Thanh niên là tuổi đầy nguồn sống, tuổi cần
hoạt động, tuổi giàu hy sinh, nhiệt thành và hăng hái - Bao nhiêu công
việc nặng nhọc ở xã hội, những đoạn lịch sử vinh quang của Tổ quốc hay
thế giới nhơn loại là phần việc của thanh niên phải đưa tay hứng lấy.
Thanh niên cần phải nhận lấy chơn lý : Đời là vui, là đẹp, đầy hứa
hẹn ở tương lai. Ta phải ôm đời như bó hoa và mở rộng lòng để cho để
giúp ích. Tuổi thanh niên là tuổi cần ủ ấp ở lòng một lý tưởng vừa xa
xuôi cao thượng, không phải là tuổi buồn chán, hoặc chỉ biết tìm hạnh
phúc nơi sự an nhàn của đời riêng.
“Chúng ta sanh ra không phải là để phụng sự cho chúng ta, mà chính là để giúp ích cho mọi người”, theo lời của Icher Saitho nói, rất là chí lý.
Thanh niên đã có cái trách nhiệm nặng nề thiêng liêng như vậy, nhưng
trước khi muốn thành một thanh niên đủ tư cách để đảm đương trách nhiệm
ấy, ta cần phải có những sự huấn luyện thế nào. Xét ra xưa nay, thanh
niên sở dĩ gánh được trách nhiệm trọng yếu, chiếm được địa vị cao quý ấy
là nhờ có tư cách hoàn toàn. Tư cách ấy không phải chỉ huấn luyện bằng
sự học hỏi mà đủ. Một cậu học sinh ngày hai buổi cắp sách đến trường,
thầy sẽ dạy cho những gì. Ngoài những bài vở theo khuôn khổ truyền thụ
kiến thức của nhà trường, còn có gì hơn nữa. Theo trình độ học lực, nhà
trường chỉ un đúc cho bài học này đến bài học khác, lý thuyết ông nọ
đến lý thuyết ông kia v.v. nhưng dù học đến tú tài hoặc tiến sĩ gì nữa,
sự tối đẹp của học vấn, sự cao quý của văn chương, có thể làm cho ta đủ
sức mà đối phó với cuộc đời được đâu. Vả, học là một việc, mà học cho
đủ tư cách để ứng dụng vào cuộc đời lại là một việc khác, nếu ta muốn
cho cái học của ta khỏi thành vô dụng.
Một chàng thanh niên rất giàu lý tưởng, coi đời là giấc mộng đẹp,
yêu, yêu tha thiết, lúc nào cũng muốn ngâm mình trong ấy để hoạt động;
sự thật đến khi sống tiếp xúc với đời, hoàn cảnh không chìu theo ý muốn,
rồi đâm ra tư tưởng chán đời, bảo đời là cay nghiệt... Mà đời có phải
là cay nghiệt đâu ! Đời là một trường học - thật là một trường học - có
đủ những bài kinh nghiệm rất xác đáng, những con toán rất khó khăn khó
giải, chỉ dành riêng cho những ai có đủ tư cách, đủ lòng hy sinh mới làm
được.
Cái học ở nhà trường về phương diện xử thế còn thiếu lắm.
Nên một thanh niên muốn ra gánh vác việc đời, làm tròn nhiệm vụ để
giúp ích, tự mình phải huấn luyện để có lòng hy sinh, vị tha, đức kiên
nhẫn, tánh hoạt động, trí sáng suốt tâm định tỉnh và lối xử thế đối với
mọi người.
Có đem lòng hy sinh vị tha, mới trừ được bản ngã nhỏ nhen ích kỷ, và
sự giúp ích mới được rộng khắp mọi người. Có đức kiên nhẫn mới có thể
an nhiên trước hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, dù gặp việc nặng nhọc đến
đâu cũng đủ can đảm để chịu khổ, không chút rụt rè từ chối, hoặc thối
chí nản lòng. Sự thành công của các bậc vĩ nhân chỉ là sự cố gắng. Có
tánh hoạt động, phá dẹp được tật lười biếng. Sự làm việc mới được lanh
lẹ, trôi chảy và gây nên sự nghiệp mới được vĩ đại. Có trí sáng suốt để
xét đoán, phê bình mọi sự, việc gì thoáng qua là xét hiểu liền ngay.
Không đến phải u ơ sai lầm. Có tâm định tĩnh, sự dò xét phán đoán càng
thêm minh mẫn và có thể đi sâu vào mọi việc, sự hành động tránh khỏi
thất bại, gây ra bởi tâm quá thô sơ táo bạo. Biết cư xử đối với mọi
người, là người lịch sự là một sự cần thiết trên đường giao tế ngày
nay. Người ta bảo nước Tàu sở dĩ còn kháng chiến với Nhật đến ngày nay,
một phần nhờ ngoại giao giỏi đối với Anh, Mỹ.
Một người học giỏi chỉ thiết lòng hy sinh vị tha, cái học ấy trở
thành lười biếng vô dụng. Một người hoạt động nhưng thiếu đức kiên
nhẫn, trí sáng suốt, tâm định tỉnh, việc làm quyết phải hư hỏng vì mau
thối chí, hoặc chỗ xét đoán sai lầm hay vì tánh tình quá táo bạo. Một
người đủ sức kiên nhẫn, chịu đựng bao nỗi khó khăn, nhưng thiếu tánh
hoạt động và phần lịch thiệp đối với công việc cũng khó mở mang rộng
lớn.
Đủ có lòng hy sinh vị tha, kiên nhẫn trí sáng suốt, tâm định tỉnh
v.v. chỉ có đức Thích Ca Giáo chủ Phật giáo là người đáng cho ta thờ làm
mô phạm hoàn toàn; chỉ có Phật giáo mới cung cấp cho ta đầy đủ sự nhu
cầu ấy.
Mục đích duy nhất của Phật giáo là lợi tha; từ việc to lớn đến việc
nhỏ mọn, ở thân tâm khi nào cũng đem lòng giúp ích vì lợi người, lợi
chúng sinh mà làm, không cuộc vào một phạm vi nhỏ hẹp ở những bà con
thân thích. Với ai mình cũng có thể thi ân giúp ích được cả. Có hoàn
toàn hạnh lợi tha mới thành Bồ-tát. Trong khi lợi tha dù gặp việc gì
trắc trở khó khăn, cũng có thể kiên tâm mà nhẫn chịu ở mình tạo nên một
nghị lực cương quyết, chỉ nhằm theo mục đích chơn chánh đã nêu rõ mà
bước tới. Ngài Thườg Bất Khinh Bồ-tát dạy người nhận hiểu Phật tánh ở
mình, mình có thể thành Phật; đến đâu đều bị người ta đánh đập, nhưng
một lòng nhẫn chịu, tinh tấn không thôi. Ngài Huyền Trang Pháp sư du
học ở Ấn Độ, qua những bãi sa mạc mênh mông vô hạn, chịu đựng biết bao
sự gian truân nguy hiểm, nhưng vẫn hăng hái tới cùng. Đức Thích Ca ở
núi Tuyết Sơn, sáu năm khổ hạnh, da bọc lấy xương, quyết chứng đạo
Bồ-đề, ngày nay trên thế giới được biết một bậc vĩ nhân, được thưởng
thức một nền giáo lý rất cao thượng, không phải do lòng hy sinh vị tha,
đức kiên nhẫn của ngài mà được thành tựu sự nghiệp vô cùng vĩ đại ấy
sao. Ông Bồ-tát khi đã nhận lấy sự giúp ích xã hội, lợi ích chúng sinh
làm nhiệm vụ của mình, thì ở trí tưởng khi nào cũng dự bị những công
việc để tích cực hoạt động. Làm việc này, sắp việc nọ, tùy thời tùy cơ
mà dạy dỗ, mà thi thố những việc lợi ích, và luôn luôn lấy sự giúp ích
đó làm tăng trưởng phước đức trí huệ nơi mình, nên chỉ làm chứ không cầu
sự đáp lại. Trong khi ông Bồ-tát tu hạnh lợi tha đồng thời phải tu tập
trí huệ; học đạo lý xuất thế, học các môn học ở thế gian, học ở người,
học ở mình, học ở nơi mỗi tâm niệm của chúng sinh, cho đến không một
pháp môn nào là không học. Học để phá mê, để cho đủ trí huệ sáng suốt,
đặng nhận xét sự lý khỏi phải sai lầm, đến khi hoàn thành bậc đại giác
đại ngộ. Vừa đủ trí huệ, vừa huấn luyện tâm được định tĩnh, thì không
việc gì mà không xong. Đức Thích Ca dưới cây Bồ-đề, chỉ có một lòng
định tỉnh mà phát minh được chơn lý sáng suốt, chứng được đạo mầu vô
thượng - Về phép định tâm, đạo Phật dạy tu theo pháp Thiền định, để lòng
thanh thản yên tịnh, quán rõ sự lý trong vũ trụ; khi phần nội tỉnh đã
thâm nhập thì liền hiểu tận nguồn gốc của các pháp, không còn mê muội
nữa. Khi ta đã theo Phật giáo, đào tạo ở ta một tinh thần sáng suốt,
một lý tưởng cao thượng, một nghị lực cương quyết, ta hăng hái ra giúp
đời, gây nên nền hạnh phúc chung cho nhân loại. Phật giáo dạy các ông
Bồ-tát về lối xử thế bằng cách tin thành, cung kính; một chúng sinh nhỏ
mọn còn không khinh huống nữa là người. Nên với mọi người khi nào cũng
đem tâm từ bi, đức khiêm nhượng mà đối đãi. Nhờ lòng không chán, tu
luyệt trí huệ, học tập các pháp môn, làm cho phương tiện giao tế đối với
đời càng được kết quả tốt đẹp mỹ mãn. Có gì quý hơn, hạnh phúc hơn là
khi mọi người đều được hòa hảo.
* * * * *
Thưa các bạn, tuổi thanh niên ta không còn là cái tuổi ngây ngô như
đứa trẻ thơ nữa, là cái tuổi sắp sống tiếp xúc với đời, cái tuổi sống
cần phải có một lý tưởng, một mục đích, một xu hướng và một phương châm
để tổ chức cuộc đời sống của mình, của người thân yêu mình: gia đình,
của bao nhiêu người đương chờ đợi sự giúp ích ở mình: xã hội, nhơn
loại. Hạnh phúc của đời riêng mình là hạnh phúc giả dối, hẹp hòi và ích
kỷ, đầy oán hận; tìm hạnh phúc chung cho mọi người, mới là hạnh phúc
rộng lớn, chơn chánh thiện mỹ.
Thanh niên đã nhận rõ một lý tưởng chơn chánh, thì cần phải hăng hái,
mạnh dạn theo con đường thẳng mà bước tới, kỳ đạt được mục đích.
Một người leo núi muốn lên được trên chóp cao, trước phải dự bị lương thực, điều kiện.
Một thanh niên đã hiểu lẽ sống, muốn ra giúp đời, cần phải đào luyện ở mình một tư cách hoàn toàn.
Sau khi các bạn đã nhận rõ; chỉ có Phật giáo mới đủ làm nền tảng cho
ta đào luyện nhơn cách, sự giúp ích, tìm hạnh phúc cho nhơn loại mới
được triệt để cứu cánh, thì các bạn nên đem hết cả thân tâm mà chịu sự
huấn luyện. Lý tưởng thanh niên là lý tưởng của Bồ-tát. Hoàn toàn sự
lợi tha giúp ích của các bạn là hành Bồ-tát đạo.
Hiện trạng nhơn sanh cần phải có Phật giáo, tiên đề thanh niên cần
phải thực hành Phật pháp, thế giới chiến tranh cần phải cải hoán bằng
phương pháp Phật giáo.
Đời ta sẽ quang đãng bao nhiêu, khi những tiếng rền rỉ khóc than của nhơn loại dần im.
Đời ta sẽ quang đãng bao nhiêu, khi ta đã hoàn toàn thực hành công hạnh tự giác, giác tha của Phật giáo.
Đời ta sẽ quang đãng bao nhiêu, khi thế giới đau khổ này đã trở nên thế giới cực lạc.
Đó là nhiệm vụ hiện tại quá khẩn cấp của tất cả thanh niên, tất cả người đáng sống.
Thiền Sư Thích Mật Thể (1912-1961)