Nếu
có một cái gì mà khi gặp bất cứ người nào, dù nam hay nữ, già hay trẻ,
chúng ta có thể “rút từ trong túi ra” trao tặng ngay cho người ấy, thì
cái đó chính là lòng tốt.
Chưa chắc chúng ta có thể trao cho trọn vẹn
bằng ngôn ngữ, vì đôi khi không rành tiếng của người đó; chưa chắc có
thể trao cho tri thức, vì cần có trình độ tương đương giữa hai người;
cũng chưa chắc chúng ta có thể trao cho tiền bạc, giúp đỡ cơ hội, vì lỡ
người đó giàu có và thế lực hơn thì sao? Những sự trao cho đều đòi hỏi
điều kiện, chỉ có lòng tốt là không cần điều kiện. Và cái gì không cần
điều kiện, cái đó được gọi là tự do (người phương Tây dịch chữ giải
thoát của Đức Phật là tự do). Tự do có nghĩa là không lệ thuộc vào
nguyên do nào ngoài chính nó.
Chúng ta thấy người phương Tây mở miệng ra là xin
lỗi, cám ơn, cho phép… Đó là cách biểu lộ lòng tốt ra trong ngôn ngữ
hàng ngày. Đó cũng là cái lịch sự, văn minh của người phương Tây. Khi
mục tiêu của chúng ta là hướng tới một xã hội “công bằng, dân chủ, văn
minh”, thì xét kỹ, cả ba khái niệm trên đều có nền tảng là lòng tốt. Dầu
có bao nhiêu luật lệ, nhưng nếu không có lòng tốt đằng sau những luật
lệ ấy thì chúng ta dễ dàng o ép người khác khi họ yếu thế hơn.
Sẽ không có công bằng nếu không có lòng tốt. Dầu có
bao nhiêu quyền cho con người, nếu không có lòng tốt, chúng ta dễ dàng
nhũng nhiễu, thậm chí “hành” người dân. Pháp luật và dân chủ chỉ thể
hiện trọn vẹn ý nghĩa của nó khi thực sự có lòng tốt giữa con người và
xã hội. Và ngay cả theo quan niệm của phương Tây, văn minh không chỉ là
nhà cao cửa rộng, xe tốt mà còn là sự đối xử văn hóa giữa người với
người, giữa người với thiên nhiên, giữa từng cá nhân với chính mình dựa
trên lòng tốt.
Chúng ta thấy mọi tệ nạn xã hội đều do thiếu lòng
tốt. Tham nhũng, dù dưới bất kỳ hình thức nào, là do thiếu lòng tốt đối
với đa số dân chúng còn khó khăn nghèo khổ; tai nạn giao thông vì chạy
ẩu, say rượu, xe không an toàn: không có lòng tốt nghĩ đến những người
trên xe và giữa đường; thực phẩm xuất khẩu bị trả về vì có chất độc hại
quá mức cho phép: không có lòng tốt nghĩ đến sức khỏe người khác, ai
chết mặc ai miễn có lợi nhiều là được; xì-ke, Si-da: không có lòng tốt
với chính thân thể mình và với cộng đồng. Điều ngược lại cũng dĩ nhiên:
tất cả những gì tốt đẹp trên đời đều do lòng tốt mà có.
Tôi có một người bạn tu sĩ trẻ hiện đang sống ở
Canada. Những năm trước khi xuất gia, anh đọc nhiều sách Phật giáo,
nhưng khi về quê Nha Trang thăm mẹ, anh thường rủ bạn bè đi ăn ở những
nhà hàng ven biển, đủ mọi hải sản tươi sống, thích con gì thì vớt lên.
Một hôm đang đứng nơi trạm chờ xe bus ở Canada, anh thấy một cô gái
phương Tây chạy vội ra đường gắp một con sâu đang bò giữa đường bỏ vào
bụi cây bên lề, từ đó anh không hề dám tới những nhà hàng “tươi sống” ấy
nữa.
Vài năm sau, khi trên đường đi đến một tu viện
Dharamsala của Kalu Rinpoche, anh chán nản muốn trở về, vì khí hậu khắc
nghiệt, vì bị trộm cắp, vì tình trạng lộn xộn bất ổn ở Ấn Độ. Đang ngồi
thừ người trong phòng trọ tồi tàn, thì thấy một em bé gái Ấn Độ bước
vào, tay cầm trái cam, em bóc vỏ trái cam và đưa mời anh. Kết quả là anh
ở lại Ấn Độ và tiếp tục lên đường về phương Bắc.
Lòng tốt tạo ra những điều kỳ diệu, những phép lạ.
Như trong các truyện cổ tích Việt Nam, có những ông già râu tóc bạc phơ,
những bà tiên, ông Bụt…, tất cả đều là sự hiện ra để cứu giúp, đem lại
may mắn, phước lành. Suy nghĩ sâu xa, tất cả những cái gọi là rủi ro,
bất hạnh xảy ra cho mình trong cuộc đời đều là do thiếu lòng tốt. Câu
nói “Chỉn Bụt là lòng” của vua Trần Nhân Tông trong Cư trần lạc đạo phú (hội thứ ba) hẳn là chúng ta chưa hiểu hết và chưa khai thác hết dù cho đến cả những thời đại tương lai.
Mỗi người chúng ta đều có kho tàng lòng tốt nơi
mình. Chúng ta biểu lộ, thể hiện nó ra bao nhiêu thì chúng ta sẽ khám
phá ra nó bấy nhiêu. Và khám phá ra lòng tốt là khám phá ra chính con
người mình. Khám phá con người mình - đây là mục đích và ý nghĩa của đời
người - là khám phá ra lòng tốt ở trong lòng mình. Và càng thể hiện
lòng tốt ra bao nhiêu, người ta càng khám phá ra chính mình, càng làm
đẹp cho cuộc đời mình (mà từ ngữ Phật giáo gọi là “trang nghiêm”) bấy
nhiêu. Đó cũng là con đường của hạnh phúc, của hài hoà, với tất cả mọi
người, mọi vật.
Tận trong đáy lòng mỗi người là một kho tàng lòng
tốt. Khổng Tử đã nói: “Có lòng nhân là người vậy” (Nhân giả, nhân dã).
Đức Phật đã nói: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh”. Nếu chúng ta biết
sử dụng lòng tốt, khai thác nó, thể hiện nó thì chúng ta sẽ biến cuộc
đời chúng ta và những người, những vật chung quanh thành một môi trường
hạnh phúc an vui.
Có
một thứ mà khi càng cho đi thì càng có thêm nhiều, đó là lòng tốt. Có
một loại năng lượng nào càng sử dụng, thậm chí càng xài phí thì càng có
nhiều thêm, đó là lòng tốt. Một năng lượng có thể biến cải tâm hồn con
người - điều mà tất cả những năng lượng vật chất khác không thể nào làm
được - biến thế giới này thành một thế giới đáng sống, biến con người
thành những nhân cách muốn được sống cùng, đó là lòng tốt. Đây là một
cuộc cách mạng không đòi hỏi gì (vũ khí, nguồn vốn tư bản, nguồn vốn tri
thức…), nó chỉ nằm nơi quyết định và hành động của mỗi chúng ta.
Chúng ta có quyền, vì không ai có thể ngăn cấm, biến
cuộc đời chúng ta thành một sự thể hiện của lòng tốt, nghĩa là của hạnh
phúc, và có quyền biến cả thế giới này - thậm chí cả vũ trụ này - thành
thế giới của lòng tốt: thế giới nơi lòng tốt lưu thông, nơi lòng tốt
giao thiệp, nơi lòng tốt trao đổi, gặp gỡ, đối thoại, nơi lòng tốt làm
chính trị, thương mại, kinh tế, xã hội…, nghĩa là một nơi vinh danh cho
con người, thế giới và thiên nhiên, mà không cần đặt tên nơi đó là Niết
Bàn, Thiên Đàng hay cần phải mang tên bất kỳ một chủ nghĩa hoặc tôn giáo
nào.
Nguyễn Thế Đăng
(Tạp chí Văn hóa Phật giáo)