Chùa Bửu Minh

Liệu còn có điều đó xảy ra? Vừa đọc sách vừa khóc, trong cái thời buổi mà thiên hạ vô cảm đến mức rất rất ít có điều gì tác động được tới cảm xúc một cách thật sự?


Cuốn sách cuộc đời

Bây giờ, không hiếm gặp chuyện bác sĩ, y tá, hộ lý trong bệnh viện, nếu không nhận được phong bì "khẩn cấp" của người nhà bệnh nhân thì sẵn sàng để con bệnh chết trên hành lang. Và cũng không lạ cảnh thầy cô giáo nếu không nhận được quà cáp chu đáo, chăm sóc nhiệt tình từ phụ huynh thì sẵn sàng để cho học sinh trở thành những kẻ vất vưởng còn hơn cả đầu đường xó chợ.

Thế nhưng, lại có những người bác sĩ, nhiều năm liền sẵn sàng rút tiền túi ra bao bọc cho mấy bệnh nhân AIDS khốn cùng, đang ở mép vực của cuộc sống. Như bác sĩ Tiến, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, những nhân vật bước ra từ cuốn hồi ký "Tâm siđa" (Trương Thị Hồng Tâm) - cuốn sách xúc động lòng người của một người phụ nữ từng ở "dưới đáy xã hội", đã vượt lên cái chết để mở rộng vòng tay bao bọc những đứa trẻ bị bỏ rơi trên đường phố Sài thành.

Trải qua hàng trăm lần vào tù ra tội, bầm dập bởi đòn roi và bị lạm dụng, bị làm nhục, chị Tâm nhiều khi mong muốn tột cùng thà chết đi còn hơn phải sống khổ sống sở. Thế mà cuối cùng thì vẫn phải tồn tại, dai dẳng, nhọc nhằn. Sống không bằng con vật, sống còn khổ hơn chết, thế nhưng dù đã trải quá nhiều cảnh ngộ, mà bản chất của một "gái làng chơi" vẫn cứ nhiều lần trỗi dậy tưởng như không gì có thể vùi lấp, dập tắt.

Chị Tâm-sida

Đến một ngày, chị gặp được những con người, như ánh sáng mới, đột ngột khiến cuộc đời chị ngoặt sang một ngã rẽ. Chị nhận ra, mình cần phải làm gì đó để thay đổi đời mình, và thay đổi những thân phận lăn lóc trên đường phố kia. Biệt hiệu "Tâm siđa" gắn với chị từ chương trình phòng chống HIV của những thanh niên tình nguyện "vắt mũi chưa sạch" mà ban đầu chị rất coi thường nhưng sau thì gắn bó như máu thịt, như một sứ mệnh. Chị kiên quyết làm điều tốt, cho dù quá nhọc nhằn với đời sống vỉa hè, cho dù bị chửi bới, khinh khi, bạc đãi, xung quanh là cái đói, cái nghèo bủa vây và đàn con đau bệnh mà chị nhận về từ đường phố.

"Mỗi khi gặp phải những cảnh khốn khó cùng cực, tôi lại chạy tới bác sĩ Trương Ngọc Tiến, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, bác sĩ Mỹ Dung, bác sĩ Nhung, Thu Trinh, Thu Hà, nha sĩ Vệ...; các nhà báo Như Lịch, Đỗ Ngọc, Thủy Cúc, Phước Vinh, Hoài Nam... - chị Tâm hồi tưởng - Xin cho mình thì tôi không dám nhưng xin cho các con, các em, các chị trên đường phố thì tôi chẳng ngại ngần gì. Miễn là cứu giúp được phần nào cho họ. Nhìn thấy họ lăn lộn và chết dần chết mòn trên đường phố, thực sự quá bất nhẫn. Họ cũng được sinh ra với thân phận làm người..."

Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng

Phan Thị Bích Hằng thấy mình nhỏ bé trước chị Tâm siđa

Ngồi đối diện với chị Tâm, cầm cuốn hồi ký trên tay, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng rơm rớm nước mắt: "Sức nặng của 300 trang sách thật kinh khủng. Bị cuốn theo những cơn lốc xoáy trên dòng đời của chị Tâm, tôi như chìm xuống tận đáy cảm xúc. Và, tôi thấy mình trở nên thật nhỏ bé trước người phụ nữ vĩ đại này. Cuộc đời của chị ấy thật sự không thể gọi là cuộc đời mà là địa ngục trần gian, với hàng trăm nhục hình tra tấn thân xác và tâm hồn. Tại sao chị ấy có thể đủ sức mạnh để đứng dậy? bước tiếp? và còn đỡ đần, chăm nom cho biết bao thân phận trên đường phố. Chị Tâm đã vượt lên chính mình, vượt lên cái chết và đi qua cả một hành trình dài dằng dặc những nỗi thống khổ, chỉ để đạt tới mơ ước được làm một người phụ nữ bình thường, như biết bao nhiêu người phụ nữ khác được sinh ra trên đời. Tôi thật sự khâm phục và ngưỡng mộ người phụ nữ này! Tôi cùng với những người khác sẽ cố gắng hết sức mình để làm được điều gì đó hỗ trợ cho chị Tâm và đàn con không may bị nhiễm HIV của chị..."

Người phụ nữ - công dân đặc biệt ấy - chưa có nổi cho mình tấm chứng minh thư, bởi chưa có nhà, thì chưa có hộ khẩu, mà không có hộ khẩu thì không thể làm CMT. Mấy mẹ con chị vẫn ngày ngày lăn lộn kiếm sống trên vỉa hè Sài thành, tối về ôm nhau trong căn nhà thuê đã phải thuyên chuyển không biết bao nhiêu lần.

Báo chí đưa tin làm chị e ngại, bởi bây giờ, xung quanh ai cũng biết đàn con của chị bị nhiễm HIV, liệu chị còn thuê được mái ấm cho chúng nương náu hay không? Nếu một mai chị không tỉnh dậy nữa, thì ai lo cho mấy đứa nhỏ côi cút, bệnh tật?

Thế nhưng, nhiều nhà báo đang vào cuộc, gửi đơn đến cơ quan chức năng, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ xin cấp chứng minh thư cho người phụ nữ bất hạnh này. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng trở về sau chuyến thăm căn nhà nhỏ của mấy mẹ con chị Tâm, đã mua 1000 cuốn hồi ký để mang tặng Trung tâm cai nghiện Bình Triệu và một trường Phụ nữ vì ngày mai. Bích Hằng còn mang về Hà Nội hai bức tranh mà các con nuôi của chị Tâm vẽ ngôi nhà mơ ước, với lời đề: "Kính tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang", "Kính tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng". Bích Hằng khẳng định sẽ chuyển hai bức tranh tới lãnh đạo nhà nước, với niềm hy vọng trong chuỗi ngày sắp tới biết đâu sẽ có những thay đổi diệu kỳ cho những mảnh đời bất hạnh.

Đâu đó quanh ta, những chuyện khó tin, cho dù đếm trên đầu ngón tay, vẫn có thể xảy ra.

http://tuanvietnam.net/2012-03-21-con-co-the-vua-doc-sach-vua-khoc-


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage