Đốt ô-sin gởi xuống âm phủ để phục vụ cho vong linh, việc làm
này gợi nhớ đến tục tuẫn táng, chôn sống hoàng hậu, cung tần mỹ nữ, người hầu,
nô lệ theo các hoàng đế, quan lại ngày xưa sau khi họ chết, một tập tục phi
nhân tính, phi đạo đức. Việc đốt ô-sin bằng giấy tuy không tàn nhẫn, dã man
nhưng đó cũng là việc làm thể hiện sự thiếu đạo đức, thiếu tình người. Bởi hình
tượng ô-sin là hình tượng một con người, một người có cha mẹ, có gia đình, tận
tụy giúp việc, phục vụ cho chủ nhà… Tại sao người ta lại có suy nghĩ chôn người
khác theo người đã chết để làm nô dịch cho người thân của mình, đó là một ý
niệm bất thiện nếu không muốn nói là độc ác. Ở những gia đình có trẻ em, trong
mắt bé thơ, trong suy nghĩ của trẻ nhỏ, ô-sin, bảo mẫu là người thân yêu, gần
gũi, thân thiết như cha mẹ, có khi còn gần gũi hơn cả cha mẹ (đối với những gia
đình mà cha mẹ ít thời gian dành cho con cái), thì việc đốt ô-sin (dù là bằng
giấy) là một hành động nhẫn tâm khó giải thích cho trẻ hiểu khi chúng thắc mắc.
Trẻ sẽ nghĩ gì trước việc làm đó của cha mẹ chúng.
Càng ngày càng có nhiều loại hình đồ mã mới xuất hiện, và
người dân đổ xô mua về đốt cúng mà chẳng biết việc đốt cúng đó có giá trị ý
nghĩa gì, có lợi ích gì cho kẻ còn người mất hay không, chẳng biết nguồn gốc,
xuất xứ của việc cúng những loại đồ mã đó! Từ đó cho thấy sự mê tín của người
dân không có chiều hướng giảm mà còn gia tăng. Việc tin rằng người cõi âm có
thể sử dụng đồ mã thật hết sức si mê mù quáng. Bởi không ai biết gì nhiều về sự
tồn tại của cõi âm và đời sống con người sau khi chết, không ai biết người thân
mình sau khi chết đã đi về đâu, nhưng phần lớn người ta cứ tưởng tượng ra lắm
điều và làm nhiều việc do mình nghĩ ra, kỳ thực những việc đó hết sức hoang
đường.
Những người sử dụng đồ mã không tự hỏi: Trên thế giới có 195
quốc gia, nhưng bao nhiêu quốc gia có tập tục dùng đồ mã? Chỉ là con số tính
đếm trên đầu ngón tay, trong đó chủ yếu là các quốc gia ảnh hưởng nền văn hóa
Trung Quốc. Còn nhiều quốc gia khác trên thế giới không có tập tục đốt cúng đồ
mã, vậy chẳng lẽ người thân của họ sau khi chết không có điều kiện sinh hoạt ở
cõi âm hay sao? Không có cơ sở, bằng chứng nào cho biết người quá cố có thể sử
dụng những đồ mã cúng tế đã bị đốt cháy thành tro bụi hoặc đã bị hoại mục khi
chôn theo người chết.
Hiếm hoi có một vài trường hợp cho biết họ nằm mơ thấy người
chết về báo mộng bảo họ đốt đồ mã hoặc vật dụng của họ lúc còn sống để cúng cho
họ. Điều này cũng không có gì khó hiểu, khoa Tâm lý học, Phân tâm học có thể lý
giải hiện tượng này. Đó chẳng qua là tâm lý nhớ tưởng, quan tâm lo lắng cho
người quá cố về phương diện đời sống ở cõi âm mà người thân mộng thấy thế.
Nhiều trường hợp đốt cúng đồ mã do sự lừa bịp, xúi bảo của những thầy bói, ông
đồng bà cốt giả thần giả quỷ để tạo lòng tin vào những điều mê tín.
Theo lời Phật dạy thì con người sau khi chết, nhờ thiện
nghiệp (phước nghiệp) mà sinh lên cõi trời, hoặc tái sinh trở lại làm người; do
ác nghiệp (tội nghiệp) mà tái sinh làm loài súc sinh hoặc rơi vào loài ngạ quỷ
(quỷ đói, cô hồn, hình thái các vong linh), hoặc đọa địa ngục nếu như khi còn
sống tạo nghiệp cực ác. Tức là tùy theo nghiệp mà tái sinh, tồn tại dưới hình
thái này hay hình thái khác. Đâu phải chết rồi cứ tồn tại mãi ở cõi âm nào đó
để nhờ người thân cung phụng cúng kiếng cho ăn uống hưởng thụ. Mà những đồ mã bằng
giấy như điện thoại di động, thẻ ATM, xe hơi, nhà lầu, tiền vàng, quần áo v.v…
thì làm sao người ở cõi âm (nếu người chết chưa tái sinh, còn ở hình thái thân
trung ấm hoặc tái sinh làm loài ngạ quỷ) sử dụng được. Cõi âm tất nhiên có đời
sống khác cõi dương, hình thái chúng sinh ở cảnh giới nào thì có sự thọ dụng
theo cảnh giới đó.
Theo Phật giáo thì người quá cố chỉ có thể thọ nhận thức ăn
nước uống do người thân của mình cúng khi họ còn tồn tại dưới hình thái những
thân trung ấm hoặc sau khi đã tái sinh dưới hình thái ngạ quỷ, nhưng mọi sự thọ
nhận, thụ hưởng chỉ bằng tâm niệm, cảm xúc, chứ không phải ăn uống, thụ hưởng
như người còn sống, bởi vì họ không còn mang thân xác như con người. Người quá
cố cũng thừa hưởng được phần nào những công đức, phước báo mà người thân tạo ra
và hồi hướng cho mình.
Người Phật tử nên có chánh kiến, chánh tư duy (có nhận thức,
hiểu biết đúng đắn, tích cực; có suy nghĩ, sự quán xét trên cơ sở chánh kiến,
phù hợp với chân lý, với sự thật, phù hợp với Chánh pháp), nên làm những việc
làm có giá trị, ý nghĩa, có lợi ích thiết thực đúng với kinh điển, đúng với lời
Phật dạy. Những việc làm có giá trị, ý nghĩa nhất mà người thân dành cho người
quá cố là giúp người quá cố hướng tâm đến điều lành, phát tâm kính tin Tam bảo,
hoan hỷ trước những việc làm phước thiện mà người thân làm cho mình. Người thân
nên tích cực làm việc thiện, cúng dường Tam bảo, bố thí, phóng sinh, nỗ lực tu
tập để hồi hướng công đức phước báo cho người quá cố.
Thiết nghĩ
các cơ sở hoằng pháp, tự viện, các cơ quan truyền thông, báo chí Phật giáo nên
có những cuộc tuyên truyền vận động rộng rãi hơn nữa về việc không đốt vàng mã
nhằm mục đích bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, chống lãng phí, đem lại chánh
kiến cho Phật tử và nhân dân, hướng mọi người đến với những việc làm tích cực,
hữu ích thiết thực phù hợp với Chánh pháp. Cần phổ biến cho mọi người biết việc
cúng tế đồ mã cho quỷ thần và người thân quá cố là tập tục của Đạo giáo, không
phải là nghi lễ Phật giáo, là việc làm trái với lời Phật dạy. l