Những tai nạn hi hữu
Nhiều trẻ
thường có thói quen đùa nghịch trong lúc ăn hoặc ngay cả trong khi học
bài. Chỉ một chút bất cẩn cũng có thể mang đến những hậu quả khôn lường.
Cách đây vài tháng tại Lào Cai, một cháu nhỏ 8 tuổi trong khi học bài
đã ngậm đầu bút bi vào miệng chẳng may đầu bút đã bị tụt vào họng.
Gia
đình đã đưa cháu bé đi kiểm tra song không phát hiện ra dị vật này. Tuy
nhiên, 3 ngày sau bố mẹ thấy con ho thành cơn, khó thở nhẹ nên đã đưa
con đến Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ đã phát hiện và lấy ra một đầu bút bi dài 1,4 cm ở phế quản.
Một vài ngày sau tình trạng sức khỏe của cháu bé trở lại bình thường, các bác sĩ đã chỉ định cho cháu xuất viện.
Thực
tế cũng đã có những trường hợp trẻ nhỏ bị sặc khi ăn do vụn xương còn
sót lại trong cháo. Do không được sơ cứu đúng cách, kịp thời nên mặc dù
trẻ được đến bệnh viện và lấy vụn xương đó ra, nhưng em nhỏ đó vẫn bị
thiếu oxy lên não. Điều này đã để lại di chứng nặng nề về sau. Bởi khi
não bị ảnh hưởng ở mức độ nặng sẽ khiến cơ thể chỉ tồn tại ở dạng thức
thực vật.
Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận trường
hợp một cháu bé 2 tuổi quê Nam Định nguy kịch vì hóc hạt nhãn. Bác sĩ
Phạm Ngọc Toàn - Khoa Cấp cứu - Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương cho
biết: Theo người nhà bệnh nhân kể lại, sau khi đi học về, cháu bé được
một người chú cho ăn nhãn (để nguyên hạt).
Trong khi ăn cháu bé
bật cười nên ho sặc sụa, vì thế hạt nhãn đã rơi vào đường thở khiến trẻ
tím tái. Gia đình đã lập tức đưa cháu bé tới bệnh viện tỉnh nhập viện.
Khi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu bé đã bị ngưng tim, phù
phổi cấp.
Cách xử trí khi bị hóc dị vật
Tại
Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu bé đã nhanh chóng được các bác sĩ tiến
hành thăm khám và phát hiện ra hạt nhãn nằm ngay nắp thanh môn. Theo bác
sĩ Phạm Ngọc Toàn: "Do xử lý ban đầu không đúng nên cháu bé đã bị hôn
mê khi nhập viện. Mặc dù các bác sĩ bệnh viện đã tích cực cấp cứu nhưng
não đã tổn thương không hồi phục do thiếu oxy.
Hiện, cháu bé đang
trong tình trạng sống thực vật". Bác sĩ cũng cho biết thêm, bệnh viện
trước đó cũng đã từng tiếp nhận một trường hợp giống như vậy. Đó là một
cháu bé khác bị hóc hạt chôm chôm. Song do sơ cấp cứu không kịp thời nên
khi đến bệnh viện cháu đã bị ngưng tim.
Trao đổi về việc làm thế
nào để xử trí với tình huống như thế này, bác sĩ Phạm Ngọc Toàn - Khoa
Cấp cứu - Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Đối với những
trường hợp trẻ bị hóc dị vật nếu cách xử trí ban đầu đúng thì có thể cứu sống được bệnh nhân.
Tuy
nhiên, nếu việc xử trí này không thực hiện đúng và kịp thời trong vài
phút đầu, trẻ sẽ bị thiếu oxy lên não khi chuyển đến cấp cứu tại bệnh
viện. Đối với những trường hợp như vậy thì dù có cứu được mạng sống cũng
để lại di chứng suốt đời".
Khi cấp cứu trẻ bị hóc dị vật, chúng
ta phải chú ý: Đối với trường hợp bệnh nhân tỉnh, nhưng ho không hiệu
quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực. Trường hợp trẻ còn bé thì cần đặt trẻ lên
cánh tay, cho đầu trẻ cúi xuống sau đó vỗ lưng 5 lần.
Tiếp theo
cần kiểm tra xem dị vật đã ra chưa, nếu chưa thì lật ngược bệnh nhân lại
rồi ấn tại vị trí ép ngực. Đối với trẻ lớn, có thể đặt lên ghế với cách
làm tương tự. Khi cần thiết bác sĩ cũng cần phải mở đường thở để kiểm
tra xem trẻ có thở không. Nếu không thì cần ép tim để cấp cứu.