Chùa Bửu Minh

Độc giả Quách Đức Anh kể các chuyện mà anh quan sát được nhiều ngày từ các trường học mầm non Nhật Bản. Đó là các bài học dạy trẻ tự lập, hiểu và làm chủ chứ không né tránh những điều nguy hiểm. 

'Được học' chứ không 'phải học'

Hôm đó, trong khi tôi đang ngồi trên một gốc cây lớn ở góc sân trường, lặng lẽ quan sát các bé nô đùa chạy nhảy dưới ánh nắng ấm, và ghi chép lại những dòng suy nghĩ của mình vào quyển sổ tay, bỗng nghe thấy có tiếng dương cầm ở đâu đó vang lên, giai điệu rất quen thuộc.

Tôi nhận ra đó là một trong những bài hát mà các bé hay hát. Lúc này, đồng hồ  đã chỉ 1h30, cũng đã đến giờ vào lớp, gập quyển sổ lại và kẹp cây bút bi xanh với ống mực chỉ còn vơi nửa vào gáy sổ, tôi tìm đến căn phòng phát ra tiếng nhạc.

Tôi thấy một cô giáo đang chơi đàn, một vài bé đã ngồi sẵn trong lớp và ngân nga hát. Thật bất ngờ, các bé đang chơi  ở ngoài sân cũng dừng lại và chạy về lớp học, chỉ sau một vài phút, các bé đã tập trung đầy đủ trong lớp và cùng hát vang những bản nhạc cô giáo chơi (cũng thật lạ khi không bé nào hát sai nhạc, điều mà tôi đã tập luyện rất nhiều nhưng vẫn chưa làm được).

Cô giáo giải thích với tôi rằng, cô không cần đi gọi các bé mà các bé vẫn tập trung lại khi nghe tiếng đàn, vì các bé hiểu rằng giờ học sắp bắt đầu và tất cả đều nghĩ rằng “ở trong lớp thú vị hơn”.

Trẻ rất tự lập 

Ở Nhật Bản, dù mới chỉ 4 tuổi nhưng các bé sẽ phải tự mình làm hết tất cả các việc, từ ăn uống, mặc quần áo, cho đến thu dọn đồ đạc, kê bàn ghế, làm vệ sinh lớp...Cô giáo chỉ đứng bên cạnh hướng dẫn và quan sát, rất hiếm khi các cô làm hộ trẻ.

Đôi khi các bé sẽ gặp khó khăn trong những việc “rất đời thường” đối với người lớn. Em bé trong hình đang cố gắng mặc áo khoác để đi về, trong khi tất cả các bạn bè khác đã mặc xong rồi.

Có vẻ bé đang gặp khó khăn nhưng cô giáo không hề chạy tới mặc hộ bé.

Đến khi bé mặc được áo thì các bạn đã bắt đầu ra về, nhưng bé vẫn kiên nhẫn tự mình tìm cách giải quyết khó khăn.

Cuối cùng thì bé cũng mặc được áo và đi được giầy.

Dù rời khỏi lớp gần như cuối cùng, quần áo và mũ cũng chưa được chỉnh tề lắm, nhưng bé cười thật tươi vì đã tự mình làm được mọi thứ mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của bất cứ ai. Nếu cô  giáo làm hộ thì chỉ mất 1 phút là có thể mặc xong quần áo, đi xong giày, sửa soạn xong đồ cho trẻ, nhưng trẻ sẽ chẳng bao giờ có thể tự làm được, và sẽ chẳng bao giờ tự lập được. Mặc dù trẻ tự làm sẽ cần rất nhiều thời gian, nhưng rèn luyện tính tự lập là điều rất cần thiết và quan trọng cho cuộc sống sau này của trẻ. 

Hiểu và  làm chủ chứ không né tránh

Với trẻ em Việt Nam, có lẽ 4 tuổi là quá sớm để sử dụng những vật dụng như dao, kéo hoặc những đồ vật sắc nhọn. Khi còn nhỏ tôi cũng đã rất quen thuộc với những lời “nhắc nhở” của bố mẹ hoặc ông bà mỗi khi định sờ vào mấy thứ đó “nguy hiểm quá, chảy máu tay bây giờ!”. Có vẻ như với quan niệm của chúng ta thì trẻ con chưa ý thức được sự nguy hiểm và chưa đủ khéo léo để sử dụng tốt những thứ này.

Nhưng trẻ em ở Nhật lại được học cách sử dụng những vật “nguy hiểm” này từ rất sớm.

Để bảo đảm an toàn và trẻ sử dụng đúng phương pháp, bố mẹ và thầy cô luôn ở bên cạnh để hỗ trợ và hướng dẫn. Nhưng chỉ hướng dẫn, làm mẫu và trông chừng chứ không làm hộ trẻ. Cô giáo và bố mẹ luôn cố gắng tạo điều kiện tối đa cho các bé phát huy tính tự lập và học cách làm chủ cuộc sống của mình. 

Với vấn đề này, giáo dục Nhật Bản quan niệm cần thiết phải dạy để các bé hiểu và làm chủ được cuộc sống, kiểm soát được các mối nguy hiểm chứ không tránh né. Vì sớm muộn gì trong cuộc sống sau này, đây cũng sẽ là vấn đề các bé phải đối diện, làm chủ được càng sớm thì càng tốt.

Giáo dục mầm non Nhật Bản luôn chú trọng vào việc rèn luyện tính cách và thói quen cho trẻ, đặc biệt là khả năng tự lập. Vì đó là những điều cơ bản nhất mà trẻ cần phải rèn luyện được để chuẩn bị cho cuộc sống sau này của mình.

Theo Vietnamnet

http://www.zing.vn/news/nhip-song-tre/nhung-bai-hoc-mau-giao-cua-nguoi-nhat/a236889.html#focus_box


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage