Chùa Bửu Minh

Các nhà tu hành đến Trường Sa để tu niệm, cùng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với các phật tử đang làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước và cầu nguyện cho những người con của dân tộc đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.


Hơn một tháng sau khi sáu nhà sư có mặt trên các chùa tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, một hoạt động dân sự hết sức bình thường, lại khiến một số hãng truyền thông nước ngoài tốn không ít giấy mực.



“Đừng hỏi vì sao tôi ở nhà tôi!”



Chỉ tay vào một phiến đá lát nền nằm ngay dưới bệ thờ tại chánh điện chùa Trường Sa lớn đã in hình những vệt đen lớn, Đại đức Thích Giác Nghĩa, trụ trì chùa Trường Sa lớn, giải thích đó là dấu tích của những buổi hành lễ. Đều đặn mỗi ngày, thầy Giác Nghĩa rập đầu cúi lạy không dưới năm trăm lần, người phó trụ trì là Đại đức Thích Ngộ Thành cũng cúi lạy tới hơn hai trăm lần, chưa kể tới những người dân trên đảo và khách từ đất liền ra thăm. Mồ hôi sau mỗi lần thi lễ đã khiến phiến đá đổi màu. Cuốn kinh Phật, theo lời của sư trụ trì, nếu ở đất liền phải tụng 10 năm mới xong, nhưng khi ra đảo, các thầy đặt tâm nguyện sẽ tụng thành trong ba năm.



Sau khi đoàn khách dâng hương hành lễ, Đại đức Thích Giác Nghĩa bộc bạch: “Một số phương tiện truyền thông quốc tế đã hỏi chúng tôi ra đây để làm gì?”. Rồi ông mỉm cười: “Đó là tâm nguyện của chúng tôi. Chúng tôi ra đây đơn thuần là trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc của mình. Một công dân Việt Nam ra đảo để làm tròn trách nhiệm của với Tổ quốc thì đâu có gì lạ”.




Nhà sư tại chùa Trường Sa Lớn


Đại đức Thích Giác Nghĩa cho viết, các nhà tu hành đến Trường Sa để thực hiện ba việc. Thứ nhất để tu niệm; thứ hai là cùng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với các phật tử đang làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước; thứ ba là cầu nguyện cho những người con của dân tộc đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.


Đại đức Thích Giác Nghĩa lập luận, bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc là trách nhiệm của cả dân tộc. Chư tăng cần phải đến Trường Sa để thực hiện Phật sự của mình. “Trường Sa là vùng đảo lâu đời của cha ông chúng tôi, dân tộc chúng tôi nhiều đời gây dựng để lại. Chúng tôi chỉ là những người duy trì, gìn giữ biển đảo”, đại đức nói.



Luôn đồng hành cùng dân tộc



Một số tờ báo còn đem việc nước ngoài phản đối các chư tăng ra Trường Sa để thử thái độ của những nhà tu hành. Nhưng Đại đức Thích Giác Nghĩa khẳng định: “Chúng tôi có quyền tự do tu hành ở bất cứ nơi đâu. Chư tăng chúng tôi sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền, sự bình yên quốc gia của mình… Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác. Truyền thống của đạo Phật Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Nhiều nhà sư ở Việt Nam đã tạm cởi áo cà sa để cầm súng bảo vệ Tổ Quốc khi bị xâm lăng. Khi đất nước bình yên, họ lại trở về tu hành”, nhà sư quả quyết.



Theo các nhà sư tại Trường Sa, những ngôi chùa trên quần đảo này đều có từ lâu đời. Sau khi đất nước thống nhất, các hoạt động tái thiết đất nước được tiến hành, những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa cũng được trùng tu, tôn tạo. Và chư tăng đã sẵn sàng ra đây để tu niệm. Có những người cắc cớ hỏi “làm sao chứng minh được những ngôi chùa này có từ lâu ở Trường Sa?”. Theo các nhà sư, truyền thống văn hóa của người Việt gắn với ngôi đình, mái chùa. Người Việt Nam đi đến đâu cũng thường xây dựng chùa chiền ở đó. Đất Việt Nam người Việt Nam ở, điều đó cũng đủ nói lên lịch sử lâu đời của những ngôi  chùa này.



Thượng tọa Thích Tâm Thiện, trụ trì chùa Song Tử Tây, chia sẻ tâm nguyện của chư tăng khi ra đảo là muốn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, Tổ quốc, cầu mưa thuận, gió hòa cho ngư dân. Khi đến Trường Sa các nhà sư đã hướng dẫn người dân trên đảo, ngư dân tu niệm, tụng kinh… Kể từ khi các ngôi chùa tại Trường Sa có trụ trì, số lượng người đến chùa đông hơn, đều đặn hơn.Ngư dân cũng ghé thắp hương cầu nguyện thường xuyên hơn.



Đăng Thư
Nguồn link: http://baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Su-Truong-Sa-ke-chuyen-ra-dao/20126/214711.datviet


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage