Chùa Bửu Minh

Cánh hoa hồng trắng


NGUYỄN TRÍ CẢM

Sau những ngày bầu trời vần vũ những đám mây chì xám xịt mà những cơn mưa vẫn không đến, thế rồi bỗng nhiên đêm hôm ấy trời bất chợt đổ mưa. Cơn mưa tầm tã vừa tạnh thì mẹ tôi cũng vừa trút hơi thở cuối cùng. Vu-lan năm nay tôi sẽ cài bông hồng trắng.

canh-hoa-hong-trang


Mấy hôm nay, tôi nhận được nhiều điện thư của thân bằng quyến hữu gửi lời chia buồn khi biết tin mẹ tôi đã qua đời. Nhưng với tôi, mẹ vẫn còn đó; mẹ đang trong tôi trong từng hơi thở, mẹ vẫn sống mãi trong tâm thức của các con của mẹ.

Khi một người qua đời, trước mắt ta, là khi trái tim họ đã ngừng đập, hơi thở đã tàn; họ sẽ mãi mãi không còn trên đời để chia sẻ những buồn vui, ấm lạnh; họ đã trở về với cát bụi hư vô, vào nước thiên đàng hay hỏa ngục dựa trên niềm tin tôn giáo. Chính cái nhìn này đã làm ta khổ đau, có vào thiên đàng thì vẫn có cái khổ đau của sinh ly, tử biệt mãi mãi của đời người.

Theo tư tưởng Phật giáo, cái chết chỉ là một sự chuyển tiếp, một hiện tượng hay biến cố trên dòng tiếp nối liên tục của sự sống. Vì vậy, tử sinh là quy luật của đất trời, nó là sự chuyển hóa, sự tương tục giữa cái không và có. Một đóa hoa tàn rụng xuống cội là nguồn dinh dưỡng để nuôi dưỡng những chồi xanh, hoa trái về sau. Những giọt mưa từ trời rơi xuống rồi một ngày nào đó, chúng sẽ lang thang cùng những đám mây trên trời, hay thành những hạt sương trên núi cao, hòa mình thành con sóng của biển khơi. Khi chúng ta nghĩ về luân hồi thì cái chết cũng vậy, nó chỉ là một dấu lặng của một bản trường ca bất tận. Và nó chỉ hoàn toàn chấm dứt như khi củi hết, lửa tàn của các vị đại ngộ.

Sáng nay trong vườn tôi, những đóa hoa chiều tím dung dị vươn mình đón ánh bình minh. Hoa tên là chiều tím nhưng chỉ nở vào buổi sáng và rồi úa tàn khi chiều về như những đóa phù dung. Vậy đó, màu hoa, tên hoa như hình tướng bên ngoài, dễ làm cho ta nghĩ đến một loài hoa chỉ nở khi chiều về, cho ta liên tưởng đến một trời chiều tím biếc màu hoa. Một trái tim ngưng đập làm cho ta nghĩ đến sự chia ly vĩnh hằng.

Những năm tháng gần đây, trên sóng truyền hình quốc gia có một chương trình mang đậm tính nhân văn. Đó là “Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly”. Chương trình nhằm tìm kiếm những người thân đã thất lạc nhau trong vô tình, trong thời ly loạn. Có những cuộc đoàn tụ đầy nước mắt sau bao tháng ngày xa cách tưởng như mất nhau vĩnh viễn, nhưng cũng có những sự đoàn tụ mà người thân chẳng còn có mặt trên đời. Dù rằng sinh ly tử biệt nhưng đó vẫn không phải là sự chia ly vĩnh hằng, mà là như chưa hề có cuộc chia ly.

Xưa khi, thấy mẹ thường niệm A-di-đà, tay lần chuỗi hạt, tôi nghĩ thầm, người già nào mộ đạo chẳng thế; “trẻ vui nhà, già vui chùa”, nay mẹ đã gần trăm tuổi, chân yếu mắt mờ, không lên chùa được, nên vui bằng câu niệm Phật đó thôi. Thế nhưng, khi mẹ niệm Phật ngay cả trong giờ phút lâm chung, nhẹ nhàng và thảnh thơi ra đi bên đám con cháu quây quần, tôi mới hiểu sự nhiệm mầu của câu niệm A-di-đà…

Ngày mẹ mất, tôi cố không khóc vì sợ làm quyến luyến hương linh người đi, tôi giấu giọt nước mắt trong lòng và vì tôi hiểu thành-trụ-hoại-diệt là qui luật của đất trời, tôi nghĩ đến bài kệ thị tịch của Thiền sư Vạn Hạnh về tính chất vô thường của vạn vật:

 Thân như bóng chớp, có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Kia kìa ngọn cỏ giọt sương đông.

Một hôm, trong buổi kinh chiều, tôi bỗng hồi tưởng mẹ đã gieo duyên cho anh em tôi trong những ngày theo mẹ lên chùa thời thơ ấu. Thuở ấy, chúng tôi theo mẹ lên chùa không phải để nghe kinh, mà để được Sư thầy cho cái oản hay nắm xôi, thậm chí là được xoa đầu hay theo mấy bạn cùng trang lứa đi hái mận hái ổi trong vườn chùa. Nhưng những câu kinh thoáng ẩn thoáng hiện như những chủng tử đã nằm sâu trong tâm thức tự bao giờ.

Tôi bắt đầu nhìn sâu vào các hiện tượng trong đời sống để thấy mọi sự khởi nguồn từ trùng trùng điệp điệp nhân duyên mà mình không thấy được. Những thăng trầm, mất còn, những buồn vui, những tiếc nuối trong cuộc đời bỗng dưng nhẹ tênh, cái vấp ngã trên đường đời không làm tôi tuyệt vọng như thời chưa hiểu hai chữ sắc-không.

Vu-lan năm nay tôi sẽ cài một bông hồng trắng lên áo. Màu trắng của hoa để nhắc nhở tôi về tính vô thường của cuộc đời, của vạn pháp giai không; và hoa hồng dù trắng hay hồng cũng là biểu tượng của lòng tri ân công ơn dưỡng dục của mẹ cha.

Vu-lan cũng là thời khắc để chúng ta kính tưởng bốn ân lớn:

Ân Cha Mẹ.
Ân Tam bảo Sư trưởng.
Ân Đất nước Xã hội.
Ân Chúng sanh Vạn loại.

sao ân cha mẹ lại đứng đầu trong các ân? Vì tâm hiếu là tâm Phật, là nhận thức được sự hy sinh không bờ bến của mẹ “chỗ ướt mẹ nằm – chỗ ráo con lăn”. Trong kinh Tăng Chi I, 75, Đức Phật có dạy:

“Này các Tỳ-kheo. Có hai hạng người trả ơn không thể nào được. Thế nào gọi là hai? Đó là Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng Mẹ, một bên vai cõng Cha, làm như thế suốt trăm năm cho đến một trăm tuổi, người con cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho Cha Mẹ..

Mùa Vu-lan năm nay, tôi nhất định lên chùa thật sớm, cầu nguyện cho mẹ và tự nhắc mình nhớ làm tăng trưởng những điều thiện lành, và để được cài một bông hồng trắng lên áo… ■

Văn Hóa Phật Giáo số 280 Vu Lan

http://tapchivanhoaphatgiao.com/ky-niem/canh-hoa-hong-trang.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage