còn vì
sao ấy có thể đã lặn khuất từ lâu lắm rồi.
Đó là khám phá của khoa học. Nếu không có nền
văn minh khoa học ta sẽ còn lầm lẫn rất nhiều thứ
trên thế gian này khi sử dụng con mắt của mình với
tầm nhìn rất giới hạn.
Nhưng khoa học cũng vẫn còn lầm lẫn, khoa học vẫn
luôn tiếp tục làm mới chính mình để điều chỉnh lại
một cách hoàn hảo về những nhận xét trước đây và
tìm tòi thêm những phát hiện mới. Cho nên mới có
khoa học tiến bộ ngày nay và chắc chắn sẽ có
khoa học tiến bộ trong tương lai. Nếu khoa học
bám chặt những hiểu biết của mình, không chịu mở
lòng ra để tiếp tục khám phá về những đối tượng
mà mình đã từng đưa ra nhận xét thì đó là một nền
khoa học cũ kỹ, lạc hậu và đầy nguy hiểm.
Trên thực tế khoa học cũng đang cố gắng ngày đêm
để không ngừng cung cấp cho con người những hiểu
biết về bản chất thật của vạn vật, nhưng số lượng
vẫn còn quá ít so với những gì đang hiện hữu
trong vũ trụ bao la này. Nghĩa là ta vẫn còn phải
chịu vướng kẹt vào vô số cái nhìn sai lầm về thế
giới vật chất chung quanh mỗi ngày.
Trái tim con người còn kỳ bí và mênh mông hơn cả
vũ trụ, nếu không có một công trình nghiên cứu
miệt mài và tinh xảo hơn cả khoa học thì làm sao
ta có thể thông đạt? Những dòng cảm xúc tuôn chảy
bất tận, những ngõ ngách tâm ý sâu kín hay những
khúc mắc chập chùng trong nhận thức luôn tạo nên
những hành động bất ngờ mà ta hoàn toàn không chủ
động được. Tại vì ta không hiểu biết bao nhiêu về
chúng cả. Mà trái tim của ta thì ta phải tự tìm
tòi khám phá chứ đâu thể trông mong vào công
trình nghiên cứu nào của ai khác. Một khi ta vẫn
chưa hiểu thấu được chính mình thì ta sẽ không
bao giờ hiểu thấu được kẻ khác. Ước muốn đó chỉ
là ảo tưởng.
Vậy mà ta vẫn thường hay tuyên bố những câu xanh
rờn: Ta đã biết hết, đã hiểu hết rồi!
Tại
vì ta luôn có thói quen nhìn mọi thứ bằng kinh
nghiệm có sẵn. Ta lười biếng quan sát bằng tất
cả sự khám phá về một vấn đề hay một đối tượng
trong giờ phút hiện tại, bởi ta nghĩ mình đã
từng có kiến thức và trải nghiệm về chuyện ấy,
nhìn sơ qua là có thể biết ngay. Thái độ chấp
chặt định kiến của ta đã khóa kín cánh cửa nhận
thức, vì lẽ đó mà không biết bao nhiêu lần trong
cuộc đời ta đã có những phán xét sai lầm đáng
tiếc.
Trong
khi bản chất của mọi sự mọi vật luôn vận hành
biến đổi không ngừng, không có cái nào hoàn toàn
giống cái nào, cái trước cũng không bao giờ giữ
nguyên phẩm chất như cái sau. Nó có thể tươi tốt
hơn, cũng có thể héo tàn hơn. Chỉ có con mắt
chưa vẩn đục, nhìn như chưa từng nhìn thấy lần
nào, bằng tất cả sự tinh khiết trong nhận thức
thì ta mới có thể tiếp xúc được sự thật về đối
tuợng ấy ngay bây giờ và ở đây.
Còn
nhớ câu chuyện của thiếu phụ Nam Xương. Khi
chàng Trương từ chiến trận trở về đã không được
đứa con công nhận là cha, vì nó được biết cha
của nó chỉ xuất hiện trên vách nhà vào ban đêm.
Trong cơn cảm xúc hờn ghen, chàng Trương đã
không chịu hỏi han hay lắng nghe một lời giài
thích tận tường của vợ. Chàng đã không sử dụng
con mắt trong để nhìn vào người vợ vói những nỗi
vất vả khổ đau và chung thủy trong những ngày
nuôi con trong chiếc bóng. Chàng đã tin lời người
khác mà đó lại là kiến thức của đứa bé thơ. Để rồi
chàng phải nhận lấy kết cục bi thương sau những
phán xét sai lầm của mình, người vợ đã nhảy xuống
sông tự vẫn như để rửa sạch oan ức cho chính
mình và cả trái tim mù quáng của người bạn đời
chăn gối.
Tổ tiên ta đã từng nhắc nhở "Muốn biết phải hỏi,
muốn giỏi phải học".
Khi
nào cái hiểu biết hay kinh nghiệm của ta còn hạn
chế thì ta vẫn phải mở lòng ra để học hỏi suốt
đời. Lắng nghe, quan sát, khám phá, thắc mắc đều
là những hành động tích cực cần phải có của một
người không bị kẹt vào những kiến thức mà mình
cho là đủ. Đâu phải chuyện gì mình cũng biết,
đâu phải cái gì mình cũng thấy được nguồn cơn.
Thông minh nhạy bén mà thiếu sự tỉnh táo và sâu
sắc thì nó sẽ trở thành năng lực nguy hại, đẩy
ta ra khỏi cái nhìn đúng đắn về thực tạỉ.
Kinh
nghiệm vốn rất hữu ích nếu ta biết dùng nó đúng
lúc đúng nơi và cả sự chọn lọc tinh tế nữa.
Nhưng ta không làm được điều đó. Vì bản ngã ích
kỷ mà ta luôn có khuynh hướng áp đặt vào đối
tượng đang rất mới trong giờ phút hiện tại bằng
những gì mình đã rút tỉa được ở đối tượng khác
trong quá khứ. Đặc biệt trong tình yêu luôn cần
đến cái nhìn trong suốt ấy hãy yêu như chưa yêu
lần nào, thì ta mới tiếp xúc trọn vẹn được con
người đang có mặt bên ta hôm nay. Ta đừng để
những vết thương quá khứ làm trở ngại công trình
khám phá và hòa nhập giữa ta và con người đang
hiện hữu. Ta sẽ không bao giờ có được họ.
Tất
nhiên bản năng tự vệ đề phòng là cần thiết nhưng
nếu đi quá xa thì nó sẽ trở thành nghi kỵ và
hiểu lầm. Người yếu đuối, thiếu tự tin, chỉ đặt
quyền lợi của mình lên trên mọi liên hệ nên lúc
nào cũng có thái độ phòng thủ, lúc nào cũng nghĩ
rằng người kia sẽ phản bội hay hãm hại mình.
Chính trí tưởng tượng phong phú kết hợp với cái
tôi nhút nhát đã dựng lên trong tâm ta những
hình ảnh sai lệch về người kia. Một cử chỉ hay
lời nói bất cẩn của người kia cũng dễ dàng trở
thành bản án chung thân mà ta trao cho họ.
Dù
người kia tìm từng mắc phạm sai lầm, nhưng trong
giây phút hiện tại này đây họ đã hoàn toàn
chuyển hóa, đứng trước ta đó là một con người
không còn chút tì vết lỗi lầm. Nhưng ta có nhìn
thấy họ như là họ đang là không? Hay những hình
ảnh xấu xa mà ta có về họ vẫn còn in khắc nguyên
vẹn trong tâm. Như vậy ta sẽ không thể ghi nhận
và sẽ đánh mất họ. Một người cố ngoi lên từ vũng
lầy mà không được đón nhận ít nhất từ đôi mắt
tin tưởng của người thương yêu thì còn đâu nghị
lực để mà đi tới chỗ hoàn thiện.
Ở bên
Tây trong các phòng bán thuốc của bệnh viện
người ta hay treo câu "Ngay cả khi bạn đã
chắc rồi, thì cũng xin vui lòng kiểm tra lại một
lần nữa". Một liều thuốc lầm lẫn có thể đưa
người ta lập tức đi vào cõi chết. Cho nên ta
phải rất cẩn trọng trong khi đưa ra lời phán xét
về một vấn đề hay một đối tượng mà mình chưa
hiểu rõ sự thật. Nếu cần ta hãy phán ba chữ "Có
chắc không?" thật lớn ngay chỗ làm việc hay
cắt thành một mẫu giấy nhỏ bỏ ba chữ ấy vào
trong túi, để trước khi mở miệng phán xét thì ta
lấy ra đọc như niệm thần chú mà không dễ dàng
sập vào bẩy của nhận thức sai lầm.
Nhiều
lần luyện tập dừng lại để nhìn rõ vào đối tượng
rước khi phán xét sẽ giúp ta có cái nhìn đúng
đắn hơn. Nếu ta đã dùng con mắt không thành kiến
của mình để nhìn mà vẫn không thấy được sự thật
thì hãy tìm cách nhờ bên kia giúp đỡ. Ta phải
sẵn sàng lắng nghe người kia bằng tất cả sự chú
tâm và thành khẩn thì mới hiểu được những góc
khuất trong tâm hồn của họ. Chừng ấy ta sẽ không
còn lên án hay buộc tội nữa, trái lại ta sẽ có
thái độ cảm thông và thương xót.
Cho
nên một người vững chãi sẽ không bao giờ
căn cứ trên vài hành động bâng quơ hay vài thông
tin chưa rõ ràng mà vội vàng kết luận một điều
gì. Có khi người kia hành xử như vậy
cũng vì hoàn cảnh bất đắc dĩ hay vì một mục đích
cao cả nào đó mà họ chưa có cơ hội để trình bày
cho ta rõ. Hãy thực tập im lặng chờ đợi và không
rời sự qua sát. Khi hai tâm hồn tự tìm tới để
hiểu nhau mà không cần phải dù tới ngôn từ để
giải thích hay chất vấn thì nó mới là đỉnh cao
nhất của tình cảm linh thiêng và bền vững.
Rút
kinh nghiệm từ những lần phán xét sai lầm đã
chôn ta vào những vũng lầy đen tối, ta hãy khôn
ngoan mỗi khi mở lời nhận xét: "Tôi thấy như
thế này không biết có đúng không?" hay "Đó
là suy nghĩ của tôi, nếu thấy có chỗ nào sai sót
thì xin nói cho tôi biết, tôi rất biết ơn".
Đừng vì tự ái hay tổn thương mà ta tự đóng bít
lối thoát cho mình bằng những lời tuyên bố chắc
ăn như đinh đóng cột. Bởi hiểu biết của ta chưa
đủ lớn thì nhận xét sẽ mãi còn sai.
Một
trong những điều kiện căn bản của hạnh phúc là
ta phải hiểu được bản chất thật của chính mình.
Hãy buông bỏ bớt những bận rộn lo toan trong lối
sống tích góp vật chất và danh dự, để lòng thanh
thản và bình an mà trở về tìm hiểu chính mình để
vén lên những bức màn định kiến đang che phủ
những góc sáng trong tâm hồn. Ở đó ta sẽ thấy
mình rất khác, một con người chân thật sau những
tấn tuồng đời đầy kịch tính.
"Đừng
vội vàng phán xét
Nhận
thức hay sai lầm
Tập
lắng nghe, ái ngữ
May
ra lòng hiểu lòng".