Bởi việc vãng sinh lệ thuộc vào nhiều yếu tố mà hộ niệm dù
tốt bao nhiêu cũng chỉ là một trợ duyên, chưa phải là chánh nhân để
việc vãng sinh xảy ra. Trong khi quả muốn thành tựu thì nhân và duyên
phải đầy đủ, quả mới tựu thành.
Vọng tưởng là thứ quyết định có thân căn và cảnh
giới của một chúng hữu tình
Vọng tưởng, là muốn
nói đến phần hiện hành của các chủng tử trong tạng thức. Luận Đại thừa khởi tín gọi nó là
“Thức tương tục”. Nó biểu hiện cho cái gọi là “Phần đoạn sinh tử”
của chúng sinh, là nhân đưa đến sáu đường Người, Trời, Atula, Ngạ quỷ
v.v…
Luận Đại thừa khởi tín nói: “Tất cả các pháp chỉ nương nơi vọng niệm mà
có sai biệt. Nếu lìa tâm niệm thì không có tất cả tướng cảnh giới”. Ngài Hiền
Thủ, Tổ thứ ba tông Hoa Nghiêm giải thích: “Tướng sai biệt có, là do biến
kế vọng tình của ông tạo ra, xưa nay không thật. Như y nơi mắt bệnh mà vọng thấy
hoa đốm trong hư không, nên nói đều “nương nơi vọng niệm mà có sai biệt”.
Lại có người hỏi: “Vì
sao lại biết nương nơi vọng niệm mà sinh?”.
Tổ giải thích: “Vì khi các thánh nhân lìa vọng niệm thì
không có cảnh giới này. Đã không có cảnh giới này thì biết cảnh giới này từ vọng
sinh”.
Đó là chỗ thực chứng
của người xưa, giúp ta biết thân căn và cảnh giới mà một chúng hữu
tình đang thọ nhận là do chính tâm tưởng của chúng hữu tình ấy hiện
ra. Như ngủ rồi mộng, như mắt bệnh mà thấy có hoa đốm trong hư không.
Tức, không tâm niệm thì không có thân căn và cảnh giới. Có tâm niệm
thì có thân căn và cảnh giới. Tùy tâm niệm của chúng sinh mà có
cảnh giới sáu đường. Lực của tâm bất thiện mạnh thì hiện thân căn
và cảnh giới khổ. Lực của tâm thiện mạnh thì hiện thân căn và cảnh
giới vui. Như thân bệnh tâm lo thì mộng thấy cảnh mệt nhọc lao khổ.
Thân khỏe mạnh tâm thư thái thì mộng thấy cảnh an vui v.v…
Tùy tâm niệm mà chúng
sinh có thân căn và hoàn cảnh hoặc khổ hoặc vui, nên Phật Tổ nói về
ba nghiệp và dạy người giữ giới, tu thiện để chúng ta có được thân
căn an hòa và cảnh giới an vui. Dù an vui, nhưng một khi còn tâm niệm
thì vẫn còn sinh tử.
Nói niệm Phật nhất tâm
bất loạn được vãng sinh về thế giới A Di Đà, mà không nói dứt sinh
tử như chư vị La-hán, là y cứ vào việc còn niệm hay không còn niệm
này. La-hán đã dứt được mọi sinh diệt hiện hành. Sinh diệt hiện
hành mất thì thân căn cảnh giới mất, không còn sinh không còn tử, nên
nói dứt sinh tử. Niệm Phật, dù nhất tâm bất loạn vẫn còn một niệm
danh hiệu Phật hoặc hình tướng Phật v.v... nên nói vãng sinh. Nói
vãng sinh hay dứt sinh tử, là y cứ vào việc niệm còn hay mất mà
nói.
Thiền tông, đích đến là
ngộ nhập trở lại Phật tri kiến, là trở về sống với tâm chân thật
của mình. Với pháp niệm Phật thì đây là ngộ nhập cảnh giới Tự
tánh A Di Đà. Muốn vậy, tâm phải lìa nhị biên phân biệt. Tức tâm không
ở trạng thái sinh diệt của phàm phu, cũng không trụ không như tâm Nhị
thừa. Nhận được tâm chân thật thì mọi cảnh giới không phải không mà
như mộng huyễn. Đây là chỗ tâm chứng của hàng Bồ-tát Bát địa1.
Sao gọi là mộng huyễn? Trong kinh Lăng-già,
Phật nói: “Các pháp chóng diệt như điện nên nói như huyễn”. Kinh Hoa nghiêm nói: “Như có người trong
mơ, thấy mình té trong sông lớn. Vì muốn thoát nạn nên phát đại dũng
mãnh, hành đại phương tiện. Do đại phương tiện và dũng mãnh nên được
thức tỉnh. Khi đã thức tỉnh, những việc trong mơ liền dứt cả”.
Cảnh giới A Di Đà là chân hay vọng
Bát-nhã tâm kinh nói: “Tướng không của các
pháp không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không mắt, tai, mũi…”. Thứ
gì là chân thì không tướng, cũng không có chỗ nơi. Nếu có tướng thì “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”2.
Với người đã sống được
với Tự tánh Di Đà thì không nói chân cũng không nói vọng. Nói chân
nói vọng là do đối với tâm chúng sinh mà nói.
Đứng ở góc độ tâm
chúng sinh mà nói thì…
- Những ai đã sống được
với Tự tánh Di Đà của mình thì thế giới Di Đà thật báo. Nói thật
vì đã nhận ra thực chất của thế giới ấy. Đó là phương tiện độ sinh
của Phật A Di Đà dùng tiếp độ kẻ hậu sinh.
- Những ai vãng sinh về
thế giới Di Đà mà chưa sống được với Tự tánh Di Đà thì thế giới Di
Đà cũng là thật có với họ, như mình thấy cảnh giới như huyễn hiện
nay là thật. Nhưng thật ra nó chỉ là hóa thành như hóa thành của
hàng La-hán, chưa thể gọi đó là chân. Chính vì cái thấy thật đó mà
kinh Pháp hội Vô lượng thọ Như Lai
nói:
“Đầy đủ các diệu nguyện
Thành tựu cõi như thế
Biết pháp như điện ảnh
Trọn vẹn đạo Bồ-tát
Đủ các cội công đức
Thọ ký sẽ thành Phật
Thông đạt tánh các pháp
Tất cả không vô ngã”.
Phải đầy đủ diệu
nguyện mới có thể thành tựu được thế giới Di Đà, nhưng chỉ khi thể
nhập được Tự tánh Di Đà, tức biết tất cả pháp chỉ như bóng ảnh
điện chớp, tánh của chúng là không, là vô ngã, thì biết vãng sinh
thế giới Di Đà chỉ mới là phương tiện của chư Phật dùng tiếp độ kẻ
hậu sinh. Biết vậy rồi mới trọn vẹn đạo Bồ-tát, không phải chỉ
vãng sinh về đó mà đủ.
Phân tích thành nhiều
cái nhìn như thế là vì pháp thế gian là pháp Duyên khởi, mọi thứ
đều lệ thuộc vào duyên. Duyên thay đổi thì pháp thay đổi. Duyên ở đây
chính là tâm thức của chúng hữu tình. Mọi cảnh giới không ra ngoài
tâm thức ấy. Tùy nghiệp thức của từng loài, từng người mà cảnh
giới dù là một, có khi thành khác nhau.
Nói theo Trung luận thì cảnh giới Di Đà
“không có cũng không không” tùy duyên mà thành có, thành không.
“Không có không không” là
nói về thực chất của cảnh giới ấy. Chỉ cho Tự tánh Di Đà sẵn đủ
trong mỗi chúng sinh, là tâm chân như trong luận Đại thừa khởi tín, là Phật tánh trong kinh Đại bát-Niết-bàn. Bát-nhã gọi nó
là tướng không, chính là tánh không. Tánh không của tất cả pháp thì
không rơi vào nhị biên phân biệt, không thể nói có hay không. Song không
phải không ngơ, nên tùy duyên mà hiện tướng. Ứng với hành giả niệm
Phật mà tín-nguyện-hạnh đầy đủ thì cảnh Di Đà là có. Nếu không
niệm Phật cầu vãng sinh hay niệm Phật cầu vãng sinh mà
tín-hạnh-nguyện thiếu thì cảnh giới Di Đà là không. Song cảnh giới
Di Đà dù có hay không thì Tự tánh Di Đà ai cũng sẵn đủ, chỉ do vô
minh che đậy mà dạt theo sinh tử khổ đau.
Luận về cảnh giới của
chúng sinh, Tổ Hiền Thủ nói: “Nếu cảnh
này chẳng phải do vọng làm ra thì quyết định là thật có. Là thật có, mà thánh
nhân không thấy thì nên là mê đảo, phàm phu đã thấy thì nên là giác ngộ, như chẳng
thấy hoa đốm trong hư không thì nên là mắt bệnh. Nhưng không phải vậy…”3.
Đó là phần lý luận mà Tổ đã dùng để biện về cảnh giới không thật
của chúng sinh. Nếu là thật thì phàm phu và thánh nhân phải luôn
đồng sở hữu. Nhưng phàm phu và thánh nhân chỉ đồng sở hữu về tánh
không, không đồng sở hữu về cảnh giới do tâm niệm mình biến ra. Cảnh
giới Ngạ quỷ thì chỉ những ai có tâm niệm Ngạ quỷ mới sở hữu. Cảnh
giới Cực lạc thì chỉ ai cầu vãng sinh và tâm được bất loạn mới sở
hữu. Có niệm Phật mà tín-nguyện-hạnh không đủ thì cảnh giới Di Đà
cũng không hiện, nói là không tín-nguyện-hạnh. Vì thế mà biết, Tự
tánh Di Đà thì chân mà cảnh giới Di Đà thì như bóng ảnh, do
tín-nguyện-hạnh mà có, không tín-nguyện-hạnh thì không.
Muốn vãng sinh, tín-nguyện-hạnh phải đủ
Trong kinh Đại Bửu Tích II, phẩm Bất Động Như
Lai, Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi Phật: “Tạo nhân duyên gì để được vãng
sinh nước Diệu Hỷ của Đức Bất Động Như Lai?”. Phật trả lời: “Nếu
muốn sinh về nước Diệu Hỷ thì phải học theo Đức Bất Động Như Lai
hành Bồ-tát đạo, phát thệ nguyện rộng lớn, cầu nguyện sinh về nước
ấy”. Không phải chỉ với nước Diệu Hỷ mà với mọi thế giới của chư
Phật, đều phải theo lệ ấy mới vãng sinh về nước đó được.
Cảnh giới Di Đà, thực
chất chỉ là bóng ảnh đối với người chưa sống được với Tự tánh Di
Đà4, nhưng muốn thành tựu được cảnh giới ấy, Đức Di Đà đã
phải “Đủ đầy các diệu nguyện”, còn chúng sinh thì tín-nguyện-hạnh
phải đủ mới về được. Vì cảnh giới bên ngoài là quả của những tâm
niệm bên trong. Cảnh luôn tương ưng với tâm. Niệm tham sân có lực thì
hiện các đường dữ. Niệm lương thiện có lực thì hiện các đường
lành. Muốn sinh cõi Phật thì tâm phải tương ưng với cõi Phật. Như
muốn thể nhập Tự tánh Di Đà thì tâm phải lìa nhị biên phân biệt
(trung đạo), vì cảnh giới ấy không thuộc nhị biên phân biệt. Muốn
vãng sinh thế giới của Phật Di Đà thì tâm phải tương ưng với những
gì mà Phật Di Đà đã nói, thông qua 48 lời nguyện.
- Lời nguyện 19: Khi tôi thành Phật, chúng sinh ở mười
phương phát tâm Bồ-đề, tu các công đức, chí tâm phát nguyện muốn sinh
về nước tôi, lúc họ mạng chung, tôi và đại chúng vây quanh hiện ra
trước mắt. Nếu không như vậy thì tôi không lấy ngôi Chánh giác 5.
Phát tâm Bồ-đề, là trên
cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh. Cầu Phật đạo chính là cầu
Niết-bàn Phật. Quả muốn là Niết-bàn Phật thì nhân phải thấu đạt
được Phật tánh (Tự tánh Di Đà). Kinh Đại
bát-Niết-bàn nói: “Phật tánh là nhân. Niết-bàn là quả”. Cho nên,
tu các công đức nói đây chính là tu ba vô lậu học Giới-Định-Tuệ và
làm các việc lợi ích cho tha nhân. Đó là phương tiện giúp hành giả
trở về với Tự tánh Di Đà của mình.
Trong ba môn niệm Phật
mà Tổ Ấn Quang nói trong Tư quy tập,
đây thuộc về “Chuyên niệm Phật tự lực” và “Pháp tự tha đều niệm”6.
Hạng này, tín và nguyện đã đủ từ vô lượng kiếp về trước. Hạnh
hiện tại là tu các công đức rồi dùng công đức có được đó nguyện
sinh về nước Ngài. Trong hai loại vãng sinh (thai sinh và hóa sinh),
hạng này thuộc hóa sinh7.
Phát tâm Bồ-đề là tín
chân thật.
Tu các công đức (tự lợi
và lợi tha song hành), là hạnh đầy đủ.
Chí tâm phát nguyện
muốn sinh về nước tôi, là nguyện tha thiết.
Tín-nguyện-hạnh đầy đủ
nên quyết định sẽ sinh về thế giới A Di Đà.
Điềm báo được sinh về
thế giới ấy là “Tôi và đại chúng vây quanh sẽ hiện ra trước mắt”.
Việc này chỉ có người được vãng sinh mới thấy được. Tức nó là
cảnh giới của riêng người được vãng sinh, và chỉ những ai đồng nghiệp
như người ấy mới thấy được, không phải là cảnh giới mà tất cả
người sống đây đều thấy. Nếu không hiểu được mặt duyên khởi này của
pháp, sẽ cho rằng kinh nói không chính xác, cũng không có ai vãng
sinh. Vì chưa từng thấy việc đó xảy ra. Làm thế nào thấy được, khi
mọi cái thấy đều là sở kiến của một cái năng kiến (là nghiệp thức
chúng sinh) mà phần năng kiến của mỗi người không đồng8?
Dù cảnh do nhân duyên
biến9 là đồng thì qua sở tri của từng người, cảnh thuộc
phân biệt biến cũng chưa chắc đồng, huống là phần nhân duyên biến đã
không đồng. Cho nên, việc hiện thân tiếp dẫn kẻ vãng sinh không phải
không có, chỉ là đã đủ nhân duyên để thấy chưa? Chỉ những ai có tâm
thức tương ưng với cảnh giới ấy mới thấy được. Như người thường thấy
nước là nước, nhưng ngạ quỷ thấy đó là lửa hoặc máu. Không phải ngạ
quỷ thì không thể thấy lửa hoặc máu. Người không có nghiệp vãng sinh
thì không thể thấy được Phật A Di Đà và đại chúng vây quanh. Nếu không
thấy mà cho là không có thì cũng như người mù không thấy mặt trời
mà cho là không có mặt trời.
Lời nguyện 2010:
Khi tôi thành Phật, chúng sinh ở
mười phương nghe danh hiệu tôi, chuyên nhớ nước tôi, trồng các cội công
đức, chí tâm hồi hướng muốn sinh về nước tôi, nếu không được toại
nguyện thì tôi chẳng lấy ngôi Chánh giác.
Nghe danh hiệu tôi, chuyên
nhớ nước tôi, là tín sâu xa.
Chuyên nhớ nước tôi và
trồng các cội công đức, là hạnh sâu xa.
Chí tâm hồi hướng muốn
sinh về nước tôi, là nguyện tha thiết.
Hạng tín-hạnh-nguyện
này, so với trên không bằng, nhưng cũng đầy đủ tín-hạnh-nguyện, đương
nhiên cũng vãng sinh. Tùy niềm tin đối với Phật trí mà hoặc là vãng
sinh theo thai sinh hoặc là vãng sinh theo hóa sinh.
Lời nguyện 1811:
Khi tôi thành Phật, chúng sinh ở
mười phương hết lòng tin thích muốn sinh về nước tôi, nhẫn đến mười
niệm, nếu không được sinh thì tôi chẳng lấy ngôi Chánh giác.
Hết lòng tin thích, là
tín vững mạnh.
Tin thích muốn sinh về
nước tôi, là nguyện thiết tha.
Mười niệm, là nói đến
hạnh niệm Phật. Chỉ cần mười niệm không gián đoạn thì liền sinh cõi
Cực lạc. Đây có hai trường hợp:
1/ Nhân duyên đầy đủ
(trực tiếp): Muốn nói đến mười niệm vào lúc cận tử nghiệp. Bởi cận
tử nghiệp quyết định cảnh giới đầu thai đối với một người sắp lâm
chung.
2/ Nhân có mà duyên chưa
đủ (gián tiếp): Muốn nói ai từng niệm được mười niệm trong đời với
chí nguyện về thế giới A Di Đà, cũng sẽ được vãng sinh khi đủ duyên.
Quan trọng nằm ở hai chữ “đủ duyên”. Phần này sẽ được giải thích
trong “Biệt thời ý thú và lời nguyện thứ 18 của Phật A Di Đà” nói
sau.
Bình thường niệm Phật,
nếu lực niệm không mạnh thì dễ ngủ quên. Ngủ rồi, giật mình tỉnh
giấc mới thấy mình vẫn niệm mà không phải niệm danh hiệu Phật. Cho
nên, vào đêm ba mươi của đời người, là lúc tứ đại phân ly, tâm mịt mờ
khó biết, dù chỉ ba niệm cũng khó mà tỉnh giác để niệm, nói chi
là mười niệm. Vì thế, bình thường cần phải niệm Phật sao cho lực của niệm Phật phải là lực chủ
đạo trong tất cả các loại nghiệp lực mình đang có. Chỉ khi ngủ
quên mà tâm vẫn niệm được danh hiệu Phật không dứt thì mới mong cận
tử nghiệp, mười niệm được liên tục không gián đoạn.
HT.Thiền Tâm nói: “Có kẻ nghe nói chỉ cần tín nguyện
chân thiết, khi lâm chung mười niệm hay một niệm cũng quyết được sinh
Tây phương, liền nghĩ rằng cần chi phải vội gấp, để lúc sắp chết
niệm Phật cũng được. Ý niệm này thật sai lầm. Phải biết điểm quan
yếu của vãng sinh là “Thị nhân chung thời, tâm bất điên đảo tức đắc
vãng sinh A Di Đà Phật Cực lạc quốc độ”. Nếu khi lâm chung lòng không
điên đảo thì niệm mười niệm hay một niệm đều được vãng sinh. Nhưng ai
dám chắc rằng khi lâm chung lòng không điên đảo? Nếu lúc bình thường
không tính chuyện dụng công, đến khi mạng chung tứ đại phân ly, sức
nghiệp dồn dập, thân tâm bị sự khổ làm cho mê loạn, một niệm e còn không
thể thực hành, nói chi là mười niệm”. Cho nên kinh A Di Đà dạy rất
rõ: “Này Xá Lợi Phất! Nếu có thiện
nam, thiện nữ nào nghe được danh hiệu Phật A Di Đà, trì danh hiệu ấy
một ngày, hai ngày, ba ngày... cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn,
thì khi thọ mệnh hết, người ấy sẽ được Phật A Di Đà cùng các thánh
chúng hóa hiện ngay trước, khiến sau khi mất liền sinh sang nước Cực
lạc của Phật A Di Đà”. Muốn mệnh chung mà có thể niệm mười niệm
không gián đoạn thì bình sinh khi còn khỏe mạnh, phải trì danh hiệu
Phật được ít nhất một ngày nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn,
là ngoài lục tự A Di Đà, không có niệm nào khác. Nếu trì được vậy
thì khi lâm chung sẽ niệm được mười niệm không gián đoạn, nhất định
vãng sinh.
Xét trên thì thấy:
- Nếu không có hạnh thì
không có cảnh giới tương ưng là thế giới Cực lạc. Vì thế hạnh là
pháp không thể thiếu trong việc vãng sinh.
- Nếu không có tín thì
tâm không tha thiết với việc hành trì, cũng không thể lập nguyện tha
thiết về thế giới A Di Đà. Khó mà định hướng đúng chỗ đến và niệm
Phật cho được nhất tâm bất loạn. Vì thế, tín không thể thiếu trong
việc vãng sinh.
- Tín và hạnh dù đủ,
nhưng không có nguyện, là nguyện về thế giới A Di Đà, thì cũng không
về được. Bởi nguyện là thứ giúp định hướng mọi công đức đến chỗ
cần đến. Như phát tâm Bồ-đề là phương cách giúp ấn định mọi phước
đức đang có cho con đường hoàn thành Phật đạo, không phải phục vụ cho
đời sống phước báu ở thế gian. Vì thế, ngoài tín và hạnh còn cần
có nguyện. Nguyện vãng sinh thế giới Phật A Di Đà.
Tóm lại:
- Tín là niềm tin trợ
lực cho hạnh và nguyện trong suốt hành trình đến đích.
- Nguyện giúp xác định
hay định hướng chỗ muốn đến.
- Hạnh là phương tiện
giúp ta đến chỗ cần đến.
Muốn vãng sinh không thể
thiếu một trong ba thứ đó.
Cho nên, với người bình
thường, việc hộ niệm chỉ có giá trị giúp vãng sinh khi người sắp
chết bình sinh có công phu niệm Phật khá thường. Tức phải có tín và
nguyện đối với thế giới A Di Đà. Nhờ vậy, câu niệm Phật bên ngoài
mới có tác dụng trợ lực. Còn người sắp chết, bình sinh không niệm
Phật, tai tuy có nghe danh hiệu Phật, mắt tuy có thấy hình tượng
Phật, mà tâm không niệm Phật, không dứt nghĩ được chuyện đời, trong
tâm niệm đời vẫn giữ thế chủ đạo, thì khi lâm chung, dù có được hộ
niệm, chưa chắc đủ tỉnh táo mà nghe được câu niệm Phật. Nghe được,
chưa chắc đã niệm được để tâm không tán loạn. Dù tâm không loạn, chưa
chắc đã được vãng sinh. Vì hạnh dù có mà không có nguyện thì cũng
không thể vãng sinh. Bởi tâm còn tha thiết với đời thì không thể hồi
hướng các phước đức có được cho thế giới A Di Đà, sao có thể vãng
sinh? Cho nên, trợ duyên dù đủ mà không có chánh nhân thì quả cũng
không thể thành. Bình sinh, tín-nguyện-hạnh phải đủ cả ba, khi lâm
chung việc hộ niệm mới có giá trị.
Thành xét về việc vãng
sinh thì cần kết hợp tướng bên ngoài với việc hành trì của hành
giả khi còn sống. Nếu bình thường, hành giả không có công phu niệm
Phật, không tạo công đức để hồi hướng, cũng không có chí nguyện về
thế giới Cực lạc, thì dù tướng bên ngoài có mềm ấm, cũng không thể
kết luận hành giả đã vãng sinh. Dù vậy, việc hộ niệm luôn cần
thiết. Ít nhất là gieo duyên với người sống cũng như người sắp
chết.
Biệt thời ý thú và lời nguyện thứ 18 của Phật A Di
Đà
Biệt thời ý thú là
một trong Tứ ý thú.
Ý Phật sâu xa, chúng
sinh thời mạt pháp, chữ nghĩa thì nhiều, tâm chứng thì kém, khó mà
thông tỏ được Phật ý, nên chư vị Tổ sư đã soạn ra các ý thú này để
giúp chúng sinh thông tỏ kinh luận. Nhiếp
chánh luận, bản dịch của ngài Huyền Trang12 ghi: “Ngoài ra còn có Tứ ý thú và Tứ bí mật. Mọi
lời Phật nói nên căn cứ vào đó mà lý giải và quyết định”. Khi đọc kinh Phật,
nếu thông qua Tứ ý thú và Tứ bí mật thì ta dễ thông tỏ chính xác hơn về
những gì mà Phật muốn nói trong các kinh.
Hoa nghiêm thám huyền ký ghi: “Biệt thời
ý thú là, như nói nếu tụng danh hiệu Đa Bảo Như Lai thì đối với Bồ-đề Vô thượng
Chánh đẳng đã được quyết định”. Hoặc nói do chỉ phát nguyện, liền được vãng
sinh thế giới Cực lạc”.
Ngài Vô Tánh giải thích: “Vì khuyến khích kẻ giải đãi, đối với pháp
không chịu tinh cần mà nói như vậy. Cũng là muốn trưởng dưỡng kẻ có thiện căn
đời trước. Như thế gian nói chỉ nhờ một đồng mà được đến hàng ngàn”.
Trong các phần kinh được
trích dẫn trên, ta thấy nhân và quả không tương thích lắm. Như chỉ cần
tụng Đa Bảo Như Lai, không thấy nói đến việc phát tâm Bồ-đề hay tu
Lục độ vạn hạnh v.v… mà quả Bồ-đề lại được quyết định (tức nhất
định có quả). Hoặc nói chỉ cần phát nguyện, tức chỉ có nguyện,
không thấy nói đến tín và hạnh, mà quả cũng là vãng sinh. Để giải
thích việc đó, ngài Vô Tánh giải thích: Một, để khuyến khích kẻ
giải đãi. Hai, để trưởng dưỡng kẻ có thiện căn đời trước.
1- Trưởng dưỡng kẻ có thiện căn đời trước: Như Lục tổ, tuy chỉ là người đốn củi không biết chữ,
nhưng khi nghe một câu tụng của kinh Kim cang liền sáng tỏ, đến gặp Ngũ tổ Hoằng
Nhẫn, không bao lâu sau được ấn chứng làm Tổ thứ sáu. Với người đã có
thiện căn niệm Phật sâu dày từ trước thì việc tu hành ngày nay cũng
tương tự. Đối với thế giới A Di Đà đã có niềm tin sâu xa, hạnh vốn
đầy đủ, nên chỉ cần phát nguyện vãng sinh thì liền vãng sinh. Sư Tăng
Duệ, tác giả bài tựa viết cho cuốn Trung
luận của ngài Thanh Mục, là một điển hình.
Tăng Duệ là một cao tăng
đời Đông Tấn Trung Quốc. 18 tuổi xuất gia, thờ ngài Tăng Hiền làm
thầy. Năm 20 tuổi đã thông suốt kinh luận. Năm 24 tuổi đi thuyết pháp
khắp nơi. Người tham dự rất đông, nhưng Sư vẫn than rằng Thiền pháp
chưa được lưu truyền.
Khi Đại sư Cưu Ma La Thập
đến Trường An thì Sư thỉnh ngài dịch cuốn Thiền pháp yếu giải, theo đó ngày đêm tinh tấn tu học. Sư
thường cùng Tăng Triệu tham dự việc dịch kinh và là một trong bốn vị
đệ tử lớn của Đại sư Cưu Ma La Thập.
Bình sinh, Sư nguyện cầu
vãng sinh Tịnh độ An dưỡng. Khi đi, đứng, nằm, ngồi thường không quay
lưng về hướng Tây. Sau, Sư biết giờ lâm chung, cáo biệt đại chúng rồi
vào phòng tắm gội, đốt hương lễ bái, xoay mặt về hướng Tây, chắp tay
thị tịch, hưởng thọ 67 tuổi.
Đây là ứng với lời
nguyện 19 của Đức A Di Đà. Mặc áo Tăng nhân tức phát tâm Bồ-đề, là
tín chân thật. Tu giới-định-tuệ, chắp tay thị tịch, thuộc hạnh tự
lợi. Dịch kinh, giảng pháp khắp nơi, thuộc hạnh lợi tha. Đi đứng nằm
ngồi thường không quay lưng về hướng Tây, nguyện cầu vãng sinh Tịnh
độ, là nguyện tha thiết. Tín chân thật, hạnh đầy đủ, nguyện tha
thiết, liền được vãng sinh. Tu giới-định-tuệ mà nguyện vãng sinh,
thì biết Sư đã từng niệm Phật cầu vãng sinh trong quá khứ rất sâu
dày.
2- Khuyến khích kẻ giải đãi: Giải đãi, là làm biếng, không tinh tấn. Nói
việc này, trước là gieo niềm tin với kẻ mà tín và hạnh còn yếu,
sau là khuyến khích những người giải đãi, muốn vãng sinh mà ít chịu
thực hành. Đây là nói nhân và quả mà không nói duyên. Chỉ nói mốc
ban đầu và cuối cùng mà không nói thời gian nào thì nhân thành quả.
Song pháp Phật, có nhân rồi phải đủ duyên mới thành quả, tùy lực tu
hành của hành giả mà thời gian thành ngắn hay dài.
Nói mười niệm, tức nhân
đã gieo, nhưng phải đợi đủ duyên quả mới thành. Nếu không có mười
niệm đó thì không có nhân để tâm không loạn. Không nhân thì duyên dù
đủ bao nhiêu, quả cũng không thành. Với người, tu thì giải đãi mà
muốn có quả nhanh chóng, thì đây là phương tiện giúp gieo mười niệm
vào tạng thức, là cái nhân để sau này tâm được bất loạn, sinh về
thế giới A Di Đà.
Trong cả hai câu, “Chỉ phát nguyện liền được vãng
sinh” hay “Hết lòng tin thích
muốn sinh về nước tôi, nhẫn đến mười niệm” thì nhân không phải ba
mà chỉ có một, là nguyện. Nguyện như vậy là đã có niềm tin với
thế giới A Di Đà. Phát nguyện rồi, tùy công đức tu hành, tinh tấn thì
hiện đời hay kiếp sau vãng sinh, không tinh tấn thì vài chục kiếp về
sau. Nhưng một khi đã có nguyện thì trước sau gì cũng vãng sinh mà
hạnh là thứ quyết định. Ý là vậy.
Như vậy, khi nào đọc
chánh kinh hay chánh luận mà thấy nhân và quả có vẻ không tương
thích, thì cần phải dùng Biệt thời ý thú mà hiểu, không phải kinh
luận nói sai.
Ba hạng cầu vãng sinh
1- Kinh nói13: “Này A Nan! Nếu có chúng sinh, đối với
thế giới Phật đó mà phát tâm Bồ-đề, chuyên niệm Phật Vô Lượng Thọ
và gieo trồng các thiện căn14, tất cả đều phát tâm hồi hướng nguyện sinh nước đó, thì
người ấy khi lâm chung, Phật Vô lượng Thọ cùng với chúng Tỳ-kheo vây
quanh trước sau hiện trước mặt, người ấy liền theo Phật Vô Lượng Thọ
vãng sinh nước Phật, được bất thối chuyển, sẽ được Chánh đẳng
Bồ-đề vô thượng”. Đây là hạng thứ nhất.
2- Kinh nói: “Này A Nan! Nếu có chúng sinh ở các
nước khác phát tâm Bồ-đề, tuy không chuyên niệm Phật Vô Lượng Thọ
cũng không hằng gieo trồng các thiện căn, chỉ dựa vào việc tu hành
và các thiện công đức của bản thân15, dùng đó hồi hướng Phật Vô Lượng Thọ, nguyện muốn vãng sinh,
người này khi lâm chung, Phật Vô Lượng Thọ liền khiến hóa thân cùng
chúng Tỳ-kheo vây quanh trước sau - quang minh và tướng hảo của hóa thân
này không khác chân Phật - hiện trước người ấy nhiếp thọ tiếp dẫn.
Người ấy liền theo Phật vãng sinh, được Bất thối chuyển và Bồ-đề vô
thượng”. Đây là hạng thứ hai. Hạng này tuy có niệm Phật, có gieo
trồng thiện căn, nhưng chưa được chuyên ròng như hạng trên, nên lúc lâm
chung Phật tiếp dẫn có khác.
3- Kinh nói16: “Có chúng sinh trụ pháp Đại thừa,
dùng tâm thanh tịnh hướng về Phật Vô Lượng Thọ, cho đến17 mười niệm niệm Phật Vô Lượng Thọ,
nguyện sinh nước Ngài; Hoặc có chúng sinh nghe pháp thậm thâm, liền
sinh tín giải, tâm không nghi hoặc, cho đến có được nhất niệm tịnh
tâm, phát nhất niệm tâm niệm Phật Vô Lượng Thọ… Người này khi lâm
chung, như ở trong mộng mà thấy Phật Vô lượng Thọ, quyết định vãng
sinh nước Phật, được bất thối chuyển và Bồ-đề vô thượng”. Đây là
hạng thứ ba. Hạng này, đối với việc niệm Phật chỉ có mười niệm
hoặc nhất niệm tâm niệm Phật, nhưng vẫn được vãng sinh. Tuy vậy, phải
là người trụ pháp Đại thừa, đối với pháp thậm thâm sinh tâm tin hiểu
không nghi hoặc, và dùng tâm thanh tịnh hướng về Phật Vô Lượng Thọ.
Với pháp thậm thâm sinh tâm tin hiểu (tin mình có Phật tánh), là đã
tu được mười vạn kiếp18. Dùng tâm thanh tịnh hướng về Phật
Di Đà từng có duyên sâu nặng với việc niệm Phật. Vì thế, tuy tin
hiểu pháp thậm thâm mà vẫn muốn nguyện vãng sinh. Tín-hạnh-nguyện
đều đủ nên nguyện vãng sinh liền được vãng sinh.
Nói chung, có
tín-hạnh-nguyện thì trước sau gì cũng vãng sinh. Tùy mức độ tâm
thanh tịnh mà sinh về thế giới Cực lạc thô và tế có khác nhau.
Thai sinh và Hóa sinh
Có Thai sinh và Hóa
sinh, vì tâm người cầu vãng sinh không đồng nhất, thế giới Cực lạc
thành có sai biệt.
Kinh nói: “Đối với việc tích tập thiện căn là
hy cầu Phật trí, Phổ biến trí, Bất tư nghì trí, Vô đẳng trí, Uy đức
trí, Quảng đại trí lại rơi vào nghi hối, với thiện căn của mình
chẳng thể sinh niềm tin. Do nhân duyên ấy trong 500 năm ở trong cung điện
chẳng thấy Phật, chẳng nghe pháp, chẳng thấy chúng Bồ-tát và Thanh
văn…, chẳng biết pháp tắc uy đức của Bồ-tát, không thể tu tập các
công đức, không có nhân duyên phụng sự vô lượng chư Phật. Các người
này đều do xưa kia có tâm nghi hối. Như con của vua Sát-đế-lợi phạm
pháp…”19.
Sự sai biệt ấy nằm ở
chỗ hành giả tin hay không tin vào Phật trí, tin hay không tin mình
cũng có Phật trí như vậy.
1- Hóa sinh: là cách vãng sinh của người đã có tâm tin vào Phật trí, tin
mình có Phật trí ấy, tức đã phân định rõ giữa việc thể nhập Tự
tánh A Di Đà và vãng sinh thế giới Cực lạc, biết vãng sinh thế giới
Cực lạc chỉ là phương tiện Đức A Di Đà dùng tiếp độ kẻ hậu sinh,
giúp kẻ hậu sinh thể nhập Tự tánh A Di Đà.
2- Thai sinh: là cách vãng sinh của người chưa tin vào Phật trí, chưa tin
mình cũng có Phật trí ấy. Nhưng đã tin có nhân quả tội phước, chịu
tu tập hạnh lành, nghe Phật danh liền khởi niềm tin, cầu sinh về thế
giới Cực lạc. Người này vãng sinh theo thai sinh. Cũng vẫn sinh trong
cung thất bảo, không có hình phạt, không có một niệm ác sự, nhưng 500
năm không thấy Phật, thấy Bồ-tát, thấy chúng Thanh văn để cúng dường,
chẳng được nghe pháp, chẳng thể tu các hạnh lành, nên tuy có các sự
vui vi diệu mà tâm không ưa thích nơi đó. Nếu các chúng sinh ấy biết
nhân đời trước, tự ăn năn biết lỗi, cầu rời chỗ ấy, liền được toại
nguyện qua chỗ Phật Vô Lượng Thọ…
Ba pháp niệm Phật của Tổ Ấn Quang
Theo Tổ Ấn Quang, trong Tư quy tập, niệm Phật có ba pháp:
1- Chuyên niệm Phật tự lực: Cùng tột thật tướng, lấy việc chứng ngộ làm gốc. Đối
với các pháp như 5 ấm, 6 nhập, 12 xứ, 7 đại v.v… dùng trí tuệ Bát-nhã chiếu
soi, thấu rõ tất cả pháp xưa nay đương thể toàn không, thấy được tánh chân như
vi diệu tròn đầy… Đây gọi là thật tướng niệm Phật. Thật tướng niệm Phật này tuy
là thật lý tối thâm song lại chẳng dễ tu, vì chỉ nương nhờ vào giới-định-tuệ của
chính mình, không có sự trợ giúp của tha lực. Nếu chẳng phải là người có sẵn
căn duyên đời trước thì hội nó còn chẳng dễ, huống là thực chứng.
2- Chuyên niệm Phật tha lực: Có ba thứ.
a- Quán tưởng, là nương
theo kinh Thập lục quán mà quán. Hoặc
chuyên quán tướng lông trắng, hoặc quán pháp thân rộng lớn v.v... Quán đến đầy
đủ 16 thứ.
b- Quán tượng, là đối trước
hình tượng Phật mà tưởng về tướng hảo quang minh của Phật v.v...
c- Trì danh, là nhất tâm
xưng niệm danh hiệu A-Di Đà.
Pháp “Quán tưởng” tuy hay
nhưng phải nhớ hình tượng Phật thấy đó chỉ là sở hiện của tự tâm. Nếu nhận nó
là cảnh thật ngoài tâm thì vướng vào ma sự, sẽ sanh cuồng.
Ba pháp này tuy hình thức
thực hành không giống nhau, nhưng đều có chung một điểm là phải đầy đủ lòng tin
chân thành và ước nguyện thiết tha mới có thể cùng Phật cảm ứng đạo giao, mới
có thể quyết định được hiện đời ra khỏi Ta-bà mà sanh về Cực lạc.
3- Pháp tự tha đều niệm: Còn gọi là “Thiền tịnh song tu”, đặt nền tảng trên
việc chuyên khán “Niệm Phật đó là ai?” cốt để minh tâm kiến tánh, chẳng dùng
tín nguyện cầu sanh Tây phương làm sự nghiệp. Đã không có tín nguyện thì không
thể nương vào tha lực mà vãng sanh Tây phương. Chưa đến được chỗ nghiệp hết
tình không thì cũng không thể nương vào tự lực mà liễu thoát sinh tử. Vì thế, với
pháp “Thiền Tịnh song tu” này, chỉ có người tín nguyện đã đầy đủ mới có lợi
ích. Còn không thì chẳng bằng hết lòng với một môn trì niệm danh hiệu Phật.
Pháp Trì danh và ma sự
Tổ Ấn Quang dạy:
Pháp “Trì danh” hạ thủ công
phu dễ nhất mà thành công mau nhất. Nếu thâu nhiếp 6 căn, tịnh niệm được liên tục
thì ngay đời này sẽ chứng được Niệm Phật tam muội. Khi lâm chung nhất định vãng
sanh thượng phẩm. Dù căn cơ có hạ liệt, chưa chứng được tam muội mà dùng tín
nguyện trì danh hiệu Phật như con nhớ mẹ không gián đoạn, thì đến khi lâm
chung, cảm ứng đạo giao, nương nhờ từ lực của Phật theo nghiệp vãng sanh. Nếu
chí tâm trì niệm, niệm đến toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, ngoài tâm không
có Phật, ngoài Phật không có tâm, không niệm mà niệm, niệm mà không niệm, tâm
Phật cả hai cùng hiện rõ, rồi cả hai cùng mất, thì diệu lý thật tướng chân thể
hiển lộ. Ngay đó Tây phương hoàn toàn tròn sáng. Đây là trì danh mà thâm đạt thật
tướng, chẳng phải dùng quán mà tự thấy Tây phương. Nhiếp cơ rất rộng, lợi ích rất
nhiều, rất hợp với kẻ độn căn thời mạt pháp.
Mỗi người tùy vào thân phận
của mình mà lập, chẳng thể cố chấp cố định vào một pháp nào. Từ sáng đến chiều,
đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh, mặc áo, ăn cơm, đi tiêu, đi tiểu… chỉ
một thánh hiệu ấy không cho lìa tâm và miệng. Nếu như ở chỗ thanh khiết thì niệm
ra tiếng hay niệm thầm đều được. Còn khi ngủ, nghỉ, tắm, rửa, đi tiêu, đi tiểu
cho đến những nơi không được sạch sẽ thì chỉ nên niệm thầm, vì niệm thầm thì
công đức cũng vậy. Niệm ra tiếng thì không được cung kính nên không niệm ra tiếng,
chớ không phải ở những nơi đó không được niệm Phật. Lại, khi ngủ mà niệm ra tiếng
ngoài việc không cung kính còn bị tổn khí.
Phương pháp hay nhất của việc
trì danh là thâu nhiếp toàn bộ 6 căn, tịnh niệm liên tục. Thâu nhiếp toàn bộ 6
căn là tâm niệm Phật. Chuyên chú nơi danh hiệu Phật tức nhiếp được ý căn. Miệng
phải niệm rõ ràng mạch lạc là nhiếp được thiệt căn. Tai cần nghe rõ ràng rành mạch
là nhiếp được nhĩ căn. Ba căn này đã bị nhiếp bởi danh hiệu Phật thì nhãn căn
quyết chẳng thể có cái nhìn tạp loạn, tức mắt cũng được nhiếp. Tỷ căn chẳng thể
có cái ngửi tạp loạn, tức mũi cũng được nhiếp. Khi niệm Phật, thân phải đoan
nghiêm nên thân cũng được nhiếp. 6 căn đã nhiếp thì tâm không có vọng niệm, chỉ
lấy Phật làm niệm, nên là tịnh niệm. 6 căn nếu chẳng nhiếp thì tuy là niệm Phật
mà trong tâm vẫn đầy dẫy vọng tưởng, khó mà được lợi ích thiết thực.
Một câu A Di Đà Phật miên
miên mật mật luôn thường nhớ niệm. Phàm có những niệm như háo thắng, giận dỗi…
bất ngờ manh động thì phải suy nghĩ “Ta là người niệm Phật, sao có thể khởi các
niệm này?” Niệm khởi liền ngừng, lâu ngày thì tất cả những thứ niệm khiến ta
lao thần tổn thân ấy đều không thể khởi. Do công đức bất khả tư nghì của Phật
gia trì, chưa quá 10 ngày sẽ thấy rất hiệu nghiệm. Nếu thỉnh thoảng niệm một
câu, hai câu mà muốn hiệu nghiệm ngay là tự dối mình dối người. Tuy vẫn có công
đức nhưng khỏi bệnh thì chẳng thể được.
Khi niệm Phật cần chí
thành. Niệm Phật mà tâm chẳng quy nhất là do đối với sanh tử, tâm chẳng thiết
tha. Nếu có ý nghĩ sắp bị dầu sôi lửa bỏng chẳng thể cứu viện thì tâm tự quy nhất.
Khi tâm bỗng khởi lòng thương xót thì phải biết đó là do thiện căn khai phát,
nhưng không nên nuôi dưỡng tình trạng ấy, nếu không sẽ vướng vào ma bi. Phàm có
việc gì thích ý cũng chẳng nên vui lòng. Không, sẽ vướng vào ma vui.
Khi niệm Phật, hai mắt cần
buông xuống, không nên đề thần quá sức đến nỗi tâm bốc hỏa sanh nóng nảy. Nếu đỉnh
đầu phát ngứa, đau nhức hay có các thứ bệnh khác thì cần điều hòa bên trong
sao cho thích hợp để không bệnh hoạn. Khi niệm ra tiếng cũng không nên niệm
quá sức.
Bệnh cùng ma đều do nghiệp
đời trước gây nên, chỉ cần chí thành khẩn thiết niệm Phật thì bệnh tự khỏi, ma
sự tự lìa. Nếu chẳng chí thành hoặc khởi tà niệm thì tâm đọa trong sự u tối, ma
quỷ ắt quấy nhiễu. Vào lúc niệm Phật xong, khi hồi hướng thì nên vì tất cả những
oan gia trong quá khứ mà hồi hướng, khiến mọi loài đều nhờ vào sự lợi ích niệm
Phật của mình mà siêu sanh vào đường lành.
Niệm Phật lần hạt thì có
thể ngừa giải đãi, song khi tịnh tọa niệm Phật thì chẳng nên lần hạt. Vì lần hạt
thì hướng động nên tâm chẳng thể định. Về lâu về dài tất sẽ sanh bịnh.
Nếu chưa được nhất tâm thì
tuyệt đối không nên nảy sanh ý tưởng muốn thấy Phật. Nếu nóng nảy muốn thấy thì
tâm niệm rối rắm, cái niệm “muốn thấy” ấy sẽ động kết trong lòng thành “đại
bệnh”. Oan gia lâu đời nương cái niệm tình tưởng vọng động ấy hiện làm thân Phật
để báo oán xưa. Đó là do tâm mình không chánh kiến. Chưa kể một khi thấy ma mà
sinh hoan hỷ thì ma nhập vào tạng phủ sẽ phát cuồng. Dù gặp được Phật sống cũng
chẳng thể cứu. Cho nên, chỉ cần niệm Phật cho được nhất tâm, chẳng cần thấy Phật
hay không. Nhất tâm rồi thì tự có sự cảm ứng không thể nghĩ bàn. Nếu niệm Phật
mà bị khí muộn là do nghiệp chướng khiến ra như vậy. Chỉ cần chí thành khẩn thiết
niệm Phật thì từ từ sẽ yên.
Người tu hành thời nay, phần
lớn vướng vào ma sự đều do lấy tâm vọng động mong cầu cảnh giới tốt.
Một khi cảnh giới tốt xuất
hiện, nếu cho cảnh giới ấy là ma thì cảnh giới ấy là cảnh giới tốt, hễ sanh cái
tâm tham trước vui mừng thì bị tổn hại chẳng chút lợi ích, huống chưa phải là cảnh
giới tốt? Nếu là người có công phu hàm dưỡng thì cảnh giới dù có cũng như
không, nên ma cảnh nếu hiện vẫn là cảnh giới tốt. Đó là vì gặp ma mà chẳng bị
ma chuyển, tức năng lực tinh tấn cao.
Phần “Niệm Phật hồi hướng”
cũng không thể bỏ qua. Song chỉ nên hồi hướng sau khóa công phu tối và đi kinh
hành vào buổi trưa. Còn bình thường thì lấy việc trì niệm liên tục làm sự hồi
hướng thời thường. Mọi công hạnh ngày thường đều hồi hướng vãng sinh và cần
phát Bồ-đề tâm, thệ nguyện độ sinh. Có công đức tu trì nào đều khắp vì bốn ân
trong ba cõi và chúng sinh trong pháp giới mà hồi hướng. Đã cùng chúng sinh kết
sâu pháp duyên thì thắng hạnh Đại thừa của mình chóng thành. Nếu chẳng thấu
nghĩa này thì rơi vào tri kiến tự lợi của phàm phu và Nhị thừa, tuy tu diệu hạnh
mà cảm cái quả thấp hèn.
Phàm người niệm Phật, tùy
theo phương tiện của mỗi người cốt phải khắc phục cho được tập khí của mình.
Phàm người đáng nói thì dù cho đối nghịch với ta cũng phải vì người mà nói, khiến
người gặp được điều lành, tránh xa điều dữ, lìa khổ được lạc. Hàng ngày phải
ngay thẳng rõ ràng. Với người thì nói rõ về nhân quả báo ứng và con đường niệm
Phật liễu thoát sinh tử. Dạy dỗ con cái cũng đồng nghĩa với việc gầy dựng nền tảng
thái bình. Tâm thẳng như dây đàn căng, lời nói không mập mờ lấp lửng. Muốn giữ
cái tâm có thể đối chất với quỷ thần lúc lâm chung thì làm việc gì quyết chẳng
mê mờ lý trời. Như thế đến lúc lâm chung không có hiện tượng đáng thương, đáng
tiếc xảy ra.
Kết luận
Theo những gì kinh luận
đã nói, thì có thể đúc kết như sau:
1- Niệm Phật muốn vãng
sinh, phải hội đủ ba thứ tín-nguyện-hạnh.
2- Nói mười niệm hay
một niệm được vãng sinh đều có thể, quan trọng là tâm không loạn và
nguyện về nước Phật hiện tiền.
3- Hạnh, hiện đời có
thể là thiền v.v… nhưng tâm cần không loạn và phải có tín và nguyện
với A Di Đà thì mới có thể vãng sinh.
4- Muốn được vãng sinh
thượng phẩm thì điều kiện cần là phải phát tâm Bồ-đề. Vì phát tâm
Bồ-đề, cũng có nghĩa là tin mình có tánh như Phật, tin mình cũng
có các loại trí như Phật, chỉ do vô minh mà lưu chuyển trong sáu
đường. Điều kiện đủ là nguyện và hạnh phải đáp ứng được việc vãng
sinh.
5- Niệm Phật, với cái
nhìn của chư thánh, là pháp mà hàng căn cơ hạ liệt có thể hành trì20.
Tổ Ấn Quang nói “Rất hợp với kẻ độn căn thời mạt pháp”. Nghĩa là, ngay cả
hàng độn căn cũng có thể hành pháp ấy mà đạt được kết quả tốt
đẹp, không phải do chỗ đến hạ liệt mà nói như vậy. Bởi nếu niệm
Phật mà tin mình có Phật tánh thì cũng có thể kiến tánh, như Tổ
Ấn Quang đã dạy trong pháp trì danh.
Nói phù hợp với người
độn căn, là do thuận với căn nghiệp của chúng sinh thời nay, tức thuận
với tập khí sinh khởi của dòng tâm thức mà nói. Thuận với sự sinh
khởi của dòng tâm thức, là dùng sự sinh khởi của nhất niệm A Di Đà
thay thế cho sự sinh khởi của dòng vọng tưởng, tức đưa từ cái nhiều
về cái một. Tuy nhiều và một không còn đồng, nhưng sự sinh khởi của
tâm vẫn đồng, vẫn không tạo áp lực mạnh cho hành giả khi hành trì
như một số pháp thiền, dứt thẳng vào tập khí sinh khởi, đưa tâm về
không, là đi thẳng từ cái nhiều về cái không. Kiểu chim bay này, nếu
không đủ lực, hành giả dễ bỏ cuộc nửa chừng. Còn pháp niệm Phật
vẫn cho thuận với tập khí sinh khởi của chúng sinh, nên hàng độn căn
vẫn có thể hành trì. Nó là cây cầu giúp hành giả bước dần từ
động qua tĩnh không quá sốc.
Tóm lại, Thiền, Tịnh
hay Mật đều là pháp của Phật. Đúng là pháp của Phật thì nó phải
vừa khế lý vừa khế cơ. Khế lý, là đều nói đến chỗ tột cùng, dẫn
bày hành giả về cội nguồn chân thật nhất tâm. Khế cơ, là tùy tâm
thức của chúng sinh mà lập phương tiện. Lý thì không khác mà phương
tiện thì có sai biệt, vì tùy duyên. Vấn đề của người tu là biết
chọn cho mình một pháp môn phù hợp để dứt trừ sự sinh khởi của tâm,
định lực và trí tuệ đầy đủ, tự lợi và lợi tha viên mãn.
Chân Hiền Tâm
...........................
(1) Kinh Hoa
nghiêm, phẩm Thập địa. Luận Đại
thừa khởi tín.
(2) Kinh Kim cang.
(3) Luận Đại
thừa khởi tín nghĩa ký quyển II, phần Giải thích, Tổ Hiền Thủ
(Pháp Tạng) trực giải, Chân Hiền Tâm dịch. Nguồn: chanhientam.net
(4) Nhưng với những hạng vị này thì thấy cõi
này như thật có, như hiện tại chúng sinh thấy cõi Ta-bà là thật có.
(5) Kinh Đại
Bửu Tích tập I, chương 5, Pháp hội Vô Lượng Thọ Như Lai. HT.Thích
Trí Tịnh dịch.
(6) Nghiên cứu thêm Luận Đại thừa khởi tín, phần Tu hành tín tâm, Bồ-tát Mã Minh,
Chân Hiền Tâm Việt dịch và giải thích.
(7) Kinh Phật
thuyết Đại thừa Vô lượng thọ trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác
kinh - Phẩm 40, Biên địa nghi thành.
(8) Luận Đại
thừa khởi tín, Bồ-tát Mã Minh, Chân Hiền Tâm Việt dịch và giải
thích.
(9) Luận Thành
Duy thức học, phần chú giải về Nhân duyên biến và Phân biệt biến,
HT.Thích Thiện Siêu dịch và chú.
(10) Kinh Đại
Bửu Tích tập I, chương 5 - Pháp hội Vô Lượng Thọ Như Lai. HT.Thích
Trí Tịnh dịch.
(11) Kinh Đại
Bửu Tích tập I, chương 5 - Pháp hội Vô Lượng Thọ Như Lai. HT.Thích
Trí Tịnh dịch.
(12) Tự điển
Phật học Hán-Việt, chủ biên Kim Cương Tử.
(13) Kinh Đại
Bửu Tích, phẩm 5, phần 2, Hội Vô Lượng Thọ Như Lai, Hán bộ quyển
18, Tam tạng Bồ-đề-lưu-chí đời Đường Hán dịch, Chân Hiền Tâm Việt
dịch.
(14) Kinh Đại
Bửu Tích, phẩm 5 - Pháp hội Vô Lượng Thọ Như Lai, Hán bộ quyển 17
đến quyển 18, Pháp sư Khương Tăng Khải Hán dịch, HT.Trí Tịnh Việt
dịch, ghi: “Hàng thượng phẩm, là những người bỏ nhà, lìa ái dục,
làm Sa-môn, phát tâm Bồ-đề, chuyên một mặt niệm Phật Vô Lượng Thọ, tu
các công đức, nguyện sinh về nước đó. Lúc chúng sinh này lâm chung,
Phật Vô Lượng Thọ cùng hàng Thánh chúng hiện ra trước người ấy, liền
theo Đức Phật sinh về nước An lạc. Tự nhiên hóa sinh từ sen thất bảo,
ở bậc bất thối chuyển, trí tuệ dũng mãnh, thần thông tự tại”.
(15) Kinh Đại
Bửu Tích, phẩm 5 - Pháp hội Vô Lượng Thọ Như Lai, Hán bộ quyển 17
đến quyển 18, Pháp sư Khương Tăng Khải Hán dịch, HT.Trí Tịnh Việt
dịch, ghi: “Hạng Trung phẩm là những người và chư thiên ở các thế
giới mười phương, có ai chí tâm nguyện sinh về nước ấy, dù không làm
Sa-môn tu các công đức lớn được, nhưng phải phát tâm Bồ-đề, chuyên một
mặt niệm Phật Vô Lượng Thọ, làm lành hoặc ít hoặc nhiều, giữ giới
Bát quan trai, xây dựng tháp tượng, trai tăng… dùng công đức đó hồi
hướng nguyện sinh về thế giới An lạc. Người này lúc lâm chung, Đức
Phật Vô Lượng Thọ hóa hiện ra đủ tướng tốt và quang minh như chân
Phật, cùng Thánh chúng đến trước người ấy, liền theo Đức Hóa Phật
sinh về nước đó ở bậc bất thối chuyển, công đức và trí tuệ kế bậc
Thượng phẩm”.
(16) Kinh Đại
Bửu Tích, phẩm 5, phần 2, Hội Vô Lượng Thọ Như Lai, Hán bộ quyển
18, Tam tạng Bồ-đề-lưu-chí đời Đường phụng chiếu dịch.
(17) Bản Hán là 乃至. Chỉ mức độ đạt tới.
(18) Luận Đại
thừa khởi tín, Bồ-tát Mã Minh tạo luận.
(19) Kinh Đại
Bửu Tích, phẩm 5, phần 2, Hội Vô Lượng Thọ Như Lai, Hán bộ quyển
18, Tam tạng Bồ-đề-lưu-chí đời Đường phụng chiếu dịch.
(20) Luận Đại
thừa khởi tín nghĩa ký - phần Tu hành tín tâm, Tổ Hiền Thủ trực
giải, Việt dịch Chân Hiền Tâm. Chanhientam.net.