Chùa Bửu Minh

Nghệ An - Tiếng gọi của lịch sử vọng về… (HDPT) - Mỗi người chúng ta cùng chung tay, góp sức đem đến những giá trị thiết thực của văn hóa Phật giáo trong mối tương quan đồng hành cùng dân tộc.

Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Chư tôn đức Tăng Ni,

Kính thưa quý vị đại biểu và quý vị Phật tử,

Hôm nay, trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này, tôi tưởng như đang nghe tiếng gọi của lịch sử vọng về từ thời dựng nước, dựng chùa. Nghệ An ngày xưa là cửa ngõ của nước, là đất thiêng. Đất thiêng này luôn biết chọn hiền tài để ngoài thì chống giặc, trong thì trị quốc, an dân. Nào núi Thành, núi Quyết, nào núi Đại Huệ, núi Hai Vai, núi Phụng Hoàng, tất cả đều nói lên trí dũng gánh vác trọng trách sơn hà của người dân xứ Nghệ. Trong lịch sử hào hùng ấy của đất nước và của người dân xứ Nghệ, đã có đóng góp lớn lao của Phật giáo, nhất là của văn hóa tình thương mà Phật giáo đã mang lại cho dân chúng. Khí phách và tâm hồn của người dân xứ Nghệ đã được hun đúc từ hàng ngàn năm lịch sử và văn hóa ấy.

Cái gì đã đi vào hồn của dân tộc, cái ấy không mất được. Cho nên, qua bao nhiêu thăng trầm, giờ đây, trên mảnh đất xứ Nghệ, Phật giáo đang hồi sinh. Trong niềm hân hoan về sự hồi sinh ấy, chúng ta cùng nhau khơi dậy những giá trị của văn hóa Phật giáo trong đời sống ứng xử thường ngày, để ước vọng xây dựng một xã hội hài hòa, cùng nhau tu tập. Tuần lễ Văn hóa Phật giáo do Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An tổ chức tại thành phố Vinh cũng không ngoài mục đích trên.

Kính bạch Chư tôn đức Tăng Ni,

Kính thưa quý vị đại biểu và toàn thể Phật tử

Phật giáo truyền vào xứ Nghệ được lịch sử ghi nhận từ thời đại Hùng Vương. Tuy nhiên, hình ảnh sớm nhất hiện còn là viên gạch nung, trong đó in hình ba vị Phật ngồi trên tòa sen tại tháp Nhạn, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 7. Sang đến thời Lý - Trần, Phật giáo phát triển rộng khắp từ thành thị đến thôn quê, người dân đi đến đâu, song song với việc lập làng, lập ấp là cho lập chùa. Chùa chiền, bảo tháp xá lợi không chỉ trở thành biểu tượng tôn quý của nền văn hoá Việt Nam, mà còn là di sản minh chứng cho chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của người Việt.

Khi thiền sư Vạn Hạnh cố vấn cho vua Lý Thái Tổ định đô tại Thăng Long, bóng dáng người anh hùng phiêu dạt với thanh gươm yên ngựa đã được thay thế bằng hình ảnh uy nghiêm của một vương triều với những kế sách lâu dài trị quốc an dân và ổn định bờ cõi. Nghệ An thời đó là vùng đất phên dậu quan trọng, nên Lý Thái Tổ đã sáng suốt cử người con trai thứ 8 của mình là Lý Nhật Quang vào làm Tri châu Nghệ An. Rồi Phật tử Lý Thường Kiệt cũng được triều đình cử vào phía Nam để trấn giữ cả một vùng Thanh Nghệ rộng lớn. Một thiền viện lớn mang tên An Quốc cũng được hình thành vào thời Trần, dưới chân núi Lam Thành, huyện Hưng Nguyên ngày nay.

Chúng ta có đầy đủ những minh chứng lịch sử như thế để củng cố cho sự hồi sinh và phát triển của Phật giáo xứ Nghệ. Hội thảo khoa học với chủ đề “Văn hóa Phật giáo xứ Nghệ: quá khứ, hiện tại và tương lai” do Viện Nghiên cứu Tôn giáo chủ trì trong Tuần Văn hóa này sẽ đem đến cho chúng ta những luận giải khoa học có giá trị về văn hóa Phật giáo tại vùng đất này.

Nghệ An có gần 500 ngôi chùa lớn nhỏ thống kê được, nhưng hầu hết chỉ còn lại nền móng. Tuy nhiên, đứng trước thực tế ấy, từ những thịnh suy, thăng trầm của vận nước, người Phật tử không bao giờ so đo hơn thiệt, mà luôn hướng lòng về các giá trị hài hòa, ích nước lợi dân. Phật giáo luôn làm tròn sứ mệnh của một tôn giáo hòa bình, nên đến với dân tộc nào, xứ sở nào, Phật giáo cũng làm phong phú thêm những giá trị văn hóa tinh thần cho dân tộc, xứ sở ấy, khiêm tốn khép mình đi vào đời sống văn hoá bản địa, chung sống hoà bình, vì an lạc của số đông.

Kính bạch Chư tôn đức,

Kính thưa quý vị đại biểu và toàn thể Phật tử,

Tuần lễ Văn hóa Phật giáo được tổ chức tại Nghệ An lần này sẽ có nhiều hoạt động văn hóa như thuyết trình, thuyết giảng, hội thảo khoa học, triển lãm ảnh nghệ thuật, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, lễ hội hoa đăng, ẩm thực chay… với sự góp mặt của đông đảo Tăng Ni, Phật tử, các học giả, trí thức, các nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ đến từ trong và ngoài nước.

Mỗi người chúng ta cùng chung tay, góp sức đem đến những giá trị thiết thực của văn hóa Phật giáo trong mối tương quan đồng hành cùng dân tộc. Một khi giá trị văn hóa trở thành giá trị chung của con người, thì chúng ta không nhầm lẫn về những giá trị giới hạn trong bốn bức tường tôn giáo. Lịch sử hào hùng của dân tộc ta từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, dù trải qua bao thăng trầm, biến thiên, nhưng vận nước an nguy luôn kết nối nhân tâm chúng ta vào biển trời, núi sông quê hương đất Việt. Tuần Văn hoá Phật giáo tại Nghệ An lần này mong ước được góp sức với hy vọng cùng làm sáng tỏ một phần rất nhỏ của truyền thống lịch sử ấy, để từ đó tất cả chúng ta ở đây, những người con của Nghệ An, của đại gia đình Việt Nam làm sống dậy những giá trị văn hoá tốt đẹp đã có, được xây dựng và củng cố hàng nghìn năm qua.

Với tinh thần và niềm tin ấy, thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin long trọng tuyên bố khai mạc Tuần lễ Văn hóa Phật giáo Nghệ An năm 2012.

Xin nguyện cầu Tam bảo gia hộ cho quý vị sức khỏe, an lạc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

(Diễn văn Khai mạc Tuần Văn hóa Phật giáo Nghệ An năm 2012 của HT. Thích Thanh  Nhiễu - Phó Chủ tịch TT HĐTS, Trưởng ban Trị sự THPG Nghệ An)


Theo:  HT. Thích Thanh Nhiễu

http://huongdanphattu.vn/news/Tin-tuc/Nghe-An-Tieng-goi-cua-lich-su-vong-ve-3781/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage