Bà Takako Suzuki, 67 tuổi, vẫn đang đi tìm dấu hiệu
sống sót của cô con gái giữa đống đổ nát của một cảng cá nhỏ, nơi bà
luôn gọi là quê nhà trong suốt cuộc đời.
Mỗi tối, khi mặt trời tắt vào lúc 7 giờ, bà Suzuki
chui vào ẩn mình bên dưới tấm chăn bông, bởi bà chẳng có gì để làm trong
căn nhà tối om. Khu Ishinomaki thuộc tỉnh Miyagy vẫn chưa có điện, gas
và nước máy.
"Tôi không đọc báo, tôi không nghe đài. Họ đang nói về
những thứ khủng khiếp", Suzuki nói. Bà vừa trò chuyện vừa sửa soạn đi
ngủ trên tầng hai của ngôi nhà còn sót lại. Bà ở góa đã nhiều năm nay.
"Tại sao tôi phải biết thêm những thứ mà chính mắt tôi thấy đã quá đủ?".
|
Hai chị em này khóc nức nở khi thi thể của mẹ họ, một
cụ bà 85 tuổi, được tìm thấy trong ngôi nhà đổ ở tỉnh Iwate ngày 29/3.
Ảnh: AFP |
Khi mặt trời lên, bà trở dậy. Bà đi xuống gác để dọn
đống đổ nát mà sóng thần hất vào đầy nhà, mang theo tấn thảm kịch cho
bao người. Ngày 11/3, thị trấn này chứng kiến cảnh một người đàn ông
thấy bàn tay mẹ mình rời ra dù anh đang cố nắm chặt, cảnh ba đứa trẻ
nhìn thấy mẹ chúng bị cuốn trôi, cảnh hai ông bà già biến mất cùng với
đứa cháu, ba thi thể sau đó dạt vào bờ.
Suzuki dọn đống phế thải trong căn nhà. Nhà của bà còn
dấu sóng thần cao khoảng 2 mét. Phía trên đầu bà, trực thăng kêu ò ò
trong lúc chở những thi thể mới tìm thấy đi. Bùn phủ lên những album ảnh
gia đình, mùi nước biển tù đọng lưu cữu và mùi cá ươn đặc quánh trong
không khí.
Quanh nhà, những chiếc ô tô bị lập úp, những con tàu
nằm rải rác trên đường phố hay trong các khu trước đây là vườn. Người ta
đi phía bên dưới những ô tô đang đung đưa giữa nóc của hai tòa nhà.
Nhưng việc quan trọng nhất của Suzuki không phải là dọn dẹp. Bà phải tìm cô con gái 41 tuổi đã mất tích từ hôm có sóng thần.
Lúc động đất xảy ra, bà Suzuki đang ở Sendai, cách nhà
60 km. Bà cố trở về nhà vào chiều hôm sau bằng cách đi chung taxi tới
một nơi gần Ishinomaki. Từ đó bà lội bì bõm trong lớp bùn cao tới đầu
gối 7 tiếng đồng hồ để về nhà.
Nhưng con gái bà không có ở đó.
"Tôi tưởng chết đi được", Suzuki kể về niềm đau.
Phải tự tay vứt hết những tấm chiếu tatami, tủ lạnh, TV và đồ gỗ cũng không gây đau bằng việc đi kiếm tìm con gái, bà nói.
Cứ mỗi khi thấy một chiếc máy xúc đến dọn dẹp đống đổ
nát cao như núi ở bên đường, bà lại lê bước tới. "Xin các anh, các anh
làm nhẹ tay thôi. Con gái tôi có thể còn dưới đó", bà cụ nói.
Và các nhân viên đưa ra một thi thể, nhưng là của một phụ nữ già, từ trong đống đổ nát của một siêu thị.
Cũng như bao nhiêu người khác, bà Suzuki trải qua cảm
giác đau đớn kéo dài khi hy vọng tìm được người thân ngày một mòn mỏi
dần đi. Lúc đầu, họ ước mong người nhà mình không bị sao, rồi nghĩ họ
chỉ là đang vất vưởng đâu đó không phải ở nhà hay các khu tạm trú, rồi
hy vọng người nhà đang được ở bệnh viện và chỉ bị thương.
Rồi khi tìm mãi vẫn không thấy tên thân nhân trong
danh sách bệnh nhân, họ tiếp tục nuôi hy vọng thân nhân mình đang bất
tỉnh đâu đó và vì thế chưa liên lạc được. Cuối cùng, ước nguyện của họ
chỉ còn là tìm được thi thể của người thân.
Họ đến các nhà quàn tạm để tìm thứ mà họ vừa mong vừa không mong thấy. Ở đó có một danh sách các thi thể, đều được đánh số.
|
Một phụ nữ đi tìm thân nhân mất tích. Ảnh: AFP |
Một số người quá cố được nhận dạng bằng tên nhờ giấy
tờ tùy thân mang theo, một số khác vô danh và chỉ được mô tả, chẳng hạn
"một phụ nữ ở tuổi 30, cao khoảng 1,6 mét" hay "một cháu bé ba tuổi".
Khi một người nào đó muốn tìm người quá cố mang con số
cụ thể nào đó, cảnh sát sẽ dẫn đi tìm. Bên trong nhà quàn, hàng dãy thi
thể được đặt trong những chiếc áo quan bằng gỗ hoặc túi nhựa đơn sơ.
Mùi hương phảng phất trong không khí.
Ngươi ta khóc nấc lên khi thấy người thân nằm ở đó,
cứng đờ, tóc ướt bết. Một đôi vợ chồng trẻ ngồi bên một chiếc hộp gỗ có
lẽ là quá lớn so với đứa con của họ bên trong. Cả hai hoàn toàn im lặng,
hai cặp mắt mở to vô hồn. Ở một góc khác, một nhóm họ hàng bước tới chỗ
một thân nhân của họ. Một người thì thầm: "Anh thật quả cảm".
Có hai dòng nhắn gửi viết bằng chữ to màu đỏ giống hệt
nhau, đặt trên hai áo quan cạnh nhau: "Xin làm ơn cho cô con gái này
được chôn cất cạnh mẹ". Người ký trên mẩu tin nhắn là cha và chồng của
hai nạn nhân.
Ảnh của những người thiệt mạng trong sóng thần, hàng
trăm chiếc, được gắn trên một tấm bảng xanh lớn. Các thân nhân đến nơi
này đau khổ, sụp xuống khi thấy hình ảnh người thân của mình có gương
mặt màu đỏ hoặc đen.
"Cha đây rồi, cha ơi", một phụ nữ trung niên thốt lên
khi thấy ảnh một người đàn ông. Chị đổ sập xuống. "Cha về với con, cha
ơi!", chị khóc, tay với với lên chỗ tấm ảnh.
Bởi đa số nạn nhân là người già, nên ảnh trẻ con rất
dễ tìm thấy. Nhưng giữa những cơn gió lạnh, một vài tấm ảnh trẻ con vẫn
còn bay phất phơ, khiến người ta không khỏi lo điều tồi tệ nhất đã xảy
đến với cha mẹ chúng.
"L:úc đầu tôi rất sợ nhìn các thi thể, nhưng tôi phải
quen với chuyện đó", bà Suzuki vừa nói vừa tiếp tục cuộc kiếm tìm đầy
đau đớn. Bà không thể quên hình ảnh những người thiệt mạng được tìm thấy
ở tòa thị chính gần nhà bà, trong đó có những cậu bé trai vẫn còn đang
ôm nhau; có một bà mẹ ôm đứa con nhỏ trong lòng, cái ôm cuối cùng của
hai mẹ con.
"Tôi sinh ra từ biển, lớn lên nhờ biển", bà cụ nói. "Nhưng tôi không còn muốn nhìn thấy biển nữa".
Mai Trang (theo AFP)