Hỏi: Lý thuyết về nghiệp có tính cách thực nghiệm và khoa học, hay được chấp nhận bằng đức
tin?
Đáp: Ý niệm về nghiệp hữu lý trên nhiều phương diện, nhưng một số người đã hiểu lầm về
nghiệp. Họ cho rằng nghiệp là số mệnh hay tiền định. Nếu một người bị xe đụng hay buôn bán lỗ,
người ta nói: “Họ xui quá, đó là nghiệp của họ
.” Đó không phải là ý niệm về nghiệp trong Phật giáo. Thật ra, câu nói này mang ý niệm về ý
Trời nhiều hơn, điều mà chúng ta không hiểu và cũng không kiểm soát được.
Trong Phật giáo, nghiệp nói về những xung động. Căn cứ vào những hành động ta đã làm trong quá
khứ, những xung năng khởi lên trong tâm ta, khiến ta có những hành động nào đó trong hiện tại.
Nghiệp nói về sự xung động khiến một người đầu tư vào thị trường chứng khoán một ngày trước khi thị
trường xuống giốc hay lên giá. Hoặc một người có xung động, khiến họ băng qua đường đúng ngay lúc
có một chiếc xe trờ tới tông vào họ, mà không băng qua đường năm phút trước hay năm phút sau đó. Sự
sinh khởi của một xung động ngay vào thời khắc đó là kết quả của một hành động hay nhiều hành động
trong quá khứ của đương sự. Ví dụ như, trong một đời trước, người ấy có thể đã tra tấn hay giết
người, thì kết quả của hành vi tiêu cực này là tuổi thọ của đương sự bị rút ngắn lại, thường là
trong một đời khác. Vì thế anh ta bị nghiệp thúc đẩy băng qua đường đúng vào lúc để bị xe đụng.
Một người có thể có xung động la hét hoặc làm hại một người khác. Xung động này đến từ thói quen
tích tụ từ những hành động tương tự trước kia. La rầy hoặc làm hại người khác sẽ tạo nên một tiềm
năng, khuynh hướng và thói quen với hành động này, nên ta sẽ lập lại nó một cách dễ dàng trong
tương lai. La lối với sự nóng giận càng tạo thêm nhiều tiềm năng, khuynh hướng và thói quen để đưa
đến một bối cảnh nóng giận khác.
Hút thuốc là một ví dụ khác. Hút một điếu thuốc tạo ra một tiềm năng cho ta hút thêm điếu nữa,
rồi dần dần ta có khuynh hướng và thói quen hút thuốc. Kết quả là, khi có cơ hội thuận tiện, hoặc
trong đời này, khi được ai mời một điếu thuốc, hoặc trong đời sau, lúc còn bé, khi ta thấy ai hút
thuốc, xung động phát sinh trong tâm, khiến ta hút thuốc. Nghiệp giải thích động năng hút thuốc lá
bắt nguồn từ đâu. Hút thuốc không chỉ tạo ra xung động tinh thần khiến ta tiếp tục hút, nó còn ảnh
hưởng đến những xung động vật chất của thân, ví dụ như bị ung thư vì hút thuốc lá. Như thế, ta thấy
nghiệp rất hữu lý vì nghiệp giải thích những xung động của ta từ đâu đến.
Hỏi: Sự chấp nhận và hiểu biết về đạo Phật có do nghiệp tiền định hay không?
Đáp: Một việc xảy ra do tiền định khác xa với một việc mà ta có thể giải thích được. Nghiệp
có thể giải thích sự chấp nhận và hiểu biết về Phật pháp của ta. Đó là nhờ kết quả của sự học hỏi
và tu hành trong nhiều đời trước, ta có thể lãnh hội Phật pháp dễ dàng hơn trong đời này. Nếu ta đã
quán triệt Phật pháp trong những đời quá khứ thì theo bản năng, ta sẽ lại thấu hiểu giáo pháp trong
đời này. Hay là, nếu chúng ta bị mê lầm trầm trọng từ những đời trước, thì sự mê lầm đó sẽ tiếp tục
trong đời này.
Tuy nhiên, theo Phật giáo, mọi việc đều không do tiền định. Không có số mạng hay vận số. Khi
nghiệp được giải thích như những sự xung động, nó ngụ ý là chúng ta có thể chọn lựa việc hành động
hay không hành động theo sự xung động này. Dựa vào những hành động ta đã làm trong đời này và những
đời trước, ta có thể giải thích hay tiên đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai. Chúng ta biết
những hành động có tính cách xây dựng sẽ đem lại kết quả tốt, và hành động phá hoại sẽ đem đến kết
quả không như ý. Tuy nhiên, một nghiệp quả sẽ chín như thế nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, vì
vậy, nó có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Một tỷ giảo là: Nếu ta ném một quả bóng lên trời,
ta có thể đoán nó sẽ rơi xuống. Tương tự như vậy, dựa vào những hành động đã qua, ta có thể tiên
đoán điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, nếu ta chụp quả bóng, thì nó sẽ không rơi xuống
đất. Tương tự như thế, tuy ta có thể tiên đoán được những gì sẽ xảy ra trong tương lai, dựa vào
những hành vi trong quá khứ, nhưng không có gì là tuyệt đối, do số mạng định đoạt và được khắc ghi
trên đá rằng chỉ có kết quả này sẽ xảy ra trong tương lai mà thôi. Các khuynh hướng, hành động,
tình huống khác và v.v... có thể ảnh hưởng sự chín muồi của nghiệp.
Mỗi khi tâm ta có một xung động, thúc đẩy ta làm việc gì, ta có một sự chọn lựa, làm hay không
làm. Chúng ta không phải như trẻ con hành động theo sự thúc đẩy trong tâm tưởng của chúng. Nói cho
cùng, chúng ta đã tập cách đi tiểu tiện, tức là ta đã tập không phản ứng tức thời khi sự xung động
phát sinh. Điều này cũng đúng đối với việc bốc đồng nói những gì có hại người khác, hay làm một
việc ác. Khi một xung động như thế nảy ra trong đầu, ta có thể lựa chọn, “Mình nên làm hay không
nên làm điều này?” Con người và súc vật khác nhau ở chỗ con người có khả năng suy nghĩ và phân biệt
giữa hành động xây dựng hay phá hoại. Đây là một lợi điểm rất lớn khi được làm người.
Vì vậy, nhờ có chánh niệm mà ta nhận biết khi các xung động đang nảy sinh, và ta có thể chọn lựa
việc ta nên làm. Rất nhiều phương pháp tu hành trong đạo Phật liên quan đến việc phát triển chánh
niệm. Khi chúng ta chậm rãi lại, ta sẽ thấy rõ những gì ta đang suy nghĩ, những gì ta sẽ nói hay
làm. Cách hành thiền bằng hơi thở, quan sát hơi thở ra vào, cho ta một khoảng trống để biết khi nào
sự xung động đang khởi lên. Ta bắt đầu quan sát: “Tôi có ý muốn nói những lời làm tổn thương người
khác. Nếu nói ra thì sẽ gây nhiều phiền phức, nên tôi sẽ không nói.” Ta có thể lựa chọn. Nếu không
có chánh niệm, các ý tưởng và xung động có thể ồ ạt đến và ta không thể lựa chọn một cách khôn
khéo. Chúng ta chỉ hành động theo những xung động nhất thời và điều này thường đem lại nhiều phiền
toái trong cuộc sống cho ta.
Vì thế, ta không thể nghĩ rằng tất cả mọi việc, như sự hiểu biết hay khả năng lãnh hội giáo pháp
của ta, đều do tiền định. Ta có thể tiên đoán tương lai, nhưng ta vẫn có một khoảng trống rộng mở
để có thể thay đổi.
Hỏi: Con chiên của các đức tin tôn giáo khác có gánh chịu nghiệp hay không?
Đáp: Có chứ, người ta không cần phải tin vào nghiệp, nhưng vẫn bị nghiệp chi phối. Nếu chúng
ta dẫm chân mạnh, ta sẽ bị đau chân mặc dầu ta không tin vào nhân quả. Dù chúng ta nghĩ chất độc là
một thức uống ngon, nhưng khi uống vào ta vẫn sẽ bị bệnh. Tương tự như thế, dù ta tin hay không tin
nhân quả, nếu ta hành động theo một phương hướng nào đó, ta vẫn sẽ gặt hái kết quả của những việc
ta làm.
Hỏi: Có phải tôi là sự nối tiếp của một người khác đã sống trước đây không? Thuyết tái sinh
của nhà Phật có tính cách khoa học hay siêu hình? Ông đã nói rằng đạo Phật rất hợp lý và khoa học,
vậy thuyết tái sinh có những tính chất này hay không?
Đáp: Có vài điểm cần nói đến ở đây. Một là làm sao ta chứng minh điều gì một cách khoa học?
Điều này đưa đến vấn đề khác là làm sao chúng ta biết được sự vật bằng căn cứ vững chắc? Theo giáo
lý nhà Phật, có hai phương pháp để ta nhận biết sự vật với căn cứ vững chắc: bằng sự nhận thức trực
tiếp và suy diễn. Chúng ta có thể làm một thí nghiệm để kiểm chứng sự hiện hữu của sự vật qua nhận
xét của các giác quan. Tuy nhiên, có nhiều việc, hiện nay, ta không thể biết được bằng sự nhận thức
của giác quan, vì thế, ta phải dựa vào luận lý, lý do và sự suy diễn. Tái sinh là vấn đề rất khó
chứng minh với sự nhận thức bằng giác quan, mặc dù đã có một câu chuyện về một vị thầy trong thời
xa xưa ở Ấn Độ đã chết đi, tái sinh và nói với nhà vua rằng, “Tôi đã trở lại đây”, để chứng minh
với vua là việc tái sinh có thật. Có rất nhiều trường hợp về những người nhớ lại kiếp quá khứ của
họ và nhận ra nhiều vật dụng hoặc người quen của họ từ đời trước.
Dù không kể đến những chuyện này, tái sinh vẫn hoàn toàn hợp lý. Đức Dalai Lama đã tuyên bố nếu
có những điểm nào không đúng sự thật, Ngài sẽ sẵn sàng loại bỏ chúng ra khỏi Phật pháp. Điều này áp
dụng cho cả tái sinh. Thật ra, Ngài đã tuyên bố điều này khi Ngài đang nói về tái sinh. Nếu các
khoa học gia có thể chứng minh tái sinh không có thật, thì chúng ta phải phủ nhận nó. Trái lại, nếu
các khoa học gia không chứng minh được điều này thì căn cứ theo lý luận và các phương pháp khoa học
họ đã sử dụng để cởi mở trong việc tìm hiểu về những điều mới lạ, họ phải nghiên cứu xem táí sinh
có thật hay không. Để chứng minh không có tái sinh, họ sẽ phải chứng minh là nó không hề hiện hữu.
Nếu chỉ nói rằng “Không có tái sinh vì tôi không thấy nó bằng mắt của tôi”, thì không chứng minh
được là tái sinh không tồn tại. Có rất nhiều vật hiện hữu mà ta không thể nhìn thấy chúng bằng mắt
của mình.
Nếu các khoa học gia không chứng minh được là tái sinh không tồn tại, họ có nhiệm vụ phải nghiên
cứu xem tái sinh thật sự hiện hữu hay không. Phương pháp khoa học là đưa ra một giả thuyết dựa vào
một số dữ kiện, và xem giả thuyết đó có giá trị hay không. Vì thế, chúng ta nhìn vào các dữ kiện.
Ví dụ như các trẻ sơ sinh khi chào đời, chúng không giống như những băng thâu âm còn mới tinh.
Chúng đều có những thói quen và cá tính ngay lúc còn rất bé. Điều này từ đâu đến?
Nếu ta nói những thói quen và cá tính này đến từ sự tiếp nối về thể chất của cha mẹ, từ tinh
trùng và trứng thì không hợp lý. Không phải mỗi một tinh trùng và trứng nào kết hợp với nhau và
được cấy vào trong tử cung đều sẽ phát triển thành bào thai. Sự khác biệt khi bào thai thành hình
và không thành hình khác nhau ra sao? Điều gì tạo ra thói quen và bản năng của đứa trẻ? Ta có thể
nói do DNA và gen di truyền. Điều này thuộc về mặt thể chất, và không ai chối cãi đây là tiến trình
thành hình của bào thai trên bình diện vật chất. Nhưng làm sao ta có thể giải thích về phương diện
kinh nghiệm? Làm thế nào để giải thích về mặt tâm thức?
Trong tiếng Anh, chữ
tâm không có cùng ý nghĩa với danh từ trong Tạng ngữ hay Phạn ngữ mà nó phải dịch ra. Trong
các ngôn ngữ nguyên thủy, “tâm” nói về hoạt động tinh thần hay những sự kiện tinh thần, chứ không
phải là cái gì đó đang làm hoạt động ấy. Hoạt động hay sự kiện này là sự nhận thức phát khởi lên về
các pháp như ý nghĩ, hình ảnh, tiếng động, cảm xúc, cảm giác v.v... và có một sự nhận thức liên
quan với chúng - cái thấy, nghe, thấu hiểu hay không thấu hiểu chúng. Hai đặc tính này của tâm
thường được dịch là “trong sáng” và “ý thức”, nhưng những danh từ Anh ngữ này cũng tạo sự lầm
lạc.
Hoạt động tinh thần của sự phát khởi của những đối tượng của tâm và sự liên hệ với những đối
tượng này trong một con người đến từ đâu? Ở đây, chúng ta không đề cập đến nguồn gốc của thân thể,
vì dĩ nhiên nó đến từ cha mẹ. Ta cũng không đề cập đến trí thông minh và v.v..., vì ta cũng có thể
lý luận là chúng dựa trên cơ sở di truyền, nhưng nếu ta cho rằng sở thích của môt người là kem
sôcôla là do gen di truyền quyết định thì hơi quá đáng.
Ta có thể cho rằng một vài sở thích của ta có thể bị ảnh hưởng của gia đình, điều kiện kinh tế
hay môi trường xã hội. Tất cả các yếu tố này chắc chắn có ảnh hưởng đến những gì ta làm, nhưng khó
mà giải thích tất cả những gì ta làm bằng cách này. Ví dụ như trường hợp của tôi, tại sao tôi lại
thích yoga từ thuở bé? Không một ai trong gia đình hay xã hội của tôi thích yoga cả. Có một số sách
viết về đề tài này ở nơi tôi sinh trưởng, nên bạn có thể nói xã hội đã tạo ra chút ảnh hưởng đối
với sở thích của tôi, nhưng tại sao tôi lại thích đọc các sách về hatha yoga (khống chế du già)?
Tại sao tôi chọn các sách ấy? Đó là một câu hỏi khác.
Ta hãy gác những chuyện này qua một bên để trở lại câu hỏi quan trọng là hoạt động của sự phát
khởi của các pháp và sự nhận thức liên hệ với những đối tượng này đến từ đâu? Khả năng nhận thức
này từ đâu đến? Mầm sống bắt nguồn từ đâu ? Cái gì đã làm cho sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng
có sự sống? Cái gì đã làm cho sự phối hợp này trở thành con người? Những điều như tư tưởng và thị
giác nhờ đâu mà phát sinh, cái gì tạo ra sự nhận thức liên quan với chúng, điều gì là phương diện
kinh nghiệm của những phản ứng hóa học và điện tử của não bộ?
Ta không dễ nói rằng hoạt động tinh thần của một đứa trẻ sơ sinh đến
từ cha mẹ nó, vì nếu điều
này là sự thật thì nó đã bắt nguồn từ cha mẹ bằng cách nào? Phải có một
cơ cấu nào liên hệ trong
đó. Liệu mầm sống ấy, được biểu thị bằng sự nhận thức các sự vật xung
quanh, có đến từ cha mẹ theo
cùng hình thức mà tinh trùng và trứng đã bắt nguồn từ cha mẹ không? Nó
đến vào lúc cực điểm của sự
giao cấu hay là lúc trứng rụng? Nó đến từ tinh trùng hay từ trứng? Nếu
chúng ta không biết một cách hợp lý, với sự chứng minh của khoa học là
nó đến từ thời điểm nào từ cha mẹ, thì ta
phải tìm một cách giải thích khác.
Theo cái nhìn thuần lý thì các hiện tượng có chức năng đều sinh khởi từ sự tiếp nối của chính
nó, từ những khoảnh khắc trước đó của một cái gì cùng thể loại với hiện tượng ấy. Ví dụ như một
hiện tượng vật lý, thuộc về vật chất hay năng lượng, đến từ những vật chất hay năng lượng hiện hữu
từ khoảnh khắc trước đó. Nó là một sự tiếp nối.
Hãy lấy sự sân hận làm một ví dụ. Một mặt, ta có thể nói đến năng lượng vật lý ta cảm nhận được
khi cơn giận đến. Mặt khác, ta hãy xét về hoạt động tinh thần của sự cảm nhận về sự sân hận, cảm
nhận sự sinh khởi và ý thức hay không ý thức về cảm giác này. Ý thức cảm nhận được sự nóng giận có
những khoảnh khắc trước của nó thuộc vào một dòng ý thức tiếp nối trong đời này, nhưng trước đó thì
nó từ đâu đến? Một là nó phải đến từ cha mẹ, nhưng cách nó đến như thế nào thì chưa được giải
thích; hoặc nó phải đến từ Thượng Đế. Tuy nhiên, đối với một số người, lý luận mâu thuẫn về một
đấng quyền năng tuyệt đối tạo ra ý thức là một vấn đề. Để tránh những vấn đề này, giải pháp khác để
giải thích là khoảnh khắc đầu tiên của sân hận trong đời của một người bắt nguồn từ một khoảnh khắc
trước của một sự tiếp nối tương tục. Chính thuyết tái sinh giải thích nó theo cách này.
Ta có thể cố gắng hiểu về tái sinh theo hình thức của một cuốn phim. Cũng như cuốn phim là một
sự tiếp nối của nhiều tấm ảnh khác nhau, dòng tâm thức của chúng ta là sự tiếp nối liên tục của sự
ý thức về mọi hiện tượng suốt cả đời, từ đời này sang đời khác. Không có một thực thể vững chắc mà
ta có thể tìm thấy được, như là “tôi” hay “tâm tôi”, được tái sinh. Tái sinh không phải như một pho
tượng nhỏ ngồi trên một tấm băng tải di động, đi từ cuộc đời này qua đời khác. Đúng hơn, nó giống
như một cuốn phim, biến đổi không ngừng. Mỗi khung hình đều khác nhau nhưng có một sự tiếp diễn
liên tục, và khung hình nào cũng liên quan với khung kế tiếp. Tương tự như vậy, có một sự thay đổi
liên tục của những khoảnh khắc ý thức về các pháp, mặc dù một số khoảnh khắc trong dòng ý thức này
là vô ý thức. Hơn nữa, tựa như tất cả các bộ phim, không có phim nào giống nhau, mặc dù chúng đều
được gọi là phim, tương tự như vậy, tất cả các dòng tâm thức hay “các tâm thức” không phải là một
tâm thức duy nhất. Có hằng hà sa số những dòng ý thức tương tục riêng biệt thức giác về vạn
pháp.
Đây là những lý lẽ ta có thể bắt đầu nghiên cứu vấn đề từ một quan điểm hợp lý và khoa học. Nếu
có một lý thuyết nào hợp lý, ta có thể nhìn sâu hơn vào sự kiện là có người đã nhớ lại những đời
quá khứ của họ. Nhờ đó, chúng ta khảo sát sự hiện hữu của tái sinh bằng việc tiếp cận với khoa
học.
Hỏi: Phật giáo cho rằng không có linh hồn hay tự ngã, thế thì cái gì tái sinh?
Đáp: Tái sinh không tương tự như là có một linh hồn như một pho tượng nhỏ cụ thể, hoặc một
người ngồi trên tấm băng tải di động, đi từ đời sống này qua đời khác. Tấm băng tải di động tượng
trưng cho thời gian và hình ảnh mà nó tượng trưng là một cái gì rắn chắc, một cá tính bất biến hay
một linh hồn gọi là “tôi”, trải qua dòng thời gian; “Hiện nay,
tôi còn trẻ, bây giờ,
tôi già nua; hiện giờ,
tôi đang sống trong kiếp này, bây giờ,
tôi đang sống trong kiếp kia.” Đây không phải khái niệm về tái sinh của đạo Phật. Đúng hơn,
khái niệm về tái sinh trong Phật giáo giống như một cuốn phim. Có một sự tiếp nối trong một cuốn
phim, và những hình ảnh tạo ra một sự diễn biến liên tục ấy.
Phật pháp không cho rằng tôi sẽ trở thành anh, hay tất cả chúng ta là một. Nếu tất cả chúng ta
là một, và tôi là anh, thì khi cả hai chúng ta đói bụng, anh có thể ngồi chờ trong xe trong lúc tôi
đi ăn. Sự việc không phải như thế. Mỗi người chúng ta đều có một dòng diễn biến tâm thức riêng
biệt. Sự diễn biến trong phim của tôi sẽ không trở thành cuốn phim đời anh, nhưng cuộc sống chúng
ta diễn ra như những chuyện phim theo cách là nó không có gì cụ thể và cố định. Cuộc sống trôi qua
từ hình ảnh này qua hình ảnh khác. Nó đi theo một trình tự dựa vào nghiệp, nên nó tạo ra một sự
tiếp diễn liên tục.
Hỏi: Các xung động được tàng trữ và phát khởi như thế nào trong tâm?
Đáp: Việc này khá phức tạp. Chúng ta hành động theo một cách nào đó, ví dụ như ta hút một
điếu thuốc lá. Hành động này cần một số năng lượng và nó tạo ra một tiềm năng hay một năng lực để
hút điếu khác. Có một loại năng lượng thô thiển mà khi một hành động chấm dứt thì năng lượng thô
này cũng hết. Tuy nhiên, ta còn có một loại năng lượng vi tế, một năng lượng tiềm tàng cho sự tái
diễn của hành động này. Năng lượng vi tế của tiềm năng hút thuốc này được mang theo với một năng
lượng vi tế nhất đi kèm với tâm vi tế nhất; tâm này đi từ kiếp này sang kiếp khác. Nói một cách đơn
giản hơn là khi ta đề cập đến tâm vi tế nhất là nói đến những hoạt động vi tế nhất của tánh giác và
tánh trong sáng, trong khi năng lượng vi tế nhất là năng lượng vô cùng vi tế duy trì sự sống,
chuyên hỗ trợ những hoạt động này. Cả hai hợp lại tạo nên mầm sống và chúng đi từ đời này qua đời
khác. Các tiềm năng của nghiệp cũng được mang theo với mầm sống này.
Khuynh hướng và thói quen cũng được mang theo, nhưng chúng không phải là vật chất. Thói quen là
gì? Ví dụ chúng ta có thói quen uống trà vào mỗi sáng. Thói quen này không phải là chén trà, cũng
không phải là tâm ta nghĩ rằng, “Uống trà đi.” Nó chỉ là một tiến trình của những hành động tương
tự, đó là việc uống trà nhiều lần. Nhờ nó, ta có thể nói hay “quy gán” rằng có một thói quen uống
trà. Ta đặt tên cho diễn tiến này là “thói quen uống trà”. Một tập khí không thuộc về vật chất, mà
là một khái niệm trừu tượng được đặt ra bằng cách ta nói về một tiến trình của những sự kiện quen
thuộc. Dựa vào đó, ta có thể tiên đoán được là một điều gì tương tự sẽ xảy ra trong tương lai.
Những thói quen, bản năng hay khuynh hướng được đưa vào tương lai một cách tương tự như vậy.
Những gì được mang vào tương lai không phải là vật chất. Tuy nhiên, dựa vào những khoảnh khắc tiếp
nối của dòng tư tưởng, ta có thể nói vì có những khoảnh khắc tương tự nhau đã xảy ra vào lúc này và
lúc kia, nên những khoảnh khắc tương tự sẽ xảy ra trong tương lai.
Hỏi: Nếu sự sống liên hệ với sự chuyển di của tâm thức thì nó có sự khởi đầu hay không?
Đáp: Phật giáo cho rằng không có một khởi điểm, vì điều này không hợp lý. Sự tiếp nối của
vật chất, năng lượng và dòng tâm thức của mỗi cá thể đều không có khởi điểm. Nếu như có, thì khởi
điểm này từ đâu đến? Trước sự khởi điểm đó là gì?
Một số người sẽ nói: “Chúng ta cần có
một khởi điểm. Vì thế, Thượng Đế đã tạo ra tất cả.” Họ
khẳng định có một đấng tạo hóa với nhiều tên khác nhau, tùy theo các tôn
giáo. Câu hỏi mà một Phật
tử sẽ đặt ra là, “Thượng Đế đó đến từ đâu? Vị này có một khởi điểm
không?” Câu trả lời có thể là, “Thượng Đế không có khởi điểm”, thế thì
nhà tranh luận Phật giáo sẽ thốt lên “À há, thì ra là không
có sự khởi điểm.” Hoặc là họ phải chỉ rõ một vật gì hay một người nào đó
đã tạo ra Thượng Đế, như
vậy thì họ đã đi ngược lại với triết lý của chính họ.
Một người vô thần thì nói, “Không có Trời. Tất cả mọi thứ đều đến từ cái không có gì cả. Vũ trụ
được tạo nên từ cái không. Dòng tâm thức của ta cũng đến từ cái không.” Thế thì chúng ta sẽ hỏi, “
Thế thì cái không này từ đâu đến?” Họ sẽ trả lời, “Cái không này lúc nào cũng có mặt. Nó không có
sự khởi đầu.” Thế là một lần nữa, chúng ta cũng trở lại sự vô thủy. Dù câu trả lời là gì đi nữa thì
nó vẫn trở về với sự vô thủy.
Nếu vô thủy là cách trả lời hợp lý duy nhất ta có thể có, ta hãy thử suy xét điều này: “Có thể
nào một vật có chức năng xuất xứ từ cái không có gì cả hay không? Làm sao không có thể sanh ra một
vật gì?” Điều này không hợp lý, vì các pháp đều phải có nguyên nhân. Như vậy, sự giải thích là có
một đấng tạo hóa có hợp lý không? Chúng ta cần phải khảo sát sự khẳng định này rõ ràng hơn nữa. Ví
dụ có một đấng quyền năng vô hạn hay một vụ Big Bang thuần vật lý đã sáng tạo ra tất cả, thế thì sự
sáng tạo này có xảy ra do ảnh hưởng của một động cơ, một mục tiêu hoặc hoàn cảnh nào không? Nếu có
thì điều gì đã ảnh hưởng sự sáng tạo ra vạn vật, trước khi vạn vật được sáng tạo ra? Điều này không
hợp lý. Nếu có một đấng tạo hóa đầy lòng bi mẫn và hiện hữu từ vô thủy, thì làm thế nào đấng tạo
hóa ấy lại sáng tạo ra lòng bi mẫn? Lòng bi mẫn đã tồn tại sẵn rồi.
Giả thuyết thứ ba mà ta có thể xem xét là sự vật có thể tiếp nối mà không hề có sự khởi thủy hay
không? Đây là một sự tiếp cận có tính cách khoa học hơn, phù hợp với ý niệm là vật chất không bị
hủy diệt cũng không được tạo ra, chúng chỉ biến thể thôi. Những dòng tâm thức riêng biệt cũng vậy.
Chúng không có khởi điểm, và vạn pháp biến đổi vì sự tương quan lẫn nhau, do nhân duyên mà ra.
Hỏi: Đức Phật nói với các đệ tử của mình rằng Ngài không phải là Thượng Đế. Nếu thế thì việc
cầu nguyện đóng vai trò gì trong Phật giáo?
Đáp: Vấn đề chánh trong sự cầu nguyện là câu hỏi: 'Liệu một người khác có khả năng loại trừ
hết những đau khổ và vấn đề của chúng ta hay không?' Đức Phật đã nói rằng không ai có thể loại trừ
tất cả các vấn đề của ta, tựa như nắm hai tai con thỏ và kéo nó ra khỏi chốn hiểm nguy. Điều này
không thể xảy ra. Chúng ta phải tự chịu trách nhiệm về những gì xảy ra cho ta. Vì thế, nếu ta muốn
tạo nhân hạnh phúc và tránh các nhân tạo ra khổ đau, ta cần phải giữ giới thanh tịnh. Nếu ta muốn
cải thiện cuộc sống hiện tại, ta phải tự thay đổi thái độ và hành vi của mình để ảnh hưởng những
điều sẽ xảy ra trong tương lai.
Trong Phật giáo, khi cầu nguyện, ta không van xin Phật cho ta một chiếc xe Mercedes. Không ai ở
trên trời có thể cho ta điều này. Thật ra khi cầu nguyện, ta đang tạo ra một mong ước mãnh liệt để
một điều gì sẽ xảy ra. Hành động và thái độ của ta làm cho nó thành tựu, nhưng dù sao đi nữa, Phật
và Bồ Tát có thể truyền nguồn cảm hứng cho ta.
Đôi khi, chữ “truyền nguồn cảm hứng” được dịch là “ban phước”, nhưng đây là một cách dịch không
chính xác. Phật và Bồ Tát có thể truyền nguồn cảm hứng cho ta bằng tấm gương của các vị. Các ngài
có thể giảng dạy và chỉ dẫn cho ta con đường, nhưng ta phải tự thực hành những điều ấy. Như câu ngụ
ngôn nói rằng, “Ta có thể dẫn con ngựa đến hồ nước, nhưng ta không thể uống nước giùm nó”. Con ngựa
phải tự nó uống nước. Tương tự như thế, ta phải tự mình tiến bước trên đường tu và đạt đuợc các
thực chứng để chấm dứt những vấn đề của mình. Ta không thể giao trách nhiệm đó cho một đấng toàn
năng ở bên ngoài và nghĩ rằng, “Ngài có nhiều quyền năng, xin Ngài hãy tu hành cho con. Con xin phó
thác đời mình trong tay Ngài. Đúng ra, trong Phật giáo, chúng ta nhìn tấm gương của chư Phật để có
được nguồn cảm hứng khích lệ và nâng đỡ. Bằng sự giáo huấn và nguồn cảm hứng từ chư Phật, các ngài
hướng dẫn và giúp đỡ ta. Tuy nhiên, ta phải phát triển tiềm năng của chính mình để thọ nhận sự gia
hộ ấy. Ta phải tự làm những công việc căn bản.
Phật giáo đã bị hiểu lầm rất nhiều do những sai lầm trong việc dịch thuật các khái niệm và danh
từ sang Anh ngữ và các ngôn ngữ khác. Ví dụ, có nhiều từ ngữ sử dụng trong các sách Phật pháp
chuyển dịch sang Anh ngữ được các tác giả viết tự điển Phật pháp đặt ra vào thế kỷ trước, hoặc sớm
hơn nữa. Các nhà học giả tiên phong này thường xuất xứ từ các hội truyền giáo hoặc từ các nguồn gốc
Victorian, nên họ đã chọn những từ ngữ bắt nguồn từ nền giáo dục của họ. Tuy nhiên, những từ ngữ họ
sử dụng không diễn tả ý nghĩa trong Phật giáo một cách chính xác. Vì thế, khi đọc những từ ngữ này,
ta nghĩ chúng có cùng một nghĩa như trong bối cảnh của Cơ Đốc giáo hay Victorian, nhưng sự thật thì
không phải vậy.
Ví dụ những từ như
ban phước, tội lỗi, đạo đức, thất đức, xưng tội và v.v… Trong Cơ Đốc giáo có nghĩa là sự
phán xét về đạo đức, thưởng và phạt. Tuy nhiên, khái niệm Phật giáo không phải là như thế. Nó tương
tự như từ “ban phước”. Những từ ngữ này xuất xứ từ một nền văn hóa hoàn toàn khác hẳn. Vì thế, khi
nghiên cứu Phật giáo, điều vô cùng quan trọng là ta phải tẩy sạch ảnh hưởng của văn hóa trong ý
nghĩa của các từ ngữ mà các dịch giả tiên phong đã sử dụng. Họ là những vị đi đầu trong ngành
Nghiên Cứu Phật học và chúng ta cần phải biết ơn sự nỗ lực vĩ đại của họ. Tuy nhiên, giờ đây chúng
ta phải trở lại nguyên bản các kinh sách và thấu hiểu các khái niệm trong Phật giáo theo định nghĩa
của các ngôn ngữ này và chuyển dịch chúng ra Anh ngữ một cách phù hợp với ý nghĩa của chúng.
Hỏi: Đạo Phật nghĩ gì về thuyết tiến hóa của Darwin?
Đáp: Thuyết tiến hóa nói về sự tiến hóa của các cơ thể mà dòng tâm thức có thể sử dụng để
tái sinh qua nhiều thời kỳ trong lịch sử của trái đất. Thuyết này không diễn tả sự tiến hóa của các
cơ thể mà một dòng tâm thức cá thể nào sẽ tái sinh vào trong những đời kế tiếp. Có sự khác biệt lớn
giữa các hình thể có đời sống vật chất trên hành tinh này, và sự tiếp nối liên tục của các dòng tâm
thức thọ sanh trong các hình thể ấy.
Sự giải thích về sự tiến hóa trong các kinh văn Phật giáo có thể hơi kỳ lạ đối với chúng ta.
Kinh văn nói về những chúng sanh ở những hoàn cảnh tốt đẹp hơn chúng ta trong quá khứ rồi dần dần
bị suy thoái. Điều này cần được nghiên cứu xem có thật hay không. Không phải điều gì cũng có thể
được khoa học chứng thực và Đức Dalai Lama sẽ vui lòng gác qua một bên những gì không được khoa học
chứng minh. Các bậc thầy có thể đã đưa ra những giải thích lạ lùng vì những lý do đặc biệt nào đó
mà họ không muốn cho ta hiểu theo nghĩa đen. Có thể chúng liên quan đến sự thật về các khía cạnh
tâm lý hay xã hội.
Tuy nhiên, trên bình diện tiến hóa, quả đã có những con khủng long sống trước đây và nay đã bị
diệt chủng. Hiện nay, không còn có nghiệp hoặc các xung động để chúng sanh tái sinh dưới dạng khủng
long trên hành tinh này nữa. Có những nền tảng vật chất khác nhau để các dòng tâm thức dùng làm
thân thể hiện nay. Điều này không mâu thuẫn với sự giải thích của nhà Phật về các nền tảng vật chất
được sử dụng trong việc tái sinh có thể thay đổi theo thời gian.
Các nhà khoa hoc đã hỏi Đức Dalai Lama trong một buổi thảo luận là liệu máy điện toán có thể trở
thành một chúng sanh hữu tình hay không: Có thể nào một ngày nào đó, máy điện toán sẽ có một tâm
thức hay không? Câu trả lời của Ngài rất thú vị, rằng nếu máy điện toán hoặc một người máy có đủ
tinh vi để trở thành nền tảng cho một dòng tâm thức, thì không có lý do gì dòng tâm thức đó không
thể kết hợp với một máy điện toán hoàn toàn vô cơ để làm nền tảng vật chất cho đời sống của nó.
Điều này còn đi xa hơn thuyết Darwin nữa.
Điều này không có nghĩa là máy điện toán là một tâm thức. Nó không có nghĩa là ta có thể chế ra
một tâm thức nhân tạo trong máy điện toán. Tuy nhiên, nếu máy này đủ tinh vi thì một dòng tâm thức
có thể kết hợp với máy và dùng nó như cơ sở vật chất.
Những tư tưởng vươn xa như thế khiến con người trong thời đại tân tiến phấn khởi và quan tâm đến
Phật giáo. Phật tử có can đảm và sẵn sàng thảo luận với các khoa học gia về các vấn đề phổ biến
trong thế giới tân tiến. Nhờ vậy, đạo Phật trở nên sống động và tràn đầy sinh khí. Không những có
được một trí tuệ cổ xưa từ dòng truyền thừa không gián đoạn từ Đức Phật Thích Ca, mà đạo Phật còn
sống động và đối phó với những vấn đề trong hiện tại và tương lai.
Hỏi: Khi một người đạt Phật quả thì điều gì sẽ xảy ra cho dòng tâm thức của họ?
Đáp: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi phải giải thích là Đức Phật đã giáo hóa rất nhiều
chúng sanh và không phải ai cũng như nhau. Chúng ta có những tâm tính và khả năng khác nhau. Đức
Phật vô cùng thiện xảo và đã giáo hóa bằng nhiều pháp môn khác nhau để phù hợp với căn cơ của mỗi
người. Vì thế, những truyền thống lớn của các giáo huấn trong Phật giáo là Tiểu thừa dành cho các
hành giả trung căn, và Đại thừa cho những người có tâm rộng lớn. Trong số mười tám trường phái Tiểu
thừa đã tồn tại từ thời cổ xưa, hiện chỉ còn lại tông Nguyên Thủy.
Nếu Phật nói với một ai đó có nguyện ước và mục đích trung bình là dòng tâm thức của mọi chúng
sanh sẽ trường tồn mãi mãi, thì người này có thể thối chí. Một số người bị chìm đắm trong những khó
khăn của họ, nên đối với những người này, Đức Phật nói rằng, “Con có thể thoát khỏi những vấn đề
của mình, trở thành một bậc giải thoát, một
A La Hán, và chứng
niết bàn. Khi chết, con sẽ nhập
niết bàn. Đến lúc đó, dòng tâm thức của con sẽ chấm dứt giống như một ngọn nến đã cháy hết
sáp.” Đối với người này, giải thích này rất khích lệ, vì họ muốn vĩnh viễn thoát khỏi chu kỳ của
tái sanh và phiền não tái diễn không ngừng, để không bị chúng quấy nhiễu nữa. Thế nên, điều này hữu
hiệu cho loại người này. Tuy nhiên, ta nên chú ý là Đức Phật không hề dạy là cuối cùng thì tất cả
các dòng tâm thức đều sát nhập thành một dòng như nước sông đổ ra biển. Đây là giải thích của Ấn Độ
giáo.
Đối với những người có tâm lượng rộng lớn, Đức Phật sẽ nói: “Cách giải thích trên nhằm lợi hành
cho chúng sanh có trung căn, nhưng đó không phải là ý chỉ thật của ta, vì thật ra dòng tâm thức
tiếp nối mãi mãi. Sau khi đã tiêu diệt hết các vấn đề và chứng ngộ niết bàn, phẩm chất của tâm thức
con sẽ thay đổi, nó sẽ không tiếp diễn một cách khuấy động như trước nữa.” Vì vậy, đối với những
người có tâm lượng rộng lớn, mong cầu giác ngộ, thì Đức Phật dạy là dòng tâm thức tiếp nối mãi mãi,
vô thủy vô chung. Khi các bậc giác ngộ rời khỏi thân xác, tâm thức của các vị vẫn tiếp diễn.
Có một sự khác biệt giữa các vị A La Hán đã giải thoát, đã chứng niết bàn và các vị Phật, những
bậc toàn giác. Trong khi các A La Hán đã thoát khỏi các vấn đề, nỗi khổ và các nguyên nhân của
chúng, các vị Phật là những bậc đã hoàn toàn siêu vượt các giới hạn và đã chứng ngộ tất cả tiềm
năng để lợi hành chúng sanh một cách hiệu quả nhất.
Hỏi: Niết bàn có thường hằng không? Khi giác ngộ, ta có được tâm xả, tức là không vui cũng
không buồn. Như thế hơi tẻ nhạt hay không?
Đáp: Ta cần phải cẩn thận khi dùng chữ
thường hằng. Đôi khi nó được hiểu như cố định và không bao giờ thay đổi. “Thường hằng” cũng
có nghĩa là vững bền mãi mãi. Khi đạt được niết bàn, ta đã vĩnh viễn dứt triệt mọi vấn đề. Trạng
thái đó kéo dài vô tận, vì một khi các vấn đề đã chấm dứt thì chúng không bao giờ trở lại nữa.
Tương tự như vậy, sự siêu vượt qua mọi giới hạn cũng không thay đổi. Tuy vậy, ta đừng nghĩ rằng vì
niết bàn thường hằng, nên nó rắn chắc và cụ thể, và chúng ta không làm gì cả trong trạng thái ấy.
Hoàn toàn không phải như vậy. Khi đạt được niết bàn, ta vẫn hoạt động và tiếp tục giúp đỡ các chúng
sanh khác. Niết bàn không thường hằng theo ý nghĩa là tất cả các hoạt động đều ngưng lại và không
có gì xảy ra nữa. Ta phải dùng chữ
thường hằng một cách chính xác hơn và ý thức được các ý nghĩa của nó. Trạng thái niết bàn tự
nó không thay đổi. Thành tựu trong việc loại trừ tất cả các giới hạn của ta cũng không thay đổi; nó
sẽ trường tồn miên viễn. Tuy nhiên, hành giả nào đạt được trạng thái này vẫn sẽ tiếp tục hoạt
động.
“Tâm xả” cũng có nhiều ý nghĩa. Có thể hiểu nó là một cảm giác trung tính, không hạnh phúc cũng
không đau khổ, nhưng đó không phải là điều chư Phật đã thực chứng. Một số chư Thiên khi nhập định
sâu xa, họ vượt qua những khổ thọ hay lạc thọ, và có được một cảm thọ hoàn toàn trung tính. Nhưng
các vị Phật đã xả bỏ luôn những cảm thọ trung tính ấy, vì nó liên kết với sự mê lầm. Khi ta diệt
trừ được mọi vấn đề và giới hạn, ta phóng thích một nguồn một năng lượng phi thường đã bị giam hãm
vì các chứng loạn thần kinh, lo âu và phiền muộn. Ta kinh qua sự phóng thích của nguồn năng lượng
không liên hệ với bất cứ sự mê lầm nào, và nó vô cùng an lạc. Nó hoàn toàn khác hẳn với niềm hạnh
phúc tầm thường đi đôi với sự mê lầm, và nó không phải là một cảm thọ trung tính hay buồn tẻ.
Một ý nghĩa khác của
tâm xả nói về tâm bình đẳng của Đức Phật đối với chúng sanh. Ở đây, “ tâm xả” không có nghĩa
là sự lãnh đạm, mà là sự chăm sóc và quan tâm cho tất cả chúng sanh một cách đồng đều. Chư Phật
không hề thiên vị, làm ngơ hay ghét bỏ một ai cả.
(Viện Lưu Trữ Phật Pháp Berzin)