Chùa Bửu Minh

HỎI: Tôi thường nghe băng giảng của các vị giảng sư. Nhưng vì Phật pháp thậm thâm vi diệu mà tôi lại không được ai hướng dẫn nên hiểu biết còn rất nông cạn. Do vậy mong quý Báo chia sẻ thêm một số vấn đề như: “Thấy mà như không thấy, nghe mà như không nghe...”, hay câu “Khi chưa vào đạo thấy núi là núi. Học đạo rồi thấy núi không phải núi. Đắc đạo rồi thấy núi lại là núi”, hoặc câu thơ: “Khi đã biết trần gian là huyễn mộng/Thì Niết-bàn có lẽ cũng chiêm bao”… thực sự có ý nghĩa là gì? (LƯU THỊ THÚY, luuthithuy9@yahoo.com)




hello-moon-by-stephen-poff.jpg

ĐÁP:

Bạn Lưu Thị Thúy thân mến!

Nghe giảng hay tìm hiểu giáo pháp nói chung cần phải theo trình tự, thứ lớp thì sẽ tiếp nhận dễ dàng hơn. Những câu kinh, thi kệ mà bạn hỏi có ý nghĩa rất thâm thúy, ngoài sự trực nhận thông thường nên lắng lòng chiêm nghiệm lâu ngày mới thẩm thấu được tinh nghĩa.

Trước hết là vấn đề “thấy mà như không thấy, nghe mà như không nghe...”. Đây là một cách nói khác của việc làm chủ tâm ý khi đối duyên xúc cảnh. Chánh niệm tỉnh giác không để tâm ý chạy theo cảnh duyên bên ngoài là pháp tu căn bản của đạo Phật. Với người thường thì khi mắt thấy sắc, tai nghe thanh liền đó tâm khởi phân biệt; nếu yêu thích thì chạy theo, thù ghét thì xua đuổi. Như vậy, người này thấy và nghe mà bị sắc thanh trói buộc. Trong khi người tu tuy mắt vẫn thấy và tai vẫn nghe nhưng chánh niệm tỉnh giác không chạy theo sắc, không đắm vào thanh nên nói “thấy mà như không thấy, nghe mà như không nghe...”.

Kế đến, “khi chưa vào đạo thấy núi là núi” chính là nhận thức thông thường của chúng ta. Cái thấy của người chưa biết tu học, nhìn mọi thứ trên đời là có thật. Vì nghĩ rằng các pháp có thật nên luôn bị tham đắm buộc ràng. Nhưng khi “học đạo rồi thấy núi không phải núi”, đây là cái thấy có sự quán chiếu, soi rọi của tuệ giác Duyên khởi. Lúc này, người học đạo thấy mọi sự ở đời đều do nhân duyên. Đủ duyên thì tụ mà hết duyên thì tán. Cái gọi là núi kỳ thực do những cái không phải núi hợp lại mà thành. Cái thấy này có vai trò quan trọng để xả ly mọi chấp thủ, thẳng đến trí tuệ Bát-nhã, xóa tan vô minh, thành tựu giải thoát. Và khi “đắc đạo rồi thấy núi lại là núi” chính là tuệ giác vô phân biệt, trực nhận các pháp như chính nó. Lúc này tuy “thấy núi là núi” nhưng đó không phải là cái thấy phàm phu như trước đây mà chính là cái thấy của bậc Thánh sáng tỏ hoàn toàn, không còn lầm chấp và tham ái, tự tại giải thoát.

Về hai câu thơ “Khi đã biết trần gian là huyễn mộng/Thì Niết-bàn có lẽ cũng chiêm bao” cũng chính là cái ý pháp “Sinh tử và Niết-bàn đều là hoa đốm giữa hư không” của kinh Viên giác. Trần gian là huyễn mộng thì đã đành nhưng trụ chấp vào Niết-bàn (như một thực thể đối lập với sanh tử) thì chưa thực chứng Niết-bàn. Do đó, thấy rõ trần gian là chiêm bao và Niết-bàn đều là huyễn mộng, siêu việt lên những cặp phạm trù đối đãi nhị nguyên mới chính là giác ngộ đích thực.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN (tuvangiacngo@yahoo.com)

http://giacngo.vn/tuvansongdao/tuvan/2012/06/06/32C013/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage