân đem ra
dùng đặc biệt cho khách. Khách thong thả ngắm, thưởng thức
vẻ đẹp, rồi trả lại cho chủ. Chủ bưng tất cả vào phòng trong, rồi trở
lui, đứng trước mặt khách. Buổi uống trà chấm dứt như lúc bắt đầu. Chủ
đặt cây quạt xuống đất trước mặt, cúi đầu. Khách cúi đầu đáp lễ. Chủ rút
lui vào trong.
Khách rời con đường nhỏ, quanh co xuống dốc, xuyên qua khu vườn. Tiếng ồn ào của thành phố dần dần vẳng lại, càng lúc càng rộn.
Trà
đạo là gì? Là nghi lễ tương tự như nghi lễ tôn giáo? Là sự tương thông
tương giao giữa chủ và khách? Là một nghệ thuật phi nghệ thuật? Tôi được
giải thích rằng chén trà trong trà thất diễn tả wabi và sabi trong nghệ thuật thiền của Nhật. Wabi là một cảm giác cô đơn, buồn vời vợi, lặng lẽ như một bông tuyết rơi. Sabi là vẻ đẹp đến từ cái gì xưa cũ, phai mòn, già cỗi với thời gian.
Chén trà trong trà thất không phải là đồ quý, đồ sang, đắt tiền, thường là thô, lắm khi chỉ là một cái chén đơn sơ. Wabi- sabi là vẻ đẹp của những đồ vật không hoàn hảo, tầm thường, khiêm tốn, chỉ có mắt
nào biết nhìn mới thấy đẹp. Và thấy rồi thì trong lòng nảy ra hoài cảm,
vấn vương với quá khứ, bâng khuâng trước chuyển dịch của thời gian, của
vạn vật vô thường. Ấm trà, chén trà, mái nhà, gian phòng, từng cử chỉ
của chủ nhân... tất cả gợi lên cảm giác đó, tất cả tỏa ra hơi thở của
nghệ thuật thiền.
Nhưng trên tất cả, tinh túy của tinh túy, là
bản chất đơn sơ của mọi sự vật, đơn sơ đến độ như không vướng mắc vào
bất cứ một cái gì, như không có gì, như chỉ duy nhất tầm thường có thế
thôi. Mỗi chén trà tự nó là mỗi chén trà, nhìn nó như một chén trà,
ngoài ra mọi chuyện khác hãy tự bay đi, biến mất. Nhìn chén trà như vậy
mới thấy nó hiện ra như một chén trà, với vẻ đẹp đơn sơ của nó. Không có
gì khác ngoài nó, không có gì khác ngoài giây phút hiện tại, sự thực
vốn đơn sơ như chẳng có gì để nói, như sự lặng yên nơi mỗi cử chỉ của
chủ nhân, như thế đấy sự vật hiện ra trước mắt, lặng yên mà nhìn, mà
thấy, mà hiểu, mà cúi đầu.
Tôi có cảm tưởng hiểu được tinh túy
của nghệ thuật trà đạo ở Nhật. Uống trà không phải là uống chén trà mà
uống cái đẹp giản dị, sơ khôi, thể hiện qua cách pha trà, mời trà. Tôi
thán phục văn hóa thiền đã đi sâu vào đời sống của dân tộc bạn. Nhưng,
không hiểu sao, tôi vẫn chưa muốn vào trà thất, tôi sợ tôi vẫn chỉ là
người khách xa lạ trước một chủ nhân trịnh trọng. Tôi sợ lễ nghi, cung
cách. Lễ nghi lắm khi giết chết lễ nghi.
Tôi thích uống trà theo
phong cách Việt Nam, uống trà như tôi thường uống với các sư trong
chùa. Khách đến, bình thủy của chùa như lúc nào cũng có nước nóng, như
lúc nào cũng vui được hồn nhiên tiếp khách. Sư vừa tiếp chuyện vừa chế
trà, thản nhiên nhưng vẫn chăm chút trong từng cử chỉ.
Khách
cũng vậy, hồn nhiên uống trà, không kiểu cách, ngụm trà thơm ngon trong
miệng, nhưng không cảm ơn chén trà, mà chắc chén trà cũng không đòi cúi
đầu cảm ơn. Cả cái sân chùa cũng không đòi cảm ơn, tuy khách uống trà ở
chùa là uống cả cái sân chùa. Ở Việt Nam không có thiền trà chăng? Đâu
phải! Cứ lên chùa uống trà thì biết: chén trà ở chùa vẫn khác. Không
kiểu cách mà vẫn khác. Không lễ nghi mà khách vẫn nâng chén trà thận
trọng khác thường ngày. Chưa kể, lúc được song ẩm với sư, chén trà chỉ
còn là hương thơm.
Vậy thì nghệ thuật uống trà ở chùa là thế
nào? Có gì là nghệ thuật trong đó chăng? Giữa lễ nghi của trà thất ở
Nhật và cái phong cách chẳng có gì là lễ nghi cả ở trong chùa, có chỗ
nào gặp nhau không? Miên man, tôi nghĩ là có. Gặp nhau ở chỗ đơn sơ.
Đơn sơ ở trong chùa thì dễ thấy. Đơn sơ như cái hồn diễn đạt qua cả một
cung cách lễ nghi như trong trà đạo thì khó nhận ra hơn, nhưng ở đâu
cũng vậy thôi, uống trà là để hòa, để kính, để tịnh, để tịch
với thiên nhiên, với người trước mặt, với đồ vật chung quanh, với chén
trà. Nghệ thuật nằm ở chỗ ấy: đơn sơ nào cũng cần có chút lễ nghi, nhưng
tinh túy của lễ nghi là đơn sơ.
Tôi thích câu chuyện này, của
một thiền sư người Mỹ kể về thầy của mình, một thiền sư người Nhật. Một
hôm, ông đến phi trường New York đón thầy. Máy bay đến trễ, giờ uống trà
buổi sáng đã qua, trò tỏ ý tiếc. Thầy nói: "Đâu có trễ! Vào đây!". Thầy
trò đưa nhau vào quán ăn trong sân bay, đầy nhóc người. Trò hoảng hồn,
chẳng lẽ thầy làm trà đạo ở đây? Thầy trò ngồi vào bàn. Thầy thản nhiên
rút trong tay nải ra một hộp trà, mở hộp, tìm cái thìa tre, đong đầy một
thìa trà, bảo trò há miệng ra, thảy trà vào miệng, kẹp miệng trò lại
với hai ngón tay, ra lệnh: "Pha nước vào!".
Dạy bài học đơn sơ của trà đạo đến mức đó thì tuyệt chiêu. Đơn sơ là tinh túy của thiền.
Tôi
nhớ đến câu chuyện đó một buổi sáng sớm trên núi Yên Tử, cuối thu vừa
qua. Tôi đến Yên Tử lúc bốn giờ chiều, không biết rằng cáp treo đã hỏng.
Ai cũng nghĩ sức tôi không leo lên núi được, trời lại chiều, đêm sắp
xuống. Nhưng đến Yên Tử mà không leo lên thì có lỗi với tổ tiên, nên
phải leo thôi. Hai giờ sau, giữa bóng đêm, chúng tôi lên đến nửa núi,
vào thắp hương trong chùa Hoa Yên, nơi vua Trần Nhân Tông đến tu.
Ngủ
lại đêm trong quán trọ lưng chừng núi, sáng tinh sương hôm sau chúng
tôi thức dậy với mây hồng phớt nhẹ trên núi non hùng vĩ. Như phản xạ,
tôi thèm quá một chén trà. Nhưng trà đâu, bình đâu? May quá, đồng hành
với tôi là một ông sư trẻ, mà, như một chân lý bất diệt, ở đâu có sư thì
ở đấy có trà.
Cho nên, sư thoắt đi rồi sư thoắt về với một ấm
trà và vài cái chén trong tay. Giữa vũ trụ lặng yên bước chân thầm của
lịch sử, mấy cái chén trà, đặt trên gạch đá, trước cây đại xưa bảy trăm
năm, trong sương thu se lạnh, mang đến một không khí wabi-sabi mà tôi
chỉ biết trong tưởng tượng. Tôi tưởng như nghe bước chân của Vua một
mình leo lên Hoa Yên này đây, vứt quyền hành dưới chân núi. Thốt nhiên,
tôi muốn dâng chén trà trong tay cho núi non Yên Tử. Thốt nhiên, tôi cảm
thấy sự cần thiết thôi thúc của một lễ nghi. Tôi cúi đầu trước chén
trà.
Có lẽ thầy Pháp Trí bên cạnh tôi cũng rúng động một tâm
trạng như tôi lúc đó. Có lẽ, đứng trước khí thiêng sông núi, ai cũng có
xúc động như tôi. Nhưng, phút cảm động đi qua, chúng tôi trở lại với ấm
trà bình thường, quen thuộc trong chùa.
Vui vẻ, tôi uống cạn
chén trà, uống một hơi thật to khi cạn chén, tuy trà hẩm, nước hẩm. Rồi
nghĩ: như vậy là may lắm rồi, vì ông sư trẻ đồng hành này không há miệng
tôi ra, thảy vào đấy một muỗng trà khô...