Chùa Bửu Minh

Ngoài là chốn danh lam cổ tích, chùa Minh Khánh còn là nơi gắn với những dấu ấn về vua Trần Nhân Tông. Đặc biệt, nơi đây hiện còn lưu giữ 9 hạt, tương truyền là xá lị Phật hoàng sau khi người hóa.


Chùa Minh Khánh nằm ở trung tâm thị trấn Thanh Hà. Ngoài là chốn danh lam cổ tích, ngôi chùa còn là nơi gắn với những dấu ấn về vua Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm. Đặc biệt, nơi đây hiện còn lưu giữ 9 hạt, tương truyền là xá lị Phật hoàng sau khi người hóa.

Đậm dấu ấn lịch sử


Hỏi thăm vào chùa Minh Khánh, chúng tôi được người dân tận tình chỉ lối. Ngôi chùa quay hướng nam, theo quan niệm của người Việt thì đây là hướng thiện tâm. Trái ngược với cuộc sống ồn ã xung quanh, bước qua cổng  là chốn cửa thiền thanh tịnh.
 
Khuôn viên chùa khá rộng, hiện ra với tam quan ba tầng mái độc đáo. Sân chùa có một con đường đá dài thẳng đến tiền đường và điện tổ, nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Phía sau là hai dãy hành lang nối thẳng vào điện thờ Phật. Ngoài ra còn có các kiến trúc khác như nhà tăng, nhà khách, tổng cộng 84 gian trên diện tích khoảng 14.000 m2.
 
Trong điện tổ có tượng Trần Nhân Tông được khắc tạc công phu, đặt trong khám thờ bằng chất liệu gỗ. Ở đây không có tượng Pháp Loa hay Huyền Quang như những ngôi chùa theo Thiền phái Trúc Lâm. Điểm hiếm gặp khác, ở chùa Minh Khánh là điện tổ được đặt trước điện thờ Phật.


Sư thầy Thích Diệu Hiển trụ trì chùa cho biết: Chùa Minh Khánh còn có tên là chùa Hương Đại, theo tên gọi làng do vua Trần Nhân Tông đặt. Ngôi chùa được xây dựng vào thời Lý và được trùng tu tôn tạo nhiều lần vào các thế kỷ sau.

 

Trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ II, vua Trần Nhân Tông đã lấy đất này làm nơi dựng căn cứ. Ngôi chùa là nơi vua ngự. Dấu tích còn in trong những tên gọi như: Xóm gạo (nơi giã gạo cho vua và quân sĩ), xóm Kỳ (nơi chuyên may cờ), xóm Ngự Dội (nơi vua tắm), xóm Chiêng (nơi quân nhạc đóng), đống Quan Cư (nơi vua quan họp bàn), đống Tràng Bắn (nơi tập bắn của quân sĩ)…

 

Trong thời gian ở đây, ngài đã được nhân dân trong làng hết lòng giúp đỡ. Cảm động về thịnh tình, ông đã đặt tên cho làng là Hương Đại (túi thơm). Cũng tại chùa Minh Khánh, trước khi xuất quân, đức vua lập đàn tế Phật, tế trời đất rồi cắt máu ăn thề với quyết tâm tiêu diệt giặc Nguyên Mông. Hiện trước tiền đường còn có một tháp nhỏ gọi là Lưu huyết thư tháp ghi dấu sự kiện này.

 

Trong chùa còn 13 đạo sắc phong từ thời Lê, 16 tấm bia đá cổ. Với những giá trị đó, từ năm 1925, chùa đã được Toàn quyền Đông Dương ký quyết định xếp hạng di tích cùng 4 ngôi chùa khác của tỉnh Hải Dương cũ.


9 viên xá lị Phật hoàng


Không chỉ là nơi mang đậm dấu ấn lịch sử, chùa cổ Minh Khánh còn cất giữ 9 hạt màu đen, có lỗ xỏ, tương truyền là xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông.


Ông Hoàng Văn Thu ở khu dân cư số 1, thị trấn Thanh Hà cho biết: Khoảng năm 1987, địa phương thành lập Ban trùng tu di tích gồm 40 cụ, trong đó có ông.

 

Trong quá trình trùng tu có mở hòm sắc phong để kiểm kê và ông đã may mắn được nhìn thấy các hạt xá lị trên. “Hôm mở hòm sắc có rất đông các cụ chứng kiến”, ông Thu kể. “Ngoài sắc phong, trong hòm còn có một hộp gỗ tròn sơn đỏ. Mở hộp thì thấy bên trong có 9 hạt màu đen tro, có viên hình tròn, có viên hình gần tròn, to hơn hạt tràng, có lỗ xỏ. Riêng có một viên bị sứt một góc. Mọi người có mặt đều sửng sốt. Theo lời truyền lại trong dân gian, ai cũng đoán đó là xá lị Phật hoàng Trần Nhân Tông”.

 

Theo ông Thu, trước đó rất ít người dân biết về 9 hạt xá lị này. Bản thân ông Thu năm nay đã 85 tuổi (ông Thu sinh năm 1926) nhưng cũng chưa từng nghe bố mẹ, ông bà nói. Ông Hoàng Quỳnh Lâm, một trong những người mở chiếc hộp khi đó đã dùng dây xâu những hạt đó lại thành chuỗi như ngày nay.


Liệu có thật 9 hạt được cất giữ ở chùa cổ Minh Khánh là xá lị Phật hoàng? Để tìm hiểu, chúng tôi đã nghiên cứu một số tài liệu về cuộc đời Vua Trần Nhân Tông.

 

Theo sử chép, Vua Trần Nhân Tông lên ngôi năm 21 tuổi, trị vì 14 năm thì nhường ngôi cho con là Anh Tông. Mấy năm sau, vua xuất gia về tu ở núi Yên Tử (Quảng Ninh), trở thành vị tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm, một phái thiền mang đậm tư tưởng Việt Nam.

 

Khi ngài hóa, đệ tử là Pháp Loa rước ngọc thể lên hỏa đàn. Sau khi thiêu, nhặt được ngọc cốt và rất nhiều xá lị. Việc hoả thiêu và có xá lị được "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi rất rõ: "Pháp Loa đem xác của Thượng hoàng thiêu đi, nhặt được hơn 3.000 viên xá lị mang về chùa Tư Phúc ở Kinh sư…”.

 

Sách Tam tổ thập lục lại ghi thu được 300 xá lị. Có sách lại ghi thu được 1.000 xá lị.

 

Về nơi đặt xá lị và nơi an táng hiện còn đang có những ý kiến khác nhau. Sách Tam tổ Trúc Lâm ghi: Pháp Loa theo lời di chúc của Phật hoàng làm lễ hoả táng, lượm ngọc cốt có năm màu để vào bình. Vua Anh Tông cùng đình thần đem long giá rước ngọc cốt về tôn thờ ở Đức Lăng (Thái Bình) và xây tháp ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, gọi là Huệ Quang Kim Tháp.

 

Lại có tài liệu ghi, xá lị của Trần Nhân Tông được táng ở chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Phả Lại (Hải Dương) còn lại đưa về quê hương Tức Mặc (Nam Định). Vậy có 9 viên xá lị ở chùa Minh Khánh?

 

Như trên đã nói, nơi đặt xá lị và nơi an táng Phật hoàng có rất nhiều tài liệu ghi chép khác nhau. Về tính xác thực đến nay cũng chưa có sự kiểm chứng.

 

Đối với chùa Minh Khánh, theo bia ký thì đây vốn là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông từng ở và qua lại 9 lần. Người từng coi chùa Minh Khánh là cõi tiểu tây phương, nơi khởi sự sơ tu. Sự kiện này được ghi trên bia “Minh Khánh đại danh lam” khắc năm Hồng Thuận 3 (1511): "Tiên triều vua Trần Nhân Tông đã tu hành ở đây mà huyết thư còn lưu, đương thời coi là tiểu tây phương…”.

 

Nếu vậy, khi người mất, rất có thể xá lị của ngài đã được chuyển về đây. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi rõ về việc thất thoát xá lị Phật hoàng: "Pháp Loa thiêu xác của Thượng hoàng được hơn ba nghìn xá lị mang về chùa Tư Phúc ở Kinh sư. Vua có ý ngờ. Các quan nhiều người xin bắt tội Pháp Loa. Hoàng tử Mạnh mới 9 tuổi, đứng hầu bên cạnh, chợt thấy có mấy hạt xá lị ở trước ngực, đưa ra cho mọi người xem, kiểm lại trong hộp thì đã thấy mất một số hạt”.

 

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Bá Khoa, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Thanh Hà, trong hai đạo sắc phong của vua Vĩnh Khánh năm 1731 và Tự Đức 1880 hiện còn lưu giữ trong chùa đều có nói đến 9 viên xá lị Phật hoàng.

 

Trong hồ sơ di tích chùa Minh Khánh được lập để đề nghị xếp hạng cấp quốc gia năm 1990 hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh cũng ghi: “9 viên xá lị, theo truyền thuyết và sắc phong đó là xá lị của Trần Nhân Tông”.

 

Điều đó càng khẳng định 9 hạt xá lị được lưu giữ tại chùa Minh Khánh là xá lị Phật hoàng.

Hiện 9 viên xá lị được nhà chùa và chính quyền nhân dân coi là bảo vật và gìn giữ cẩn thận, tôn nghiêm trong chùa.

 

Sư thầy Thích Diệu Hiển cho biết, bà theo sư cụ về trụ trì tại chùa 26 năm trước. Ngay từ những ngày đầu bà đã nghe nói về sự quý giá của 9 viên xá lị Phật hoàng.

 

Để bảo đảm an toàn, từ nhiều năm nay 9 viên xá lị được nhà chùa và chính quyền địa phương cất giữ, chỉ dịp đặc biệt hoặc lễ hội mới mở.

 

Do công tác an toàn, muốn mở xá lị, phải có sự giám sát của chính quyền địa phương và phải làm lễ.

 

Ông Nguyễn Bá Khoa, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Thanh Hà cho biết: Việc giữ gìn 9 viên xá lị Phật hoàng được coi là nhiệm vụ quan trọng. Ngành văn hóa huyện đang dự kiến sẽ xây dựng một tháp gương đặt hộp xá lị vào đó để cho du khách thập phương và nhân dân viếng thăm.


Nếu làm được việc này, chùa Minh Khánh ngoài là một danh thắng kỳ thú còn là chốn linh thiêng để các Phật tử hành hương chiêm bái


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage