Chùa Bửu Minh

(Dân trí) - Em không chịu nổi anh huênh hoang, hãnh tiến nhưng em càng không chịu nổi khi anh tự ti đến ươn hèn. Xin đừng để chúng em phải thốt lên: Thời của những người đàn ông không đáng mặt đàn ông! Hãy hành động vì một nước Việt hùng cường để được tự hào về anh.


 
LTS: Đây không phải là bức thư tình mà là khát vọng của một thế hệ trẻ của một dân tộc không chịu khuất phục nghèo hèn. BLOG xin trân trọng giỡi thiệu bài viết của độc giả Vũ Thị Lê Nguyên và như lời của tác giả gửi tòa soạn: “Rất mong được mọi người chia sẻ”.
 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Anh thường khoe với mọi người anh có một cô người yêu dịu dàng, nết na, chịu thương, chịu khó. Em ru mình trong lời khen đó và đắm chìm trong vầng hào quang của anh, người đàn ông lịch lãm, tài năng và giàu nghị lực. Mỗi lần anh đăng đàn diễn thuyết, nhìn hàng ngàn cặp mắt hướng về anh đầy ngưỡng mộ, em không khỏi tự hào… Nhưng hôm nay chắc anh sẽ thầm hỏi, tại sao lại có bức thư này? Phải chăng có sự thay đổi nào đã xuất hiện trong em? 

Chắc anh nhớ bữa chúng mình về quê người bạn em bên dòng sông Hậu, em đã ngây ngô đặt cho anh câu hỏi: “Sao ở đây nhiều cô gái trẻ trung, xinh đẹp đua nhau đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc bất chấp họ già nua, tàn tật hả anh?”. Anh đã bảo em rằng họ mong muốn “đổi đời”, có cuộc sống khấm khá hơn. Rồi anh thản nhiên xem một bộ phim lãng mạn của Mỹ có cô đào xinh đẹp Elizabeth Taylor đóng, để mặc mình em với cái câu hỏi “đàn ông xứ Việt mình đâu cả rồi để các cô gái phải tha phương kiếm chồng?” 

Anh có nhớ lần về quê anh, thấy khu vườn đầy rau xanh ngắt, em rất hồ hởi nhưng đến bữa, trên mâm lại chẳng có cọng rau nào. Em thắc mắc, anh vừa cười, vừa nói để cho bí mật được tuôn ra một cách nhẹ nhàng nhất, dễ chịu nhất: “Rau khu vườn em thấy là rau bán còn rau ở khu nhà ăn thì hết cả rồi”. Vì tò mò, em đã tự tìm ra sự thật là rau đem bán thì phun thuốc trừ sâu và hóa chất tăng trưởng còn rau nhà để ăn thì không bón các chất đó. Em đã khóc vì không hiểu được tại sao những giá trị đạo đức nhân văn mà tổ tiên tạo dựng lên bằng biết bao công sức lại băng hoại đến nông nỗi này và tại sao nó lại xảy ra ở ngay chính căn nhà của người đàn ông có học thức và lịch thiệp là anh?

Từ đó, từng bước em đã rời khỏi vòng hào quang lấp lánh của anh, rời khỏi những lời ru cao đẹp của anh, rời khỏi những sợi tơ óng ánh trí tuệ của anh, rời khỏi cả những diễn đàn hừng hực ngôn từ mỗi lần anh hùng hồn diễn thuyết để tự mình “lần mò” vào cái lõi của cuộc đời thực mà đồng bào của em đang sống. 

Em đã bắt đầu hiểu ra rằng có những câu hỏi em không thể hỏi anh nữa vì những câu hỏi đó rất dễ làm cho tình yêu của chúng ta bị rạn nứt, thậm chí bị đổ vỡ. 

Nhưng có một sự thật là anh đã khác trong con mắt của em. 

Anh khác từ sau lần đầu tiên xuất ngoại về, trong quán cà phê, anh say sưa ca ngợi Singapore đầy cây xanh, đường xá trật tự, thu nhập đầu người hơn 30.000 USD/ năm, thành phố rất hiện đại… Rồi anh bảo chủ quán mở bài hát của Trịnh Công Sơn với giọng hát của Khánh Ly “… Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…” để rồi đắm mình trong bài hát đó. Tiếng hát Khánh Ly và nhạc Trịnh dầu mê hoặc nhưng vẫn không thể cuốn em ra khỏi câu hỏi “Tại sao Singapore, một đất nước nhỏ bé chỉ hơn 3 triệu dân, diện tích chỉ hơn 550 km2, tài nguyên không có gì lại là một quốc gia giầu có và tươi đẹp như thế?”. 

Anh khác trong mắt em từ buổi tại một cuộc hội thảo có người bạn Israel đã nói đại ý rằng chúng ta thật may mắn khi được sinh ra ở một đất nước giầu có về tài nguyên khoáng sản, đất đai phì nhiêu và rộng lớn. Người bạn Israel thốt lên: “Nhìn đất đai của các ông mà chúng tôi khát thèm”. Anh quay sang nói với em giọng đầy tự mãn: “Em thấy chưa, ai cũng thèm muốn có một đất nước như đất nước mình”. Anh không biết rằng em cảm thấy tự ái, bức bối xen lẫn niềm tủi nhục. Tại sao Israel chỉ có sa mạc, thời tiết khắc nghiệt, dân cư ít ỏi mà họ đã xây dựng được một quốc gia có tầm ảnh hưởng khoa học, kinh tế hàng đầu thế giới. Giả sử họ chỉ có bằng một nửa những thuận lợi như chúng ta, chắc chắn họ đã là một siêu cường lâu rồi. 

Em ngạc nhiên khi thấy trong các câu chuyện của các anh, em chỉ thấy toát lên sự hài lòng, mãn nguyện mà không có ai đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta vẫn còn là nước nghèo? Đến bao giờ chúng ta trở thành hùng cường để cho em và lũ bạn gái của em đi đến đâu cũng không còn tủi nhục, ngẩng mặt lên trong sự tự hào? 

Các anh hí hửng khoe với nhau những gì mình làm được là nhất nước. Anh thân yêu!

Em không chịu nổi khi anh huênh hoang, hãnh tiến nhưng em càng không chịu nổi khi anh tự ti đến ươn hèn. Khi có điều kiện tiếp cận với các nước hàng đầu thế giới như Anh, Nhật, Mỹ... anh và các bạn anh đã coi bất cứ cái gì của họ cũng hoàn hảo, cũng là nhất còn tất tần tật những gì của Việt Nam chúng ta đều bị coi là tầm thường, xoàng xĩnh. Thói vọng ngoại đã khiến các anh toan tính đi làm thuê cho nước ngoài để được vinh dự là những người làm thuê cho các công ty số một. Vậy thì nói cho cùng lý tưởng của anh là gì? Vâng! Anh có thể biện minh rằng anh làm tất cả để sau này em và các con sẽ có một cuộc sống đầy đủ. Anh còn nói không phải người đàn ông nào ở Việt Nam cũng làm được điều ấy cho người mình yêu, rằng em phải biết tự hào về anh. Em rất biết ơn anh về điều đó nhưng nó không cho em niềm tự hào về anh, về các bạn anh. Điều mà em và những người phụ nữ chúng em cần ở anh, những người đàn ông Việt Nam là nghị lực và khí phách vươn lên. Không huênh hoang, tự mãn nhưng cũng không tự ti, khiếp nhược và hơn hết, hãy biết “nhấm nháp” sự cay đắng của nỗi nhục để từ đó vươn dậy cho mỗi cá nhân, cho cộng đồng và cho Tổ quốc. Xin đừng để chúng em phải thốt lên: Thời của những người đàn ông không đáng mặt đàn ông!

Anh có thể cho rằng em không biết điều và quá tham lam. Không, em không tham lam nhưng em đầy khát vọng. Tham lam, ích kỷ có thể làm lụn bại một dân tộc nhưng khát vọng nhân văn sẽ biến một dân tộc trở nên hùng cường.

Anh và những người đàn ông thân yêu của chúng em hãy tràn trề khát vọng, hãy xông vào cuộc đua tranh, hãy hành động và hành động vì một nước Việt vĩ đại, hùng cường để em thực sự tự hào về anh.

Anh và các anh thân yêu!

Khi biết em viết bức thư này cho anh, mấy đứa bạn gái của em đọc và đòi được tham gia. Vì vậy, lúc đầu là Thư gửi anh nhưng giờ đây là Thư gửi các anh và các bạn em muốn được cùng ký tên vào bức thư này. 

Dù là Em gửi anh hay Chúng em gửi các anh thì điều đó có gì quan trọng khi mà thông điệp của em và các bạn em gửi đến các anh là: Hỡi những đàn ông Việt, hãy vươn vai đứng dậy bằng hào khí cha ông ngàn xưa truyền lại. 

Vũ Thị Lê Nguyên

    Nguon: http://www.baomoi.com/Home/TinhYeu/dantri.com.vn/Hay-dang-mat-la-dan-ong-Viet/6559391.epi


    ©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage