Chùa Bửu Minh

Xây chùa để làm gì?


Nguyễn Hữu Đức

Ngôi chùa được xây dựng trước là để thờ Phật, sau là nơi tu học và là nơi hoằng truyền Phật pháp chứ không phải là cỗ máy hái ra tiền cho chính quyền hay người trụ trì.


Tôi xin kể hai câu chuyện để mọi người cùng suy ngẫm:

Câu chuyện thứ nhất: Quê tôi có 5 ngôi chùa, chùa nào cũng có sư trụ trì, nhưng ngày rằm, mùng một chỉ có mấy chục cụ già đến chùa tham gia khóa lễ. Quê tôi cũng có một nhà thờ, chỉ có vài chục gia đình theo đạo, ngày chủ nhật không nói làm gì, nhưng tối ngày nào thì nhà thờ cũng sáng rực đèn người đến cầu kinh.

Tại sao lại có sự khác biệt đến thế?

Câu chuyện thứ 2: Hôm trước đến chùa nói chuyện với sư bà, được sư bà nói rằng, năm nay kinh tế khó khăn, dân ít tiền, ngày rằm mùng một người dân ít đến chùa hơn. Chẳng lẽ có thực mới vực được đạo hay sao?

Qua hai câu chuyện trên chúng ta thấy sự hấp dẫn của đạo Phật đối với quần chúng, người dân như thế nào?

Vai trò của ngôi chùa như thế nào để có thể thu hút được đông đảo người dân, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, giầu nghèo đến chùa lễ Phật học đạo.

Đừng biến ngôi chùa thành cái miếu thờ,  và bảo tàng Phật giáo

Ngôi chùa là nơi hiện hữu của ba ngôi tam bảo: Phật, pháp, tăng. Nhưng hiện nay nhiều ngôi chùa chỉ tồn tại Phật bảo mà thiếu vắng cả Tăng bảo và Pháp bảo.

Phật bảo: nhiều ngôi chùa chỉ đơn giản như một cái miếu thờ. Phật ở đây được hiểu sai lệch, được tô vẽ như một ông thần có đầy đủ quyền năng ban phúc giáng họa để người đi chùa thỏa sức cúng bái, cầu xin, van lạy.

Tăng bảo: nhiều chùa không có sư trụ trì, việc trông coi ngôi chùa được phó thác cho ban hộ tự chỉ để lo thu tiền và quản lý tiền công đức mà thôi giống như chùa Hà ở Hà nội vậy. Hoặc việc quản lý chùa dành cho một số ông thầy bà đồng đứng ra trông coi và vô hình dung biến ngôi chùa thành nơi diễn ra các hoạt động mê tín dị đoan, khiến người dân và chính quyền có cái nhìn không thiện cảm với đạo Phật.

Nhiều chùa có sư trụ trì, nhưng tình trạng cũng không khá hơn mấy. Nhiều sư trụ trì đóng vai trò là thầy cúng, người thủ nhang, người quản tiền công đức là chính.

Người trụ trì như một người lái đò, thả thuyền từ để cứu vớt người trầm luân, chứ không phải biến ngôi chùa thành một ốc đảo để một mình mình tu hoặc để tránh xa trần thế.

Pháp bảo: Kinh sách nhà chùa cất để trên giá, hoặc để tụng mà không phải để giảng. Tăng bảo là người thay Phật hoằng truyền Phật pháp tại thế gian thế nhưng nhiều sư trụ trì cả đời tu hành nhưng không một lần giảng pháp.

Thử hỏi có bao nhiêu chùa, hàng tuần hàng tháng, hàng quý tổ chức được khóa tu, khóa giảng giải Phật pháp cho hàng Phật tử.

Đến ngày rằm mùng một, Phật tử đến chùa lễ Phật xong rồi về mà  không được một câu giảng Pháp thì làm sao mà Phật tử đi chùa hiểu được đạo, đi chùa như thế không mê tín mới lạ. Bà nội tôi đi chùa đã mấy chục năm nay nhưng khi cháu hỏi Tam bảo là gì thì bà không cũng biết. Đơn giản vì nhà chùa chỉ tổ chức khóa lễ tụng kinh sau đó thụ trai rồi về.

Thiết nghĩ ban Tăng sự, ban Giáo dục tăng ni, ban Hoằng pháp cần có kế hoạch cụ thể khi bổ nhiệm một vị trụ trì cho một ngôi chùa, thì vị thầy đó không chỉ có giới đức, am hiểu giáo lý nhà Phật mà vị trụ trì phải có kỹ năng hoằng pháp, kỹ năng tổ chức khóa tu và kỹ năng quan hệ với cộng đồng.

Nhiều ngôi chùa mới xây dựng rất khang trang, hoặc đang có kế hoạch xây dựng, nhìn vào đồ án thiết kế nào là tam bảo, nhà tăng, nhà tổ, nhà mẫu, trai đường mà lại thiếu đi hạng mục cực kỳ quan trọng đó là giảng đường.

Ngay từ ban đầu, mục đích chính khi xây ngôi chùa người ta đã chỉ quan tâm đến việc xây chùa là để thờ Phật chứ không phải là nơi hoằng truyền Phật pháp, là nơi tu học theo giáo lý nhà Phật.

Một khi đã xem nhẹ việc hoằng pháp và tu học như thế thì hệ quả tất yếu chúng ta có hàng Phật tử đi chùa chỉ biết cầu xin mà không hiểu đạo. Mà khi đã không hiểu đạo thì việc bị cải đạo dễ như trở bàn tay.

Phật bảo, Tăng bảo, Pháp bảo là ba ngôi báu giúp ngôi chùa đứng vững như kiềng ba chân. Một ngôi chùa mà thiếu đi một hoặc 2 cái chân như thế thì ngôi chùa đó làm sao có thể trụ vững được trong một xã hội đầy biến động và cạnh tranh giữa các tôn giáo như ở Việt nam hiện nay.

Đừng biến ngôi chùa thành điểm khai thác du lịch, hoặc là cỗ máy hái ra tiền

Gần đây có thông tin ở bên TQ người ta còn đưa chùa nên sàn chứng khoán, hay như ở Việt nam ban quản lý danh thắng Yên Tử có kế hoạch thu phí khách hành hương Yên Tử.

Ngôi chùa được xây dựng trước là để thờ Phật, sau là nơi tu học và là nơi hoằng truyền Phật pháp chứ không phải là cỗ máy hái ra tiền để cho người quản lý ra sức tìm cách thu được nhiều tiền càng tốt. Chùa thì xây nhiều ban, để thật nhiều hòm nhiều hòm công đức.

Có câu: từ quang phổ chiếu- ánh sáng từ bi của nhà Phật chiếu khắp muôn nơi không phân biệt. Do vậy, người có tiền hay không có tiền thì cửa chùa luôn rộng mở người đến lễ phật học đạo. Chốn thiền môn không phải là nơi dành cho người có tiền mua vé mới được vào.

Nhớ lại cách đây gần 10 năm, vấn nạn chùa giả ở thắng cảnh Hương. Nhiều tư nhân bỏ tiền ra xây chùa “giả”. Họ xây chùa không phải để cúng dường cho giáo hội làm nơi hoằng pháp và tu học mà họ xây chùa để kiếm lời. Họ tự quản lý chùa, thu tiền công đức, rồi đồng tiền công đức đó chảy vào túi “ nhà đầu tư” để làm giầu cho họ.

Ngày nay, không có hiện tượng chùa giả nữa nhưng xây chùa với mục đích kinh doanh du lịch. Có dự án xây chùa quy mô hoành tráng hàng trăm hecta đất, kinh phí hàng ngàn tỉ đồng, chùa to Phật lớn ghi vào kỷ lục Việt Nam kỷ lục châu Á. Rất tiếc chùa to Phật lớn như vậy nhưng không một lần giảng pháp, tổ chức khóa tu mà đơn giản chỉ là nơi thu hút khách du lịch. Ấy thế mà người ta vẫn sốt sắng ngồi vào cái ghế trụ trì chùa ấy. Để làm gì?

Khách hành hương đến đó cũng không phải để học Phật pháp mà để thăm quan du lịch để thỏa trí tò mò hiếu kỳ xem những kỷ lục kia ra sao.

Mỗi năm nơi đó thu hút hàng triệu lượt người tới thăm, nhưng đừng vội nhìn vào con số đó mà chúng ta mừng rằng PGVN đang hưng thịnh. Con số chẳng nói lên điều gì. Thử hỏi trong hằng triệu du khách đó có bao nhiêu người đến đó đã được nghe giảng, bao nhiêu người ra ra về đã ngộ được đạo, hiểu được lời Phật để rồi trở thành một người Phật tử thuần thành, hay đi lễ về vẫn đầy tham sân si.

Chúng ta đang say mê với các kỷ lục Phật giáo, lo trùng tu xây mới chùa to Phật lớn, chúng ta mới chỉ đang chú trọng tô vẽ cái phần xác mà quên đi bồi đắp cái hồn, cái gốc của đạo là truyền bá chính pháp và hướng dẫn mọi người hành trì theo lời Phật.

Đừng biến ngôi chùa chỉ là nơi cầu cúng và hối lộ Phật thánh

Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, ngôi chùa là nơi truyền bá chính pháp. Nhưng nhiều chùa hiện nay chỉ chú trọng vào việc cúng lễ hơn là giảng đạo và tổ chức khóa tu. Nào là hộ niệm, cầu siêu, cúng tuần, dâng sao giải hạn, giải oan.. vô hình dung biến đạo Phật thành đạo cầu cúng và đạo của người chết.

Một khi đã là đạo của người chết thì làm sao thu hút được người sống và người trẻ đến chùa. Cả đời tạo nghiệp, đến lúc chết nhờ hộ niệm và câu siêu liệu có siêu thoát? Đầu năm cầu an mà quanh năm tạo nghiệp liệu có an?

Hình ảnh đầu năm đông nghịt người đến chùa Phúc Khánh lễ cầu an được thay bằng hình ảnh Phật tử đến chùa tham dự khóa tu thì quý biết mấy.

Nhà chùa thay vì chỉ tổ chức cúng lễ mà còn tổ chức khóa tu, tổ chức lễ mừng thọ, lễ hằng thuận, tết trung thu, phát học bổng cho người hiếu học và phát từ thiện cho người nghèo…những việc làm đó vừa ích đạo lợi đời và có ý nghĩa thiết thực, tăng sự gắn kết giữa nhà chùa và phật tử tại địa phương.

Nhưng mấy chùa đã làm được?

Ngày rằm mùng một và cả ngày thường các chùa ở Hà Nội và làng quê bắc bộ vẫn đông người đến chùa. Nhưng người ta đến chùa không phải là hướng Phật, học Phật mà là để cầu xin. Người ta dâng lên tam bảo một chút hoa, quả cúng một ít tiền lẻ để đổi lấy cầu xin Phật thánh ban cho đủ thứ từ sức khỏa, tài lộc, chức tước, tình duyên, mua may bán đắt…

Có người cho rằng sắm lễ càng to theo kiểu “ tốt lễ dễ kêu, cầu gì được lấy”. Đi chùa như vậy lợi ích được nhiều chăng?

Chính vì đi chùa để cầu xin mà không cần học đạo cho nên họ không hiểu đạo, vì không hiểu đạo mới có những hình ảnh phản cảm diễn ra ở chùa như: rải tiền lẻ, cài tiền vào tượng, vào bất cứ chỗ nào trên ban thờ, mài tiền vào tượng vào chuông, ăn uống, xả rác bừa bãi, đốt vàng mã, chen nhau lễ bái. Những chuyện như thế hết năm này đến năm khác vẫn tái diễn mà không biết tái diễn đến bao giờ?

Chừng nào người ta đi chùa không cần mang cái gì để mặc cả với Phật thánh, mà chỉ cần đốt một nén tâm hương, lòng mình hướng Phật, học lời Phật dậy, soi lại trong từng suy nghĩ, lời nói việc làm có điều gì còn sai trái để mà sám hối, để mà phát nguyện từ nay sống tốt, siêng làm các việc lành tránh làm các việc lánh ác để đem lại lợi lạc cho bản thân và cho cộng đồng cho xã hội. Việc đi chùa như thế mới thực sự có ích và kết quả.

Chừng nào chúng ta có thật nhiều ngôi chùa như chùa như chùa Bằng, chùa Sùng Phúc, chùa Diên Quang, chùa Hoa Nghiêm, chùa Từ Tân, chùa Hoằng Pháp.. ở nơi đó chùa là chùa kiểu mẫu, thầy là thầy kiểu mẫu, Phật tử là kiểu mẫu, tu học cũng là tu học kiểu mẫu thì đạo Phật Việt nam lúc đó mới thật sự hưng thịnh và sinh hoạt Phật pháp mới là thực chất, cây Phật giáo mới thật sự sâu gốc bền rễ trên mảnh đất VN này.

Mong lắm !

Xây chùa để làm gì?


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage